Thursday, December 22, 2022

63 - Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh Chương 63

 
CHƯƠNG 63

ầu tháng Giêng năm 1979, trại Hàm Tân trải qua một cuộc học tập và thảo luận về việc "thủ đô Nam Vang được giải phóng khỏi tay bọn đồ tể Pon-Pot và Ieng-Xary". Trong lần học tập này, Ban Giám Thị trại cũng hân hoan loan báo.
- Việt Nam và Kampuchea là hai nước anh em xã hội chủ nghĩa, vì thế chúng ta không bao giờ được phép để hai nước phải rơi vào tình trạng môi hở răng lạnh. Nhờ đảng, nhờ nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và nhờ nhân dân Việt Nam tích cực giúp đỡ, ngày nay nước Kampuchea anh em đã thực sự thoát khỏi bàn tay diệt chủng của bọn đồ tể phản bội Pon-Pot và Ieng-Xary, được hưởng hòa bình tự do no ấm và hạnh phúc thực sự. Cũng như nước ta khi mới giải phóng, nước Kampuchea anh em hiện gặp một số khó khăn mà cơ bản là những khó khăn về kinh tế. Do vậy, trong tình thân ruột thịt thắm thiết, tình láng giềng tối lửa tắt đèn, Đảng nhà nước và nhân dân ta đã quyết định thắt lưng buộc bụng để có cái chi viện trợ giúp nước anh em trong cơn khó khăn. Hạt gạo hạt muối bây giờ ta lại phải cắn làm ba làm tư... Ban Giám Thị trại nêu rõ vấn đề để các anh em phạm nhân đừng lấy làm thắc mắc khi khẩu phần tinh bột của trại ta từ nay sẽ có giảm sút chút ít!...
Tin nhân dân Kampuchea được "thực sự độc lập tự do, ấm no hạnh phúc" bỗng nhiên mờ hẳn đi trước tin khẩu phần tù bị cắt giảm khi ngày Tết ngày nhất vừa tới nơi. Những lời bàn Mao Tôn Cương tha hồ có dịp nổi lên. Và những lời bàn ấy còn nổi lên dữ dội hơn khi vào ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung cộng tiến quân cấp quân đoàn đánh vào các tỉnh biên giới dưới chiêu bài "dạy cho CSVN một bài học".
Bạch thư tố giác "chính sách bá quyền Trung Quốc và chủ nghĩa Sô-vanh của bọn phản động và phản bội" được Hà Nội ấn hành và tuyên truyền rùm beng đến tận cái xó xỉnh tù Hàm Tân này. Bọn tù một lần nữa được lôi lên hội trường để nghe cán bộ đảng khởi sự tố khổ người anh em Trung quốc vĩ đại, đồng thời cũng là bố nuôi của chúng trong suốt quá trình cuộc chiến tranh ăn cướp miền Nam tự do.
Trong văn chương bình dân Việt Nam có nhiều kiểu chửi thật tuyệt vời, từ chuyện chửi gà chửi qué đến chuyện chửi chó chửi mèo; nhưng có lẽ đây là câu chuyện chửi nghe sướng nhất mà cả nước lần đầu được nghe, ấy là chuyện thằng con Hà Nội chửi bố Trung Quốc. Thôi thì hết xẩy! Thế giới tự do bỗng dưng không tốn một xu teng mà có ngày được cả một tập tài liệu đầy đủ nhất về những cái lươn lẹo, đểu cáng, những cái bất lương, bịp bợm, lưu manh... đã xảy ra trong suốt quá trình cuộc giao du của bọn anh em ruột thịt nhà cộng sản.
Bọn tù, mới đầu nghe cha con chúng nó đánh nhau, rồi chửi nhau, rồi công khai vạch áo cho người xem lưng thì cũng lấy làm khoái. Tuy nhiên nghe riết, nghe cả tuần lễ bắt đầu đâm nhợn. Khi tụi nó khen nhau mình cũng phải nhắm mắt nhắm mũi mà khen để tránh tội phản động. Khi tụi nó chửi nhau mình cũng phải nhắm mắt nhắm mũi mà chửi kẻo mang tội Việt gian!
