Monday, December 19, 2022

7 Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh - Trại Trảng Lớn 7/75-7/76 – Chương 7

Đúng 12 giờ trưa ngày thứ 10 kể từ khi chui vào rọ, tại L4T1 vang lên một tiếng nổ. Cả một trại tù hơn 1.000 người náo loạn cả lên. Bọn vệ binh từ khung (*) vác súng chạy vào vị trí chiến đấu, nhưng tuyệt nhiên không thằng nào dám mò vào bên trong trại tù.

Trời tháng Sáu Tây Ninh nắng thật rùng rợn. Da người như bốc khói. Một tiếng nổ vang lên bất chợt làm những trái tim mệt mỏi bỗng đập mạnh trở lại. Thời khí trút lửa, tim nhóm lửa đã biến đám tù thành những động cơ cuồng chạy. Họ phát ngôn rất là linh tinh nói theo kiểu Cộng sản.

– Ở đâu? Ở đâu?

– Anh em ta về hả?

– Có đám nào bắt tay được chưa?

– Biệt động hay nhảy dù?

– Trung đội? Đại đội? Tiểu đoàn? Quân số bao nhiêu biết không?

– Hướng nào hướng nào?

– Hướng nhà tắm kia kìa mấy bố! Một thằng tự tử bằng lựu đạn chứ chẳng có đếch gì đâu.

Một giọng nói uể oải cất lên bên cạnh một đám đông trong nhiều đám đông đang tụ tập bàn tán khiến mọi người tiu nghỉu như mèo bị cắt tai.

– Thế mà ông lại cứ tưởng…

Một tay cất tiếng nửa vu vơ nửa thất vọng và rảo bước về phía nhà tắm.

Lúc ấy Vĩnh đang ngồi ăn cơm trưa cùng với tổ A.3 bên cánh trái khối 10, tại chỗ nằm của tổ trưởng Quách Tứ và gần với cái nhà hầm của ông vua thuốc lào Nguyễn Thành Đính trước đây. Vĩnh buông bát chạy bổ về phía có tiếng nổ nằm trước khối 11.

Từ bên trong một cái nhà tắm mới được dựng lên bằng những lớp thùng gỗ thông chất đè lên nhau tọa lạc ngay trước khối 11, khói và mùi khét đang ngùn ngụt bốc lên. Khu nhà tắm lúc này đã đầy người. Ai cũng biết có người tự tử nhưng không ai chui vào nhà tắm để cấp cứu được! Mùi khói và những đám lửa lập lòe cháy trên gỗ thông cho mọi người biết đó là loại lựu đạn lân tinh.

Bỗng nhiên có một người cầm cây nhảy vào nhà tắm, nhưng chỉ một tích tắc sau anh ta phóng ra, cầm cái cây đập phành phạch vào gấu quần. Vĩnh nhận ra người đó là Bùi Công Kiện, hải quân trung úy. Kiện ở khối 11, tính nhảy vào cứu người tự tử nhưng lân tinh đốt cháy gấu quần lại phải nhảy ra.

– Sao? Một người lên tiếng hỏi Kiện. Ông thấy sao?

– Nó còn dẫy nhưng lân tinh cháy lung tung, tôi không cách gì đụng vào người nó được. Với lại khói kinh quá!

– Nhưng cũng phải tìm cách cứu chứ, để mặc sao được.

Sau cùng người tự tử cũng được đưa ra ngoài. Bọn cán binh Việt cộng trên tiểu đoàn đã lấy lại được máu mặt bủa vào như bầy kiến.

Có tiếng thầm thì của một vài anh bạn tù khối 11.

– Nó có để lại tuyệt mạng thư.

– Đâu rồi?

– Mấy thằng cùng tổ dấu mất rồi.

– …..?

– Nhỡ nó chửi bậy bạ mang họa cho cả tổ.

Người tự tử là một thiếu úy còn rất trẻ. Đánh trận cuối cùng ở một mặt trận miền Đông, khi đơn vị giải thể theo lệnh Dương Văn Minh, anh trở về Sài Gòn, trở về để biết rằng cả gia đình anh từ cha mẹ đến các em không còn ai sống trên cõi đời này nữa. Nước mất nhà tan, cộng với nỗi ân hận “trao thân” cho giặc; từng đó lý do đã đủ để không còn ai cầm chân được anh phải sống mà hưởng cái thiên đàng Cộng sản này nữa!

