Monday, December 19, 2022

17 Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh - Trại Trảng Lớn 7/75-7/76 – Chương 17

Thoạt mới quan sát hệ thống xã hội Cộng sản, người quốc gia không khỏi không kinh ngạc và tự hỏi: Tại sao bọn lãnh tụ chúng nó tài thế, đã tạo được cả một thế hệ đồng dạng với nhau từ lời ăn tiếng nói, từ nếp suy nghĩ dẫn đến hành động? Một lời nói của lãnh tụ ban ra là một chân lý và được tất cả mọi người bên dưới lập lại những lời lẽ ấy với tất cả sự kính cẩn. Thí dụ Hồ Chí Minh nói rằng “tình hữu nghị Việt Trung đời đời bền vững”, thì cả nước đều dùng đúng từng chữ như thế trong một dịp thích hợp với câu nói ấy. Hoặc giả Hồ Chí Minh ca ngợi “mái tranh nền đất là truyền thống dân tộc”, thế là từ trên xuống dưới biến câu nói ấy thành một… hành động cụ thể; có nghĩa là bất cứ dịp nào có thể, đều tìm cách biến đất nước trở về thời đại… nền đất mái tranh! Đây cũng là lý do bọn tù cải tạo phải đổ mồ hôi nước mắt phá cho bằng sạch những khu tiền chế tối tân của Mỹ, đào xới tất cả những nền nhà xi măng do Mỹ thiết lập để đào ao lấy đất đắp nền, cắt cỏ tranh đan mái…


Bằng phương pháp nào Cộng sản biến con người thành một cái máy nhận lệnh ngoan ngoãn như vậy? Câu trả lời chính xác không vượt ra ngoài câu: Tuyên truyền nhồi sọ!

Kỹ thuật nhồi sọ của Cộng sản không phải không có những cái độc đáo của nó. Họ áp dụng nguyên tắc nước chảy đá mòn, có nghĩa là nói nhiều, nói mãi, nói một đề tài và buộc con người bị trị phải cùng nhau nhai đi nhai lại những đề tài ấy. Quân dân cán chính, nam phụ lão ấu, tất cả đều không thoát khỏi sự nhồi sọ này dưới chế độ Cộng sản.

Nằm trong trại, đêm đêm nghe tiếng loa vọng từ họ đạo Cao Xá về tới khu nhà ngủ trong trại tù, Vĩnh và các bạn đều biết rằng dân bên ngoài cũng đang bị nhồi sọ với những bài bản y hệt bên trong! Và từ đó, Vĩnh biết thêm rằng ở ngoài đời, ngoài việc chúng cũng bắt dân hội họp học tập từng đêm, nơi mỗi khu phố, chúng còn bắc thêm một cái loa. Cái loa lải nhải suốt ngày bài học của nhà nước. Người dân ngày hôm nay nghe chối tai, ngày mai nghe chối tai, tháng này nghe chối tai, tháng tới vẫn nghe chối tai… nhưng một ngày nào đó, trong một hoàn cảnh nào đó, tự dưng người dân thấy mình phát ra một câu nói giống hệt cái loa của nhà nước đã nói. Thế là nhà nước Cộng sản đã âm thầm ghi được một điểm son. Nhưng giả dụ anh người dân kia cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt vẫn chưa thể giúp cho nhà nước cái điểm son đó, nhà nước vẫn không lấy gì làm âu lo và vội vã. Nhà nước sẽ nhận định rằng: Nó im lặng, nó rút vào cái vỏ, không hề có một lời nói hoặc hành động nào chống phá mình là được rồi. Còn lỗ tai nó coi như điếc, khối óc nó coi như đã đặc lại, không đáng kể. Cứ để thời gian quăng nó vào cái thùng rác của lịch sử, nằm chung với bọn ngụy quân ngụy quyền, bọn tư sản mại bản, bọn địa chủ phú hào… Lời tuyên truyền của nhà nước nếu không nhập được vào đầu của thằng bố thì sẽ nhập vào đầu thằng con. Và nếu thằng con vì một lý do gì cũng không “cải tạo” được nữa thì sẽ còn thằng cháu. Thế nào rồi nhà nước cũng có một thằng “tiến bộ” nghe theo và làm theo những lời tuyên truyền qua phương tiện cái loa. Đường lối ấy không vượt ra ngoài một câu nói của Hồ Chí Minh: Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người.