Nhưng cuộc chửi bới dù có dài đến đâu cũng có lúc phải chấm dứt. Lần lên lớp sau cùng, tên tổng giám thị trại kết luận.
- Đất nước ta mấy mươi năm chịu đựng gian khổ, vừa thoát ra khỏi sự thống trị bạo tàn của bè lũ Mỹ ngụy, cả nước đang như một con bệnh vừa phục hồi và khởi sự bắt tay vào công cuộc tái thiết đất nước, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa trên cả hai miền Nam Bắc, thì bọn phong kiến nghìn đời, bọn phản bội chủ nghĩa xã hội, tức bọn bành trướng Bắc Kinh, đã chạy theo lợi nhuận được đế quốc Mỹ chia chác, trở mặt xua quân đánh phá và xâm chiếm lãnh thổ biên giới miền Bắc nước ta. Tội ác của chúng đã phạm với nhân dân ta như lá trên rừng, như nước biển Đông. Mặc dù chúng đã bị quân dân ta quyết liệt đánh đuổi và đã dành lại từng tấc đất quê hương, nhưng thiệt hại chúng để lại đã không phải là nhỏ.
Bọn tù bên dưới đều ngồi phỗng ra nghe cán bộ đảng tả oán. Rồi thì, cũng như lần trước, gần 1.600 tù đều hoảng hốt ra mặt với câu kết luận. Trọng tâm tái thiết và cấp dưỡng hiện nay của chính phủ ta là các cơ sở vật chất bị hư hoại, cũng như đồng bào sống ở các tỉnh biên giới bị bọn bành trướng Bắc Kinh tiến công khiến mất mùa đói kém. Để tích cực đóng góp vào chiến dịch lá lành đùm lá rách của nhà nước đưa ra trong giai đoạn hiện tại, trại ta sẽ nhất trí giảm khẩu phần ăn của mỗi người xuống thêm một chút nữa...
Rốt cuộc, xét cho cùng, số phận tù đúng là "khóc cười theo vận nước nổi trôi". Nhà nước cười mình cũng bị thắt ruột mà nhà nước khóc mình cũng bị buộc bụng.
Bọn tù ai cũng than thở. Mới đầu năm đến nay chưa quá hai tháng mà nhà nước đã cười và khóc hai lần, chả hiểu hết quý đầu nhà nước còn phải cười khóc mấy phen nữa!?
Khi vãn tuồng trời lại đổ mưa tầm tã. Có người đội mưa chạy về phòng, cũng có người tà tà ngồi lại với nhau trong hội trường đợi mưa tạnh. Bên cạnh những cái điếu cày, anh em kẻ thầm thì bàn tán, người cao giọng nói xa nói xôi. Thụy kỳ chung, mọi người từ trẻ đến già, ai cũng lấy làm khôi hài cho chuyện bố con nhà cộng sản Tàu Việt đánh nhau.
Ông Đại móm, người từng giữ chức phó quản đốc trại cải huấn Đà Lạt, thường có lối Kiều lẩy thật duyên dáng trong những lúc đấu láo với bọn trẻ, xà tới hút nhờ điếu thuốc. Sau khi ngửa cổ nhả một hơi khói no nê, ông đảo mắt quan sát một vòng; lúc biết chắc chẳng có tay trật tự hay giám thị nào, ông mới cười khẩy đọc luôn một câu thơ.
Từ trong gian khổ bước ra,
Vươn vai một cái rồi ta... đi vào!
Cả bọn chả hiểu câu thơ ấy ông lượm được ở đâu, hay trong lúc ngồi nghe cán bộ đảng tả oán, ông đã cao hứng sáng tác ra; nhưng trong hoàn cảnh này, bỗng dưng được nghe một ông già chịu chơi đọc một câu thơ mỉa mai chế độ có tầm đại pháo ấy ai cũng thích thú.
Một anh chàng trẻ tuổi cười lên tiếng.
- Khẩu phần bớt nữa chỉ ông Đại mừng!
