Thursday, December 22, 2022

61 - Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh - Chương 61

Chương 61
hững ngày cuối năm Tây lịch 1978, không khí trại Hàm Tân nhộn nhịp hẳn lên. Hầu như mọi tin tức về sự căng thẳng quân sự vùng biên giới Việt-Hoa và Việt-Miên bọn tù đều nắm vững hết. Giai đoạn này, nếu bình tâm mà xét, có lẽ là một giai đoạn bi hài nhất trong suốt quá trình lịch sử mấy ngàn năm của Việt Nam. Không bi hài sao được, khi mà hầu như cả nước, vì hận thù một chủ nghĩa và một bọn người đồng chủng có chính sách cai trị bạo tàn, đều cùng mong có một thế lực nào khác, dù thế lực ấy là bọn Tàu có mối thù nghìn đời với dân tộc, kéo đến đập tan cái bọn đồng chủng tàn bạo vô nhân kia đi, rồi sau đó ra sao thì ra, cùng chết hết một lượt cũng được!
Trong cái không khí ấy, Vĩnh và mấy người bạn thân cận lần lượt được gia đình lên thăm.
Ở đây chuyện thăm viếng khác nhiều với chuyện thăm viếng dưới chế độ quân quản. Thằng quân quản phải nói rằng nó hơi "văn nghệ", do đó chuyện thăm viếng của tù nó tổ chức tùy hứng, trồi sụt rất là bất thường! Có khi thì ba tháng được thăm một lần, có khi buồn buồn nó để đến năm tháng mới cho viết thư về nhà báo tin được phép lên thăm. Dưới chế độ công an, việc thăm viếng được quy định rõ ràng trong nội quy: "Bất cứ phạm nhân nào không vi phạm nội quy đều được trại cho phép gia đình lên thăm và tiếp tế nhu yếu phẩm thuốc men cần thiết mỗi hai tháng một lần". Dù sao, do cái mỗi hai tháng một lần ấy, bọn tù ở trại Hàm Tân đã mất dần đi cái cảm trạng sung sướng được gia đình lên thăm và tiếp tế. Trừ những anh nhà giàu, còn những anh nhà nghèo sau đôi ba lần thăm, tự nhận xét thấy bao quà mỗi ngày mỗi teo nhỏ lại và vợ con cha mẹ mặt mũi lần thăm thứ ba xanh hơn lần thứ hai, lần thứ tư nhợt nhạt hơn lần thứ ba... thì bắt đầu thấy việc thăm viếng của gia đình không còn vui nữa. Anh cải tạo có gốc quân nhân công chức bắt đầu tìm cách can khéo sự thăm viếng quá đều đặn của gia đình!
Dù sao đối với Vĩnh đây là lần thăm đầu ở Hàm Tân, do đó Vĩnh vẫn được hưởng nguyên vẹn cái cảm trạng sung sướng. Thêm nữa, tính Vĩnh thích quan sát và ghi nhận, vì vậy lần thăm đầu có thêm một lý do cho anh nôn nóng tận tình.
Như tất cả mọi gia đình khác, khi nhận được thư báo thăm, gia đình Vĩnh phải chạy đủ mọi loại giấy tờ ở địa phương; từ giấy phép đi đường, giấy phép xin miễn thuế những món quà đem theo, giấy phép thăm nuôi phạm nhân... Nói tóm chỉ nội vụ giấy phép thôi, gia đình đã phải bỏ hết công ăn việc làm chạy tới chạy lui cả tuần lễ. Sau khi có giấy phép lại phải chạy khắp bà con lối xóm hỏi đường hỏi xá, và khi vấn đề đường xá xe cộ đã nắm vững, gia đình bắt đầu một chuyến đi thăm bằng một buổi sáng tinh sương. Rồi thì qua nhiều nẻo đường đất nước, thường thường người nhà từ Sài Gòn lên tới khu thăm viếng của trại Hàm Tân vào lúc giữa trưa.
