Với những đức tính chuyên cần góp nhặt về nhà cho mẹ đĩ của một số
tướng tá QLVNCH, căn cứ Trảng Lớn dần dần bị lột da là tôn, gỗ…; móc
ruột là bàn, ghế, tủ, máy móc… Do vậy, chỉ một thời gian ngắn sau đó,
một trong những căn cứ Mỹ lớn nhất miền Nam chỉ còn trơ bộ xương sườn là
kèo và cột.
Tuy nhiên, khi căn cứ đổi chủ lần thứ ba, dù chỉ còn trơ kèo và cột,
nhưng với “đỉnh cao trí tuệ của loài người”, Đảng ta vẫn thừa điều kiện
để biến căn cứ này thành một nhà tù vững chắc mà mây cũng ngập ngừng khi
muốn bay vào và chim cũng cùng đường không thể bay ra!
Nửa đêm ngày 28 tháng 6 năm 1975, nhiều đoàn Molotova từ các địa điểm tập trung ở Sài Gòn đồng loạt khởi hành và đưa các sỹ quan cấp úy đã liều nhắm mắt đưa chân ra nộp mình cho Cách mạng vào những ngày 24, 25, 26 về căn cứ Trảng Lớn.
Sáng ngày 29, một sáng chủ nhật không bao giờ còn nhà thờ nhà thánh cho những con chiên ngoan đạo; không bao giờ còn những con đường đầy lá me xanh cho những người thi sỹ lính; không bao giờ còn được dịp chửi thề: ĐM nó, tuần nào cũng trăm phần trăm!… Một sáng chủ nhật buồn như thế, thê lương như thế, các đoàn xe như những con sâu róm dài bất tận cùng quy về và đổ các tên tội phạm chiến tranh (!) của chế độ Sài Gòn xuống vòng đầu địa ngục của họ.
Tha hồ xầm xì, tha hồ quan sát, tha hồ lo âu, tha hồ dự đoán; gì gì chăng nữa thì trước mặt mọi người vẫn là căn cứ Trảng Lớn. Dây thép gai mới được thả ra vây quanh từng khu riêng biệt. Mỗi khu có chừng hai mươi dãy nhà 15m x 5m. Trên những dãy nhà ấy, rõ ràng tôn và gỗ mới được đóng thêm lên những kèo cột cũ để bọn tù nhân của tân chế độ có nơi kê đầu.
Với lối điều động có súng dí sau lưng, Việt Cộng đã áp giải một cách thứ tự lớp lang để tù vào ngồi đúng vị trí mới của mình mà không ai bị xây sát chút nào.
Hai ngày đầu bó giò dằn mặt đã qua, ngày thứ ba bọn tù được thả ra khỏi phòng cho giãn gân cốt và để thực sự bắt đầu đi vào nếp sống mới với muôn nghìn thống hận về sau.
Sáu giờ sáng tên quản giáo của mỗi phòng xuống mở cửa. Hắn đứng giữa cửa dõng dạc phán.
– Hôm nay cho ra làm công tác vệ sinh cá nhân. Bảy giờ tập họp trong nhà bầu trưởng khối.
Lời lẽ của Cách mạng chỉ hà tiện thế thôi. Và tên quản giáo lạnh lùng bỏ đi.
Lũ tù từ bên trong ùa ra sân. Kẻ nhốn nháo đi tìm bạn bè. Kẻ chạy ra những vũng nước mưa đọng dọc theo những dãy hàng rào kẽm gai rậm rạp cỏ lau, dùng lon guigoz gạn từng miếng nước trong dùng đánh răng súc miệng.
– ĐM mày, chỗ người ta lấy nước sao lại đứng đái?
– Đồ cà chớn!
Những tiếng la hét thất thanh cùng nổi lên một lượt, khi có một anh chàng đứng phanh quần chơi luôn vào vũng nước mưa một bãi. Mặc những tiếng la hét, anh ta chỉ có một chân lý duy nhất, nói theo kiểu Bác và Đảng, là đái cho thỏa thích sự nín đái hai ngày qua.