Ông già Đại lại nhe hai hàm răng toàn lợi của ông ra cho mọi người thưởng lãm, rồi ông cười đáp.
- Đúng đấy. Các cậu còn trẻ cái gì cũng nhai được. Thằng già này dẫu được cách mạng nuôi ăn rất đầy đủ sơn hào hải vị, gan trời trứng trâu, nhưng chắc có ngày chầu ông bà vì bệnh chết đói!
Nghe ông Đại than thở Vĩnh mới sực nhớ ra cái thảm cảnh gần đây của những ông già yếu răng hoặc đã rụng gần hết răng như ông Đại. Thực ra gọi là thảm cảnh cũng không lấy gì làm quá đáng. Từ đầu năm đến nay, chẳng những tù bị giảm khẩu phần tinh bột (còn độ 300 grs mỗi ngày!), mà ngay loại tinh bột cũng bị thay đổi. Trước kia tinh bột chính trại Hàm Tân cấp phát cho tù là khoai mì lát. Và dù ai cũng biết thứ thực phẩm này không ngon lành bổ béo gì, mà còn có thể có mầm mống nguy hại cho đường tiêu hóa, vì nó còn cả vỏ; nhưng trên phương diện nhét cho đầy bụng, thì món khoai mì lát hầm tương đối già trẻ còn có thể tiếp thu được một cách dễ dàng như nhau. Gần đây, món thực phẩm này chỉ còn được cấp phát vào bữa trưa, còn bữa chiều cấp phát ngô (bắp).
Người bạn khi nãy nói đùa rằng khẩu phần càng sút giảm càng làm ông Đại mừng cũng có lý do của anh ta. Ngô, món thực phẩm mới là một món ăn rùng rợn! Bọn tù đều kinh ngạc không hiểu nổi nguồn gốc của những hạt ngô to như đốt ngón tay, cứng như sỏi, mày của nó dai và dày như thứ nylon tốt từ đâu mà ra. Nga? Tiệp Khắc? Ba Lan?... Không ai biết được! Chỉ biết khi những bao ngô được nhận từ kho hậu cần về, anh em trong đội anh nuôi vội vàng đổ hết vào những dãy thùng phuy đặt sau bếp. Họ đổ vôi và nước vào ngâm suốt đêm. Sức nóng hầm của vôi sống có thể làm rục xương một con bò nhưng đã chịu thua trước những hạt ngô của phe xã hội chủ nghĩa! Lúc khẩu phần ngô được phát đến tay bọn tù, nó không phải là những hạt ngô bung mềm mại, mà vẫn cứng như đá và lỳ lợm nằm ngủ trong lớp mày dày như áo giáp. Vì những hạt ngô bung như thế, ngoài bọn trẻ dám ngồi nhẫn nha nhai... cả đêm cho hết khẩu phần, kỳ dư các cụ cỡ ông Đại thì đành phải đầu hàng vô điều kiện. Vô điều kiện!
Vĩnh hút xong mấy điếu thuốc đứng lên nhìn ra trời mưa. Kết thúc một chuỗi ngày nhồi sọ chính trị bằng một chiều mưa lòng bỗng lạnh và trống khôn cùng! Đời sống tuyệt mù khốn quẫn, thụ động và chán chường. Thốt nhiên Vĩnh lại nhớ đến những dặn lòng, những tính toán, những an ủi chính mình từ những ngày đầu tiên đi tù: Ta sẽ trở thành một phóng viên chiến trường hậu chiến! Và cho tới nay Vĩnh đã "làm phóng viên" được gần 45 tháng. Bốn mươi lăm tháng số phận của cả triệu tù nhân như những hòn đá rơi xuống vực sâu, âm u, biền biệt và có cơ mất tích luôn...
Người ra đi thì biệt vô âm tín, người ở lại thì tù tội chung thân. Thốt nhiên một câu thơ của Lưu Vân trôi qua đầu làm Vĩnh cóng lạnh.... Có những người không sinh ra cùng một ngày,
Mà chết cùng một giờ...
Chả nhẽ số phận giống nòi Việt Nam thê thảm đến thế sao?