Đây là một cuộc tự tử mở màn, do đó, nó được hưởng đầy đủ nhất sự phê phán khen chê ở cả hai phía bạn và thù.

Kẻ thù thì khỏi phải nói! Với cái tài thứ hai là “nâng quan điểm” (*) sau cái tài thứ nhất là nói phét, người tự tử dù đã chết hay bại liệt hoàn toàn vẫn được lần lượt đem đi dí tận mũi hàng ngàn ông công tố – những tù cải tạo khác – với tội danh sau cùng luôn luôn là: Chống đối Đảng, chống đối Cách mạng, chống đối nhà nước, chống đối nhân dân một cách … tiêu cực.

Và bản án, cho những người đã hoặc sẽ chết, cũng luôn luôn được kết thúc bằng sự nhất trí của mọi người với hình phạt: Chôn không hòm, thông báo địa phương để tiếp tục giáo dục gia đình kẻ phản động.

Dầu sao người tự tử tiên phong của L4T1 chưa chết, điều ấy có nghĩa là anh ta còn khốn khổ trăm bề hơn là chôn không hòm! Anh được đem ra đặt nằm trên một nền nhà xi măng lởm chởm đất đá phía trước khối 10. Hai ông bác sỹ tù thuộc khối 10 – bác sỹ Đỉnh và bác sỹ Tuyên – lúng túng chưa biết làm cách nào “chẩn bệnh” cho người chán đời, vì chất lân tinh vẫn còn âm ỉ bốc khói trên toàn thân co quắp và đen như than của anh ta.

– Các anh còn kem đánh răng xin đem hết ra đây. Bác sỹ Đỉnh chợt quay lại nói với đám đông. Một số người chạy trở về phòng.

– Anh nào làm ơn lấy tấm poncho căng che nắng hộ. Bác sỹ Tuyên đề nghị với vài người còn tò mò đứng lại.

Một lúc sau, một số người lo căng bạt, một số người khác tiếp tay hai ông bác sỹ bóp kem thoa trét khắp mình mẩy nạn nhân.

Đôi mắt nạn nhân đã bị cháy. Mái tóc giờ đây trông giống những sợi cao su quăn queo như đang tìm cách rút sâu vào lớp xương sọ nám đen. Hiện thân nạn nhân co quắp bầm dập như thân phận một con sâu bị một đám trẻ nghịch ngợm đem nướng.

– Chỉ làm được thế này thôi. Phải báo cáo xin cho đi viện ngay chứ không còn cách nào khác nữa.

Bác sỹ Đỉnh người ngợm đầy mồ hôi, nói xong đứng xuôi hai tay nhìn cái tác phẩm bi thương mà anh vừa được nhiều người tiếp tay cấu thành bằng kem răng trên một xác người. Anh ngao ngán xòe bàn tay như muốn phân trần với đám đông nhiều hơn nữa, nhưng hình như anh không rõ mình phải phân trần cái gì.

Ngay lúc đó tên quân y tiểu đoàn đã ghé đến. Bộ mặt thằng xếp quân y lúc nó đứng ngó người tự tự trông còn dữ hơn cả thằng mật thám! Thốt nhiên nó quay nhìn đám đông, trợn mắt quát.

– Đi sốt cả. Ai về khối nấy!

Tù hiếu kỳ tản mát dần. Nói đoạn nó lại cất tiếng hỏi vu vơ. Ai đã chữa người này đây?

Bác sỹ Tuyên còn nấn ná quanh đấy lên tiếng trả lời.

– Tôi.

– Anh là gì?

– Dạ cải tạo.

– Ai chả biết là cải tạo. Tên quân y có vẻ cáu. Nhưng tôi muốn hỏi anh là gì mà dám chữa người ta?