– Đồ lì lợm!
– Mất nước cũng vì mấy thằng có máu lì như vậy.
Trước con mắt ngạc nhiên của đám đông về cái đức tính lì của mình, anh bạn tù vừa gài cúc quần vừa chậm rãi quay mình lại. Anh ta nhếch mép cười như một tên hề.
– Thưa các quan đồng viện, anh nói. Đến ngày hôm nay còn chỗ nào trên đất nước này mà không đáng đái lên!?
Chỉ nói khơi khơi như thế rồi anh bỏ đi, kệ những lời bình phẩm văng vẳng theo sau lưng.
Vừa nghe những âm thanh hỗn độn phát ra từ đám đông, Vĩnh vừa thong thả đứng đánh răng dưới một gốc cây. Anh thoáng thấy một người quen mặt đi qua nhưng anh không buồn gọi.
Trời tháng Sáu Trảng Lớn đã bắt đầu có những cơn mưa về đêm. Buổi sáng giá lạnh nhưng buổi trưa sẽ lửa đốt. Nhớ lại hai ngày qua nằm bó giò trong căn phòng bé tí với một trăm mười chín người khác mà Vĩnh rùng mình. Nếu tình trạng này kéo dài, nội bệnh truyền nhiễm cũng đủ rụng như sung, ấy là chưa nói vô phúc gặp những dịch như sốt sưng màng óc, kiết lỵ… Vĩnh nhớ có một năm nào đó quân trường Quang Trung bị dịch sốt sưng màng óc. Với một hệ thống y viện đầy đủ các phương tiện thuốc men như trước đây mà số tân binh quân dịch bị tử vong còn lên đến độ báo động đỏ. Trong tình trạng thế này mà bị sốt sưng màng óc hoành hành có mà thánh chữa.
Vĩnh đánh răng xong, nhét bàn chải vào túi. Anh kéo tấm khăn lông trên cổ xuống, nhúng một góc khăn xuống vũng nước và bắt đầu lau đầu cổ chân tay. Thốt nhiên Vĩnh thấy có người đập nhẹ vào lưng.
– Tao tìm mày suốt lúc đến giờ!
Người vừa nói với Vĩnh là Nguyễn Tất Ứng, trưởng ban báo chí BTL/Hải Quân. Ứng còn là bố đỡ đầu thằng con thứ hai của Vĩnh. Hai người gặp lại nhau nơi địa điểm tập trung trường Lê Quang Định trên đường Lê Văn Duyệt Gia Định. Vĩnh hỏi lại bạn.
– Mày nhốt phòng nào?
– Tao cũng chưa định được vị trí phòng tao nằm đâu trong trại này nữa. Tao chỉ biết đàng sau phòng tao là một núi vỏ đạn 105 ly. Mày cứ đi vòng xuống phía dưới kia, gặp đống vỏ đạn là thấy phòng tao.
– Không hiểu chúng nó còn tiếp tục giam cứng tụi mình trong phòng nữa không?
– Tao nghe nói được thoải mái rồi.
– Thoải mái là sao?
– Là ra vô tự do nhưng trong khoảng khu hàng rào này thôi. Tao muốn nói là cửa phòng từ hôm nay được mở rộng 24/24…
– Mày có được nghe thêm gì không?
Ứng có vẻ đắn đo.
– Cũng toàn tin đồn thôi!
– Đồn sao?
– Thì nghe đồn sớm nhất mười ngày về, muộn nhất là ba tháng.
– Mày tin không?
– Thấy hơi vô lý nhưng cũng mong như vậy.
Một mối lo âu chợt thoáng qua nét mặt Ứng. Ứng hỏi lại. Vậy chớ mày nghĩ sao?
– Tao sợ mọt gông quá Ứng à! Vĩnh vừa nói vừa cố nở một nụ cười. Anh xoay sang vấn đề khác. Có gì ăn không?
– Tao có đem theo ít nếp. Khi nãy vừa ra khỏi phòng tao nấu ngay một lon guigoz. Đi, đi với tao xuống đó.
