Thursday, December 22, 2022

62 Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh - Chương 62

Chương 62
Đúng sáng ngày 25 tháng 12 năm 1978, trại tù Hàm Tân xảy ra một cuộc tổng biên chế. Những dãy nhà tù trước đây còn nhiều chỗ trống đều bị dồn cho đủ số người quy định. Người nhà này bị lôi qua nhà khác, đội nọ bị đổi qua đội kia... Thậm chí có một số được điều qua phân trại B và một số từ phân trại B lại được đưa về phân trại A. Dãy nhà 1, dãy duy nhất nằm lẻ loi, sát ngay cổng trại và không có hàng rào vây quanh, chỗ ngủ cho đám trật tự và một số hình sự thân tín của Ban Giám Thị, cũng có một số bị lôi đi và một số được đưa đến. Nói tóm đây là một cuộc cải tổ nội bộ quy mô nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, một điểm đặc biệt đáng ghi nhận là những đội thuộc khu 1 và 2 dường như không có gì thay đổi quan trọng. Chỉ một vài người bị lôi đi và một vài người khác được bổ sung vào. Căn bản là đâu vẫn nằm yên đấy! Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, bọn giám thị cho tất cả nghỉ luôn lao động buổi chiều và lên hội trường nghe giám thị trực nói chuyện. Ngược hẳn với lối nói mập mờ của bọn quân quản, bọn công an thường nói thẳng thừng với bọn tù về những diễn biến sẽ xảy ra mà chúng xét rằng cần phải có một thông báo cụ thể. Giả dụ chúng thẳng thắn gọi tù là tù, là can phạm; chúng không mập mờ gọi tù là cải tạo viên như bọn quân quản trước đây. Cũng thế, hôm nay chúng thẳng thắn tuyên bố rằng, sở dĩ chuyện biên chế lại các nhà đội là vì trại cần một số phòng cho một số đông can phạm các nơi sẽ gửi đến nay mai. Lời tuyên bố của tên giám thị trực làm cho mọi người đều thấy rằng những tin đồn từ trước đến nay quả không phải là vô căn cứ. Và Vĩnh phải công nhận cái tin Nguyễn Tú Cường cho cả tháng trước đây hoặc của Lê Quốc Việt mới hai ba ngày trước không phải là tin thất thiệt.
Dù trải qua một ngày xáo trộn, và lỗ tai mọi người đều đã nghe đủ lời răn đe của tên giám thị trực về cái gọi là "cấm mọi tụ tập làm việc tôn giáo mê tín dị đoan...", nhưng lễ Giáng Sinh vẫn là lễ Giáng Sinh, một cái lễ mà tinh thần của nó gần như đã vượt ra ngoài phạm vi hạn hẹp của một tôn giáo, mà đã biến thành một biểu tượng cho sự yên ổn tinh thần, sự cứu rỗi chung cho con người. Vì lẽ đó, hầu như không tên tù nào ngày hôm nay lại không để lòng hướng về lễ Giáng Sinh.
Riêng với những anh em công giáo, ngay sau khi trở về nhà, họ đã tái liên lạc với nhau để chia công tác tổ chức Lễ Giáng Sinh dưới nhiều hình thức khác nhau tùy theo điều kiện hiện tại. Nói chung, tất cả đều tìm cách xưng tội và dự "lễ đi". Kẻ lo nấu nướng một vài món ăn đặc biệt để sẵn trong phòng, khi chiều xuống bị lùa vào chuồng, họ sẽ tụ tập ăn mừng lễ với nhau.
