Phần 1
Cơ Xưởng Hạm Vĩnh Long, HQ-802, nguyên là một chiến hạm thuộc Hải Quân Hoa Kỳ. Ðồ bản mẫu (designed blue prints) và kiến trúc sơ thủy (initial construction) cho thấy chiến hạm nguyên là một Dương Vận Hạm (Landing Ship Tank, viết tắt là LST), dài 327 bộ (feet) với trọng tải 4300 tấn, và được hạ thủy 24 tháng 11, năm 1944.
Vì nhu cầu chiến trường, Dương Vận Hạm LST mới tinh khôi này được cải biến thành một cơ-xưởng hạm. Sườn tàu (frame) và các sân (decks) được làm cho cứng cáp thêm (reinforced) bằng những trụ chống (posts), đà ngang (beams) cỡ lớn hơn; các vách ngăn được thay thế bằng những tấm thép dày hơn. Nói tóm lại, sườn tàu được nâng lên cấp “A” ( A-frame) để đủ sức tiếp nhận những kiến trúc nặng như cần trục và các máy thủ công (machine tools). Cửa đổ bộ (ramp) phía trước bị cắt bỏ và mũi tàu được hàn kín lại. Sân chiến xa (tank deck) và khu tạm trú dành cho một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến quá giang ra chiến trường được sửa thành một kho chứa cơ phận và một cơ xưởng với đầy đủ các máy tiện, bào, khoan, cán, uốn, xưởng hàn, xưởng điện tử, xưởng mộc. Sân chính được trang bị một cần trục cỡ 200 tấn, hai cần trục cỡ 75 tấn để nâng các chiến đĩnh lên khỏi mặt nước khi sửa chữa; sân chính còn có thêm một phòng máy điện, và kế bên là một phòng khác được trang bị máy cất nước biển ra nước ngọt. Trong lượng thép thêm vào do sự biến cải đã nhận chìm con tàu xuống sâu thêm; nói khác đi, bài thủy lượng (displacement) và độ chìm (draft) của nó sâu thêm hơn 4 bộ (feet) nữa nếu so với bài thủy lượng và độ chìm của các dương vận hạm cùng loại.
Sự canh cải này nâng trong tải của chiến hạm lên khoảng 6000 tấn. Ðể đẩy khối lượng đó di chuyển với vận tốc bình thường của một dương-vận hạm, số mã lực nhất thiết phải được gia tăng; do dó, hai máy chánh nguyên thủy cũng được thay thế bằng hai máy khác với số mã lực tăng thêm 50 phần trăm so với số mã lực cũ.
Sự gia tăng trọng tải lên 50 phần trăm, sự gia tăng bài thủy lượng và tầm sâu cũng đưa đến một vấn đề phức nhiễu khác là đặc tính vận chuyển của chiến hạm thay đổi hoàn toàn: đáp ứng máy chánh và tay lái trở nên chậm hơn 5 lần so với các LST-L khác; quán tính (inertia), nghĩa là đà tiến còn dư sau khi máy chánh đã ngừng, mạnh hơn, lâu hơn và dài hơn; bán kính quay cũng hai lần lớn hơn. Những đáp ứng vận chuyển kỳ khôi này là một mối ưu tư cho các vị hạm trưởng, kể cả những vị đã có kinh nghiệm đầy mình, đặc biệt là khi phải vận chuyển trong sông hoặc những nơi nước cạn và chật hẹp. Vì thế các cơ xưởng hạm loại này đã được tặng cho hỗn danh là những con Trâu Nước (hippo), rất mạnh mẽ nhưng cũng rất chậm chạp, ù-lì, bướng bỉnh, và khó lái.
Công tác biến cải hoàn tất, chiến hạm được hạ thủy lần thứ hai với danh xưng mới là USS ARL-23 (ARL: Auxiliary Repair Ship, Landing), rồi được thuyên bổ vào Hạm Ðội Thái Bình Dương để tham dự các trận chiến thủy bộ (amphibious assaults) lừng danh tại Saipan, Okinawa, Nhật Bản, và China Sea (yểm trợ Quốc Quân Trung Hoa). Năm 1946 Cơ Xưởng Hạm USS ARL-23 trở về San Diego, California, được giải giới, bọc sáp và đưa lên ụ nổi (mothball) của Hạm Ðội Trừ Bị Thái Bình Dương.
Năm 1950, USS ARL-23 được tái vũ trang để tham dự chiến trường Triều Tiên trong trận phản công lưỡng thế (amphibious counter-offensive) nổi tiếng Inchon, Bắc Triều Tiên, trong đó lực lượng thủy bộ dưới quyền chỉ huy của Thống Tướng Mac Arthur đã chặn đứng làn sóng biển người của Hồng Quân Trung Cộng và bắt làm tù binh trên 100 ngàn cộng quân Trung Hoa và Bắc Hàn. Sau chiến tranh Triều Tiên USS ARL-23 một lần nữa được trả về Hạm Ðội Trừ Bị, nằm trên ụ nổi chờ đươc hạ thủy lần thứ tư vào ngày 20 tháng 2, 1968, để tham chiến tại Việt Nam. USS ARL-23 nhập vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày 10 tháng 7, 1968, trong Lực Lượng Hải Quân Hoa Kỳ Nước Ðục (US Brown Water Navy, tức là Lực Lượng Hải Quân Hoa Kỳ Sông Ngòi).
Kể từ ngày đó cho đến cuối năm 1971, Cơ Xưởng Hạm USS ARL-23 đã phối hợp hành quân với các Lực Lượng Hải Quân Việt Nam Sông Ngòi trong 20 cuộc Hành Quân Trần Hưng Ðạo (từ HQ/ THÐ-1 đến HQ/THÐ-20).
Trong chương trình Việt hóa chiến tranh, Cơ Xưởng Hạm USS ARL-23 đưọc chuyển giao cho Hải Quân Việt Nam ngày 30 tháng 11, 1971. Cũng trong ngày đó chiến hạm được mang danh xưng mới là Cơ Xưởng Hạm Vĩnh Long với số hiệu HQ-802 và tiếp tục hoạt động tại Vùng 4 Sông Ngòi (V4SN) với nhiệm vụ yểm trợ sửa chữa khẩn cấp ngay tại vùng hành quân cho các chiến đĩnh của các lực lượng tác chiến Hải Quân trong sông như Lực Lượng Thủy Bộ 211, Lực Lượng Ðặc Nhiệm Tuần Thám 212 (LLDN-212), và Lực Lượng Ðặc Nhiệm Trung Ương 214. Cũng nên ghi chú rằng Hải Quân Việt Nam còn có Lực Lượng Ðặc Nhiệm 213, nhưng địa bàn hoạt động của đơn vị này là Vùng 3 Sông Ngòi thuộc Quân Khu III; mỗi lực lượng đặc nhiệm Hải Quân là một đại đơn vị trừ bị diện địa độc lập, tương đương với một Lữ đoàn TQLC, Dù, hoặc Bộ Binh. Về mặt hành quân các Lực Lượng Ðặc Nhiệm trực thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hành Quân Sông và thường phối hợp hành quân với các Lữ đoàn TQLC, các Trung đoàn Bộ binh thuộc Sư đoàn 7, 9, 21, trong các chiến dịch thủy bộ tại các vùng đầm lầy Ðồng Tháp, U minh thượng, U minh hạ.
Dù đã ký Hiệp Ðịnh Paris trong đó có các điều ước quan trọng như cả hai bên phải đóng quân tại chỗ, phải đình chỉ mọi hoạt động quân sự thù nghịch. Nhưng phía cộng sản vẫn thường xuyên vi phạm các điều khoản này qua các hoạt động lấn đất và đặc công.
Vì lo ngại nỗ lực đặc công thủy của họ sẽ nhắm vào việc dùng mìn đánh chìm một hai chiến hạm nghỉ bến tại Quân Cảng Sài gòn để gây xao động trong dư luận quốc tế và quốc nội, ngõ hầu gây bối rối cho VNCH về mặt tâm-lý-chiến và ngoại giao, Bộ Tư lệnh Hải Quân đã đi đến quyết định dùng Vũng Tàu làm điểm tập trung cho các chiến hạm mãn hành quân về nghỉ bến thay vì về quân cảng Sàigòn.