Tuy nhiên, để vào được tới khu thăm không phải là chuyện dễ ăn. Từ đường nhựa, nơi xe đò thả xuống, thân nhân phải thi nhau gồng gánh những bao quà nặng nề (nếu nghèo phải hà tiện tiền bạc, không thuê những trẻ em gánh thuê ngồi đầy ngoài quốc lộ), vào tới khu thăm. Từ ngoài ngã ba quốc lộ vào tới khu thăm cũng xa hơn một cây số. Hơn một cây số ấy không phải là không vất vả với con đường đất mưa ướt trơn trượt. Nhưng rồi có cực nhọc mấy, cuối cùng người đi thăm và quà cáp cồng kềnh đều vào tới khu thăm cả. Sau những màn khai báo, trình khám... người đi thăm được vào ngồi nơi phòng đợi. Một anh trật tự có nhiệm vụ nhận danh sách từ tên công an trực khu thăm đem về trại để thông báo kịp thời tới người có tên thăm nuôi. Công việc này anh chàng trong ban trật tự chỉ phải làm hai lần trong một ngày, lần thứ nhất vào lúc bảy giờ sáng, lần thứ hai vào lúc một giờ trưa. Nói tóm danh sách những người được thăm phải được đưa vào trình giám thị trực trại trước giờ tập trung đi lao động. Do điểm này, nếu người nhà đến được khu thăm vào trước mười hai giờ trưa, thì có rất nhiều hy vọng được gặp thân nhân sau hai giờ trưa và trở về Sài Gòn kịp trong ngày. Còn nếu đến khu thăm nuôi mười hai giờ trưa, cầm bằng người đi thăm phải ngủ lại ngoài khu thăm để chờ các đợt thăm sáng ngày hôm sau. Nhưng việc phải ngủ lại đêm ngoài khu thăm không chỉ xảy ra cho những bà con ở các tỉnh xa đi thăm mà ngay người ở Sài Gòn cũng vẫn bị kẹt ngủ lại cả đêm là chuyện thường.
Mặt khác, tuy những thủ tục trên đã hoàn tất êm xuôi nhưng chưa chắc gì phút cuối đã được gặp thân nhân, tỷ như Ban Giám Thị thông báo ra khu thăm nuôi rằng, trong hai tháng qua, phạm nhân A đã vi phạm nội quy nên Ban Giám Thị đã quyết định cấm thăm kỳ này...
Trong lần thăm đầu, dù sao Vĩnh đã được suôn sẻ mọi bề, điều ấy có nghĩa là Vĩnh đã được ra gặp thân nhân vào lúc hai rưỡi trưa ngày 22 tháng 12 năm 1978. Quang cảnh khu thăm nơi đây cũng chẳng khác mấy với quang cảnh khu thăm của An Dưỡng và Suối Máu. Cũng từng đó thủ tục tập họp, báo cáo nhân số, giở nón chào kính... Trong phòng thăm, hai bên người thăm lẫn người được thăm, đều phải ngồi vào một dãy bàn có mặt bàn rộng đến độ vói tay hết sức cũng chẳng chạm được tay nhau. Đã thế, đôi bên còn phải ngồi thăm hỏi nhau trước đôi mắt cú vọ của tên cán bộ trực. Hai mươi phút thăm qua cái vèo. Người về nước mắt đầm đìa, người quay trở lại trại tù lòng cũng nặng như những bao tải quà kéo lê trên đất!
Lúc trưa tập họp ra khu thăm mọi người đi đều có hàng có lớp, bây giờ trở về, dù bực mình tới đâu, tên công an đi theo cũng không làm cách nào khác hơn được. Kẻ thì đi trước, người đi sau; kẻ ngồi lại thở dốc bên những bao quà đồ sộ, người gánh chạy nhanh đến độ tên công an chỉ sợ hắn chạy luôn vào khu rừng khoai mì chập chùng hai bên đường... Kỳ thăm này Vĩnh được khá nhiều đồ tiếp tế. Một bao tải đầy mì vắt và bánh mì khô. Bao tải kia đựng đủ thứ đồ khô. Đã vậy, Vĩnh còn phải kéo thêm một cái làn có đủ loại chai lọ đựng mắm đựng tương, đựng chao đựng mỡ... Với từng đó quà, sức gì Vĩnh gánh nổi! Thế nên quang gánh đem theo Vĩnh đều cho người khác mượn. Anh áp dụng chiến thuật kéo lê từng chặng. Cứ kéo bao số một chừng hai mươi thước anh lại trở lại kéo bao số hai. Hết hai bao lại kéo tới cái làn. Với lối kéo này rất dễ làm cho thằng công an đi theo lộn tiết lên đầu, nhưng không kéo như thế làm sao giải quyết được vấn đề? Sau mấy lần cự nự, cuối cùng tên công an bỏ mặc Vĩnh trên đường. Nó quầy quả đi theo những người phía trước - những người ấy có kẻ đã bỏ Vĩnh xa đến mấy trăm thước.