Trong khu 2 (nhà 4 và 5) không có linh mục, nhưng bên khu 3 (nhà 6 và 7) có cha Bộ. Mặc dù ai cũng biết trong thời điểm như thế này mấy linh mục bị theo dõi sát nhất, nhưng các cha vẫn rất khôn ngoan để thực hiện được sứ mệnh linh mục của họ. Sau màn móc nối qua lại của anh Huy, một số chừng hai mươi anh em công giáo của hai nhà 4 và 5 kéo ra sau bếp nhà 5, sát dãy cầu tiêu, tản mát mỗi người một nơi nhưng ai cũng hướng về dãy hàng rào bên nhà 6. Bên ấy, cha Bộ đang đứng chờ mọi người một cách kiên nhẫn. Khi anh Huy nói xong vài điều với anh em về cách thức xưng tội tập thể, anh quay sang ra dấu cho cha Bộ biết. Bên kia hàng rào, nét mặt vị linh mục như nghiêm hẳn lại. Ông thầm thì đọc lời giải tội và để kết thúc, ông giơ tay làm một dấu Thánh Giá hướng về phía những người đứng bên này hàng rào. Sau khi được giải tội tập thể đúng như sự sắp xếp của anh Huy, anh em cứ hai người một đi tới đi lui dọc theo hàng rào. Phía bên kia cha Bộ cũng đi như thế với hai người bạn đi hai bên. Đây là lúc mọi người đang tham dự Thánh Lễ do cha Bộ cử hành phía bên kia hàng rào. Vì để tránh sự nghi ngờ của bọn trật tự và bọn giám thị, các cha "chế" ra phương pháp làm "lễ đi" như thế này.
Rồi thì "lễ đi" cũng chấm dứt. Buổi chiều đã thực sự bắt đầu buông xuống. Việc đi lại chưa cấm hẳn nhưng trên thực tế đã bị hạn chế thật nhiều vào những lúc gần đây. Do vậy, khi đi lao động về, trừ khi có việc phải xuống bệnh xá hoặc đi lãnh cơm lãnh nước dưới bếp chính của trại, anh em chỉ lẩn quẩn trong phạm vi hàng rào của từng khu để tránh phiền phức bị trật tự nghi ngờ theo dõi hoặc bị giám thị trại chận hỏi. Vì lý do ấy, sau khi "lễ đi" chấm dứt bọn Vĩnh cũng chẳng ra sân trại làm gì. Anh em trở lại chỗ nằm lôi ra những cái gì có thể nấu ăn được đem ra sau bếp nhóm lửa nấu nướng. Để ăn mừng ngày Giáng Sinh trong tù, nếu là người đã được thăm nuôi thì sẽ có được một nồi mì, hoặc nui tương đối ngon lành với đủ gia vị như mỡ, nước mắm, hành khô, bột ngọt, tiêu ớt. Nếu tệ hơn thì có nồi bột Bích Chi quấy chung với mấy cục đường làm chè. Bằng nếu là con bà phước, hoặc lâu rồi không được thăm nuôi, người muốn ăn mừng lễ chẳng còn cách nào khác hơn là đem đổ phần khoai mì được cấp phát của mình vào nồi, xin xỏ anh em thêm một vài vắt mì khô, một chút nước mắm để có được một nồi xà bần tương đối đặc biệt hơn mọi ngày.
Riêng đám Vĩnh vì anh mới được thăm, do đó ăn uống có vẻ xôm trò. Điểu và Dương kiếm củi, anh Huy nhóm lửa, Cường sai vặt, Ý và Vĩnh lo nấu. Chỉ mười lăm phút sau một nồi mì vĩ đại với đầy đủ gia vị thơm phức đã hoàn tất. Kèm với nồi mì còn một nồi đậu xanh nấu với đường cát... Anh Huy vội vàng lấy lon cóng múc ra một ít đem biếu những nơi cần biếu, đặc biệt là các cha ở các dãy nhà khác. Sau đó tất cả được đem vào đặt nơi chỗ nằm chờ giờ tập họp.
Sau khi vào chuồng, trong lúc ngồi ăn với nhau, bọn Vĩnh mới có thì giờ bàn đến những thay đổi trong ngày. Đối với đội 17, điều thay đổi quan trọng nhất là việc đội trưởng Đặng Xuân Hùng đã được điều sang làm đội trưởng đội khác. Sự ra đi của Hùng đã khiến anh em thấy lời nói của Hùng quả "rất có trọng lượng" đối với Ban Giám Thị. Chính Hùng đã từng than thở: Mai mốt tôi xin đi đội khác. Ở đội này các ông bựa quá, chịu không nổi. Nấn ná mãi ở đây có ngày mang họa lây!
Hùng đi Mai Văn Lễ được đôn lên làm đội trưởng, đồng lúc một nhân vật khác được điều đến làm đội phó. Người đội phó mới này hiện tại chưa ai biết rõ anh ta là gì, thuộc thành phần nào và tính tình ra sao. Chỉ thấy từ chiều đến giờ anh xuất hiện như một người đã khá lớn tuổi, quãng 48 hoặc 49; vóc người cao lớn, dáng đi hơi gù với một nét mặt thật trầm tĩnh...
