Thursday, December 22, 2022

59 - Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh Chương 59

CHƯƠNG 59
au tháng đầu với những thay đổi bắt buộc về chỗ ở, có khi cả về nhân sự; hiện tại đội 17 được đưa về nhà 5, ở chung với đội 13 và đội 7. Ở nhà 4 nằm chung trong một vòng rào có ba đội bạn là đội 25, đội 5 và đội 30. Điểm mặt hầu hết "nhân vật" của sáu đội này, không ai nói ra nhưng cả trại đều ngầm công nhận rằng đây là những đội gồm những kẻ "xấu", nếu không có thành tích trốn trại thì cũng phải có thành tích âm mưu... đốt trại. Công tác lao động của sáu đội này tuy giản dị nhưng nặng nề. Họ không được thoải mái như đội văn nghệ kiêm canh tác rau xanh; chẳng được tin yêu như đội lâm sản, sáng vác rìu đi tối vác về và trên lưng anh nào cũng lủng lẳng mấy cái măng rừng để bồi dưỡng; không ngon lành như đội mộc hoặc đội cơ giới (sửa công xa cho trại), được ở một khu riêng biệt ngoài vòng rào trại và tự do lai vãng đó đây; đội càng không được "quơ tay cũng có tí no lòng" như đội anh nuôi... Nói tóm, sáu đội trong hai dãy nhà số 4 và số 5 chỉ lao động quanh trại và khu xây cất mà thôi. Chưa bao giờ Vĩnh, trong một tháng qua, có dịp bước sang vùng đất bên kia con suối.
Riêng đội 17, nhiệm vụ hiện tại là đào ao và đắp một con đường từ cuối khu trại đang ở sang tới khu trại mới đang bắt đầu được xây cất. Công tác đào ao nơi đây quả không dễ ăn! Trước khi thi công đào ao, bọn tù phải khai quang cả một vùng đất rộng lớn. Khai quang ở đây lại cũng không phải là thứ khai quang ở Trảng Lớn hay An Dưỡng. Làm công tác khai quang nơi đây là suốt ngày bì bõm dưới những bãi lầy có từ thời... tạo thiên lập địa - nơi có đầy đỉa, vắt và muỗi mòng - để đào cho bật gốc những thân buông già trăm tuổi. Khi thân buông đổ xuống rồi, cả đội lại xúm vào dùng sức lăn thân buông trên những bãi lầy đến một nơi quy định.
Bọn công an gác tù nơi đây ác có lông bụng. Chuyện đánh đập, bắt quỳ hoặc kêu Trật Tự trói dẫn về trại nhốt cachot là chuyện cơm bữa. Nhưng chuyện ấy chưa hẳn đã làm một con người phải đau đớn. Chuyện đau đớn là, nơi đây, như được hưởng sự giáo dục đặc biệt của một chế độ đặt căn bản trên sự oán thù, bọn công an có lối mạt sát mà chỉ đến ngày xuôi tay nhắm mắt mới có thể hết thấy đau. Vĩnh không sao quên được tuần rồi, trong lúc bọn anh đang khênh những ki đá tảng nặng nề đến công trường xây cất, thì đội 30 làm công tác bên cạnh bờ suối; chẳng hiểu cuốc đất thế nào, ông Lý Trung Dung, một bác sỹ tuổi đã gần lục tuần, bị một thằng công an vệ binh tuổi chừng 17, 18 kêu đến trình diện. Bác sỹ Dung bỏ cuốc, đến trình diện thằng công an đang ngồi trên một cái ghế đẩu tránh nắng dưới một gốc buông rợp bóng mát. Thằng công an hầm hầm nhìn ông bác sỹ già, chỉ tay ra lệnh.
- Ngồi xuống!
Bác sỹ Dung đành ngồi xuống đất, bó gối ngước mắt nhìn lên thằng công an. Lấy một ngón tay chỉ chỉ vào mặt ông Dung, nó hằn học lên lớp. Anh già kia! Nơi đây tôi đại diện đảng giáo dục anh, thì tôi là thầy anh, có phải không?