Vừa đi vừa kéo, Vĩnh vừa cố gắng quan sát hai bên đường. Anh thấy vườn khoai mì ở đây mênh mông bát ngát không thua gì vườn khoai mì trên trại An Dưỡng. Nếu mình lẩn vào đây, Vĩnh chợt nghĩ, thì liệu chúng nó có tìm ra mình không? Thế rồi Vĩnh lại nghĩ tiếp. Nhưng lẩn vào đây rồi mình sẽ làm được gì nữa? Liệu sức mình ngày nay sống nổi không nếu trải qua một đêm ngủ bờ ngủ bụi dưới gió núi mưa bưng? Một người bạn tù già kéo bao quà của ông ta vào lề đường ngồi thở dốc tưởng như một người sắp hết hơi. Vĩnh chợt thấy đau nhói trong tim óc. Ta hơn gì người bạn già kia!? Vài chục cân quà kéo không muốn nổi còn nói chi đến chuyện nghìn dặm ra đi!
Đoạn đường từ khu thăm vào đến trại quãng một cây số. Lết lê trên quãng đường non tiếng đồng hồ, rốt cuộc Vĩnh cũng về hội trường - nơi phải bày ra mọi thứ cho cuộc khám xét tỉ mỉ - với đôi ba tay già lão bệnh hoạn khác.
Như mọi người, Vĩnh bày tất cả mọi thứ lên những hàng băng ghế để cho trật tự có cán bộ đi theo đến khám. Ngoài gạo là đồ "quốc cấm" và đã bị chận giữ ngay ngoài khu thăm, kỳ dư hầu như tù được nhận tất cả. Chỉ có một món duy nhất tù trại Hàm Tân luôn luôn thấp thỏm sợ mất là món cà phê. Dù rằng nội quy không có mục cấm đoán món cà phê, nhưng trên thực tế cà phê thường bị cán bộ tịch thu. Đúng ra, gần đây việc tịch thu hoặc không tịch thu cà phê được cán bộ thả nổi; điều ấy có nghĩa là tùy lượng cà phê tích trữ dùng cho các cán bộ giám thị còn nhiều hay ít. Nếu lượng cà phê của chúng đã vơi, chúng sẽ ra lệnh cho bọn trật tự khám xét quà cáp nơi hội trường thẳng tay tịch thu với lý do cà phê là nguồn gốc của mọi sự tụ tập, bàn tán chuyện phản động và trốn trại. Khi nào lượng cà phê tịch thu đã đủ dùng, chúng lại cho tù được phép nhận.
Số Vĩnh hơi xui. Hôm nay nhằm ngày các quan giám thị cần cà phê nên một cân cà phê của Vĩnh được cách mạng chiếu cố và quốc hữu hóa tại chỗ! Sự mệt nhọc quá đáng khiến Vĩnh không còn bụng dạ đâu để mà tiếc của. Anh thu đồ thật nhanh vào bao bị và khởi sự kéo từng bao một về phòng.
Giờ lao động trại vắng tanh. Bước vào nhà, Vĩnh chỉ thấy một hai tay ốm bệnh nằm nghỉ. Dù sao họ không quên lên tiếng thăm hỏi Vĩnh một cách thân mật hơn ngày thường, và kết thúc mấy câu hỏi thăm bâng quơ là câu: Có bi nào xiện xiện làm một bi chơi?
Rồi như mọi người được thăm, Vĩnh lần lượt mở tất cả mọi thứ đồ ăn thức uống bày ra sạp. Đồ khô bỏ vào một bao. Tất cả những đồ ăn đã nấu chín đều bỏ vào nồi hoặc chia ra một ít phần nhỏ để sẵn sàng đem biếu một số bạn bè lúc họ đi lao động về. Ngoài đám bạn ở cùng tổ cùng đội ăn chung với nhau, Vĩnh còn một số bạn bè khác không thể không nhớ đến. Người đầu tiên phải nhớ là Vũ Duy Báu, cựu phó quận hành chánh hiện ở bên nhà 4. Anh là người đã giúp đỡ và chia xẻ cho Vĩnh thật nhiều thứ kể cả một tình bạn chân thành... Lại còn mấy việc rắc rối khác nữa Vĩnh cũng phải lo toan, giả dụ những món đồ của anh Khoan do gia đình anh ta nhờ gia đình Vĩnh chuyển vào. Anh ở mãi nhà 11 gần ban y tế. Chuyển được cho anh mấy đòn bánh tét và ký tôm khô này cũng ná thở!