Bác sỹ Tuyên ú ớ không biết trả lời ra sao. Nói mình là bác sỹ ư? Lấy gì làm bằng! Mà nếu không nhận là bác sỹ, nạn nhân tịch có khi mang họa. May thay vừa lúc ấy tên quản giáo Cư trờ tới.

– Gì đấy đồng chí Hoạch? Anh Tuyên là bác sỹ ngụy quân người khối tôi đấy.

Nhờ tên quản giáo xác nhận, Tuyên chỉ còn phải nhận một cái nhìn ác cảm của tên quân y chứ không bị hạch sách gì nữa. Quan sát người tự tử một lúc, nó quay hỏi Tuyên.

– Anh chữa thuốc gì vậy?

Tuyên trả lời.

– Bị lân tinh cháy, ở đây không có phương tiện cấp cứu, chúng tôi buộc phải lấy kem đánh răng bôi khắp người nạn nhân để cách ly với không khí.

– Nân tinh với không khí có niên hệ rì với nhau?

– Dạ lân tinh gặp không khí thì bùng cháy.

– Nạ nhỉ. Mà ngụy các anh chữa cũng phức tạp nhỉ. Người Cách mạng chẳng may bị nựu đạn nân tinh của Mỹ ngụy cứ nấy bùn non trát nên nà rứt điểm ngay…

Quan sát thêm một lúc nữa, tên quân y quay nói với tên quản giáo Cư. Đồng chí cho tôi mượn anh này lên tiểu đoàn tí nhá. Thấy Cư gật đầu, nó lại quay sang Tuyên. Anh lên quân y tiểu đoàn với tôi.

Tuyên lẳng lặng đi theo tên quân y. Mười lăm phút sau bác sỹ Tuyên trở về với một cái võng. Khối 11 được lệnh cắt 3 người hợp với bác sỹ Tuyên của khối 10 cáng nạn nhân lên bệnh xá trung đoàn.

Đồng lúc ấy lệnh nghỉ lao động ban chiều được ban ra. Mọi người tập trung về phòng chờ lệnh. Không bảo nhau nhưng hồ như ai cũng tự sửa soạn lỗ tai để nghe những tên quản giáo phun châu nhả ngọc, mà theo như dự đoán, nhất định đề tài phải là kẻ chán đời tự tử vừa qua.

Vĩnh cũng về phòng ngồi đợi như mọi người. Tiếng kẻng báo 2 giờ trưa đã ngân lên. Vĩnh ngồi nhìn ra sân nắng. Thốt nhiên một người la lên.

– Ồ thẳng Điểu được thả về kìa!

Tiếng la vừa dứt thì Vĩnh cũng vừa nhìn thấy Điểu khập khễnh từ phía cổng đi về khối 10. Trông dáng dấp gầy còm nhỏ bé, Điểu bước qua ngưỡng cửa khối 10 với một nụ cười khinh bạc cố hữu trên môi.

– Sao mày? Một người khẽ hỏi. Có mềm xương không?

– Đâu có đánh.

– …..?

– Nó chỉ đá vào háng tôi thôi. Nhưng ăn thua gì. Ớn là ớn muỗi kìa. Muỗi trong connex khủng khiếp lắm…

– Giờ sao?

– Có sao đâu. Chỉ đổi khối khác.

– Khối nào?

– Chưa biết, tôi chỉ được lệnh thu đồ lên tiểu đoàn ngồi đợi.

Nghe Điểu nói ai cũng lo cho nó, ấy thế nhưng thái độ của nó vẫn lạnh lùng như không hề có chuyện gì xảy ra. Điểu lặng lẽ thu đồ vào bao. Thu xong, nó đứng lên chào chung anh em một tiếng rồi tấp tễnh ra đi về phía cổng trại. Trong lúc mọi người xì xào về Điểu thì quản giáo Cư xuất hiện. Một tiếng hô nghiêm thật lớn cất lên dựng mọi người bật dậy.

Tên Cư bước vào phòng. Cái nón cối vẫn xùm xụp trên đầu. Và luôn luôn như thế. Hắn đảo mắt nhìn quanh một vòng rồi ra lệnh.

– Thôi được, các anh ngồi xuống tại chỗ đi.