Khoác cái khăn lông lên vai, Vĩnh lẽo đẽo theo bạn len qua các đám đông cũng đang tụm năm tụm ba bàn tán để tiến về phòng Ứng. Quang cảnh của một hỏa ngục đang thành hình mang đầy vẻ hỗn độn và bê bết của nó. Trên những lối đi lầy lội vì cơn mưa đêm hôm trước, dưới những gốc cây, dưới những hiên nhà, tù từng đám tụ tập bên những cái bếp kê vội bằng dăm ba viên gạch, đang cong đuôi thổi lửa nấu nhanh một miếng nước sôi để pha cà phê hoặc đổ mì gói.
Đi loanh quanh một lúc hai người về đến phòng Ứng. Căn phòng bừa bộn và dơ bẩn như tất cả các phòng khác. Nếu không có mùi cà phê thơm ngát trong không khí chung quanh, người ta không thể tránh khỏi ý nghĩ đây là hang ổ của bọn ăn mày thường tìm thấy trong những tác phẩm của Charles Dickens.
Vĩnh theo Ứng vào phòng, tháo dép cầm tay và bò qua đống chăn chiếu của anh em để về chỗ Ứng. Vĩnh ngồi tựa vào vách đảo mắt nhìn quanh. Anh chợt nhận ra tay vô địch đẩy cây và nhu đạo của VNCH Vương Đắc Vọng. Anh chàng sỹ quan pháo binh kiêm thể thao gia nặng 80Kg cũng vừa nhận ra Vĩnh.
– Chào ông bạn. Hắn lên tiếng trước. Ông bạn đã nói sai rồi.
– Có thể, nhà vô địch ạ.
– Mong rằng câu chuyện sẽ không xảy ra đúng như ông bạn nói.
– Nhưng…
Vĩnh tính nói tiếp nhưng nghĩ sao anh lại thôi. Nhà vô địch coi bộ cũng không muốn tiếp tục mẩu đối thoại nên chỉ mỉm cười và quay trở về với ly cà phê của hắn. Vĩnh cũng cầm lấy miếng cơm nếp của Ứng lên miệng.
– Quen hắn hả? Lúc trên xe tao khổ vì hắn. Người đâu mà lại vô ưu đến thế! Xe vừa lăn bánh, ai cũng lo ngay ngáy không biết nó sẽ đưa mình tới đâu, thì hắn đã ngáy như pháo gầm.
– Thì hắn dân pháo binh mà lại.
– Quen hồi nào?
– Hôm ở Lê Quang Định. Hắn cùng trong tổ ăn 10 người với tao. Tao đùa nắm bắp đùi hắn, nói: Chắc chắn tụi nó sẽ đem mình ra biển. Chúng ta lại sẽ được đi tàu há mồm. Nhưng không phải Việt cộng cho chúng ta đi di cư, mà đem chúng ta đi nuôi cá mập. Cái đùi như ông thì phải biết…
– Mày hay đùa giỡn thái quá. Ứng cự nự. Thời buổi này cũng nên giữ mồm giữ mép. Con ếch nó chết vì cái mồm.
– Đồng ý. Còn mục gì nữa không để tao về?
– Ngồi tí nữa. Thằng nằm cạnh tao sắp đem cà phê vào. Nhấp chút rồi đi.
Chẳng hiểu sao bỗng dưng Vĩnh muốn đứng lên ngay. Anh từ chối.
– Thôi, no bụng là tốt rồi. Mình thua tụi nó chỉ vì mình có quá nhiều nhu cầu!