Bác sỹ Dung khẽ nhắm mắt thay cho một cái gật đầu. Tên công an lại tiếp. Nơi đây không có bố mẹ anh, tôi thay mặt bố mẹ anh chăm cơm chăm áo cho anh học tập, thì tôi có phải là bố nuôi của anh không?
Nghe nó chửi một ông già nặng nề như thế, mấy thằng tù trẻ đứng quanh quất uất hận tràn hông. Nhưng ông già Dung vẫn chỉ khẽ gật đầu, nói lý nhí vài câu gì đó. Lắng nghe ông Dung nói xong, thằng công an bỗng đứng vùng lên, khoa chân múa tay. Đấy! Nó tiếp. Tôi vừa là thầy anh lại vừa là bố anh, thế mà tôi chỉ yêu cầu anh cuốc cho đều tay, lát nào cho ra lát ấy, tại sao anh vẫn tỏ thái độ ngoan cố chống bố chống thầy?
Ít phút sau, dù chữ nhẫn của ông có thể đã to gấp đôi chữ nhẫn của đức Phật, bác sỹ Lý Trung Dung vẫn bị trói dẫn về nhốt hầm tối...
Bọn Vĩnh lúc này đang phải quần quật khổ dịch dưới những đôi mắt giám sát của bọn công an gian ác như thế. Mặc khác, đội trưởng Tầm với sự trợ giúp "rất có kỹ thuật" của đội phó Hùng, hiện không còn nhỏ nhẹ dễ thương như những ngày đầu nữa. Một mặt nó lấy sức vóc của một lực sỹ để lao động làm gương, một mặt nó đeo sát anh em để báo cáo với thằng Thường, cán bộ quản giáo hiện tại của đội 17, về tất cả những gì đã xảy ra trong ngày. Gần đây, do sự tiến bộ quá nhanh của Tầm, nhanh đến độ đội phó Hùng là người của Ban Giám Thị công khai gài vào đội 17 cũng thấy bực mình. Đã có đôi lần, hai tay chức sắc này kéo nhau ra một chỗ kín đáo gấu ó nhau về lề lối điều động anh em trong công tác lao động. Sở dĩ Hùng cự nự cũng có lý. Hùng dù gì cũng là một anh tù không được to con cho lắm. Nếu đem cân giỏi lắm Hùng cũng chỉ hơn cái "trung tâm y tế toàn khoa Phạm Vĩnh" đôi ba ký là cao. Chưa kể anh ta tuổi tác đã vào cỡ 45. Mặc khác nữa, theo như anh em đoán già đoán non, Tầm đã dám qua mặt Hùng trong những công tác báo cáo về tình hình đội cho Ban Trật Tự. Điều này hẳn Tầm đã dẫm chân bạn một cách trắng trợn vì qua tìm hiểu, cả đội biết Hùng vốn là gà nòi của Ban Trật Tự.
Ngày tháng cứ lầm lũi trôi qua dưới những cơn mưa mù tháng Mười Một. Cả một khoảng rừng buông giờ đã biến thành một vùng đầm lầy nước đỏ như ráng trời và tanh chua như mùi mẻ hư. Theo đúng quy hoạch, khi việc khai quang trong một diện tích quy định đã xong, đội 17 phải bắt tay ngay vào việc đào ao và đắp đường.
Bốn tổ hiện nay của đội như hòa vào làm một cho công tác cực nhọc này. Người tay leng, người tay xẻng xúc từng tảng đất sình lầy quăng lên con đường đắp mỗi ngày một cao thêm. Phía bên này con đường đứng gần Vĩnh là Huy, Ý, Điểu, Trương Hồng, Dũng, Thương (hai người này là người cũ ở đây, mỗi người đều có thành tích trốn trại hai lần nhưng lần nào cũng bị bắt lại!)... Phía bờ bên kia, đối diện với bọn Vĩnh là đám Hóa, Dũng, Danh, Tuyến... mấy tay này đều là những sỹ quan và hạ sỹ quan trẻ tuổi, rất đoàn kết, vui nhộn và hay hòa nhạc với nhau.