Sửa soạn đâu vào đó xong, Vĩnh vòng ra sau dãy nhà nhóm bếp và hâm lại tất cả những món ăn để sửa soạn một bữa ăn linh đình chung với các bạn lúc họ đi lao động về. Khi việc nấu nướng đã xong, Vĩnh khoan khoái trở về chỗ nằm hút thuốc vặt và trò chuyện với mấy người cũng vừa được thăm như anh chiều hôm nay.
Nhà 5 hôm nay có hai người nữa được thăm. Luật sư Lê Quốc Việt và bác sỹ Anh. Hai ông này đều giới trí thức khoa bảng nhưng tính tình khác nhau một trời một vực.
Ông Anh trước kia là thiếu tá y sỹ. Ông ở Hàm Tân trước bọn Vĩnh. Hơn nửa năm trước, ông đã mất đi cái công việc nhàn nhã là làm y sỹ chữa bệnh cho tù nơi đây để trở về đội đi lao động chân tay như mọi người. Lần thăm hôm nay là lần thăm "ân xá" của ông sau hơn nửa năm ông bị cấm thăm. Chuyện cấm thăm của bác sỹ Anh không vì ông trốn trại, cũng chẳng vì ông vi phạm nội quy; ông bị cấm thăm vì ông đã bợp tai cô con gái cưng của ông ngoài khu thăm và nhất định từ chối không chấp nhận ông con rể cách mạng. Số là, chả hiểu ở nhà bàn khôn tính dại ra sao, cô con gái rượu của ông đã đồng ý lấy một anh thượng úy Việt cộng để noi cái gương nàng Kiều bán mình chuộc cha. Một ngày đẹp trời, cô con gái dẫn chồng lên thăm bố. Sau màn giới thiệu, ông bố trợn trắng con mắt ngó ông thượng úy của tân chế độ mắt trắng môi thâm đang ngồi cạnh con gái mình. Ông bố vội vàng đứng lên, tiện tay nựng nhẹ vào má cô con gái chí hiếu một cái tát nổ đom đóm và lễ phép nói.
- Từ đây xin bà thượng úy đừng gọi tôi là bố!
Cái tát lịch sử ấy đã đem bác sỹ Anh trở lại trại tức thì. Sau màn "đấu lý" với Ban Giám Thị, ông Anh được đưa vào nằm cachot để tâm sự với chuột, gián, muỗi, cùm và đói khát một thời gian. Sau đó, thành tích tẩy chay con rể cách mạng của ông được đọc trước trại với biện pháp xử lý của cách mạng là cấm thăm một thời gian.
Riêng ông luật sư Việt trẻ trung hơn ông bác sỹ Anh nhưng tính tình thì rất kỹ. Dù anh Huy và Ý ghét cay ghét đắng ông, nhưng Vĩnh vẫn coi ông như một người bạn. Ông cũng tỏ ra thích Vĩnh và hay lân la đến chỗ Vĩnh nằm hút ké điếu thuốc và kiếm chuyện tán gẫu. Dù gì, nói chuyện với ông luật sư Việt, Vĩnh vẫn cảm thấy mình học hỏi được một số điều nơi ông, đặc biệt về phương diện luật pháp, ấy là chưa nói tới việc Vĩnh còn được nghe ông kể về những nhân vật tăm tiếng trong giới luật ông từng tiếp xúc sau 30 tháng Tư. Chẳng hạn việc luật sư Trần Văn Tuyên đã không chịu ra đi mà ở lại vì lý do nào; bà luật sư Đại bị xỉ vả trong cư xá sỹ quan Chí Hòa ra sao; trí thức Sài Gòn đã phải tham dự những cuộc biểu tình hô hoán ủng hộ chế độ ra sao sau ngày mất đất mà trong đó ông ta có tham dự... Luật sư Việt đã gửi hết những chuyện này vào trí nhớ của Vĩnh với một kết luận (và luôn luôn như thế!): Trước họng súng tất cả là bầy cừu!
Những lúc nghe luật sư Việt nói thế, Vĩnh lại đùa.
- Nếu vì lý do gì bầy cừu có súng, ông có sẵn sàng cầm súng để khỏi phải làm cừu nữa không?