Vĩnh rời chỗ ngủ của bạn và bước ra khỏi phòng. Anh lần đường tìm về phòng mình. Về tới chỗ nằm, anh xếp lại chăn chiếu và lần đầu tiên trong hai ngày qua, anh quan sát kỹ một trong những góc cạnh của thiên đường Cộng sản mà từ đây, dù muốn dù không, anh cùng các chiến hữu phải chấp nhận; chấp nhận một cách miễn cưỡng nhưng không biết đến bao giờ. Tuy đã lâm vào tình trạng thế phải thế, Vĩnh vẫn nhủ lòng sẽ cố sống trong một tinh thần mai phục; đúng hơn, tinh thần của một phóng viên chiến trường. Anh sẽ cố gắng chụp cho hết những hình ảnh hậu chiến tuyệt vời này. Mai đây nếu chuyện biển máu không xảy ra, biết đâu, một ngày nào…
Lúc này mọi người đã trở về phòng. Tất cả đang lo sắp xếp lại mớ hành trang của mình. Họ xầm xì bàn tán. Họ tranh luận về một tương lai mà hầu như chưa ai biết nó sẽ như thế nào. Họ than thở về những lầm lỡ ngày qua…
– Thật là khôi hài cho cái sợ ấm ớ của mình. Một giọng nói có vẻ lạc quan lên tiếng. Khi đi, tao ngại đến độ không dám đem theo cả áo len. Tất cả cái gì có màu nhà binh tao đều bỏ lại nhà. Vợ tao năm lần bảy lượt lận vào sắc tao một hộp bơ, mấy hộp sữa. Tao nhất định bỏ ra. Anh đem theo ăn uống cho khỏe. Tao nổi cáu. Bộ em tưởng đi Picnic à? Đem mấy thứ này vào mà trêu ngươi chúng hả? Cuối cùng bố tao biết chuyện, nạt ùm lên và kết quả bây giờ tao… cái gì cũng ăn ké tụi mày.
Những câu chuyện như thế chấm dứt khi một tên quản giáo từ ngoài bước vào. Hắn trừng mắt lấy uy và tự động… hô lấy một mình.
– Nghiêm!
Như một phản ứng tự nhiên, tù đứng phắt cả dậy.
Tên quản giáo đảo mắt nhìn chung quanh và bắt đầu “lên lớp”. Tôi không ngờ các anh nại vô nễ như thế. Quân trường ngụy có dạy các anh cách chào kính cấp trên không? Nần sau, thấy quản ráo vào, trưởng phòng phải hô nên thật nớn nghiêm! Nghe rõ không?
– Rõ!
Một vài tiếng lác đác trả lời. Tên quản giáo chưa hết bực. Hắn lên lớp tiếp.
– Dù gì các anh cũng từng nà sỹ quan. Sỹ quan mà ba nô ba niếc nuộm thuộm như thế kia à?
– Ba nô ba niếc nuộm thuộm vì nâu nắm thiếu cái n… ồ…n!
Một câu trả lời vu vơ, khe khẽ từ một góc nào đó nổi lên nhưng cũng đủ làm tên quản giáo điên máu.
– Anh nào ăn lói với Cách mạng mà mất rậy thiếu ráo rục như thế?
Hắn vừa hỏi vừa trừng đôi mắt đỏ gay vào một góc phòng. Không ai trả lời. Một lần nữa hắn hỏi như hét. Thằng lào? Thằng lào anh hùng nhận coi?
Chắc chắn là chẳng có ai lại anh hùng trong trường hợp này, và sự thiếu anh hùng tính trong đám tù mở đầu cho một cuộc trù ếm chửi rủa dài dài cho cả phòng từ đó về sau. Tên quản giáo như để bõ tức và củng cố uy tín của mình trong cương vị làm thầy ngay từ những giây phút đầu, hắn tiếp tục mạt sát và giảng đạo. Lói các anh rõ. Kể từ đây, các anh phải ý thức cho đúng vị trí mới của mình. Học tập cải tạo phải nghiêm túc, ăn lói phải khiêm tốn, lễ độ. Nịch sử đã sang trang. Kẻ chống đối như kẻ vừa nói câu khi nãy chắc chắn không sớm thì muộn sẽ bị bánh xe nịch sử nghiền nát. Các anh phải nhớ ngày hôm nay các anh chỉ còn có quyền sống để học tập cải tạo, còn tất cả các quyền khác đã hoàn toàn chấm dứt, kể cả quyền… nói tục. Vả nại, trong chế độ đặt trên cơ sở đạo đức cách mạng của ta không chấp nhận nói tục. Các anh chỉ có hai con đường, một, học tập cải tạo tiến bộ để trở về nàm người công rân nương thiện của xã hội xã hội chủ nghĩa; hai, các anh sẽ tự xử nấy mình nếu thấy rằng xã hội này không thích hợp với các anh. Xã hội này sẽ không có con đường… con c… Có nghĩa nà con đường… nưng chừng, ở giữa.