Cũng trong quyết định này, công tác sửa chữa thường xuyên cho các chiến hạm tại Vũng Tàu được trao phó cho Cơ Xưởng Hạm Vĩnh Long, HQ-802. Do đó, kể từ cuối tháng 7, 1973, HQ-802 đã rời vùng châu thổ Sông Cửu Long để ra Vũng Tàu nhận nhiệm vụ mới: Sửa chữa cấp tiểu và trung cho các chiến hạm nghỉ bến, kèm theo với một nhiệm vụ phụ khác cho Hạm Trưởng, nhiệm vụ Sĩ Quan Chỉ Huy Chiến Thuật (OTC, Officer of Tactical Command) khu tập trung chiến hạm Vũng Tàu… Ngày 9/ 2/ 75, 11:00 giờ sáng, HQ-802 nhận lệnh:
“Khẩn khởi hành đi Vùng 4 Zuyên Hải Stop Trình ziện Bộ Chỉ Huy Chiến Zịch tại An Thới (Phú Quốc) Stop Báo cáo nhận hành Stop Zứt Stop”
Ðọc xong bản điện văn, tôi họp ban tham mưu chiến hạm để minh báo lệnh khởi hành cho các sĩ quan, đồng thời đưa ra các chỉ thị liên quan đến việc chuẩn bị chiến hạm để sẵn sàng ra khơi. Trong phiên họp, sĩ quan Trưởng khối sửa chữa báo cáo hiện đang thực hiện 8 phiếu công tác: Ðang tháo gỡ phần cơ máy điện của HQ-X. Máy chánh HQ-Y chưa xong, đang chờ Sàigon gởi 4 con heo dầu… Dự trù hoàn tất trong 10 ngày… Nếu mình phải khởi hành hôm nay, thì đành phải bỏ dở những công tác này. Như vậy thì cũng chẳng khác nào một quân y viện bỏ rơi các thương binh vì lý do phải khẩn di chuyển đi nơi khác…
Hai mươi phút sau, tôi tạm ngưng phiên họp để báo cáo các trở ngại về Bộ Tư Lệnh Hạm Ðội, đồng thời đề nghị Hải Quân Công Xưởng hoặc Ban Sửa Chữa Lưu Ðộng Hạm Ðội gởi chuyên viên và cơ phận ra Vũng Tàu để tiếp tục những công tác HQ-802 bỏ ngang vì phải khởi hành khẩn cấp…
Báo cáo này đã đưa đến một xô xát nhỏ giữa Hạm Ðội và Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hành Quân Biển về các vấn đề như thiếu phối hợp giũa đôi bên, như sự thiếu am tường phải có của các sĩ quan tham mưu thuôc Bộ Tư Lệnh về đặc tính, khả năng, và nhiệm vụ hiện tại của các chiến hạm, khiến đưa đến tệ trạng thường xuyên ban hành mệnh lệnh theo cung cách cả vú lấp miệng em, tắc trách, chẳng màng đến thực tại là các đơn vị trực thuộc hành quân có khả năng thi hành nghiêm chỉnh và hữu hiệu mệnh lệnh hay không. Sau lần xô xát đó, độ khẩn của lệnh khởi hành được giảm xuống (theo tôi được biết sự đụng độ này cộng thêm với vài sư kiện khác xảy ra liền sau đó sẽ gây phiền nhiễu cho Vị Tư Lệnh Hạm Ðội vào những ngày cuối binh nghiệp của ông, trước ngày mất Miền Nam). Và HQ-802 rời Vũng Tàu trưa (1205 giờ Zulu) ngày mồng 8 Tết Ất Mão, 1975, đi Phú Quốc nhận trách vụ hành quân mới, khởi đầu cho chuyến hải hành sau cùng của nó trong vùng Biển Ðông.
Hai ngày sau HQ-802 bỏ neo trong Vịnh An Thới, Phú Quốc, để đón HQ Ðại tá P. P. Ph. và ban tham mưu chiến dịch, trong đó có một thành phần dân sự gồm các chuyên viên thuộc các Bộ Kinh Tế, Tài Chánh, Tổng Nha Thuế Vụ, v.v. Ngay sau đó một phiên họp hành quân được triệu tập trên HQ-802 với sự hiện diện đầy đủ của qúy Chỉ huy trưởng các đơn vị tham dự chiến dịch: Hải Ðội 4 Zuyên Phòng, các Ðội 44, 45, 46, 47 Hải Thuyền, và Tiền Zoanh Yểm Trợ An Thới. Qua phiên họp này tôi mới được biết phạm vi và mục tiêu của chiến dịch: Ngăn chặn làn sóng buôn lậu từ Mã và Thái đang tràn vào vùng Hà Tiên – Rạch Giá qua eo biển nằm giữa đất Miên và Bắc Ðảo Phú Quốc.
Trong chiến dịch này HQ-802 được trao cho hai nhiệm vụ: (1) Là trung tâm hành quân của chiến dịch và, (2) Là tiền doanh dã chiến để yểm trợ sửa chữa, tiếp tế nhiên liệu và nước ngọt cho các chiến hạm và chiến đĩnh tham dự chiến dịch. Nhiệm vụ thứ (2) có tính cách thường lệ. Nhưng nhiệm vụ thứ (1) phức tạp hơn!
HQ-802 nhổ neo ngay sau phiên họp và hải hành đến Point Mũi Nai, Hà Tiên. Trên đường đi tôi nêu thắc mắc liên quan đến nhiệm vụ (1) với Chỉ Huy Trưởng Chiến dịch.
– Commandant, vụ này sérieux (nghiêm trọng) thật sao?
– Rất sérieux. Tin tức tình báo cho biết tụi nó (Cộng sản) định hạ mình bằng kinh tế. Con đường Tháilan-Sihanoukville-HàTiên là đường nhập lậu chính. Từ đây sản phẩm sẽ được tung ra khắp Miền Nam. Kinh tế Miền Nam sẽ bị lũng đoạn, và kết qủa là…
– Tôi nghĩ khác hơn. Bọn Khmer Rouge đã làm chủ hầu hết đất Miên, kể cả Sihanoukville. Bọn nó sẽ dùng cảng này làm trạm đổ vũ khí từ Miền Bắc, Trung Quốc, và Nga vào đây, rồi chuyển về khu Tam Giác Sắt, Khu D, v.v. để trang bị hai hoặc ba sư doàn mới, đã hoặc đang được tân lập bằng mấy chục ngàn tù binh mà mình đã trao lại cho bọn nó tại Tây Ninh năm ngoái. Hồi tôi còn ở Lực Lượng Ðặc Nhiệm 212, bọn sông ngòi chúng tôi đã phát hiện sự kiện đó.
– Bọn nó chuyển vũ khí và lãnh đạo bằng các đường giây nội địa. Ðiều đó đã được xác định. Lực lượng trên bộ sẽ phải lo vụ này. Chặn bọn nó tại đây và dọc theo miền duyên hải là việc của “cù lần biển” bọn mình.
– Quý ngài dân sự đều mũ cao áo thụng cả. Tôi chưa biết phải lo chỗ ăn, chỗ ngủ thế nào cho họ cho phải phép. Hạm phó của tôi chưa tân đáo, tôi có thể đẩy hai vị vào đó. Hai vị khác sẽ được dồn vào một phòng cuối hiện đang còn trống. Còn lại hai vị nữa và đoàn tùy tùng của Commandant, tôi chưa biết tính làm sao đây!
– Ông dồn tất cả lên CIC (Trung Tâm Kiểm Báo, tức Phòng hành quân). Tôi thấy phòng đó rất rộng. Họ vừa ăn, ngủ vừa làm việc tại chỗ cũng tiện.
– Commandant sẽ tạm trú trong phòng tôi. Về ẩm thực, chiến hạm sẽ tính qúy ông dân sự và các sĩ quan theo giá biểu bàn ăn sĩ quan. Hạ sĩ quan và đoàn viên theo giá biểu như Hạ sĩ quan và đoàn viên cơ hữu của HQ-802. Tối nay Sĩ quan ẩm thực của tôi sẽ làm công tác thu-chi. Xin Commandant thông báo cho họ biết về quy chế này.
– Ðồng ý.
– Commandant có muốn để HQ-802 làm sổ lương chung cho tất cả các quân nhân trục thuộc ban tham mưu chiến dịch không?
– Tôi đã lo xong vụ này với Trung Tâm Hành Chánh Hải Quân.