Ông Việt nói tỉnh khô.
- Ông đã đọc Mario Puzzo chưa nhỉ? Nhân vật Don Corleone trong The Godfather đã nói với con trai thế nào về khả năng của một luật sư nhỉ? -... con đừng quên, với cái cặp dưới nách, một thằng luật sư nó có thể đánh cướp một món hàng mà dù con có cả một tiểu đoàn trang bị súng ống ngập tới răng chưa hẳn đã làm nổi... Nói tới đây luật sư Việt lại cười cười. Trong công cuộc cướp lại Tự Do, chả nhẽ ông chỉ muốn tôi cầm một khẩu súng như mọi người lính khác trong cùng một tiểu đoàn?
Biết có nói gì đi nữa cũng khó mà cãi lại một... thầy cãi, do đó Vĩnh cũng chỉ cười cười với ông ta và đó cũng chính là lý do ông luật sư Việt không thể nói chuyện với ai khác ngoài Vĩnh! Tệ hơn, khi ông kẹt hạt muối cục đường, ông Việt cũng không thể chạy đâu ra ngoại trừ nơi Vĩnh. Sở dĩ như vậy vì ông Việt là người trước sau như một, trung thành tuyệt đối với khẩu hiệu Tâm Tam Vô y như một số mấy ông tá già ở trại Suối Máu: Vô chung chạ, vô mời mọc và vô chia xẻ! Điều ấy có nghĩa là "tới bữa xoay đầu vào vách ngồi nhai một mình", và cũng có nghĩa là "những món gia đình cung cấp cho ta, ta có quyền hưởng đủ 101 phần trăm!".
Một khi những người vừa được thăm xúm lại hút thuốc và trò chuyện, thì câu chuyện dứt khoát sẽ xoay quanh những tin tức mà cá nhân đã thu thập được. Mỗi người một tin, nhưng nguồn tin phong phú nhất dù sao vẫn xuất phát từ ông luật sư Việt. Theo ông Việt, tình hình biên giới Hoa-Việt rất căng thẳng. Riêng bọn Pon-pot thường xuyên vượt biên giới tấn công vào các khu kinh tế mới và nhiều lúc đã ra tay tàn sát không chừa cả chó mèo. Dân chúng trước đây bị đày đi kinh tế mới, giờ lũ lượt kéo nhau về Sài Gòn và nằm la liệt trên các lề đường. Cũng có những lời bàn tán của dân Sài Gòn, theo đó thế nào Hà Nội cũng phải đổ quân sang chiếm đóng Miên nếu muốn vãn hồi được tình hình biên giới. Từ sự kiện này, người ta đã nghi ngờ rằng các vụ tàn sát người Việt Nam nơi các vùng kinh tế mới biên giới chưa chắc gì đã do bọn đồ tể Pon-Pot gây ra, mà tác giả lại rất có thể là chính bọn cán binh CSVN, mục đích tạo ra một cái cớ để sửa soạn dư luận cho một cuộc tiến chiếm Miên.
Hết chuyện chiến sự, ông Việt lại xoay sang chuyện tù. Ông nói gia đình ông cho biết tù Chí Hòa mấy lúc gần đây được di chuyển đi rất nhiều. Ngày nào cũng có dăm ba chuyến Molotova chở tù ra khỏi khám lớn và đi về nhiều phương hướng khác nhau. Trại Hàm Tân rất có thể trong tương lai rất ngắn sẽ tiếp nhận một số tù nữa. Riêng cái tin này thì Vĩnh đã nghe Nguyễn Tú Cường nói từ lâu, đến nay vẫn chưa thấy gì lạ.
Trong lúc mấy người ngồi nói chuyện thì ngoài sân anh em tù lao động đã bắt đầu trở về. Vuông sân trống và rộng mênh mông mỗi lúc mỗi đông người từ ngoài kéo vào. Vĩnh vội vàng xách cái bao cát bên trong để hai đòn bánh tét, nửa ký tôm khô, mấy viên thuốc cảm và một cây kem đánh răng của anh Khoan lên. Vĩnh cẩn thận bước qua cửa, ngó trước ngó sau để phòng trật tự rồi chuồn ra ngoài sân. Vĩnh đứng canh chừng đội 51 mới vào tới cổng trại. Vĩnh bám sát tức thì, nhưng khi đội về tới sát hàng rào phòng 11, Vĩnh mới xáp lại được gần anh Khoan và trao cái bao cát cho anh ta.