Câu ví von đầy đạo đức Cách mạng của tên quản giáo làm đám tù buột miệng cười hô hố.
– Cười cái rì?
Cái cười hô hố của bọn tù chạm nọc tên quản giáo một cách nặng nề. Mắt trợn trắng miệng sùi bọt mép, cơn giận của hắn vỡ tung ra như một căn bệnh ung thư tưởng không còn thuốc chữa. Hắn xốc tới một người đứng gần nhất chộp lấy cổ áo. ĐM. cười cái gì? Mày…
Tuy nhiên chưa nói hết câu hắn đã phải buông cổ áo người đối diện ra. Một tên quản giáo khác bất chợt bước vào.
– Chuyện gì thế đồng chí Cư?
– Thưa đồng chí, tôi…
Cái nóng của tên quản giáo có tên Cư chợt nguội tức khắc như một cục than hồng bị ném vào một cái thùng đựng nước tiểu.
– Cho anh em bầu bán gì chưa?
– Dạ… đang tiến hành.
– Các khối khác người ta bắt đầu cả rồi!
Tên quản giáo mới đến mặc dù cũng không mang quân hàm, nhưng căn cứ theo sự khúm núm thủ lễ của tên quản giáo Cư, mọi người đều đoán rằng y phải có một chức vụ gì cao trong tiểu đoàn.
Sau khi lườm người đồng chí của mình một cái thật kín đáo, y quay sang đám tù. Bằng một giọng mật ngọt chết ruồi, y nhập đề ngay. Thế này nhé, thẳng thắn với các đồng chí, à quên, thẳng thắn với các anh, đồng chí Cư làm như ban nãy là có sai đường lối. Nhân danh cán bộ đảng, tôi… dàn hòa.
Y tằng hắng, vén cao tay áo rồi tiến lên một bước và tiếp tục. Khối này hơi đặc biệt, phải không? Vậy thì tôi sẽ đích thân làm việc với các đồng chí, à quên, với các anh, nhé! À mà hôm nay các anh đã thấy thoải mái chưa nào?
Câu hỏi vu vơ lấy lòng của tên cán bộ Đảng không được ai trả lời. Và hình như chính y cũng chẳng cần ai trả lời. Y ào ào nói tiếp. Theo chương trình của ban chỉ huy trại, kể từ ngày hôm nay các anh sẽ được Trên chiếu cố hơn để bắt đầu bước vào học tập. Cái kiến con ong còn biết tổ chức, thượng tầng kiến trúc, hạ tầng cơ sở tạo điều kiện tốt cho sinh hoạt tập thể. Chả nhẽ ta lại không? Thế cho nên Cách mạng yêu cầu các anh phải có ý thức cao về tổ chức hệ thống điều hành và có tinh thần cao chấp hành theo mệnh lệnh của hệ thống tổ chức ấy, mà tới đây, tôi và đồng chí Cư sẽ giúp đỡ các anh phương pháp bầu bán sao cho tốt, đạt được yêu cầu của Cách mạng. Các anh có nghe rõ không? Mấy anh ở góc dưới kia kìa?
Vài tiếng lác đác trả lời. Như chưa vừa ý, tên cán bộ Đảng hỏi lại. Các anh có nghe tôi hỏi không? Các anh ngồi dưới góc nhà kia có nghe tôi rõ không?
– Rõ!
– Thế thì tốt!