Trên một căn bản nào đó, từ 54 đến 75, Cộng sản đã thành công trong việc tuyên truyền nhồi sọ. Ít nhất qua hình thức, người ta cũng thấy Cộng sản tạo được một xã hội đồng dạng để biểu dương sức mạnh trong cuộc tấn công vào phòng tuyến của người quốc gia; dù rằng trên thực tế, bên trong của sự đồng dạng ấy là một cái hũ nhốt muôn nghìn sự mâu thuẫn. Thế nhưng nếu một nhà báo Tây Phương có dịp hỏi một người dân miền Nam rằng anh thấy Thiệu như thế nào? Nhà báo ấy sẽ rất dễ dàng nhận được câu trả lời: Thiệu bị Mỹ chi phối hoàn toàn! Tôi ghét Thiệu! (dù trên thực tế không phải không có những lần Thiệu chửi Mỹ ra mặt!). Nhưng nếu cũng nhà báo ấy hỏi một người dân miền Bắc xã hội chủ nghĩa rằng Bác Đảng thế nào? Thì chắc chắn nhà báo ấy sẽ được trả lời: Bác và Đảng đã xây dựng được một nước Việt Nam mới hoàn toàn độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc. Công ấy không thua gì công của các vua Hùng; dù rằng trong đáy thâm tâm, người trả lời câu hỏi biết rõ một trăm phần trăm rằng Bác và Đảng nô lệ Nga Tàu ra mặt, và là tác giả chính của câu “áo anh rách vai quần tôi có hai miếng vá”.

Ngày hôm nay, trong trại tù Cộng sản, Vĩnh và các bạn đang khởi sự nếm mùi nhồi sọ của Cộng sản!

Sự nhồi sọ trong tù cải tạo được diễn tiến qua năm giai đoạn:

1. Lên lớp tiếp thu bài học từ giáo viên.

2. Trở về phòng nghiên cứu bài học, đào sâu suy nghĩ về bài học, soạn đề cương cho bài học để sửa soạn bước vào thảo luận dựa trên bài học.
3. Thảo luận bài học theo cấp tổ 10 người.
4. Làm bài thu hoạch để nộp cho quản giáo.
5. Lên hội trường để được giải đáp các sai trái trong bài thu hoạch nếu có và bị quản giáo ghi nhận. Rút ưu khuyết điểm về tất cả các bước trong bài học vừa qua.

Năm bước nhồi sọ trên, cái bước ghê gớm nhất là bước thảo luận phát biểu.

Một tổ 10 người, có một thằng vệ binh ngồi giám sát, dưới sự điều động của tổ trưởng (Việt cộng gọi là trụ trì). Mười người ấy sẽ thay phiên nhau phát biểu những câu hỏi mà giáo viên đã cho sẵn ngay sau khi kết thúc bài học ở bước 1.

Bài học về tội ác của Đế quốc Mỹ chỉ có hai câu hỏi để mọi người dựa vào đó mà phát biểu.

1. Tại sao nói Đế quốc Mỹ là kẻ thù của nhân dân ta và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới?
2. Tại sao nói Đế quốc Mỹ là con đỉa hai vòi?

Tổ A.3 dĩ nhiên do tổ trưởng Quách Tứ trụ trì. Cả tổ ngồi thành một vòng tròn nơi một góc nhà được chỉ định. Khi tên vệ binh có nhiệm vụ ngồi giám sát ra lệnh bắt đầu làm việc, thì tổ trưởng sẽ là người tiên phong phát biểu làm gương. Tổ trưởng Quách Tứ bắt đầu:

– Thưa các anh em, tôi xin phát biểu về hai câu hỏi trong bài học. Câu thứ nhất tại sao nói Đế quốc Mỹ là kẻ thù của nhân dân ta và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới? Các anh em thấy đấy, Việt nam ta đất không rộng, người không đông, không hề ân oán gì với Đế quốc Mỹ, thế mà chỉ vì lợi nhuận, Đế quốc Mỹ đã áp dụng chính sách thực dân mới, đổ của dựng ra một chính quyền tay sai và một quân đội đánh thuê để thực hiện đường lối xâm lược của Mỹ, nhằm mục đích biến nước ta thành một bang chư hầu của Mỹ, phục vụ cho quyền lợi Mỹ. Mỹ đã trút xuống đất nước ta một số lượng bom đạn nhiều gấp hai lần được cả hai phe Đồng Minh và Trục xử dụng trong lần thế chiến thứ hai. Mỹ đã xử dụng tay sai phạm muôn nghìn tội ác với nhân dân ta bằng những hành động cướp của, giết người, đốt nhà, hãm hiếp phụ nữ, tàn sát những chiến Sỹ Cách mạng là con em nhân dân. Mỹ đã trút bom đạn 9 ngày đêm xuống thủ đô Hà Nội ta, và huênh hoang tuyên bố sẽ đưa miền Bắc chủ nghĩa xã hội trở về thời kỳ đồ đá. Nhưng Mỹ giàu mà không mạnh. Và cái quốc sách “vũ khí luận” của Mỹ đã tự chứng tỏ sự sai lầm của nó khi Mỹ đã bị nhân dân ta, quân đội ta nhất trí cùng Đảng, theo lời Bác gọi, đoàn kết đánh trả và đã chiến thắng Đế quốc Mỹ cùng bọn tay sai ngụy quân ngụy quyền một cách hoàn toàn và triệt để. Cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ cứu nước của ta đã hoàn toàn thắng lợi. Từ đây, đất nước ta đã sạch bóng quân thù, và sẽ không một thằng thực dân đế quốc nào còn dám nhòm nhỏ xâm lược nữa.

Quách Tứ phát biểu một hơi y chang bài học. Sau đó, để kết luận câu 1, anh nói: Liên hệ bản thân, tôi xấu hổ vì sự lầm lẫn của mình giữa bạn và thù. Tôi đã phạm muôn nghìn tội ác với nhân dân, đã bắn giết Cách mạng không gớm tay, dù rằng… nói tới đây Quách Tứ hơi nghĩ ngợi. Một thoáng anh tiếp. Dù rằng từ ngày ra trường tôi chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là sỹ quan huấn luyện lái trực thăng ở Nha Trang…

Anh em đều cười thầm trong bụng. Thế nhưng thằng vệ binh oắt con cũng chẳng vừa. Nó điểm mặt Quách Tứ sửa sai tại chỗ.

– Anh nói hay lắm nhưng kết luận như cứt! Chạy tội phỏng? Anh phát biểu lại phần liên hệ về bản thân với tội ác đã phạm tôi xem nào. Không đạt yêu cầu là tôi cùm anh.

Quách Tứ hơi hoảng. Anh ngó các bạn rồi phát biểu lại.

– Dù rằng là một sỹ quan huấn luyện, nhưng tôi bị Mỹ ngụy nhồi sọ tư tưởng chống Cộng đến cùng. Do đó, tôi đã tích cực huấn luyện các phi công làm sao triệt hạ mục tiêu cho chính xác, xử dụng bom như thế nào để tận dụng được mọi ưu điểm của loại bom đó, có nghĩa là giết được càng nhiều càng tốt. Như thế, tôi là người chịu nhiều trách nhiệm hơn cả những người do tôi huấn luyện đi dội bom tàn sát Cách mạng.

Quách Tứ tính nói thêm nhưng tên vệ binh đã len vào.

– Phải như thế chứ! Giờ này mà còn giọng điệu ngoan cố chạy tội là không tốt. Câu một đủ rồi. Anh phát biểu tiếp câu hai.

Và Quách Tứ phát biểu tiếp câu hai.