Vĩnh lại xà vào những đám đông kiếm thêm bi thuốc. Hội trường lúc này đã vơi thêm nhiều người. Những tiểu ban chuyên môn đã bắt đầu làm việc trở lại nơi những dãy bàn cuối hội trường. Vĩnh để ý thấy nhà thơ Ninh Chữ, trưởng ban kiêm luôn nhân viên duy nhất của Ban Thống Kê đang ngồi ghi ghi chép chép trên một đống hồ sơ. Nơi căn phòng bên cánh trái sân khấu, dịch giả kiêm thầy đồ Nguyễn Quốc Hùng, đương kim trưởng ban Ban Trật Tự trại Hàm Tân cũng đang ngồi duyệt xét một đống giấy tờ trên mặt bàn...
Cơn mưa bây giờ đã ngớt. Mới bốn giờ chiều mà trời đã âm u tối. Vĩnh phóng chạy thật nhanh ra ngoài sân. Anh men theo hàng hiên hội trường, rồi men theo hàng hiên bếp trại. Gặp một đôi người quen mặt đứng trong bếp nhìn ra. Ông trung tá Sâm - người giờ đây đã phải đi nạng vì chân trái của ông đã hoàn toàn bại xụi - thấy Vĩnh kêu ơi ới. Vĩnh trả lời cho qua chuyện và hứa sẽ cho ông một ít mỡ rồi phóng băng qua vuông sân chạy về nhà.
Vừa chui vào chỗ nằm Vĩnh đã nhận ngay ra vẻ xôn xao nơi một số anh em. Anh Huy xà tới bên Vĩnh, nói ngay.
- Cha Bộ bị bắt rồi!
Vĩnh nhìn anh, hỏi lại.
- Bị bắt là sao?
- Nằm cachot rồi!
Quả thực lòng Vĩnh không xúc động lắm khi nghe tin cha Bộ bị tụi nó tống vào cachot. Nhưng anh Huy thì khác. Anh có lẽ là người ở vào thế hệ cuối cùng của những người công giáo Việt Nam xem cha là Chúa. Đụng tới cha là đụng tới Chúa. Cái tinh thần này một phần đã tạo thành cá tính đặc thù của những người công giáo Việt Nam, đặc biệt ở những người công giáo di cư năm 1954.
Tuy thế Vĩnh vẫn hỏi để biết cho rõ chuyện.
- Mà sao vậy? Khi nãy tôi mới gặp ngài ngồi trên hội trường mà!?
- Thì vậy. Nhưng sau khi tan hàng về phòng, Trật Tự đem lệnh Giám Thị xuống còng dẫn nhốt cachot rồi.
Câu chuyện được anh Huy tiếp tục kể, theo đó Vĩnh được biết rằng cha Bộ bị nhốt cachot vì ngài đã hơi quá lạc quan trước viễn tượng sụp đổ của Hà Nội. Trong lúc đi lao động, ngài đã công khai tuyên bố với anh em cùng đội rằng, 30 tháng Tư tới đây ngài sẽ về dâng lễ tạ ơn chung cho mọi người tại nhà thờ Bình Triệu. Khổ cho ngài, đội trưởng Minh của ngài, một con chiên ngoan đạo và nghe nói hình như cũng từng một thời ở chủng viện, một chức sắc kỳ cựu của trại, có cái đầu sói bóng lộng, đã vì chức năng đội trưởng mà báo cáo câu nói phản động của vị linh mục lên Ban Giám Thị.
Cha Bộ, liên tiếp mấy ngày qua đã nghỉ lao động và được gọi lên trình diện giám thị trực để trả lời về những câu thẩm cung của cách mạng.Hôm nay cha mới bị cùm vào khu biệt giam do bởi câu xác nhận của cha: Chính tôi đã nói câu ấy!
Vĩnh ngồi lắng nghe anh Huy kể tự sự. Sau cùng anh hằn học kết luận.
- Tôi không ngờ thằng Minh nó lại Judah như thế! Đến cha mà nó cũng...