Mọi người đồng ngồi xuống sàn nhà ngay trên chỗ nằm của mình.

Tên quản giáo lại nhìn quanh chăn chiếu của mọi người được cuốn ngay ngắn đặt trên đầu chỗ nằm. Trong con mắt hắn người ta đọc được sự không vừa ý, thế nhưng hình như chủ đề hôm nay không phải là vấn đề vệ sinh ăn ở, mà là một chủ đề quan trọng hơn. Không thèm đả động đến vấn đề chăn chiếu mùng mền như mọi bữa, tên quản giáo cất giọng. Chiều nay trên cho các anh nghỉ lao động. Các anh sẽ ở nhà làm bản tự khai lý lịch…

Nghe tên Cư nói ai cũng thấy mừng vui trong lòng. Phải thế chứ! Đã mười ngày qua hồ như ai cũng mong ngóng chuyện này. Sự mong ngóng cũng hợp lý thôi, vì nếu không khai báo lý lịch làm sao có sổ sách, có tên tuổi, có đủ những yếu tố cá nhân cho một cuộc thiết lập hồ sơ hành chánh, làm căn bản cho sự huấn luyện trước khi … thả về!? Đúng thế, với mọi người hiện nay việc làm bản tự khai lý lịch chính là một trong vài cái chìa khóa cần thiết để mở được ổ khóa nơi cánh cổng trại cải tạo khép kín 10 ngày qua.

Vĩnh nhớ lại mấy tin đồn trong vài ngày qua và thấy phấn khởi. Quả tin đồn nhiều khi không phải không đúng. Vĩnh đã nghe đồn rằng trước hết sẽ làm bản tự khai lý lịch kèm tí tự thú những tội ác đã phạm với Cách mạng, sau đó học tập một số bài chính trị cần thiết về xã hội mới, cuối cùng mọi người sẽ trải qua một đêm “phản tỉnh” để đấm ngực ăn năn thống hối về những tội lỗi đã phạm với Cách mạng, với nhân dân. Ai cũng phải làm một tờ cam kết sau đó, đại khái kiểu… Cách mạng đặt đâu con xin ngồi đó. Một buổi sáng đẹp trời, mở mắt ra, các quản giáo sẽ xuất hiện trước các khối với những bộ mặt tươi cười, cởi mở chứ không như ngày thường. Chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? A! Mọi người sẽ hớn hở nhận lấy “bằng tốt nghiệp đại học tổng hợp” và tự do trở về nhà. Mẹ sẽ có con. Con sẽ có cha. Vợ sẽ có chồng… Khổng Tử tiến vi quan thoái vi sư, mình tiến vi quan thoái vi dân âu cũng là may mắn lắm rồi.

Tên Cư vẫn tiếp. Chiều hôm nay tôi sẽ hướng dẫn các anh cách khai cho đúng, cho đạt yêu cầu. Tuyệt đối cấm mọi sự tẩy xóa. Trên những mẫu khai chút nữa sẽ phát cho các anh, tỉ như anh nào có lịch sử quá dài, nô lệ từ thời Tây Nhật, thì phải viết thêm ra những tờ giấy lẻ trong vở học sinh các anh đem theo. Các anh có đem theo bút đủ cả không? Chút nữa anh Trai sẽ dẫn tổ trực lên khung. Hậu cần sẽ tính toán và phát đủ mẫu giấy khai. Nhớ là mỗi khối còn được phát thêm 2 lọ mực và 10 ngòi bút nữa đấy. Đừng quên không thiệt thòi quyền lợi của tập thể khối.

– Gớm, câu nói mới là nhân nghĩa! Ý ngồi cạnh Vĩnh thầm thì. Ông nghĩ sao về vụ này?

Vĩnh có nhiều ý kiến nhưng không tiện nói ra. Anh chỉ thở dài.

– Khôn sống mống chết!

Ý hiểu ra, anh vẫn thầm thì.

– Nó trao dây thừng cho mình để mình tự xiết cổ!