– Tôi đề nghị xin Vùng 4 Zuyên Hải tăng phái một bác-sĩ. –
Tôi đã thảo luận việc này với Tư Lệnh Hải Quân Vùng 4 Zuyên Hải…
Trong 3 ngày đầu, chiến dịch đạt được nhiều thành quả khả quan. Hàng ngàn tấn hàng lậu bị chặn băt và tịch thu. Mặt hàng gồm đường xà xía, vải vóc, thuốc men, thuốc lá, bột ngọt, v.v… và cũng thu được một số vũ khí. Từ ngày thứ tư trở đi số hàng lậu bị chặn bắt giảm dần. Vì động ổ, bọn kinh tài và bè lũ đã ngưng hẳn mọi koạt động trên biển. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các các đơn vị tham dự chiến dịch trở nên khinh địch; ngược lại tất cả vẫn tiếp tục hoạt động ráo riết.
Từ cuối tháng hai trở đi, tình hình trên đất liền mỗi ngày thêm tồi tệ. Theo dõi các đài BBC và VOA, chúng tôi được biết Miên Cộng đã chiếm gần trọn xứ Chùa Tháp, và đang vây chặt Nam Vang. Ở Cao nguyên, Bình Long và Phước Long đã anh dũng tử thủ, nhưng rồi bị tràn ngập. Vào tuần lễ thứ hai và thứ ba của tháng 3, Ban Mê Thuột và Pleiku mất. Quân đoàn II tan hàng trên Ðường số 7. Những diễn biến bi đát tại chiến trường Cao nguyên đè nặng xuống tâm tư chúng tôi. Chúng tôi phẫn nộ và không ngừng chê trách giới chức lãnh đạo tại Sài gòn. Chúng tôi suy đoán rằng Hoa kỳ đã quyết định bỏ rơi Ðông Dương, nên đã thóa mạ họ không tiếc lời.
Ngày 21 tháng 3, 1975, khoảng 2:15 chiều, một chiến hạm Miên tiến tới gần HQ-802. Ðó là một Trợ Chiến Hạm (Landing Ship Support Large, viết tắt là LSSL), tương tự như hai chiếc Nỏ Thần (HQ-225) và Linh Kiếm (HQ-226 — một trong những cựu Hạm Trưởng của HQ-226 là Phó Ðề Ðốc Hoàng Cơ Minh) của Hải Quân Việt Nam. Vì không biết ý đồ của họ, tôi cho gọi nhiệm sở tác chiến. Chiến hạm Miên hạ quốc kỳ của họ xuống lưng chừng trụ cờ, như một dấu hiệu hoà hoãn, đồng thời liên lạc với HQ-802 bằng quang hiệu. Họ gởi cho chúng tôi một bản văn ngắn bằng Pháp văn, đại ý gởi lời chào thân hữu và đề nghị cho Hạm trưởng của họ lên thăm viếng xã giao HQ-802. Chúng tôi chuyển cho họ một bản văn tương tự kèm theo với lời mời Hạm trưởng của họ lên tham quan Cơ Xưởng Hạm Vĩnh Long.
Hạm trưởng Miên được tiếp đón với nghi thức đơn giản. Ông ta là một sĩ quan còn rất trẻ, gốc Việt, tốt nghiệp Học Viện Hải Quân Pháp tại Brest khóa 1972. Trong cuộc đàm đạo, ông nói Khmer Rouge đã hoàn toàn làm chủ đất Miên, và ông đang lo cho số phận của mình và của thủy thủ đoàn. Ông nhờ tôi tìm dùm ông một giải pháp. Tôi hoàn toàn bị hụt hẫng, nên đành lắc đầu từ khước. Niềm ưu tư lộ rõ nét mệt mỏi trên khuôn mặt trẻ măng. Lúc đó tôi thực lòng cảm thương người đồng nghiệp mới chập chững vào nghề. Tôi ngỏ ý mời ông ở lại dùng cơm chiều. Ông nhận lời mau mắn.
Bữa cơm hôm đó khá thịnh soạn với tôm, cá bống mú, cá thu tươi, và có cả rượu chát, do Ông Quận Hà Tiên tặng tuần trước — đây là một phá lệ vì quân kỷ cấm uống rượu khi chiến hạm đang công tác. Bữa ăn mang nặng truyền thống Hải Quân: Trước khi thực khách động đũa, Sĩ Quan …m Thực, Hải Quân Thiếu Úy Nguyễn Hoành, giới thiệu thực đơn với nội dung duyên dáng và trào lộng khiến toàn thể phòng ăn sĩ quan vui nhộn hẳn lên. Ðầu bếp và nhân viên tiếp vụ cũng được trịnh trọng giới thiệu…
Bữa ăn chiều được kết thúc bằng cà-phê. Trước khi cáo từ vị Hạm Trưởng Miên xin phép tôi để hiện thực một truyền thống của Hải Quân Pháp: Tặng pourboire (tipping) cho nhân viên tiếp vụ sau những bữa ăn thịnh soạn. Hạ sĩ hỏa đầu vụ được gọi trình diện. Hạm Trưởng Miên trao tặng anh và các bạn một dây chuyền vàng nhỏ kèm với một tượng Phật nhỏ bằng ngà. Nghi thức này thực sự kết thúc bữa ăn chiều.
Tôi tiễn người sĩ quan nước bạn tại hạm kiều. Lúc đó có lẽ không nén đưọc xúc động, ông xiết chặt tay tôi, nước mắt lưng tròng, và nói như bị lạc giọng, “Mes repects mon Capitaine. Au revoir. Priez pour moi.” Tôi đáp lại ngắn gọn, “Au revoir Monsieur.”
Lính gác hạm kiều trổi lên những hồi còi tiễn khách. Tôi vẫy tay từ biệt người bạn trẻ lần chót, rồi chậm rãi tiến về Phòng hành quân. Lúc đó tôi không ngờ rằng chỉ hơn một tháng sau, tôi cũng sẽ phải trải qua những dằn vặt bi đát như vị Hạm trưởng Miên này… Khoảng 6 giờ chiều ngày 22 tháng 3, 1975, chúng tôi nhận được một lệnh hỏa tốc:
“Khẩn trả BCH chiến zịch về An Thới stop Khởi hành đi Vùng 1 Zuyên Hải stop Trên đường đi báo cáo vị trí mỗi đầu giờ stop Zứt stop.”
Tôi đến gặp Chỉ huy trưởng chiến dịch và trao cho ông tờ công điện vừa nhân. Với dáng trầm tư, ông vừa trả lại tôi bản điện văn vừa phát biểu:
– Quân khu II tan hàng; bây giờ chắc là sẽ đến lượt Quân khu I. Chuyến đi này của ông chắc là chuyến tàu vét. Chúc ông gặp may mắn.
– Xin cám ơn Commandant. Ông và toàn Bộ chỉ huy Chiến dịch sẽ về An Thới (Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Zuyên Hải) bằng Tuần Duyên đĩnh WBP. Ðã có sẵn một chiếc đang cặp bên hữu hạm của tôi. Rất may là chúng tôi đã hoàn tất hết các phiếu sửa chữa, và cũng vừa mới được tiếp tế thêm thực tphẩm ươi chiều hôm qua. Nhiên liệu và dầu nhớt còn đủ để làm một chuyến hải hành vòng quanh quả địa cầu.
– Containment và Domino đã lỗi thời hay sao? Détente sẽ đưa đến trật tự mới chăng? Thật nhức đầu…Chẳng thể nào hiểu được.
– Commandant có nghĩ rằng sẽ có một nước Việt nam thứ ba, từ sông Bến Hải đến một đường biên giới nào đó thụt sâu xuống phía nam của Việt Nam Công Hòa hiện tại?
– Tôi chưa nghĩ kịp đến cái thế “tam quốc” đó. Giả như đó là trường hợp sẽ xảy ra, thì ai sẽ là tác giả của “Tân Tam Nam Quốc Chí” đây? Thế tam quốc Ngụy-Ngô-Thục rắc rối là thế, nhưng cái tam-quốc mà ông vừa đề cập sẽ còn rắc rối hơn nhiều, không chừng nó sẽ dẫn đến chiến tranh hạch nhân…
– Tôi chỉ đưa ra cái viễn tượng vừa thoắt hiện ra trong đầu. Nhưng cứ nhìn vào những diễn biến vừa xảy ra ở Cao Nguyên, tôi nghĩ… thật nhức đầu. Vả lại, tôi mới đọc xong một cuốn sách bàn về chủ thuyết Nixon (Nixonism) và mấy bài của Kissinger, trong đó détente là chủ diểm. Détente (hòa hoãn, xả, làm bớt căng thẳng) được đặt nền trên thực tại “xét lại và chống xét lại” giữa bạng (con trai) duật (con cò), Nga và Trung Cộng. Thế cân bằng quyền lực trên trái đất này sẽ không còn là lưỡng cực nữa, nhưng sẽ là tam cực.