– Thưa các anh tôi xin phát biểu tiếp câu hai. Tại sao nói Đế quốc Mỹ là con đỉa hai vòi? Như các anh thấy đấy. Nước Mỹ là một nước do những tập đoàn tư bản phản động thay nhau lãnh đạo. Tổng thống Mỹ cũng chỉ là con đẻ của những tập đoàn ấy. Ta có thể nói thẳng rằng những tập đoàn tư bản ở Mỹ chỉ là một bọn cướp ngày. Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan mà lại! Thế cho nên chúng ra tay vơ vét sức lao động của người dân trong nước, vẫn chưa đủ cho lòng tham, chúng còn tìm mọi cách với cái vòi thứ hai của chúng sang những nước khác để vơ vét bằng đường lối thực dân mới. Đế quốc Mỹ là nguồn gốc của mọi cuộc chiến tranh. Đế quốc Mỹ là nguồn gốc của mọi sự bóc lột trên thế giới. Do vậy, thật là chính đáng khi Đảng nói rằng nó là con đỉa hai vòi và mọi nhân dân tiến bộ trên thế giới đều coi nó là kẻ thù số một.

Theo đúng như khuôn mẫu, sau mỗi câu phát biểu phải có một phần liên hệ bản thân. Quách Tứ sau một lúc nhìn vào giấy để ôn bài, tiếp. Tôi đã du học tại Mỹ. Tôi đã nhìn thấy xã hội và người dân Mỹ như thế nào. Quả là Đảng đã nói đúng. Nước Mỹ có những khu nhà chọc trời cho bọn tư bản sống và ăn chơi phè phỡn, đồng lúc bên cạnh những khu nhà chọc trời đó là những “chòi tranh rách nát”, nơi sinh sống của giai cấp công nhân thợ thuyền Mỹ, suốt đời kéo lê kiếp nô lệ trong các xí nghiệp, các hầm mỏ và chỉ mơ mộng có đủ bánh mì nuôi thân và nuôi gia đình. Tôi rất xấu hổ đã phục Mỹ nể Mỹ và đã sống bằng bơ sữa của Mỹ, chịu sự huấn luyện của Mỹ để chống phá Cách mạng, chống phá nhân dân ta với cả nhân dân tiến bộ trên thế giới nữa.

Câu phát biểu thứ hai không bị chê trách. Tổ trưởng Quách Tứ đã vác thánh giá đi qua một đoạn đường. Theo đúng thứ tự, anh chỉ định tổ phó Khoa phát biểu. Tổ phó Khoa trang trọng sửa lại dáng ngồi cho ngay ngắn. Anh khẽ liếc mắt qua bản đề cương đặt trên đùi rồi cất tiếng.

– Thưa anh em, nối tiếp anh tổ trưởng, tôi xin phát biểu câu thứ nhất. Tại sao nói Đế quốc Mỹ là kẻ thù của nhân dân ta và nhân dân tiến bộ trên thế giới? Các anh em thấy đấy. Việt Nam ta đất không rộng, người không đông, không hề ân oán gì với Đế quốc Mỹ…

Cây thánh giá mà tổ phó Khoa vác tiếp theo tổ trưởng Tứ cũng từng đó chặng đường, cũng từng đó vấp ngã, cũng từng đó tủi nhục, cũng từng đó được nâng lên và được xỉ vả!

Hai ngày trời mới chấm dứt việc thảo luận phát biểu. Vĩnh nhẩm tính chỉ qua việc phát biểu ở cấp tổ thôi, hai câu trên đã lọt vào tai mỗi người trong tổ 10 lần. Mười lần phải để nó lọt vào tai, với những khối óc kém trí nhớ nhất cũng phải thuộc lòng. Thế nhưng chao ôi, còn sống dưới chế độ nhồi sọ này nào phải chỉ có lọt vào lỗ tai 10 lần!

Sau khi tất cả các khối chấm dứt phần thảo luận bài học 1, cả trại được nghỉ xả hơi một ngày để sửa soạn cho việc lên lớp hướng dẫn thu hoạch.

Sau một ngày lao động người ta dễ tìm lại được một sự thoải mái đầu óc. Thế nhưng sau một ngày thảo luận những đề tài chính trị nhồi sọ một chiều, dù đã nghỉ một ngày xả hơi, đầu óc vẫn thấy đau nhức như búa bổ. Vĩnh đã nằm lơ mơ cả buổi chiều. Khi màn đêm nhá nhem Vĩnh mò sang khối 1 gặp Ứng chuyện trò một lúc. Sau nhớ đến vụ thuốc lào Vĩnh vội quay về khối tìm gặp Dung.