Khi trở về phòng thì anh em đã chia cơm chia canh xong. Rồi thì giờ điểm danh đến, tù lại hàng hai lần lượt chui vào chuồng. Cửa khóa. Trong cái phòng chật ních và đầy mùi ẩm mốc, mùi mồ hôi, mùi phân người bốc lên; lờ mờ dưới ánh điện vàng cạch yếu ớt, bọn tù ở tất cả các nơi bắt đầu ngồi nhai khẩu phần của mình.
Đến ngày hôm nay thì Vĩnh đã có thể khẳng định rằng khẩu phần ở trại Hàm Tân tệ nhất so với các trại mà Vĩnh đã đi qua. Nơi đây chỉ chiều thứ Bảy được phát mỗi người hai chén bo bo, còn được gọi là Cao Lương theo mỹ từ cộng sản. Những ngày khác khẩu phần duy nhất là mỗi bữa tù được phát một chén đầy khoai mì lát nấu nhừ. Khoai mì này là loại khoai già, được xắt cả vỏ và phơi khô lâu ngày. Vì để cả vỏ, và lại được phơi khô, do đó khi nấu lên khoai mì mang một màu tím than quắt queo như đống cứt chó bị dầm mưa dãi nắng nhiều ngày với một mùi vị vừa hôi mốc vừa nhầm nhậm đắng như có lộn một hai vị thuốc Bắc. Được phát kèm với bát khoai mì ân huệ của bác và đảng ấy là ít cọng rau muống, hoặc một tí bí ngô, hoặc một tí củ cải kho nước muối. Tất cả sự dinh dưỡng của chế độ lao tù nơi đây chỉ có thế và có thế!
Người không được thăm nuôi hay chưa được thăm nuôi, hoặc giả không có bạn bè được thăm, ngày này qua ngày khác chỉ được nhai từng đó thứ và nuốt vào bụng từng đó thứ. Riêng đám Vĩnh chiều nay phải khác hơn nhiều! Bữa tiệc bày ra chiếm hết ba bốn chỗ nằm. Vì theo đúng truyền thống của đội 17 gần đây, ai được thăm đều có nghĩa vụ chia xẻ, ít nhất đối với những anh em trong cùng tổ. Do đó cả tổ không ai từ chối mỗi khi có dịp đụng chén đụng đũa này. Đó là màn ăn mặn. Màn thứ hai luôn luôn phải là màn trà nước (có tí bánh kẹo càng tốt) và thuốc lá thuốc lào. Màn này được mở rộng rãi hơn để đón tiếp cả những người sơ nhất nằm quanh chỗ mình. Tuy nhiên khi tới màn này thì Vĩnh buộc phải rút về chỗ nằm để mặc anh em muốn làm gì thì làm. Một phần để tránh bị chửi bới (bọn Vĩnh hiện đang nằm tầng trên) nếu nhỡ có người sơ sẩy đổ nước điếu xuống tầng dưới; một phần Vĩnh muốn tránh chuyện bị cật vấn những tin tức mà chính anh cũng chẳng biết hơn ai. Nhưng dù cho có về chỗ nằm, cuối cùng anh Huy cũng mò tới nằm bên cạnh. Vĩnh sửa soạn tinh thần để trả lời những câu "phỏng vấn" của anh, nhưng ngược với dự đoán của Vĩnh, anh Huy không hỏi gì về những tin tức bên ngoài xã hội cả. Anh chỉ nói nhỏ với Vĩnh một chuyện.
- Khi chiều đi lao động, quản giáo gọi tôi vào nhà lô làm việc. Hắn hỏi lung tung. Từ chuyện đám Hòa Danh Tuyến hòa nhạc vàng mỗi đêm, đến việc Dũng và Thương vẫn ăn cơm chung với nhau, tuy nhiên điều làm tôi lưu ý nhất là nó hỏi về ông. Nó nói nghe anh em bảo ông giỏi nhạc lắm mà tại sao không hề thấy ông đàn địch ca hát với đám Hòa Danh Tuyến bao giờ. Nó còn hỏi có phải ông là sỹ quan chiến tranh chính trị không?
- Vậy anh trả lời sao?