– Ý ông muốn nói chủ thuyết Nixon dang được hiện thực trên giải đất nhược tiểu này?
– Vâng. Tôi cũng thấy André Maurois viết trong một cuốn sách nào đó, tôi không nhớ tựa đề, rằng: Giải đất Việt này mới chỉ được thống nhất thực sự hơn 150 năm. Trước đó nó là 3 entités (thực thể tồn sinh) khác nhau; ở mạn bắc là đất của dân Lạc Việt, ở giữa lằ đất của dân Chàm, và ở phía nam là cứ sở của giống Khờ-me.
– Ðó chỉ là cổ sử. Bây giờ là thời đại của vệ tinh nhân tạo…
– Maurois và Kissinger là những sử gia, và hầu hết các sử gia đều tin rằng có “những bài học lịch sử,” và có thể dùng những bài học này vào việc hoạch định chính sách quốc gia cũng như quốc tế…
Nhân viên tiếp vụ mang đến hai ly cà-phê. Tôi nhìn anh và nói:
– Cám ơn anh. Anh truyền lệnh của tôi cho nhân viên trực hạm kiều: (1) Ðánh thức nhân viên chiến hạm, (2) Thông báo bằng hệ thống nội thông cho nhân viên Bộ Chỉ Huy Chiến dịch chuẩn bị rời tàu, sang chiến đĩnh WPB đang cặp bên hữu hạm, và (3) mời Sĩ quan hải hành, Trung úy Ba, lên gặp tôi trên phòng hành quân.
– Hạm Trưởng, mình đi đâu mà khẩn cấp dữ vậy?
– Ðà Nẵng.
– Vùng 1 cũng thua rồi sao, Hạm trưởng?
Tôi không thể trả lời thỏa đáng câu hỏi của người thuộc cấp trẻ, nên đành đánh trống lảng bằng một nụ cười méo xệch…
HQ-802 nhổ neo hồi 8:00 giờ tối ngày 22 tháng 3, 1975, rời Bắc đảo Phú Quốc, trực chỉ Vùng 1 Zuyên Hải. Mấy ngày trước biển rất lý tưởng, rất êm. Nhưng từ trưa ngày hôm nay gió Tây Nam bắt đầu thổi, và biển vùng lên khá mạnh khi chúng tôi khởi hành. Những lượn sóng ngang làm con tàu chao đảo dữ dội, hết ngả bên này, lại nghiêng bên kia. Ngồi trên chiếc ghế nệm bọc da trên đài-chỉ-huy, nhìn sâu vào đêm đen mịt mùng, tôi bay vào những khoảnh khắc suy tư vô tích sự: những lượn sóng ngang cao sáu bảy bộ này sẽ làm khổ chúng tôi trên đoạn đường từ Hòn Poulo Dama (Hòn Nam Du, phía nam Rạch Giá) cho đến Hòn Poulo Obi (Hòn Khoai, gần Mủi Cà Mâu)… Nhưng chúng sẽ đẩy chúng tôi lướt nhanh hơn trên đoạn đường Hòn Khoai-Vũng Tàu… Từ Vũng Tàu đến Ðà Nẵng biển sẽ êm ru. Ðà Nẵng ư? Ðà Nẵng còn xa quá… Nhưng Ðà Nẵng cũng rất gần, gần như những lần chúng tôi ngồi ăn bún bò Huế trên đường Ðộc Lập… Quả thật tôi vừa trải qua những cơn mê đứt đoạn, một thứ bệnh tâm thần rất nhẹ thường thấy nơi những người thủy thủ đã bập bềnh trên biển nhiều năm.
– Thưa Hạm Trưởng, Sàigòn yêu cầu mình báo cáo vị trí.
– Thưa Hạm trưởng, tôi vừa báo cáo hồi 2000Z. Bây giờ mới có 2030Z. Ðúng 2100Z mới phải báo cáo nữa.
– Ông báo cáo bằng tọa độ hải đồ phải không?
– Dạ.
– Hãy báo cáo cho họ bằng khoảng cách và phương giác. Bây giờ có khá nhiều sĩ quan cải tuyển tại Trung Tâm Hành Quân Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Họ không biết gì về N (North) với E (East) đâu.
– Dạ. Mình vẫn giữ nhóm ngày giờ Zulu, Hạm trưởng?
– Ðúng. Nhưng tìm cách cho nhóm ngày giờ theo kiểu “sáng, trưa, chiều, tối” vào trong bản văn. Thí dụ, Vị trí HQ-802 lúc 8:00 giờ chiều ngày X tháng Y năm Z.
– Dạ.
Con tàu vẫn lầm lũi tiến. Thỉnh thoảng nó húc thật mạnh vào một lượn sóng lớn, làm khối nước vỡ tan thành bụi, và bụi nước ào tới, phủ trùm lên đài chỉ huy, khiến cho lớp phên kính chắn gió phía trước nhạt nhoè… Ðúng như dư đoán của tôi, hải trình Vũng Tàu-Ðà Nẵng rất êm ả. Nhờ đó chúng tôi đi nhanh hơn; tuy vậy, Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hành Quân Biển thỉnh thoảng lại gởi đến một điện văn dục chúng tôi tăng tốc độ. Ðể khỏi phải bận tâm về những thứ mệnh lệnh ngẩn ngơ loại này, tôi buộc phải gởi cho họ một công điện cũng thuộc loại đần dộn không kém:
– Trân trọng báo cáo Stop Hiện đang hải hành với hai máy tiến full (tối đa) Stop Zứt Stop.
Trong thực hành, máy tiến full (tối đa) chỉ được xử dụng trong những trường hợp nguy hiểm hoặc khẩn cấp như để tránh đụng tàu, tránh thủy lôi, hoặc vận chuyển để vào đội hình trong các chiến thế, và chỉ được dùng trong một thời hạn ngắn chừng nửa tiếng đồng hồ. Vượt qua giới hạn này, máy chánh và những bộ phận liên hệ của chiến hạm có thể gặp trở ngại kỹ thuật hoặc hư hỏng.
Hơn ba ngày sau HQ-802 tới lãnh hải Quân khu I. Ngay khi vượt qua đường ranh giới phân cách Vùng 1 và Vùng 2 Zuyên Hải vào khoảng 6:00 giờ chiều ngày 26 tháng 3 năm 1975, Cơ Xưởng Hạm Vĩnh Long gởi công điện báo cáo nhập vùng hành quân.
Trong khi con Trâu Nước của tôi vẫn lầm lũi chẻ nước tiến lên phía Bắc, tôi linh cảm như có một chuyện bất trắc nào đó đã hoặc đang xảy ra… Ðài kiểm báo 104 (Sa Huỳnh) không thấy lên tiếng như thường lệ mỗi khi nó phát hiện hồi ba (echo) lớn của một chiến hạm xuất hiện trên màn ảnh radar của nó. Ở phía tây, trong đất liền, vùng ánh sáng bao phủ lên thị trấn Quảng Ngãi mỗi đêm cũng biến đâu mất hút…
Toàn giải đắt liền chìm trong sương đêm dày đặc. Mỏm đá Sa-kỳ hiện ra mờ nhạt trên màn ẳnh radar của HQ-802, ở hướng tây-bắc. Mủi Sa-Kỳ. Chính tại mỏm đá này, 8 năm về trước (1967) Tuần Duyên Hạm Hòn Trọc, HQ-618, của tôi đã bắn chìm một tàu Bắc Việt, sau khi săn đuổi nó hơn hai tuần lễ trên một vùng biển trải rộng từ đường giới tuyến ra đến Hoàng Sa và tràn xuống đến đường ranh giữa Vùng 1 Zuyên Hải và Vùng 2 Zuyên Hải, đoạt hơn 5000 vũ khí đủ loại còn mới nguyên si, còn bọc trong giấy dầu nhúng sáp.