Bọn quản giáo và công an vệ binh sợ bùn văng nên hiện nay chúng thường kiếm một chỗ ngồi khá xa nơi bọn tù lao động, nhờ vậy, cả đội lao động tương đối thoải mái, càng thoải mái hơn khi gần đây, do hậu quả lao động quá nhiều để làm gương, đội trưởng Tầm chịu không nổi cái đói, đã thường xuyên bỏ mặc đội lao động, lần mò sang những gốc buông bị đốn ngã để tìm nấm. Phải nói rằng Tầm là một người săn tìm nấm rất hay. Trại này đã nhiều tay trong dĩ vãng chết thê thảm vì ăn nhằm nấm độc, nhưng những mẻ nấm Tầm kiếm được không hề độc tí nào, bằng chứng chiều nào lao động về, Tầm cũng ngồi trước một xoong nấm xào thơm phức để ăn chung với chén bo bo của nhà bếp phát. Tuy nhiên, sự thoải mái nhất của bọn tù đội 17 là vừa đắp đường vừa tự do nghe anh chàng Tài xún răng kể chuyện chưởng. Tay này từng là một hạ sỹ địa phương quân dưới vùng 4. Chả hiểu vì cớ gì cũng tù tội từ 75 đến nay. Hắn "mồ côi" không ai thăm nuôi, nhưng nhờ có tài kể chuyện chưởng và tính tình dễ thương, Tài luôn luôn được anh em cung cấp đủ thuốc hút và rủng rỉnh mì vắt tôm khô nấu ăn mỗi ngày không kém ai. Mặc khác, cũng có một số anh em rất thích nghe những câu chuyện kể "rất hoang đường" của Tuyến về nước Mỹ, vùng đất Hứa của những con người thiếu thốn và khao khát Tự Do. Dù rằng trong đội có nhiều người từng du học Mỹ, nhưng những câu chuyện "dựng đứng" một cách hồn nhiên của cậu ấm Tuyến - con trai của đại tá Tồn cựu tỉnh trưởng Gia Định - vẫn làm mọi người hồi hộp theo dõi. Những câu chuyện Tuyến kể đại loại "trời Đông Bắc Hoa Kỳ sương mù và tuyết lạnh ghê gớm. Sương và tuyết đến độ có dạo cùng một lượt 4 cái phản lực cơ đã tông vào tượng Nữ Thần Tự Do, ấy thế mà chỉ có bức tượng bị rụng đầu còn bốn chiếc máy bay vẫn không bị xây xát một tí nào!".
Nghe ngứa lỗ tai, có người lên tiếng.
- Chuyện phong thần!
Tuyến vẫn hồn nhiên và nói như thật.
- Mày không biết thì im mồm đi. Khi nào về, mày lục tìm tờ New York Time số... bộ... ngày tháng năm... có tường thuật đầy đủ câu chuyện này lúc ấy mày sẽ tin tao. Nói tới đây, Tuyến xuống giọng thật hề. Anh tiếp. Nói chưa hết chuyện đã cãi! Bốn phản lực cơ vĩ đại ấy đều được chế tạo từ xưởng máy bay vĩ đại của miền Bắc xã hội chủ nghĩa vĩ đại chở phái đoàn Đảng và nhà nước ta vĩ đại đi tham dự hội nghị Liên Hợp Quốc vĩ đại!...