- Tôi chỉ nói mỗi một điều. Một người ho lao như anh Vĩnh, lại không có cả khu cách ly mà nằm nghỉ ngơi mà vẫn phải đi lao động như mọi người thì chẳng còn thơ nhạc nào quyến rũ được anh ấy nữa cả. Riêng việc anh ấy có phải là sỹ quan CTCT hay không thì tôi hoàn toàn không biết. Đó là sự thật!
Vĩnh không khỏi không nghĩ ngợi. Anh nằm nhớ lại những lần quản giáo Phú kêu anh vào nhà lô nói chuyện sách báo, rồi có lần ban giám thị trại kêu anh lên văn phòng làm việc cũng hỏi những câu chuyện bâng quơ như thế về một vài người khác. Tụi nó tính cái chuyện khỉ gì đây? Vĩnh tự hỏi và chưa nghĩ ra câu giải đáp.
Giọng anh Huy lại nổi lên. Mấy ngày nay tôi thấy đám me-xừ Hòa và Tuyến bắt đầu không ăn cơm với nhau nữa. Mấy cu cậu cũng đều đã lần lượt bị giám thị kêu làm việc...
Tự dưng Vĩnh buột miệng.
- Coi chừng bị ly gián đấy!
Anh Huy gật đầu liền.
- Đúng! Mục đích tôi nói chuyện với ông là để báo cho ông biết mà bình tĩnh. Dù ngày mai nó kêu ông lên để hỏi về tôi, hoặc ngày mốt nó kêu Điểu lên để hỏi về Ý...
Vĩnh ngồi lên sửa soạn một điếu thuốc. Anh nhìn anh Huy và cương quyết.
- Tụi mình tan sòng thế nào được. Thôi làm bi thuốc cái đã!
Vừa lúc ấy một tiếng hét vang lên từ phía dưới. Tiếp theo là một lon nước hắt ngược lên trên. Vĩnh nhìn sang chỗ luật sư Việt nằm cách anh bốn người. Việt bị ướt hết chăn mùng mền vì lon nước ở dưới hắt lên. Tuy nhiên, hình như anh ta không bận tâm lắm chuyện bị hắt nước. Việt đang lúng túng với một mớ lon cóng ngay đầu chỗ nằm của ông ta. Người bên dưới đã thò đầu lên. Vĩnh nhận ra ông Mão VNTT. Ông thò đầu lên với nét mặt thật tức giận. Ông chửi đổng.
- Mẹ tiên sư có thì đổ vào họng hết đi. Nước mắm nước muối sao đổ lên đầu người ta!?
Ai chứ ông Mão và ông Việt cãi nhau thì cả phòng này đã chán nghe rồi. Một anh già và một anh xồn xồn quanh năm cãi nhau vì những chuyện thật trẻ con. Đã có lần hai vị suýt tí nữa thì thượng cẳng chân hạ cẳng tay nhau. Hôm nay, chả hiểu dấm dúi san qua xẻ lại thế nào, ông luật sư Việt ở tầng trên đánh đổ nước mắm xuống đầu ông Mão ở tầng dưới. Khu Vĩnh nằm mọi người đều hồi hộp chờ nghe hai ông đấu lý với nhau. Nhưng có lẽ còn quá bận bịu với mấy lọ nước mắm và mấy keo chao đựng mỡ, ông Việt cứ lờ đi trước những lời xỉa xói của ông Mão. Vĩnh nằm nghĩ ngợi vẩn vơ, thỉnh thoảng nhìn về phía ông Việt và không khỏi buồn cười lúc thấy ông ta quẹt tay trên sạp gỗ rồi đưa ngón tay lên miệng mút. Có lẽ một giọt nước mắm nào đó vừa rơi xuống sạp. Bỗng dưng Vĩnh sực nhớ hồi chiều lúc anh đem thức ăn ra sau bếp hâm lại. Ông Việt cũng đem hâm vài món của ông. Trong lúc hâm thức ăn, thỉnh thoảng ông lại cầm lên một keo chao đựng mỡ, múc ra một thìa nhỏ, đảo mắt ngó quanh một vòng rồi húp một cái chụt. Thấy ông húp những thìa mỡ sống ngon lành làm Vĩnh đã thầm bái phục trong lòng. Giờ thấy ông lại quẹt một giọt nước mắm rơi trên sạp và đưa lên miệng mút, Vĩnh đã hiểu ra nguyên do vì đâu anh Huy và Ý lại ghét ông thậm tệ đến thế! 

No comments:

Post a Comment