Cũng chính tại nơi đây, hồi tháng 8, 1974, Hộ Tống Hạm Ðống Ða, HQ-07, của tôi đã dùng trọng pháo bẻ gẫy gọng kìm phía Ðông của Bắc Quân khi họ âm mưu dứt điểm Quảng Ngãi để mở rộng khoảng “đứt khúc” trong dẫy Trường Sơn, nằm ở phía Tây Quảng Ngãi, cho chủ lực của họ từ Lào, từ đường mòn Hồ Chí Minh dễ tràn xuống xâm nhập khu bình nguyên phía nam Quân Khu 1… Sa-Kỳ…
– Thưa Hạm trưởng, có công điện khẩn chiến dịch.
Tôi đón lấy tờ giấy màu trắng dục và đọc:
“Hạm trưởng HQ-802 được chỉ định chỉ huy Phân Ðội Hải Quân Nam Stop Gồm HQ-802, HQ505, HQ-404, Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm Chu Lai Stop Nhiệm vụ Stop Vào Chu Lai đón Sư Ðoàn 2 ra Ðảo Lý Sơn (Cù lao Ré) Stop Báo cáo nhận hành Stop zứt Stop.”
Nội dung bản văn thật rõ ràng, nhưng chính sư minh bạch của nó gây bối rối cho tôi rất nhiều. Tôi phải làm gì đây? Những bài học, những đoạn phim tài liệu, những sa bàn, những nguyên tắc thiết kế và thực hiện các cuộc hành quân thủy bộ (đột kích — amphibious raids, tấn công — amphibious assauts, và lui binh — amphibious retreats) cấp tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, mà tôi đã được học qua tại “Trường Tham Mưu Thủy Bộ Hoa-Kỳ” (Naval Amphibious School) dồn dập bay về trong tâm trí tôi một cách hỗn loạn.
Tôi cố moi trí nhớ để có thể rút ra từ mớ kiến thức rối bời đó một vài điều khả dĩ giúp tôi tìm ra một phương cách để hoàn tất trách nhiệm vừa nhận được. Tôi nhớ ra rằng dù thuộc cấp đẳng nào (tiểu đoàn, trung đoàn, hay sư doàn), và loại nào (đột kích, tấn công, hay lui binh), mỗi cuộc hành quân thủy bộ đều phải có một số yếu tố căn bản:
(1). Sự phối hợp chặt chẽ (close co-operation) giữa hai thành phần thủy (Hải Quân) và bộ (TQLC/ Bộ Binh) trong mọi giai đoạn: (a) thiết kế, (b) tập trung ở lên tàu, (d) di chuyển đến điểm đầu cầu (landing beach), (e) đổ quân, và (f) tấn công. Trong giai đoạn thiết kế, kế hoạch lui binh (withdrawal plan) cũng phải được soạn thảo như là một lệnh hành quân dự bị, sẵn sàng để đem ra thi hành khi hữu sự. Việc soạn thảo kế hoạch lui binh rất tế vi vì nó liên quan đến những vấn đề phức tạp thuộc hai lãnh vực luân lý và tâm lý. (a) Khi lui binh, thành phần cản hậu là thành phần được “coi như” dê tế thần (scapegoat) để lực lượng thủy bộ được bảo toàn càng nhiều càng tốt, cũng như để chuộc lại những sai lầm chiến thuật và chiến lược của các tầng thứ lãnh đạo ở trên. Vấn đề này quả thật là một vấn đề lương tâm (phải chấp nhận bao nhiêu tổn thất nhân mạng, chiến cụ và quân dụng?). (b) Bị đánh bật ra khỏi một đầu cầu sẽ gây nên những chấn động tâm lý tai hại khó lường không những trong nội bộ quân đội mà còn cả trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Chấn động tâm lý sẽ có ảnh hưởng lớn đến chính lược quốc gia và chiến lược quân sự; nghĩa là, nó rất có thể đưa đến hậu quả là sự bại trận toàn triệt. Vì thế mà Tổng Tư Lệnh Quân Ðội Ðồng Minh Eisenhower (thế chiến thứ II) đã phải viết sẵn một thư “tạ tội” để sẵn sàng công bố nếu cuộc đổ bộ Normandy do ông chỉ huy thất bại. Ðiều đó cho ta thấy tầm mức chấn động tâm lý của một cuộc lui binh rất lớn lao.
(2). Sự nhất trí chỉ huy (command harmony). Mọi động ứng từ giai đoạn (a) đến (e) do Hải quân chỉ huy; trách nhiệm từ giai đoạn (f) và kế tiếp do TQLC/Bộ binh lãnh nhận.
(3). Sự vượt trội về không trợ và yểm trợ hải pháo (Air and Naval gunfire support superiority) cho lực lượng đổ bộ là điều kiện cần cho sự chiến thắng của cuộc hành quân.
(4). Số lượng tiểu đĩnh trừ bị phải bằng 1/3 số lượng cần thiết để đổ quân (Quantity of reserved assault crafts + 1/3), sẵn sàng thay thế những tiểu đĩnh bị hư hao bất thường hoạc bị tổn thất trong các đợt chuyển quân vào đầu cầu.
Dĩ nhiên những gì chộn lộn trong tâm trí tôi lúc đó chỉ là những ước định trường ốc, lý thuyết. Nhưng điều quan trọng là tôi vừa nhận đựơc lệnh phải thi hành một công tác vượt quá khả năng của tôi, là phải thực hiện một cuôc hành quân lui binh cấp sư đoàn với vỏn vẹn 3 chiến hạm cỡ trung trong số đó có con tàu nặng nề và chậm chạp của tôi, và khoảng chừng 20 chiến thuyền bằng gỗ! Và đó là điểm làm tôi lo âu và bối rối.
Ðể có thể thi hành được một phần tối thiểu nhiệm vụ này, chắc chắn tôi cần phải nắm vững trong tay một số điều kiện tiên quyết. (1) Một đặc lệnh truyền tin để có thể phối hợp điều quân chung với Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 2. (2) Tình hình tổng quát về địa điểm tập trung quân trước khi các đơn vị bộ binh lên tàu, nhất là một phóng đồ trận liệt chỉ rõ vị trí của địch (phỏng định), của thành phần cản hậu (delaying detachments) để yểm trợ hải pháo cho họ khi cần, nhất là để trù hoạch một số tiểu đĩnh (landing crafts) làm phương tiện di chuyển họ ra tàu lớn khi đại thành phần của Sư đoàn 2 đã được rút đi. (3) Một hoặc hai chiếm hạm có hải pháo lớn trong thành phần “Phân đội Hải Quân Nam” để dáp ứng nhu cầu yểm trợ hải pháo. (4) Một số Hải vận đĩnh LCU và Quân vận đĩnh LCM để chuyên chở chiến cụ và đưa binh sĩ từ bãi tập trung ra tàu lớn. Nhưng lệnh hành quân vừa nhận không cho tôi gì hết, ngay cả một thời gian tối thiểu — ít ra là một ngày (?) — để nhận rõ tình hình, để phối hợp với các vị hạm trưởng khác, với Chỉ huy trưởng Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm Chu Lai, và với thẩm quyền Sư Ðoàn 2, ngõ hầu chúng tôi có thể cùng chung sức soạn thảo ra một kế hoạch nào đó để thực hiện một cuộc lui binh chớp nhoáng và an toàn.
Phản ứng đầu tiên của tôi sau khi đọc lệnh là tổ chức cấp thời một bộ tham mưu hành quân cho riêng HQ-802. Tôi cho mời tất cả sĩ quan ngành chỉ huy và sĩ quan trưởng khối tiếp vận lên họp tại đài chỉ huy chiến hạm. Bộ tham mưu hành quân gồm có (1) ban hải-hành, (2) ban hành- quân, (3) ban tác-chiến-đổ-bộ, (4) ban tiếp-vận. Tôi gặp phải nhiều trở ngại khi tổ chức bộ tham mưu hành quân vì hạm phó của tôi chưa tân đáo, sĩ quan đệ tam (đang tạm thời kiêm nhiệm chức vụ Quyền Hạm phó) vắng mặt từ chiều ngày 9/2/75. Các sĩ quan hiện diện tại chiến hạm phần đông là sĩ quan cấp thiếu úy, còn rất ít kinh nghiệm hành quân và hải hành. Vì vậy, tôi phải có mặt toàn thời tại Phòng-Hành-Quân hoặc đài-chỉ-huy chiến hạm.