Trong không khí lao động như vậy, dù đói lạnh, ao đào vẫn mỗi ngày mỗi rộng mỗi sâu và đường đắp mỗi ngày mỗi dài mỗi cao. Tuy nhiên quản giáo Thường không phải là một người dễ tính. Hắn còn trẻ, tuổi độ 21 hoặc 22. Một lần nhìn thấy lề lối lao động của đội, hắn đã nổi giận đùng đùng và tập họp đội lại chửi bới một trận. Sau lần chửi bới này, chẳng hiểu do tranh chấp quyền lực thế nào, đội trưởng Tầm bị gọi làm tự kiểm vì cái tội bỏ bê đội đi kiếm ăn, và ban giám thị trại đọc lệnh bổ nhậm Đặng Xuân Hùng làm đội trưởng. Tổ trưởng tổ 2 là Mai Văn Lễ, một thiếu úy địa phương quân ở Thủ Đức trước kia, một thanh niên có sức khỏe như trâu được đôn lên làm đội phó. Đội trưởng là cháu Trường Chinh, đội phó là em một đại tá đang tại chức phục vụ trong BTL Quân Khu 7. Cả hai ông chức sắc này bắt đầu đưa đội 17 vào một "bước ngoặc quan trọng" ở tương lai.
Khi con đường đã nối được hai khu vực theo đúng kế hoạch, và trên mặt ao bắt đầu được thả rau muống thì bọn Vĩnh được chuyển công tác. Công tác mới là xén cắt những thế đất cao đổ vào thế đất thấp để biến một vùng đồi thành một giải đất bằng phẳng, làm nền cho những dãy trại sẽ được xây dựng sau này.
Mùa mưa đã bắt đầu lui dần để nhường lại cái lạnh của rừng rú ập đến với lũ tù vào những ngày tháng cuối năm. Công tác đào, khênh, đổ, đập đất chẳng thua gì công tác đào ao; nó cũng rất cực khổ cho lũ tù đói lạnh. Lại nữa, đây là một công tác lớn có nhiều trăm tù tham dự, do đó, chuyện thi công là chuyện không thể tránh khỏi. Nhưng với đội 17, hoặc 5, hoặc 13 thì chuyện có thi công hay không thi công thì cũng đến thế mà thôi. Anh em nhất định chấp hành tốt một câu nói lỡ của cách mạng, rằng "lao động tùy sức hưởng tùy lực". Một số đội già yếu được biệt phái làm gần những đội như 17, 5... dần dần cũng bị tiêm nhiễm cái phong thái làm cầm chừng. Trong lúc đứng xúc đất đổ lên những chiếc xe cải tiến cho anh em "chạy hàng", Vĩnh khoái trá nhìn mấy ông già của đội 47 và 12. Hiện tai nhìn họ lao động, bọn Vĩnh phải thú nhận mấy ông già ấy vừa bắt chước nhưng đã qua mặt ngay bọn trẻ. Họ cuốc đất nhát đực nhát cái và chủ yếu đứng nói chuyện gẫu với nhau. Chỉ trừ khi có người báo động "kiki đến!" họ mới tỏ ra lao động tốt, bằng không cứ thế mà cơm chúa múa tối ngày. Cái không khí phè này đã khiến những tay chức sắc kỳ cựu nơi đây phải lắc đầu, điển hình là đội trưởng Hùng của đội 17. Trong những lúc ngồi hút thuốc lào với nhau, vui miệng Hùng đã nói.
- Mấy ông già trước đây lao động hăng lắm đấy. Gần mấy ông đổ đốn ra!