Trong lúc ăn anh Huy nhìn về phía người đội phó mới (anh ta đang lặng lẽ trải chiếu trên chỗ anh nằm) hỏi bâng quơ.
- Thằng cha ấy chắc to tuổi hơn tôi. Không biết cỡ nào mà lại được đem vào đội này làm đội phó!?
Không ai phụ họa, anh Huy lại tiếp. Tên gì không biết?
Cường với bản tính thích chứng tỏ biết hết mọi chuyện, vừa múc mì ra bát vừa trả lời.
- Thứ dữ đó. Chả tên Thuận. Trước từng là đội trưởng đội 20. Không biết vì lý do gì mất chức một thời gian. Hôm nay lại được điều về đây làm đội phó.
Vĩnh chỉ lắng nghe nhưng không góp ý kiến. Ăn uống xong như mọi người, Vĩnh sắp xếp lại chỗ nằm có một chút thay đổi của mình. Số phận đưa đẩy, ông Trương Hồng điên điên khùng khùng lại một lần nữa đưa đến nằm sát bên Vĩnh. Thấy Vĩnh, hắn chỉ liếc xéo một cái rồi thôi, rồi quay trở lại với bức vách trên đầu chỗ nằm như một người đang ngồi thiền.
Vĩnh nằm nhìn qua cửa sổ có chấn song sắt. Cũng như đêm hôm qua, đêm nay bọn công an gác đêm bồng súng đi tới đi lui và thỉnh thoảng nhìn vào phòng qua các cửa sổ như để quan sát một cái gì. Thực ra chúng chỉ có mục đích khám phá và ngăn chặn kịp thời những ai chúng nghi ngờ đang ngồi tụ tập "làm những việc tôn giáo mê tín dị đoan".
Nơi cửa sổ gần dãy cầu tiêu cuối phòng chợt có một tiếng hét từ ngoài hắt vào.
- Này anh kia! Làm cái gì đấy? Làm việc mê tín hả?
Tiếng một người từ bên trong trả lời.
- Tôi có làm gì đâu! Tôi đang bắt rệp mà!
Giọng bên ngoài hơi hách dịch hơn một chút nữa.
- Bắt rệp ngồi xích ra ngoài. Cấm ngồi quay mặt vào vách như vậy nghe chưa!
Sau câu ra lệnh ấy trong phòng không còn ai nghe thấy gì thêm nữa. Có lẽ tên công an gác đêm đã bỏ đi chỗ khác.
Vĩnh ngồi bật dậy và bắt đầu lôi chăn mùng mền ra. Một ngày bận rộn khiến Vĩnh và hình như nhiều người khác nữa đã quên phéng đi một công tác quan trọng không thể không hoàn tất trước khi đi ngủ. Công tác bắt rệp.
Vào quãng nửa đêm cả trại thình lình thức giấc vì những tiếng động ngoài sân, tiếp theo là tiếng súng nổ ròn rã vang lên khắp nơi. Bọn tù đều chồm tới những khung cửa sổ nhìn ra ngoài. Đang lúc ấy cửa nhà 5 bật mở. Bọn công an súng ống ập vào và bắt tất cả hạ mùng. Kế nữa những người nằm tầng trên phải xuống hết tầng dưới cho một cuộc điểm danh bất thường.
Xưa kia chuyện báo động nửa khuya ở Trảng Lớn hay An Dưỡng là chuyện thường. Tuy nhiên từ ngày về đây, đây là lần đầu tiên xảy ra việc này khiến ai cũng thầm thắc mắc. Chuyện gì đây? Trốn trại chăng? Nhưng trốn bằng cách nào khi ở đây đêm đến đều bị nhốt kín trong phòng như thế này?
Vài phút sau, tù nhà 5 đều ngã ngửa vì quả thực có trốn trại, và cho thấy riêng nhà 5 đã có ba người trốn, một người của đội 45, hai người của đội 13. Bọn giám thị sau khi biết chắc nhà 5 biến mất ba người, chúng cho lệnh các đội trưởng trong nhà đi cùng với chúng tìm xem những người trốn trại đã thoát ra ngoài bằng cách nào. Sau cùng, chúng khám phá ra một khung cửa sổ có những song sắt bị cưa đứt.