Sau phiên họp, tôi chỉ thị cho ban hải hành khảo sát các điều kiện thủy đạo và lập bảng liệt kê mực nước thủy triều tại bến Chu Lai từ ngày 25/3/75 đến ngày 30/4/75 (một điềm báo trước chăng?). Khi đã có được những dữ kiện về thủy đạo, tôi viết công điện gởi về Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải, là giới chức chỉ huy toàn thể lực lượng Hải Quân hiện có mặt tại Quân Khu 1:
Trân trọng thỉnh cầu Stop Khẩn cứu xét nhu cầu hành quân của Phân Ðội Hải Quân Nam Stop (1) Ðặc lệnh truyền tin với đầy đủ danh hiệu và tần số của BTL/SÐ2 (Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 2) Stop (2) Xin tăng phái ít nhất một chiến hạm có hải pháo lớn cho Phân Ðội Nam Stop (3) Thủy đạo qúa cạn và chật hẹp Stop Với quán tính lớn và độ chìm rất sâu Stop HQ-802 có thể mắc cạn khi vào Chu Lai Stop Vì lý do đó Stop Xin tăng phái Hải vận đĩnh LCU và LCM Quân vận đĩnh LCM để di chuyển binh sĩ và chiến cụ từ bãi tập trung ra chiến hạm Stop Zứt Stop.
Chừng nửa giờ sau HQ-802 nhận được hai công điện. Công điện thứ nhất là một đặc lệnh truyền tin. Công điện thứ hai cho biết (1) 6 Hải vận đĩnh LCU Quân Vận đang trên đường từ Qui Nhơn ra tăng phái, (2) bác khước nhu cầu xin tăng phái chiến hạm có hải pháo lớn.
Trên đường tiến về Chu Lai, HQ-802 phát hiện nhiều hồi âm (echo) trên màn ảnh radar, phía bắc Ðức Phổ, và từ máy PRC-25 đã được chỉnh theo tần số bộ binh, tôi biết đó là toán Hải vận đĩnh LCU tăng phái, từ Qui Nhơn ra. Tôi liên lạc với họ, rồí đổi hướng đi chếch vào bờ để yểm trợ và hướng dẫn họ trên đường đi.
Khoảng 1:00 sáng ngày 27/ 3/ 1975, HQ-802 đã bắt được liên lạc với Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 2, HQ-505, HQ-404. Vào lúc đó Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Ðoàn 2 đang bay trên trực thăng, rất gần HQ-802. Tôi báo cáo lên ông nhiệm vụ của lực lượng Hải Quân hiện có mặt trong vùng, kể cả 6 Hải vận đĩnh LCU, do Quân Vận Qui Nhơn tăng phái, đang theo sau tôi. Ông cho tôi biết sơ qua về tình hình tổng quát trên bờ tại Chu Lai. Qua cuộc hội thoại do, tôi nhận ra niềm ưu tư của ông là Sư đoàn 2 có lẽ sẽ mất hết chiến cụ và quân dụng kể cả pháo binh cơ hữu. Ông hỏi:
– Hải quân có cách nào để chuyển chiến cụ và quân dụng lên tàu không?
– Thưa, lòng biển ở đây rất lài, mực nước quá cạn. Chúng tôi không thể vào sát được. Muốn chuyển quân dụng lên tàu phải có cầu nổi (pontoon causeway) bắc dài ra đến mực nước sâu để các tàu chuyển vận lớn có thể vào cặp hoặc hạ cửa đổ bộ. Phần vụ này phải có do Công Binh đảm nhiệm. Trong tình trạng hiện tại, Hải Quân không thể đáp ứng được nhu cầu của Ðại Bàng. Vả lại, tại đây chúng tôi chỉ có ba chiến hạm, và cũng chỉ mới nhận được lệnh cách đây mấy tiếng đồng hồ.
– Hồi khuya Hạm trưởng chiếc tàu kia (HQ-505) đã vào ủi bãi, nhưng… hỏng. Tàu đậu tuốt luốt tận ngoài xa, nên không làm sao cho quân dụng và binh sĩ lên được.
– Thưa Ðại Bàng, lệnh ra thình lình quá, Không có thì giờ để phối hợp, thiết kế và chuẩn bị. Tôi chỉ mới nhận được lệnh hồi 8:00 giờ tối hôm qua (26/3/75).
– Vậy chắc là chỉ di chuyển đươc binh sĩ, và sẽ mất hết chiến cụ và quân dụng…
Tôi nghe rõ tiếng thở dài của ông phát ra từ ống liên hợp… Chiếc trực thăng đổi hướng bay về hướng Ðà Nẵng. Chuyển sang máy truyền tin khác, tôi liên lạc với HQ-505.
– Ðây HQ-802. Tôi và HQ-404 sắp tới điểm hẹn. Yêu cầu cho biết tình hình ở trong đó.
– Trình thẩm quyền, tình hình trên bến khẩn trương và rất bất ổn; binh lính, dân, xe cộ, và chiến cụ chật ních trên bãi tập trung. Khi HQ-505 ủi bãi, lính và dân chen lấn nhau lên tàu. Thiết giáp cũng xông bừa vào đám đông trước cửa đổ bộ (ramp), cán chết nhiều người. Lựu đạn nổ tại cửa ramp cửa đổ bộ). Chết và bị thương khá bộn. Hạm trưởng tôi phải rút ra khỏi bãi và vô cặp cầu…
– Trong đó còn đủ chỗ cho tôi và HQ-404 không?
– Trình thẩm quyền, sau lái tôi có chỗ cho HQ-404 vô cặp. Thẩm quyền có thể ủi bãi, nhưng rất nguy hiểm.
– HQ-802 không có cửa đổ bộ. Thông báo với thẩm quyền anh: Trong tình thế này, không nhận các loại chiến cụ. Chỉ nhận binh sĩ và gia đình, vũ khí cá nhân và cộng đồng nhẹ. Thúc họ lên tàu càng nhanh càng tốt. Tôi vừa trình bày ý kiến đó với Ðại bàng của Sư Ðoàn 2. Anh có liên lạc được với Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm Chu Lai không?
– Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm Chu Lai đã rút toàn bộ về Cù Lao Ré và Ðà Nẵng từ chiều ngày hôm qua (26/3/75). Dưới nước chỉ còn 2 Tuần duyên Ðĩnh WPB và 4 Duyên tốc dĩnh PCF đang tuần tiễu ở thượng giòng.
– Anh chỉ thị cho một con cá nhỏ đó ra gặp tôi.
– Nhận rõ, thẩm quyền.
Lúc tôi ngưng liên lạc với HQ-505, kim dạ quang trên mặt đồng hồ của tôi chỉ 4:40 sáng (ngày 27/3/ 75). Tôi liên lạc với HQ-404.
– HQ-404 hiện anh ở đâu?
– Tôi đang ở ngay sau anh.
– Anh có nghe tôi và HQ-505 vừa rồi không?
– Tôi nghe. Có vẻ gay go quá.
– Tôi đã lập bản liệt kê mực nước. Lúc này nước đang ròng. Không đủ nước cho tôi vô. Anh có thể lết vô được.
– Trời mù mịt quá. Không thấy phao nào cả. Nếu thấy được chiếc phao đầu, tôi có thể mò mẫm vô được.
– Radar của tôi khá. Tôi đã định được vị trí của chiếc phao đó. Ðèn của tất cả các phao đều đã hư hết. Tôi dẫn anh tới đó rồi bắn hỏa châu soi đường cho anh vô. Gọi nhiệm sở tác chiến đi. Báo cho tôi biết khi đã sẵn sàng.
– Ðã sẵn sàng.
– Khi đến cách phao đó khoảng 1000 yards. Tôi sẽ bắn hỏa châu bên tả hạm. Anh lách sang trái, vượt qua tôi mà vô. Rồi tôi sẽ lình bình ở ngoài và tiếp tục soi đường cho anh. Sẽ có một bày Hải vận đĩnh LCU từ Qui Nhơn ra tăng phái đi theo anh.
– Hiểu rõ.
– Tôi đổi cấp 340 (hướng đi của chiến hạm).
– Tôi theo anh.
Sương đêm mịt mùng. Hai chiến hạm cùng tiến vào thủy đạo Chu Lai. Hai mươi phút sau, HQ-802 ngừng lại và phóng đợt hỏa châu đầu tiên. HQ-404 lướt lên, tiến tới chiếc phao hình lăng trụ. Ðợt hỏa châu thứ hai được phóng về phía chiếc phao. Radar của HQ-802 cho thấy HQ-404 đổi hướng và đã vào đúng thủy đạo…
Ðợt hỏa châu thứ 3 được phóng lên. Cùng lúc đó một loạt 4 hỏa tiễn địch từ trong bờ bay đến HQ-802. Các hỏa tiễn lao xuống mặt nước, nổ tung cách chiến hạm khoảng 500 thước. Pháo thủ địch điều chỉnh khá chính xác. Chỗ hỏa tiễn nổ chính là điểm HQ-802 lình bình để phóng chùm hoả châu thứ hai. Lúc đạn nổ, chiến hạm đã di chuyển đi chỗ khác.