Nhớ lời than thở có vẻ chịu đựng của Hùng, Vĩnh liếc nhìn mấy ông già lao động gần chỗ anh. Họ là ai? Kìa cha Bộ, vị linh mục cựu giám đốc Trung Tâm Fatima, người gần đây đã khẳng định với anh em rằng 30 tháng Tư tới đây, ông sẽ về làm lễ ở nhà thờ Bình Triệu... Cầm cuốc nhìn trời nhìn mây bên cạnh cha Bộ là cha Tường, vị linh mục khá béo tốt, vui vẻ nhưng lại rất ít nói. Cạnh đấy còn có ông Lê Sáng, một trong những người sáng lập ra môn phái Vovinam. Ông Mão, theo như ông nói, từng là một trong những nhân vật quan trọng hàng đầu của ban quản trị Việt Nam Thương Tín. Nhà báo già Lam Giang. Ông Đại móm, phó quản đốc trại cải huấn Đà Lạt, người mà cả mồm chỉ còn ba cái răng hàm và hai cái răng cửa nhưng nói tục còn dòn hơn cả bọn trẻ. Bác sỹ Lý Trung Dung, người một thời từng tổ chức hội chợ Thị Nghè, cầu sập chết bao nhiêu người. Ông cựu trung tá Thức, người tình nổi tiếng của vũ nữ nổi tiếng Cẩm Nhung. Đứng cạnh ông Thức là ông cha Thục, cựu giám đốc trường Chân Phước Liêm và nhiều trường công giáo khác, đã hoàn tục khi tuổi sắp về chầu Chúa!...
Nói chung chung, quý vị sồn sồn hay cao niên ấy đều lao động không lấy gì làm hồ hởi phấn khởi cả, cho dù có nhiều đội trưởng rất tích cực, lắm khi tích cực còn hơn cả bọn kiki trong việc đôn đốc anh em học tập tốt, lao động tốt. Nhưng dù có đôn đốc cách gì, đến thời điểm này các vị chức sắc cũng đều nhận thấy sự bất lực của chính mình. Đã ba năm rưỡi trời tù tội, cái sợ phải học tập lâu dài, nếu có, đã giảm đi quá nửa; cái hy vọng học tập tốt, lao động tốt, cải tạo tốt để được về sớm, nếu có, cũng đã mất đi chín lăm chín bảy phần trăm. Chưa cùi còn sợ ghẻ. Cùi rồi còn sợ gì? Mà giả như có sợ đi nữa, thì chắc bọn tù chỉ có hai cái sợ. Sợ cấm thăm nuôi và cấm... tắm cả đội.
Vĩnh còn nhớ trong hơn hai tháng trầm mình dưới bùn đào ao, chỉ vì cả đội không đạt chỉ tiêu và gặp ngày quản giáo Thường không vui, đã hai lần hắn cấm cả đội không cho ra suối tắm. Thật là kinh khủng. Bốn mươi người đã phải đem cả cái thân mình lẫn quần áo đầy bùn lầy hôi thối về phòng vốn đã chật như nêm cõi... Đó là chưa kể trường hợp vi phạm nội quy trong lao động, quản giáo có quyền cúp phép thăm nuôi một kỳ, hai kỳ hoặc ba kỳ liên tiếp không chừng.
Ba tháng qua, bọn Suối Máu vẫn chưa mấy người được gia đình lên thăm, dù trại Hàm Tân, dưới chế độ công an quản lý, những phạm nhân không vi phạm nội quy đều được gia đình lên thăm đều đặn mỗi hai tháng một lần (tỉ như gia đình có đủ sức lên thăm!). Có lẽ sự chậm trễ này là lỗi của con rùa bưu điện, vì chỉ sau hai tuần đầu, hầu hết bọn Suối Máu đều đã được phép viết thư về gia đình báo tin nơi ở để gia đình lo thủ tục giấy tờ đi thăm. Nhưng dù chưa được thăm, bọn Vĩnh vẫn không đến nỗi mù mờ tin tức như thời còn ở các trại cũ. Nơi đây, ngày nào cũng có người được thăm, do đó tin tức bên ngoài đưa vào nghe không hết. Những lúc đứng cuốc đất, Vĩnh có thể nghe được đủ loại tin tức do anh em đưa ra bàn. Tuy nhiên nghe để mà nghe, bọn Suối Máu hầu như đều mất đi cái thú... bình luận những tin đồn. Có lẽ vì trên này nhiều tin quá nên chán không muốn nghe nữa? Vĩnh không biết. Chỉ biết rằng chính anh cũng đang rơi vào tình trạng muốn buông xuôi hoàn toàn, mà triệu chứng rõ ràng nhất là mọi tin đồn nghe xong đều được bỏ ngoài tai tức thì.