Nguyễn Xuân Dung, thiếu úy thiết giáp, vợ bầu sắp đẻ thì đi tù. Nhà Dung ở miệt Phạm Thế Hiển. Anh cũng là một trong những tay săn thuốc lào tài tình của khối. Khi trưa Vĩnh lấy của Ứng 5 đồng tiền mới đưa cho Dung nhờ Dung mua cho ít thuốc lào ngon từ một nguồn gốc mà không ai biết được. Tối nay Vĩnh hy vọng tràn trề sẽ có tí thuốc ngon hút với mấy thằng bạn thân thiết. Tìm quẩn quanh một lúc không thấy Nguyễn Xuân Dung đâu cả, Vĩnh xà xuống chỗ ông già Đang, người chơi thân với Dung, hỏi thăm.

– Bác Đang, bác thấy thằng Dung đâu không?

Ông già Đang là một cựu thiếu úy già ngành hành chánh tài chánh. Ông gầy và cao nhồng như một con sếu. Ông góa vợ và có một bầy con để nuôi. Hiện tại ông đang nằm nơi chỗ của ông, vắt tay trên trán mắt ngó kèo ngó cột! Nghe Vĩnh hỏi, ông chỉ chậm rãi bỏ cánh tay trên trán xuống, ngó Vĩnh trả lời như người hết hơi.

– Tôi có giữ ông ấy trong túi đâu nào!

Vĩnh không vui lắm với câu trả lời hơi kém thân mật hơn ngày thường của ông già Đang, nhưng anh không giận. Anh nhìn ông, đánh nhẹ một đòn tâm lý.

– Sao hôm nay có vẻ buồn thế bác?

– …..

– Sửa soạn làm một bi xiện (*) chăng?

Đúng như sự dự trù của Vĩnh. Dù không tỏ lộ sự thèm muốn quá lộ liễu, nhưng Vĩnh đã đọc được sự trìu mến khác thường trong đôi mắt của ông Đang vừa chiếu vào anh. Ông bỏ hẳn tay khỏi trán, dọ dẫm.

– Giờ này được hút một điếu thuốc ngon chết cũng thỏa…

– Thằng Dung nó có thuốc xiện không cho bác hút à?

– Nó chỉ hứa cho một ít nhưng đã có đâu!

– Đấy, tôi đang tìm nó đấy. Nó đưa tôi tôi sẽ mời bác hút thả cửa.

Như người trúng số hụt, ông già Đang lại buông một tiếng thở dài. Ông nằm yên không buồn nói thêm gì nữa.

Vĩnh lại tiếp: Bác Đang à!

– Gì nữa ông?

– Hỏi thật bác nhá. Hơn nửa năm qua có bao giờ bác thấy thèm một tí hĩm không?

Ông già Đang nghe Vĩnh hỏi vội xua tay như đuổi ruồi.

– Thôi thôi ông cố nội! Một điếu thuốc còn mơ ước không ra. Ông lại còn gieo vào giấc ngủ thằng già này cái mùi mắm kho mắm chưng huyền hoặc ấy làm gì cho khổ!?

Vĩnh thấy khoái trá với lối ví von thú vị bất ngờ của ông già Đang. Ví mùi đàn bà với mùi mắm kho mắm chưng lúc này thì thật là … số một!

Vĩnh cười.

– Ngồi lên đi. Chút nữa sẽ có thuốc cho bác hút. Ngồi lên nói chuyện cho quên đời.

Ông Đang vẫn như chưa có hứng nói chuyện. Ông gãi lông mày.

– Thôi khi nào có thuốc ông kêu tôi dậy cho tôi ăn mày một hơi thì tôi cám ơn ghê lắm. Bây giờ tôi chỉ muốn dim dim tí thôi. Tôi muốn quên đi mấy cái bài thảo luận đau đầu đau óc. Ngày mai lại phải lên hội trường nghe bài học mới rồi. Chán lắm thôi!

Vĩnh biết ông già Đang đang đau đầu thật. Anh hỏi vớt vát.

– Thế bác biết thằng Dung chạy đâu không?

– Khi chiều tôi thấy nó cứ lẩn quẩn sau dãy cầu tiêu. Hình như nó tìm cách liên lạc với một thằng bạn nào đó bên T4.