Khi bọn giám thị lui gót và trật tự khóa cửa phòng lại như cũ, hầu như cả nhà không còn ai ngủ được. Đám vượt ngục đều là anh em gốc Hòa Hảo, từng được chuyển từ miền Tây lên sau đợt Vĩnh không quá tuần lễ. Thường ngày họ đều là những người lao động rất hăng, ít tỏ lộ những hành vi chống đối và rất đoàn kết với nhau. Không ai ngờ đúng vào nửa đêm ngày 25 rạng ngày 26 của tháng Tây lịch cuối cùng năm 78, họ hè nhau trốn một lượt đến năm người như thế, và nhất là trốn được một cách êm ru.
Tuy không nói ra nhưng ai cũng thầm lo cho thân phận những người trốn trại. Dân vốn gốc ở đây mà nhiều anh còn thất bại, huống chi họ là dân miền Tây, phong thổ địa dư nơi đây đều lạ, làm sao mưu sinh thoát hiểm cho nổi!
Qua cơn lục soát tìm kiếm, điểm danh báo cáo... cả trại lại chìm dần vào sự yên lặng của đêm tối. Quãng ba giờ sáng, một lần nữa Vĩnh và nhiều người đều giật mình thức giấc; lần thức giấc này hoàn toàn không vì những tiếng súng nổ, không vì những tiếng chân chạy mà vì những tiếng huỳnh huỵch vang lên từ phía cổng trại, bò vào tới giữa sân trại và lần lượt tiếng huỳnh huỵch ấy lết tới phía bệnh xá cuối trại. Vĩnh nhìn ra sân qua chấn song sắt. Dù đã quá quen với cái cảnh này, Vĩnh vẫn không khỏi không xúc động. Ngoài sân, một chuỗi năm người bị trói vào nhau như một lũ tù dây, đang lê lết bò trên sân trại. Đi theo họ là một bầy công an súng ống đầy đủ. Xa xa còn có vài anh chàng trật tự đi theo. Riêng bọn công an quả như một bầy chó dữ đang ùa theo cắn xé năm người bị trói. Đoàn người ấy cuối cùng biến mất nơi góc bệnh xá và dãy nhà số 11.
Trong phòng ai cũng bần thần cả người. Thế là bị bắt rồi! Những tiếng thầm thì cứ liên tục nổi lên. Vĩnh không bàn thảo với ai. Anh cứ ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ. Thình lình một cái đầu đen thui xuất hiện phía bên ngoài, la lớn vào trong khiến Vĩnh giật bắn mình.
- Xầm xì gì đấy? Ngủ đi không ông tấn cho cả đám một trận bây giờ!
Mặc tên công an từ ngoài đe dọa, bên trong anh em vẫn xầm xì bàn tán đến hiện tượng vừa xảy ra. Tên công an cáu quá, hét. Các đội trưởng đội phó đâu? Bắt tất cả đi ngủ xem nào!
- Thôi đi ngủ đi. Mấy người ấy chắc chắn bị nhốt cachot hết rồi. Cachot ở đây muỗi và chuột ghê gớm lắm...
Một tiếng nói thầm bên tai Vĩnh làm Vĩnh giật mình ngoái lại. Hóa ra đội phó Nguyễn Văn Thuận đã chồm tới chỗ Vĩnh tự lúc nào để ngó qua cửa sổ chỗ anh nằm. Vĩnh nhún vai không biết trả lời ra sao. Dưới ngọn đèn điện nhợt nhạt, Vĩnh cố bắt thêm đôi ba chục con rệp nữa mới mắc màn và chui vào ngủ trở lại.