Tên cán bộ Đảng nói đoạn xoay qua nói nhỏ với tên quản giáo Cư một điều gì đó. Sau khi tên Cư bỏ đi, y quay trở lại với đám tù. Đề nghị với các anh, y tiếp. Chúng ta cùng ngồi cả xuống làm việc thoải mái hơn.
Mọi người chỉ chờ có thế. Y cũng ngừng nói và bước ra đứng gần phía
cửa, thỉnh thoảng ngó lung ra ngoài như chờ đợi ai. Bây giờ Vĩnh mới chú
tâm quan sát kỹ tên cán bộ Đảng. Đầu tiên là khuôn mặt của y, một khuôn
mặt xương xẩu, lạnh tanh và tái như đã mất ba phần tư máu trong thân
thể. Đôi mắt một to một nhỏ nằm láo liên dưới cặp lông mày thưa thớt
như gái vô mao. Chiếc mũi khoằm của y lúc nào cũng như đề phòng sự quật
khởi của hàm răng vẩu đầy bựa cơm nằm trơ thổ địa bên dưới.
Tên quản giáo Cư đã quay trở lại. Hắn chìa cho tên cán bộ Đảng một tờ
giấy. Tên cán bộ Đảng cầm lấy và xoay mặt về phía tù. Y cất tiếng.
– Thôi bây giờ thì ta triển khai công tác bầu bán nhá, mình quân sự cả, cơ cấu tổ chức chỉ cần nói sơ qua các anh cũng nắm vững rồi. Bây giờ theo đúng thể thức dân chủ tôi hướng dẫn các anh bầu ra một trưởng khối, hai phó khối một đặc trách hậu cần và một đặc trách điều hành các công tác lao động hàng ngày. Khối ta từ nay sẽ gọi là khối 10. Y chợt ngó vào tờ giấy rồi tiếp. Khối ta có 120 người, phải không? Vậy thì ta sẽ chia làm 12 tổ, mỗi tổ 10 người gồm một tổ trưởng và một tổ phó. Nói tới đây, y lại ngừng lại, đôi mắt nhấp nháy nhìn vào lũ tù. Thế nào, các anh có ý kiến gì không?
– …?
Không nghe ai đáp ứng, tên cán bộ Đảng lại tiếp.
– Nhất trí cả chứ? Thế thì tốt thôi! Nói đoạn y lại ngó vào tờ giấy. Thế thì là thế này, nhé. Để tranh thủ thời gian cho các anh nghỉ ngơi, chúng tôi đề nghị một số các anh học viên cải tạo trong anh em ra tranh cử, nhé. Các anh có nhất trí không nào?
Không ai trả lời. Nhất trí cả phải không? Thế thì tốt thôi! Bây giờ tôi đọc tên ai người ấy đứng lên nhá. Nói xong, theo đúng thể thức dân chủ kiểu Cộng sản, y nâng tờ giấy lên tận mắt và bắt đầu ê a đọc một lô tên tuổi. Những nhân vật được chọn từ trước lục đục đứng lên. Có kẻ hăng hái, có người hơi ngỡ ngàng không hiểu tại sao y lại gọi tên mình.
Kết quả cuộc bầu cử được thành công mỹ mãn, mà nói theo kiểu Việt cộng thì… đây là một thắng lợi lớn trong bước đầu của ta! Trương Thành Trai, trung úy phi công F5, khối trưởng. Nguyễn Ngọc Đỉnh, trung úy y sỹ, khối phó hậu cần. Quách Tứ, trung úy phi công trực thăng, khối phó điều hành kiêm tổ trưởng tổ A.3.
Vân vân và vân vân…
Sau cùng, cũng theo một phương thức cực kỳ dân chủ, một danh sách phân người cho các tổ được đọc lên. Và Vĩnh thuộc tổ A.3. của Quách Tứ, sỹ quan không quân và cũng là cháu gọi tác giả của câu thơ “sóng mài nghiên biển ngòi non chấm, gió trải tờ mây chữ nhạn đề” bằng chú.
No comments:
Post a Comment