Không chậm trễ, tôi xoay tàu vào hướng 090, và rời khỏi vị trí hiện tại bằng cả hai máy tiến tối đa. Con Trâu Nước của tôi hôm nay đáp ứng các lệnh vận chuyển mau lẹ hơn, có lẽ nhờ sức đẩy của giòng thủy triều đang ròng từ trong cửa sông chảy ra.
Một đợt và lại một đợt hoả tiễn nữa lao tới và nổ trên mặt biển, nhưng HQ-802 đã ra khỏi mục tiêu xạ kích của địch. Tôi gọi HQ-404:
– Tôi bình an. Anh thế nào?
– Tôi không sao. Chúng ùng uỳnh vài loạt ở phía sau.
– Anh đi rất đúng đường. Giữ nguyên cấp đó cho đến khi nhìn thấy cái đầu khuỷu tay ở phía 8 giờ thì đổi hướng.
– Tôi đang mò mẫm, nhưng sẽ trót lọt.
– HQ-404, đây HQ-505. Anh vô cặp phía sau tôi. Mũi hạ giòng.
– HQ-404 nhận rõ. Zứt.
Khoảng 7:00 giờ sáng (27/3/75) một Tuần duyên đĩnh WPB từ Chu Lai ra, đến cặp HQ-802. Thuyền trưởng lên trình diện tôi trên đài chỉ huy.
– Ông thuộc đơn vị nào?
– Thưa thẩm quyền, tôi thuộc Hải Ðội 1 Zuyên Phòng tăng phái cho Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm Chu Lai.
– Ông là sĩ quan thâm niên nhất của toán Hải Ðội 1 Zuyên Phòng tăng phái phải không?
– Dạ, phải.
– Tại đây hiện ông có bao nhiêu chiến đĩnh ?
– Thưa thẩm quyền, chúng tôi có 2 Tuần duyên đĩnh WPB và 4 Duyên tốc đĩnh PCF.
– Khi được lệnh về Ðà Nẵng Chỉ huy trưởng Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm Chu Lai có chỉ thị gì cho ông không?
– Thưa, Chỉ huy trưởng Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm Chu Lai chỉ ra lệnh cho chúng tôi tiếp tục tuần tiễu bảo vệ an ninh mặt sông.
– Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm Chu Lai trực thuộc quyền chỉ huy hành quân của tôi. Từ giờ này ông nhận lệnh trực tiếp của HQ-802. Ông ghi nhớ những lệnh này:
(1) Chỉ thị cho tất cả các chiến đĩnh, hiện đang chở binh sĩ và gia đình, chuyển họ lên HQ-802. (2) Ðúng 11:30 giờ sáng nay, toán tăng phái của ông sẽ thi hành công tác hộ tống HQ-505 và HQ-404 khi hai chiến hạm và toán Hải vận đĩnh LCU rời cầu. Ðội hình tác chiến như sau: Hai duyên tốc đĩnh PCF dẫn trước các chiến hạm, giữ vị thế xen kẽ. Thành phần còn lại theo sau hai chiến hạm, cũng giữ vị thế xen kẽ (một bên phía bờ tả, một bên hữu). (3) Nếu đich tấn công từ hai bên bờ, chiến đĩnh chạy bên tả bắn trả vào bờ bên tả, chiến đĩnh chạy bên hữu bắn trả vào bờ bên hữu, nhưng vẫn tiếp tục giữ đội hình và tiếp tục ra khơi. (4) Khi đã ra tới khu an toàn, tuần tiễu dọc theo bờ biển, giữ khoảng cách 5 hoặc 6 hải lý đối với bờ biển. (5) Nhận tiếp tế nhiên liệu và nước ngọt từ HQ-802 khi cần.
– Ông có thắc mắc gì không?
– Thưa thẩm quyền, chừng nào chúng tôi phải chuyển binh sĩ và gia đình họ lên HQ-802.
– Ngay từ giờ này. Ông chỉ thị cho 2 Duyên tốc đĩnh PCF chở binh sĩ ra HQ-802 ngay bây giờ. Ba chiến đĩnh kia vẫn tiếp tục tuần tiễu. Khi ông và 2 Duyên tốc đĩnh PCF đã chuyển hết binh sĩ lên HQ-802, cả ba vào lại Chu Lai tuần tiễu để cho 3 chiến đĩnh kia chở binh sĩ ra tàu tôi. Tôi sẽ trả họ về cho ông khi họ đã chuyển xong binh sĩ lên HQ-802.
– Thưa thẩm quyền, có một số xà-lan của Phi Luật Tân và ghe dân chở đầy lính và dân, nhưng không phải là lính của Sư đoàn 2. Họ chạy từ Quảng Tín, Quảng Ngãi về.
– Ông bảo họ chuyển tất cả lính và dân ra HQ-802. Tôi sẽ nhận hết. Ông gọi vào trong đó cho các thuyền trưởng của ông, bảo họ chuyển lệnh này cho các xà-lan và các ghe.
– Tôi nhận rõ, thẩm quyền.
Tôi viết lại lệnh này dưới hình thức công điện, ký tên, đóng dấu, rồi trao cho Thuyền trưởng Tuần duyên đĩnh sau khi đã chỉ thị cho ông ta ký nhận vào sổ trực hành quân… HQ-802 khởi sự tiếp nhận binh sĩ và dân lên tàu. Ðồng thời, tôi cũng liên lạc với các chiến hạm và trưởng toán Hải vận đĩnh LCU tăng phái để nắm vững tình hình trong bến Chu Lai. Khoảng 10:00 giờ sáng (27/ 3/ 75) HQ-404 lên tiếng.
– Không có cảnh xô bồ và bi thảm như đêm qua. Binh sĩ và gia đình họ lên tàu trong vòng trật tư. Binh sĩ Sư đoàn 2 đã lên các chiến hạm và Hải vận đĩnh LCU Quân Vận gần hết. Trên bãi hiện chỉ còn các loại xe và chiến cụ nặng. Các Hải vận đĩnh LCU Quân Vận tiếp nhận được một số chiến cụ.
– Mực nước thủy triều sẽ cao nhất vào lúc 1142Z (11:42 giờ sáng). Khi đã đón hết binh sĩ, các bạn rời cầu ngay. Sẽ có các Tuần duyên đĩnh WPB và Duyên tốc đĩnh PCF dẫn đường và hộ tống.
– Trình thẩm quyền, Quân Vận Qui Nhơn tăng phái chúng tôi xin tiếp tế dầu.
– Các bạn theo các chiến hạm khi họ tách bến. Ðến cặp HQ-802, tôi sẽ tiếp tế dầu cho các bạn.
– Nhận rõ, Thẩm quyền.
– Hải đội 1 Zuyên Phòng tăng phái, đây HQ-802. Ðúng 1100Z, các bạn vào đội hình yểm trợ.
– Nhận rõ, Thẩm quyền.
Một chiếc trực thăng vần vụ trên HQ-802. Từ trên đó Tướng Tư Lệnh Sư đoàn 2 gọi xuống.
– Hải Quân đã đón xong lính của tôi chưa?
– Trình Ðại bàng, binh sĩ đã lên tàu gần hết. Hải vận đĩnh LCU do Quân Vận tăng phái chở thêm được một số ít chiến cụ. Không rõ loại và số lượng. Chúng tôi dự trù đi Lý Sơn khoảng 12:00 giờ.
– Tôi ra ngoài đó trước, chờ các anh. Liệu có vô được chuyến nữa không?
– Trình Ðại bàng, nếu tình trạng an toàn cho phép. Như tôi được biết, thành phần cản hậu của Sư Ðoàn 2 chưa ra bến tàu. Nhưng chúng tôi vẫn khởi hành như đã định vì con nước đang thích hợp. Tôi sẽ xin Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải tăng phái thêm 8 Quân vận đĩnh LCM đến đón thành phần cản hậu trong khi các chiến hạm và tàu Quân Vận đổ binh sĩ của Ðại bàng lên Lý Sơn.
– Ông xin gấp đi. Nhu cầu ngoài Thuận An lớn lắm. Họ đang dồn mọi nỗ lực cho ngoài đó.