Rồi thì trước khi bỏ đi, anh nói câu cuối. Chúng nó khám đồ của cha lấy mất hộp đựng Mình Thánh Chúa rồi. Tuần trước tôi mới chuyển cho cha gần một trăm bánh thánh. Cha giữ giờ mất cả. Khổ quá!
Vĩnh mệt mỏi ngả người xuống sạp gỗ. Vào giờ này anh em đã bắt đầu sửa soạn nồi niêu và những thực phẩm cho việc nấu nướng ban chiều. Những người "nghèo" thì nằm khoèo chờ khẩu phần ngô bung xã hội chủ nghĩa hiện đã có cái tên mới là ngô "Vỏ Nguyên Giáp", tức ngô còn nguyên lớp mày cứng như cái áo giáp bọc ngoài.
Chiều nay Vĩnh chẳng lý gì tới chuyện bếp núc. Tất cả giao khoán cho đám Ý, Huy và Điểu lo. Anh nằm nghĩ ngợi với một cái đầu trống rỗng. Hình ảnh ông luật sư Lê Quốc Việt vẫn như mọi chiều xuất hiện trong tầm nhìn của Vĩnh. Ông đang rón rén chiết ra khỏi keo chao tí mỡ, rón rén múc ra khỏi lọ tí mắm ruốc, rón rén moi ra khỏi bao vắt mì rồi rón rén bưng nồi chạy ra sau bếp với mấy thanh củi nhỏ kẹp nơi nách. Hoặc hình ảnh của đội trưởng Lễ. Trong lúc ngồi sắp xếp những cái cần cho một cuộc nấu nướng, đôi mắt hắn vẫn đảo nhanh chung quanh như sợ có kẻ thình lình đánh vào gáy mình... Cũng nằm nơi đây, trong bóng chiều nhá nhem đang đổ xuống khung cửa sổ còn ướt nước mưa, có lúc Vĩnh nghe thấy những bước chân chạy rầm rập phía ngoài, những tiếng la hét báo động.
- Mưa nữa!
- Chạy!
- Coi chừng đổ cái nồi!
- Kéo mớ củi vào! Kéo mớ củi vào! Ướt hết!
Đó là những tiếng la hét của những người đang tranh thủ thời gian còn lại của buổi chiều để nấu một nồi mì, một nồi nui hay bất cứ cái gì mà họ có thể nấu được, để nhét cho đầy bụng trong bữa ăn tối. Cũng có lúc đầu óc Vĩnh lại trôi dạt về phía hội trường, lại nghe rõ mồn một tiếng tố khổ "người anh em ruột thịt Trung quốc" của tên tổng giám thị. Cũng có lúc Vĩnh nhìn sang phía đối diện với cái đầu tỉnh táo hơn. Anh thấy ông đội phó Thuận, người mà ngày nay Vĩnh đã biết rõ hơn về tiểu sử, rằng ông có bút hiệu Châu Sơn khi soạn sách giáo khoa Việt văn và bút hiệu Thái Vị Thủy khi cao hứng làm thơ. Quả thật ở với nhau một thời gian rồi, ấy thế mà Vĩnh chưa có dịp nào trò chuyện với ông đội phó cả. Ông xuất hiện trong đội 17 này như một người thật cô đơn. Hàng ngày ông lao động vừa phải, hình như pha chút mệt mỏi; từ ngày ông về đây, phải thú nhận ông chưa hề làm một điều gì phật lòng anh em cả. Thế nhưng ông vẫn cô đơn và anh em vẫn chưa ai bắt chuyện tâm tình với ông. Có lẽ đây là sự công hiệu của những cái tin do những người cũ nơi đây bắn qua: Coi chừng, tổ sư bồ đề đấy!
Vĩnh nằm nhìn ông Thuận. Quả trong lòng Vĩnh không hề có tí ác cảm nào với ông. Rất có thể Vĩnh chưa bị đứt tay nên chưa thấy xót? Nhưng Vĩnh biết chắc chắn một điều, đối với ông đội phó ít khi nấu nướng linh tinh, không chơi thân với ai, rất chịu khó đọc sách cách mạng và rất năng ghi chép những gì hay đọc được trong sách, Vĩnh chả hề có một cảm giác e ngại nào. Chưa tiện dịp để mà bắt chuyện với nhau đấy thôi.