Vĩnh biết điều đó, biết rất rõ. Sự biết của anh không do khôn ngoan, mà do thừa hưởng những lời dặn dò từ trước của bậc cha anh. Những ngày qua, Vĩnh đã sửa soạn và học thuộc lòng một tiểu sử được lược bỏ rất nhiều… râu ria. Tuy rằng anh có một người bạn thân làm ở trung tâm an bài điện tử TTM đã cho biết về thực trạng bất khiển dụng của các hệ thống computer sau khi Mỹ bị “thầy Mẫu” đuổi cổ khỏi miền Nam, thế nhưng anh vẫn hồi hộp với sự cố tình sẽ man khai của mình.

Sau khi thông qua vài điều quan trọng, quản giáo Cư cho khối trưởng Trai dẫn tổ trực lên tiểu đoàn. Trong lúc chờ đợi, mọi người được phép hút thuốc lào thoải mái và sửa soạn giấy bút.

Khối trưởng Trai và tổ trực đã trở về khối. Họ khuân vào phòng nhiều xấp giấy in sẵn. Trừ Điểu đã rời hẳn khối và bác sỹ Tuyên lên bệnh xá trung đoàn chưa về, 118 tờ đôi mẫu khai lý lịch được phân khối cho 118 người còn lại. Tên quản giáo ra ngồi hóng gió ngoài hiên. Trong nhà tù bò lê trên nền xi măng làm bản tự khai. Với lối hành văn nôm na của Việt cộng, có nhiều câu hỏi khiến bọn tù đều thắc mắc như nhau và đều trả lời sai bét như nhau.

Thí dụ trong phần giữa của bản khai lý lịch có cái tựa: Liên Hệ Ban Thân. Ban là gi? Ai cũng đoán có lẽ mẫu in bỏ thiếu dấu nặng. Và câu ấy có nghĩa là Liên Hệ Bạn Thân. Chà! Mình chơi mình chịu, ai lại khai thêm một lô bạn bè vào đây làm gì cho khổ lây cả đám. Đồng ý nghĩ đó, mọi người đều mạnh dạn phê một chữ không. Không đây có nghĩa là không bạn không bè với ai cả.

Nửa giờ sau tên quản giáo quay vào phòng và cầm lên bản tự khai của khối trưởng Trai đọc thử. Đọc một lúc hắn nhăn mặt. Hắn đi một vòng, cầm lên thêm năm bảy bản tự khai khác nữa. Hắn vẫn nhăn mặt. Sau cùng như tìm ra mục tiêu, hắn bắt tất cả ngừng tay để khởi sự bắn phá. Hắn hét.

– Các anh ngừng hết đi.

Mọi người ngồi lại ngay ngắn, giấy bút đặt trên đùi. Tên quản giáo bắt đầu. Tôi đã xem qua một số bản tự khai. Nhận xét chung tất cả đều ngoan cố khai man. Tôi nhấn mạnh với các anh rằng về sớm hay về muộn đều tùy thuộc hoàn toàn vào những bản tự khai này. Các anh phải nhớ Cách mạng đã biết hết! Các trung tâm lưu trữ hồ sơ cá nhân các anh Cách mạng đã nắm hết. Có bắt khai là để đo bụng các anh mà thôi. Ai thành khẩn khai báo, ai ngoan cố khai man nó sẽ lòi ra liền. Đừng tưởng xanh vỏ đỏ lòng mà được với Cách mạng. Đây này…

Nói tới đây quản giáo Cư cầm lấy bản tự khai của khối trưởng Trai. Đây này, hắn nói lớn. Các anh thấy không? Nội cái phần Liên Hệ Bản Thân, có nghĩa là tự xét mình xem trong quá trình hoạt động chống phá Cách mạng, chống phá nhân dân mình đã giết bao nhiêu chiến sỹ Cách mạng, đã hãm hiếp bao nhiêu đàn bà con gái, đã đốt phá bao nhiêu làng mạc của nhân dân. Anh nào cũng phê một chữ không.