– Xin Ðại bàng giữ tàu Quân Vận lại để chuyển binh sĩ từ tàu lớn vô bờ. Ngoài đó biển rất cạn và có nhiều đá ngầm, các chiến hạm không vô được.
– Chấp thuận.
Chiếc trực thăng lao về hướng Ðông Nam. Tôi gởi công điện về Ðà Nẵng để báo cáo diễn biến cưộc hành quân lui binh tại Chu Lai.
Trân trọng báo cáo Stop Thứ nhất Stop Ðã hoàn tất công tác đón binh sĩ Sư Ðoàn 2 Stop Ngoại trừ thành phần cản hậu chưa ra bến kịp Stop Bỏ lại chiến cụ và quân dụng vì lý do thủy đạo và tình trạng hỗn loạn tại địa điểm tập trung Stop Tư Lệnh Sư Ðoàn 2 đã chấp thuận quyết dịnh này trên nguyên tắc Stop Các chiến hạm và Hải vận đĩnh LCU do Quân Vận Qui Nhơn tăng phái sẽ rời Chu Lai đi Lý Sơn hồi 11:30 giờ ngày 27/ 3/ 75 Stop Thành phần Hải Ðội 1 Zuyên Phòng tăng phái cũng được rút ra biển Stop Tuần tiễu dọc theo bờ biển Chu Lai Stop Thứ hai Stop Ðề nghị Stop Khẩn tăng phái 8 Quân vận đĩnh LCM đến Chu Lai đón thành phần cản hậu của Sư Ðoàn 2 Stop Thành phần Hải Ðội 1 Zuyên Phòng tăng phái sẽ yểm trợ các Quân vận đĩnh LCM vào Chu Lai Stop Trường hợp đề nghị trên được chấp thuận Stop Thỉnh cầu thông báo cho HQ-802 giờ khởi hành của toán Quân vận đĩnh LCM Stop Zứt. Stop.
Mười một giờ mười lăm sáng (11:15 giờ) ngày 27/3/75, trưởng toán Hải Ðội 1 Zuyên Phòng báo cáo.
– Trình thẩm quyền, Hải Ðội 1 Zuyên Phòng tăng phái đã vào vị trí.
– HQ-802 nhận rõ.
– Trình thẩm quyền, Quân Vận Qui Nhơn tăng phái rời bến.
– Các bạn đi theo các chiến đĩnh hộ tống nếu không sẽ mắc cạn.
– Nhận rõ thẩm quyền.
– Hải Ðội 1 Zuyên Phòng tăng phái, đây HQ-802. Các bạn giảm tốc độ, giữ đúng thủy đạo, dẫn đường cho Quân Vận và các chiến hạm.
– Nhận rõ, Thẩm quyền.
– HQ-802, đây HQ-505, rời cầu.
– HQ-802, đây HQ-404, chuẩn bị rời cầu.
Trong khi các chiến hạm và các Hải vận đĩnh LCU còn đang trên đường đường ra biển, ban tác-chiến-đổ-bộ của HQ-802 thực hiện công tác tách rời binh sĩ Sư Ðoàn 2 và gia đình họ thành một nhóm, các binh sĩ không thất lạc đơn vị và dân thành nhóm thứ hai. Nhóm thứ nhất sẽ được chuyển xuống các Hải vận đĩnh LCU khi họ cặp HQ-802 để nhận tiếp tế nhiên liệu.
Cũng trong khoảng thời gian đó địch pháo kích nhiều đợt vào bãi tập trung và cầu tầu Chu Lai. Nhưng đoàn tàu đã ra khá xa, nên không bị tổn thất nào.
Ra khỏi đường thủy đạo (channel), HQ-505 và HQ-404 trực chỉ đảo Lý Sơn. Toán Hải vận đĩnh LCU tăng phái cặp vào HQ-802 để được tiếp tế nhiên liệu và đón số binh sĩ Sư Ðoàn 2 đang có mặt trên HQ-802. Nhận tiếp tế và binh sĩ xong, các hải vận đĩnh LCU trực chỉ đảo Lý Sơn với vận tốc tối đa. HQ-802 nặng nề đi sau chót.
Ðến Lý Sơn, các Hải vận đĩnh LCU đổ quân rất nhanh, rồi ra cặp HQ-505 đón binh sĩ vào bờ với sự trợ giúp của Duyên Ðoàn 16. Trên đường ra Lý Sơn, tôi báo cáo lên Tư Lệnh Sư Ðoàn 2 và Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải về việc địch đang pháo kích vào bãi tập trung và cầu tàu Chu Lai. Trong công điện gởi Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải tôi xin hủy bỏ việc tăng phái các Quân vận đĩnh LCM vào Chu Lai, nhưng được Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải cho biết toán Quân vận định LCM đã lên đường trước đó 2 giờ, và hiện không liên lạc được với toán này…
Share Lại Người Lính Già TQLC
Việc đổ quân lên bờ đang diễn tiến tốt đẹp, thì một biến cố hệ trọng xẩy ra vào khoảng 4:20 giờ, chiều ngày 27/3/75 trên HQ-404. Binh sĩ Sư đoàn 2 trên HQ-404 (khoảng hai tiểu đoàn) dùng vũ khí làm áp lực với Hạm trưởng, buộc ông phải đưa họ về Ðà Nẵng. Tôi báo cáo tình trạng khẩn trương đó lên Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải và Tư Lệnh Sư đoàn 2. Nhưng thẩm quyền Sư đoàn 2 cũng không thuyết phục được số quân nhân nổi loạn. Một lần nữa tôi báo cáo tình trạng nguy hiểm này về Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải. Vào khoảng 4:50 giờ chiều (27/ 3/ 75) HQ-802 nhận công điện:
Thứ nhất Stop Phân Ðội Hải Quân Nam giải thể kể từ 1700Z 27/ 3/75 Stop Thứ hai Stop Các chiến hạm và Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm Chu Lai nhận lệnh trực tiếp từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải Stop HQ-802 bàn giao tất cả các LCU (hải vận đĩnh) tăng phái dưới quyền điều động của Tư Lệnh Sư Ðoàn 2 Stop Trực chỉ về Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải chờ lệnh Stop HQ-404 về Ðà Nẵng đổ binh sĩ Sư Ðoàn 2 và thường dân lên bãi Trịnh Minh Thế Stop HQ-505 về Ðà Nẵng trả thương binh cho Quân-y Quân Ðoàn 1 tại bãi Trinh Minh Thế Stop Báo cáo nhận hành Stop
Ðọc xong công điện trên, tôi có cảm giác như thân thể tôi không có trọng lực, nhẹ như bông gòn. Gánh nặng đặt trên vai tôi từ chiều tối ngày hôm trước được trút bỏ. Tôi vui mừng chuyển tiếp công điện trên cho HQ-505 và HQ-404, và chuyển lệnh cuối cùng của tôi cho trưởng toán Hải Ðội 1 Zuyên Phòng tăng phái trong khi vận chuyển chiến hạm hướng về Ðà Nẵng.
– Hải Ðội 1 Zuyên Phòng tăng phái, đây HQ-802. Từ giờ này bạn nhận lệnh trực tiếp từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải. Bạn khẩn vào tần số của Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải để báo cáo và nhận lệnh mới.
– Nhận rõ, thẩm quyền. Chúng tôi cần nhiên liệu. Xin thẩm quyền tiếp tế.
– Trên đường về Ðà Nẵng tôi sẽ ngừng tại vị trí sáng nay. Bạn đón tôi để nhận tiếp tế.
– Nhận rõ, Thẩm quyền.
– Zứt.
Tôi gọi Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 2 tại Lý Sơn, HQ-505 và HQ-404.
– Trình Ðại bàng, theo lệnh mới của Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải, HQ-802, HQ-505 và HQ-404 chấm dứt nhiệm vụ với Ðại bàng để nhận nhiệm vụ mới. Xin đặt các tàu Quân Vận dưới quyền xử dụng của Ðại bàng.
– Tôi đã được thông báo về lệnh này.
– Kính chào Ðại bàng.
– HQ-505, HQ-404, đây HQ-802.
– HQ-505 nghe.
– HQ-404 nghe.
– Tự do vận chuyển.
– HQ-505 đã lên đường.
– HQ-404 đã khởi hành.
– Zứt.
Xin đọc tiếp Phần 2
Share Lại người Lính Già TQLC
No comments:
Post a Comment