Nhớ tháng trước, lúc trại còn cho mượn sách đọc, trưa nào đi lao động về ông Thuận cũng xếp hàng đứng chờ người kéo xe chở sách đi qua để mượn cho bằng được vài cuốn. Đội 17 hình như chỉ có ba người thường mượn sách đọc. Người thứ nhất là ông Thuận. Người thứ hai là anh Huy. Người thứ ba là người điên Trương Hồng. Cũng có đôi lần Vĩnh tự nhủ, muốn đánh cộng sản phải hiểu rõ cộng sản về cả hai mặt tri và hành của chúng. Sống dưới nách chúng tức nghiễm nhiên được hấp thụ kiến thức về sự hành của chúng; còn muốn biết chúng tri cái gì thì không gì bằng siêng đọc sách của chúng viết. Biết thế, nhưng trưa đi lao động về, phải nối đuôi nhau xếp hàng dưới trời nắng, chờ cái xe cải tiến chở đầy sách đi tới trước hàng rào nơi khu mình ở, để ghi tên mượn được quyển sách, vài ba lần khiến Vĩnh phát mệt và đâm chán. Chỉ có ba vị trên của đội 17 là trung thành với việc đọc sách mà thôi. Gần đây, việc xếp hàng mượn sách đã chấm dứt, vì ban giám thị trại đã thông báo rằng: cách mạng cho các anh mượn sách đọc nhằm bồi dưỡng tinh thần các anh về mặt tư tưởng của xã hội mới; nhưng qua theo dõi và nghiên cứu, Ban Giám Thị thấy rằng hầu như những người năng mượn sách không đọc với tinh thần học hỏi, mà đã đọc với tinh thần bới lông tìm vết, tìm những cái sơ hở của các tác giả cách mạng để đặt điều xuyên tạc công kích...
Từ ngày cách mạng hoảng hốt cấm không cho tù đọc cả sách do chính cách mạng viết ra, ông Thuận càng năng ghi chép hơn nữa. Đã nhiều lần Vĩnh dặn lòng sẽ bắt tay anh già xồn xồn này xem anh ta nghiên cứu gì về Mác-Lê mà ghê thế!?
Rồi thì buổi chiều đã thật sự ập xuống. Mưa đã tạnh hẳn. Ngoài sân trại, những người trực lãnh phần ăn cho các đội từ bếp chạy về với những thau ngô vàng au. Bóng những chiếc áo vàng của bọn giám thị có trật tự đi theo đã chập chờn đó đây. Chúng kiểm soát ngoài khu bếp, hò hét vài ba anh tù nấu nướng sai chỗ quy định, hoặc chận hỏi một người mà chúng tình nghi đang tìm cách liên hệ linh tinh với một người khác nhà khác đội ngoài sân.
Tiếng kẻng tắt lửa và tập họp điểm danh đã vang lên. Nồi mì to tướng của đám Vĩnh đã được anh Huy khệ nệ khuân vào đặt ngay chỗ nằm của anh. Vĩnh ngó sang khu nhà 2 và 3. Bên đó họ điểm danh xong và từng cặp từng cặp đang nối đuôi nhau lặng lẽ chui vào chuồng trước nhiều cặp mắt cú vọ của bọn cai tù và trật tự. Một tiếng la lớn ngay ngoài cửa nhà 5 cất lên. Vĩnh nhận ra khuôn mặt quen thuộc của anh chàng trật tự. Anh phóng vào phòng, du người lên tầng trên xem có ai còn nằm nướng hay không, miệng hét inh ỏi.
- Ra hết! Ra hết!Ốm đau gì cũng phải ra điểm danh hết!
Câu hét quen thuộc ấy nghe đã nhàm nhưng chẳng ai mà không tuân theo. Vĩnh rời khỏi bục nằm và nối đuôi anh em ra ngoài vuông sân bên hông phòng...

No comments:

Post a Comment