Vĩnh nhìn ra bầu trời đầy sao, lòng buồn buồn nghĩ đến ngày mai. Lại lên hội trường. Lại phát biểu. Lại nhắm mắt nhắm mũi tự đem mình ra mà chửi rủa trước mặt quân thù. Thốt nhiên một tràng súng nổ vang. Thêm một tràng súng nữa. Hai tràng AK.47 nổ dòn trong đêm tối, làm dựng đứng cả những kẻ đi ngủ sớm trong phòng lẫn những kẻ đang ngồi tán gẫu với nhau ngoài sân.
Chỉ vài phút sau đó vệ binh và quản giáo đã súng đạn tràn vào đầy sân trại. Tất cả mọi người bị lùa về phòng. Màn tập họp điểm danh bất thường tiếp theo đó diễn ra trước mọi khối.

Khối 2 thiếu một người!

Khối trưởng Trai chỉ sau vài phút tập họp điểm danh đã báo ngay người vắng mặt là Nguyễn Xuân Dung. Tất cả mọi người phải vào phòng và trở về chỗ nằm. Biện pháp tiêu tiểu ngay trước cửa phòng lại được ban hành. Sự kiện này diễn ra không còn lạ với mọi người. Lâu lâu các trại thuộc L4 lại có một màn vượt ngục. Mới cách đây hơn tháng bên L4T4 bắn chết một tay vượt ngục ngay cổng trại. Người vượt ngục là một trung úy xuất thân võ bị Đà Lạt. Anh vượt ngục bằng cách đêm xuống xông chạy thẳng ra ngoài bằng lối cổng chính. Vệ binh bắn anh chết dính vào con ngựa chận cổng…

Như mọi người Vĩnh về chỗ nằm. Anh có bao điều lo âu muốn nói mà không biết nói với ai. Theo Vĩnh nhận xét, Dung là một tay rất lành và rất kỹ; chưa bao giờ để lộ một tí tư tưởng chống đối nào. Nhưng giả dụ hắn có mưu vượt ngục đi nữa, thì với kinh nghiệm của một sỹ quan tác chiến ngành thiết giáp, không bao giờ Dung lại dại dột nhè cái đêm sao vằng vặc và trăng đã bán tuần như thế này để mà vượt ngục. Nhớ đến 5 đồng đưa Dung ban trưa nhờ mua thuốc lào Vĩnh lại đâm lo. Ai có thể bảo đảm được rằng qua những trận đòn thù, 5 đồng ấy lại không biến thành một số tiền của một tên phản động yểm trợ cho một tên phản động khác vượt ngục tìm đường “móc ngoặc với bọn thảo khấu đang ngoan cường tiếp tục chống phá cách mạng bên ngoài”!

Giọng Bính bỗng khẽ cất lên bên tai Vĩnh.

– Không biết nó sống chết lẽ nào!?

Vĩnh không trả lời. Anh nhìn qua kẽ vách về phía cầu tiêu. Bọn an ninh, bọn vệ binh phối hợp với bọn quản giáo đang nhá đèn pin lục lạo. Từ chỗ Vĩnh nằm nhìn ra phía dãy cầu tiêu sát hàng rào cách một vuông sân lớn trồng ớt và rau dền. Sự quan sát do đó bị cản trở rất nhiều. Tuy vậy, Vĩnh và mọi người vẫn có thể loáng thoáng nhận ra bóng bọn cai tù đang lục soát và nghe rõ tiếng chửi thề của chúng.

Bính vẫn thều thào: Nó lục lạo mà chửi thề như vậy là chắc thằng Dung thoát rồi.

Vĩnh lo âu.

– Tao vẫn chưa hiểu tại sao nó lại chọn con đường ấy!?

Sở dĩ Vĩnh nói như thế là vì con đường nằm phía sau dãy cầu tiêu là đường dẫn vào khu giao điểm của các trại 1, 2, 3, 4 và 5. Đoạn đường này có rất nhiều trạm gác. Muốn vượt ngục không ai đâm vào con đường tử lộ ấy. Tại sao nó không vượt hàng rào phía Nam, băng qua cánh đồng lau dẫn đến họ đạo Cao Xá? Nó là dân Bắc Kỳ Công Giáo Di Cư thứ thiệt, Việt cộng gọi là thành phần Thánh Giá Há Mồm (*) đã đem Chúa chạy vào Nam (!), rất dễ trà trộn xin sự giúp đỡ bao che của họ đạo này… Đúng là thằng này muốn tự sát! Vĩnh ngậm ngùi nghĩ bụng.