Nói tới đây bỗng dưng đôi mắt hắn đỏ rực lên. Hắn quăng tờ giấy xuống đất. Các anh tính đùa với Cách mạng đấy phỏng? Tiến lên vài bước, nghĩ sao hắn lại hằn học quay lại, khom người cầm tờ giấy tự khai của khối trưởng Trai lên, tiếp. Còn đây nữa. Cái mục ông bà cha mẹ các anh chỉ phê mỗi chữ chết. Cái mục tiếp theo hỏi chết thế nào, trong tình trạng ra sao, chết ở đâu, các anh chỉ ỡm ờ phê một chữ không biết! Tôi bảo thật với các anh, bản tự khai sẽ không được coi là đạt yêu cầu trừ khi các anh bốc mả ông bà cha mẹ các anh lên để hỏi cho rõ đã chết như thế nào, chết vì bơ thừa sữa cặn, chết vì ăn chơi trụy lạc hay chết vì bị nhân dân đòi nợ máu, vì bị bao lực Cách mạng trừng trị.

Mọi người đều lạnh toát vì câu nói thú vật không ngờ của thằng Việt cộng.

Tên quản giáo ngó đồng hồ tay rồi ngó ra ngoài cửa. Nắng chiều đang nhạt dần bên ngoài. Gần nửa ngày ngồi ngó bọn tù khai lý lịch mà không thằng nào đạt yêu cầu khiến hắn vừa bực vừa chán. Dù muốn dù không, hắn phải nhận lãnh trách nhiệm hơn một trăm thằng tù trước mặt cấp chỉ huy. Vinh quang chưa thấy đâu, chỉ thấy nhất cử nhất động của bọn tù đều có ảnh hưởng đến tiền đồ của hắn. Nội cái thằng tự tử trưa nay cũng đã là một phiền toái không nhỏ cho cả khung. Bản thân hắn và các đồng chí tối nay chưa biết sẽ phải ngồi thảo luận đến mấy giờ sáng! Hắn chợt quay lại bọn tù cất giọng mệt mỏi. Gần năm giờ rồi. Tôi cho các anh nghỉ sửa soạn cơm chiều. Tối nay các tổ phải đốt đèn thảo luận về bản tự khai, phải tìm cho ra các điểm yếu và vạch phương hướng hạ quyết tâm khắc phục những điểm yếu ấy trong giờ tự khai sáng mai. Các anh phải nhớ rằng đây là đợt đầu khai lý lịch…

Tên Cư tính nói tiếp nhưng nghĩ sao hắn im bặt. Một lúc hắn tiếp. Có thể ngày kia các khối sẽ họp để thông qua các bản tự khai. Chính các anh phải đọc bản tự khai trước mọi người. Và nhiệm vụ của từng cá nhân là phải đóng góp phần ý kiến để bổ sung và hoàn chỉnh bản tự khai cho mọi người. Tôi cũng cần nhấn mạnh ở điểm này, trước đây thế nào cũng có những anh quen biết nhau, có thể từng là bạn học chung quân trường, có thể từng ở chung đơn vị… Đã biết nhau từ trước lại càng phải có nhiệm vụ giúp đỡ nhau học tập cải tạo tiến bộ. Mà giúp đỡ nhau cụ thể trước mắt là phải công khai sửa cho nhau những sai lầm thiếu sót trong bản tự khai của nhau. Một điểm chót, các anh đừng quên rằng Cách mạng đã biết hết! Sự thành khẩn khai báo chính là ưu điểm nổi bật trong bước đầu học tập. Nó sẽ là tiêu chuẩn cực kỳ quan trọng để Cách mạng xét thả.

Sau khi địch vận một hồi, tên quản giáo có nhiều mệt mỏi. Hắn ngoắc khối trưởng Trai lại. Cho anh em nghỉ, hắn nói. Các khối khác người ta đã nghỉ cả rồi. Thốt nhiên hắn lớn giọng. Anh Tô đâu?

– Có tôi. Từ cuối phòng Nguyễn Văn Tô chợt đứng bật dậy với vẻ hớn hở một cách thô bỉ ra mặt.

– Chốc nữa anh lên tiểu đoàn làm việc.

– Dạ.

Tiếng dạ ngoan ngoãn của tên Ba Tô cũng là tiếng tiễn chân tên quản giáo ra khỏi cửa.

No comments:

Post a Comment