Nhưng trong bọn Vĩnh có một người không bao giờ chịu nghe xong rồi bỏ ngoài tai. Anh ta nghe rồi là giữ cứng lấy nó và đem nó về phòng ngủ để quấy rầy bạn bè. Người ấy là Phạm Xuân Huy. Từ ngày di chuyển về Hàm Tân, anh Huy đổi chứng và giao du rất bừa bãi. Gặp ai anh cũng moi ruột ra để lấy cảm tình mà... khai thác tin tức. Nhóm ăn từ trước chỉ có năm người gồm anh Huy, Ý, Điểu, Dương và Vĩnh; bỗng một ngày mọi người miễn cưỡng nhận thêm một ông bạn mới của anh Huy tên là Nguyễn Tú Cường. Thực ra anh em chẳng ai ghét Cường, quý là đàng khác vì Cường trẻ và gan dạ. Hạt muối cục đường Cường thường được thỏa mãn mỗi khi cần đến. Chỉ kẹt cái tội Cường hay ba hoa, chưa kể cái dĩ vãng hơi bất thường của anh khiến đa số anh em khó chịu mỗi khi Cường hồn nhiên đem ra khoe. Cường vốn là một hạ sỹ đào ngũ, tuy nhiên đã lấy được một cô vợ con nhà giàu nhờ mấy năm trời qua lại bằng cái lon đại úy giả. Sau khi mất nước, vợ chồng Cường đã có đâu hai ba con. Cường bỗng dưng ở vào cái thế khá kẹt vì cả xóm ai cũng biết Cường là... đại úy. Ngay vợ con anh cũng không hề ngờ anh đã mang lon đại úy giả mấy năm trời. Cuối cùng, Cường bấm bụng đi trình diện học tập theo diện đại úy với ý nghĩ rằng thôi thì đi mười ngày rồi trở về làm thường dân sống nuôi vợ con. Ai ngờ cách mạng nói vậy mà không phải vậy! Tù tới năm thứ hai Cường chịu hết thấu, bèn xin gặp cai tù khai thật hoàn cảnh. Chả hiểu may hay rủi, bọn cai tù liên lạc với địa phương yêu cầu gia đình Cường xác nhận Cường là đại úy hay là hạ sỹ. Sau khi được địa phương kêu lên hỏi, vợ Cường một mực khai rằng chồng tôi là đại úy. Sau vụ đó Cường bị bọn cai tù lôi lên đập cho một trận rồi đem nhốt cachot cả tháng trời. Anh Huy cảm kích cái dĩ vãng nằm cachot ấy bèn kéo Cường vào ăn cùng nhóm. Trong bữa ăn, cả bọn vừa nhai bo bo vừa lắng nghe Cường nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, nhất là những "tin tức quan trọng" mới thu thập được trong ngày, thứ tin tức rất hợp "khẩu vị" của anh Huy.
Chiều nay, khi các đội được lệnh cho ra suối tắm như mọi chiều, Cường trang trọng thông báo một cái tin nóng hổi mà anh ta mới thu thập được, theo đó nay mai trại Hàm Tân sẽ nhận lãnh thêm một số tù nhân quan trọng khác nữa.
Cái tin nóng hổi của Cường không làm cho Dương và Ý đổi ý chiều nay phải bơi nhiều hơn chiều qua; không làm cho Điểu thôi cằn nhằn rằng nhóm ăn đã không còn một hạt muối nào; và nhất là không làm cho Vĩnh mất đi sự bình thản tắm xong lên một hòn đá ngồi nhìn sang bờ suối bên kia. Bên ấy, xa xa là bìa rừng, chỗ mà Thương và Dũng đã nói với Vĩnh rằng trông vậy đấy, chứ bên trong nó có đầy chốt của tụi công an. Mấy lần trốn trại Thương và Dũng hầu như thua chỉ vì những cái chốt ấy...

 

No comments:

Post a Comment