Thời gian làm giảm đi mức độ căng thẳng của cả khối. Một số đã bò lại gần nhau bàn tán. Mọi loại giả thuyết đã được đặt ra. Ông Đang thì nói với Vĩnh rằng.
– Tôi không nghĩ thằng Dung nó trốn trại. Chắc nó chỉ liên hệ trao đổi thuốc lào đấy thôi.

– Trao đổi với ai?

– Thằng ấy nó tài lắm. Nó từng đổi đồ thủ công lấy thuốc lào Vĩnh Bảo của vệ binh nhiều lần đấy.

– Bác nghĩ tình trạng hiện tại của nó ra sao?

– Tôi cũng như anh, nằm đây biết thế quái nào được. Chỉ cầu xin Chúa cho nó tai qua nạn khỏi.

– …..

– Có thể bể chuyện trao đổi, nó dzọt luôn.

– Nhưng dzọt lối ấy làm sao thoát!?

– Thằng Dung nó dân tác chiến, mưu sinh thoát hiểm cũng tài lắm. Tôi tin nó thoát rồi.

Vĩnh không nói gì nữa. Anh nằm nhớ đến những xác bạn bè nơi các trại bên cạnh từng bị vệ binh bắn chết vắt trên hàng rào kẽm gai trên đường đào tẩu. Hơn nữa năm qua trại Trảng Lớn không thiếu người vượt ngục, nhưng con số thành công đếm chưa hết đầu ngón tay. Đa số đều bị bắn chết ngoài hàng rào hoặc bị chận bắt phía ngoài quốc lộ hoặc tại các làng xã kế cận. Sống trong xã hội này, một con kiến cũng khó thoát khỏi sự canh phòng cẩn mật của bọn công an địa phương. Hơn thế, chúng đã biến cả những đứa bé chăn trâu chăn bò thành chân tay chỉ điểm cho chúng. “Tai mắt nhân dân” phần nhiều là những thứ đó! Chuyện đại sự vỡ chỉ vì một đứa bé chăn trâu là chuyện rất thường xảy ra trong xã hội Cộng sản.

Tiếng bàn cãi mỗi lúc mỗi lớn. Khối trưởng Trai rất e ngại và đã năm lần bảy lượt lên tiếng yêu cầu anh em trở về chỗ ngủ. Thốt nhiên có tiếng lên đạn ngoài cửa phòng, tiếp theo là tiếng chửi thề thật lớn của một thằng vệ binh.

– ĐM chúng mày có ổn định chỗ ngủ hay muốn tan xác như thằng phản động trốn trại ngoài kia?

Câu nói của thằng vệ binh không chỉ làm cho riêng Vĩnh mà làm cho tất cả mọi người đều rụng rời. Như thế là thế nào? Thằng Dung thoát rồi hay đã bỏ xác ngoài hàng rào?

Rồi thì Vĩnh rơi vào giấc ngủ với đầy ác mộng. Anh thấy thằng Dung xuất hiện trên hội trường. Nó đứng trước máy vi âm với một thân xác bị bắn thủng như một tổ ong. Nhưng lạ thay, nó đang phát biểu về những bài học khoan hồng nhân đạo của Đảng, của nhà nước xã hội xã hội chủ nghĩa. Vĩnh đầy kinh ngạc tự hỏi. Lạ nhỉ? Bằng phương pháp nào mà Cộng sản khiến được một xác chết vẫn chưa quên bài học? Vẫn phát biểu y như cái loa của nhà nước vậy kìa? Giọng Nguyễn Xuân Dung vẫn đều đều vang lên trong giấc mơ của Vĩnh: Các anh thấy đấy. Việt Nam ta đất không rộng, người không đông, không hề ân oán gì với Đế quốc Mỹ…

No comments:

Post a Comment