Tuy nhiên chẳng cách gì Vĩnh ngủ trở lại được. Những biến cố xảy ra trong ngày Giáng Sinh nơi đây, thực ra chả mới lạ gì, thế mà nó vẫn có một ảnh hưởng trầm trọng đến suy nghĩ của Vĩnh. Vĩnh nằm cố nhớ lại những câu thơ, những đoạn nhạc đã viết ra trong đầu. Lẩm nhẩm một lúc Vĩnh lại thấy phát buồn cười. Ta đang cố làm một việc tuyệt vọng. Thơ nhạc sẽ làm được gì ích lợi trong hoàn cảnh này? Ấy là chưa kể... Bỗng nhiên Vĩnh nhớ đến cặp mắt của tân đội trưởng Mai Văn Lễ khi chiều, lúc hắn ngó anh và Ý quàng vai nhau đi tới đi lui ngoài hàng rào để tham dự cuộc "lễ đi" do cha Bộ làm bên kia hàng rào nhà 6 và 7. Rõ ràng đôi mắt ấy là một đôi mắt theo dõi kín đáo. Và nếu không chủ quan, Vĩnh có thể khẳng định gần đây Lễ đã chiếu những ánh mắt tương tự như thế vào đám ăn cơm chung của Vĩnh rất nhiều lần! Nếu như Vĩnh không "có tật" thì cũng chẳng lấy gì đáng để giật mình, đàng này, Vĩnh tự biết mình có một tật rất nặng, ấy là tật đêm hôm tí toáy làm thơ và viết nhạc trong mùng. Chuyện này những người bạn thân của anh đều rõ và có lên tiếng khuyên can, tuy nhiên, nếu không viết ra để sau đó học thuộc lòng vào bụng, thì chắc chắc Vĩnh sẽ quên hết và không cách gì nhớ nổi. Thế nên dù biết rằng nằm viết ra giấy là điều cực kỳ nguy hiểm nhưng Vĩnh không có cách nào khác hơn.
Dù sao sự cảnh giác của Vĩnh rất cao. Những tháng ngày qua anh thủ thật kỹ, không bao giờ để một dấu tích chữ nghĩa nào trong đồ đạc đầu giường cả. Viết được cái gì ra, Vĩnh cố học thuộc lòng ngay và thủ tiêu vào hầm cầu trước khi ngày rạng. Đã hơn một lần trong lúc đi lao động, đồ đạc của Vĩnh đã bị giám thị và trật tự lôi xuống khám xét. Ở đây, việc khám xét nhiều khi không cần áp dụng đồng loạt như ở dưới chế độ quân quản. Nếu một người bị ăng ten báo cáo lên trật tự hoặc giám thị trại về một việc đáng nghi ngờ nào đó, trong lúc người ấy đi lao động, ở nhà chúng tự động lôi hết đồ đạc xuống "kiểm nghiệm". Sơ hở để lộ một chứng tích của "tư tưởng phản động" chết tươi như chơi!
Hết chuyện thơ chuyện nhạc, chuyện lo âu về đôi mắt của đội trưởng Lễ, Vĩnh lại nhớ đến những tin đồn mà vốn đã nhiều phen anh tích cực muốn loại bỏ nó ra khỏi đầu óc. Những đêm khó ngủ trí óc sẽ là miếng mồi ngon cho móng vuốt của sự hồi tưởng!
Theo tin đồn, tình hình đất nước coi mòi rất lộn xộn. Những chuyện đánh đấm hoặc căng thẳng giữa những vùng biên giới với các nước láng giềng chắc chắn đã là sự thật trăm phần trăm. Thốt nhiên Vĩnh thấy thật hoảng hốt khi tưởng tượng tới cái cảnh một ngày nào Việt Nam tràn ngập hình ảnh "đoàn quân Tàu ô đi, sao mà ốm thế!". Dù chưa hình dung ra sự nguy hại trong việc xung đột giữa bố con chúng nó lần này ra sao, Vĩnh vẫn linh tính thấy rằng mối bang giao giữa hai nước đã thật sự cáo chung. Tự biết mình không phải là một chính trị gia, Vĩnh không lường được (và cũng chẳng có hơi sức đâu mà lường) đến những hậu quả lâu dài sau này; mà, cũng như đa số những người đang nằm trong vòng rào trại tập trung cải tạo, Vĩnh phải ưu tư nhiều đến số phận của ngay chính mình. Điều giản dị trước mắt để ai cũng có thể thấy, rằng nếu không có chiến tranh Việt-Miên hay Hoa-Việt sẽ xảy ra, thì số phận của bọn Rau Răm Ở Lại này tương đối còn có nhiều hy vọng sống còn; bằng ngược lại, Việt Nam một lần nữa rơi vào cơn lốc của máu lửa, kể cả thế giới Tự Do, ai còn có thì giờ đâu mà nhìn ra một cọng rơm trôi dạt giữa giòng nước lũ!
Bỗng dưng Vĩnh lại muốn trỗi dậy để viết một cái gì; đúng hơn, Vĩnh chợt tha thiết thèm được cầm bút viết trên giấy một cái gì. Cảm giác này không khác lắm một người ghiền nặng thèm một hơi thuốc vào lúc nửa đêm trời trở lạnh. Không có thì cũng không chết nhưng chắc chắn nó sẽ ray rứt, sẽ trăn trở và khó mà ru được giấc ngủ.... Trời đất ơi ăn khoai mì nóng quá!
Từ giải phóng vô đây... ăn khoai mì dài dài...
Một tiếng hát cất lớn trong đêm thâu làm Vĩnh giật mình, nhưng anh cũng nhận ra được đó là giọng Nguyễn Công Danh. Danh là tay thường hòa nhạc với đám Hòa, Tuyến. Hắn gầy như con mắm, tính tình cũng ngang như cua. Theo Danh khai báo, hắn từng là chuẩn úy BĐQ, đào ngũ và nghiện ma túy. Hàng ngày đi lao động, buồn miệng hắn lại rú lên mấy câu hát nhại theo bài Miền Đông Đất Đỏ. Giọng hát khởi sự rú lớn rồi nhừa nhựa tan dần như một người hết hơi khiến Vĩnh biết rằng Danh đã hát câu hát ấy trong cơn mơ.
Một cơn gió thật lạnh vào lúc rạng sáng thổi qua cửa sổ. Vĩnh co người lại trong chăn. Thốt nhiên anh tiếc một giấc ngủ ghê gớm. Đêm trường thế là đã sắp hết. Một ngày Giáng Sinh buồn thảm và có khá nhiều biến chuyển đáng nhớ đã qua đi. Nhật ký tù của Vĩnh có thêm một trang gửi vào trong tiềm thức. Hình ảnh của một ngày lao động sắp đến lại đầy tràn trong tâm trí Vĩnh với nỗi buồn thảm và xót xa. Bỗng dưng, một ý nghĩ pha trộn giữa sung sướng mặc cảm tội lỗi nảy ra trong đầu Vĩnh, ấy là Vĩnh thấy mình, ít ra sáng mai đây, vẫn còn được "đỡ khổ" (!) hơn năm anh bạn đạo Hòa Hảo vừa trốn trại thất bại đêm qua. Họ đang ra sao và sẽ ra sao? Hình phạt phải chăng vẫn như thông thường? Có nghĩa là vào trước giờ tập họp đi lao động buổi sáng, trước 1.600 tù ngồi xếp hàng theo từng đội hình trên sân chờ điểm danh xuất trại đi lao động, bọn trật tự sẽ khênh ra trước sân cái bục thuyết trình để trên hội trường. Tên giám thị trực sẽ xuất hiện với một bản án trên tay. Hắn sẽ tuyên đọc bản án trước mọi người với nội dung như sau.
LỆNH BẮT GIAM.
Vào lúc... giờ ngày... tháng... năm..., các can phạm Nguyễn Văn X, Lê Văn Y... hiện ở tại tổ... đội... nhà... đã can tội trốn trại với ý đồ phản động đen tối.
Chiếu nghị quyết của Ban Giám Thị trại cải huấn Hàm Tân, nay tuyên bố:
Các can phạm X và Y sẽ bị:
- Giam hầm tối hai tháng.
- Cấm thăm viếng sáu tháng.
- Cùm hai chân.
- Hạ khẩu phần ăn còn chín cân mỗi tháng.
Ngoài ra, hình phạt trên có thể tăng giảm tùy mức độ ăn năn hay ngoan cố không chịu hối cải của các can phạm.
Ban Trật Tự trại chiếu thi hành lệnh này kể từ ngày ký.
Thay mặt Ban Giám Thị
Trại cải huấn Hàm Tân
Cán bộ giám thị trực.
Ký tên.
Tiếng kẻng báo thức cho Vĩnh biết đã tới giờ anh phải tranh thủ hạ mùng mền thực mau, để có thì giờ bắt giết thêm được mớ rệp nào hay mớ rệp đó!

No comments:

Post a Comment