Cứ mỗi sáng khi 2.000 tù xếp hàng thành từng khối và ngồi trong sân
trại đợi giờ xuất trại đi lao động, tên giám thị trực lại ra trước sân
cầm loa đọc đủ loại thông cáo, hoặc lệnh bắt giam, hoặc lệnh cho nghỉ ở
nhà lên văn phòng “làm việc” với giám thị… Có tên trong danh sách những
người ở lại trại với giám thị, sự kiện này không phải là không có anh em
“đặt thành vấn đề”!
Quả thế, sống đời tù cộng sản, lâu ngày chầy tháng, không riêng Vĩnh mà
rất nhiều anh em khác đều nhận ra được một thủ đoạn rất độc của cai tù,
ấy là thủ đoạn chia để trị. Sau khi được ăng ten báo cáo trong tổ đó,
trong đội đó hay trong nhà đó có một số người cấu kết chặt chẽ với nhau
trong mọi sinh hoạt hàng ngày, bọn giám thị sẽ theo dõi và tìm cách ly
giám từ từ. Thí dụ một “bọn cấu kết” gồm ba người. Hôm nay chúng kêu anh
A ở nhà lên văn phòng giám thị làm việc. Trên thực tế, nhiều khi anh A
chỉ lên văn phòng để trả lời vài câu hỏi vu vơ không đầu không đuôi của
tên giám thị trực. Sao, anh có khỏe không? Lúc này lao động học tập ra
sao? Có nguyện vọng tâm tư nào cần đề đạt lên trên cứu xét không? Lâu
nay Ban Giám Thị có nghe phong thanh anh là người can đảm lắm, dám làm
nhiều chuyện mà những người khác không dám làm, chẳng hạn tụ tập chơi
nhạc vàng…
Quanh đi quẩn lại những câu hỏi chỉ ỡm ờ như thế, rồi thì anh A được giám thị thân mật cho trở về nhà thoải mái nghỉ ngơi.
Chiều lao động về, ngồi ăn với nhau, sự tế nhị khiến hai người bạn không hỏi thẳng ra là hôm nay mày làm việc gì với giám thị vậy nhưng trong óc họ không thể nào không có một dấu hỏi nho nhỏ. Thế rồi cái dấu hỏi ấy lớn dần ra khi ngày kế, rồi ngày kế nữa anh A vẫn được ở nhà làm việc với giám thị. Đến ngày thứ ba thì anh C không thể cầm lòng được nữa.
– Việc gì mà lắm vậy? Làm việc gì với giám thị đến ba ngày liên tiếp mà chưa hết?
Anh A dĩ nhiên vừa bực vừa khó chịu. Nhưng chỗ bạn bè, anh phải nói thật.
– Nó kêu mình lên thì mình phải lên, làm sao được. Còn chuyện làm việc với tụi nó có mẹ gì đâu! Nó chỉ hỏi tao mấy câu ấm ớ, chẳng hạn, sao hôm nay anh có khỏe không? Lúc này tinh thần đã hồ hởi phấn khởi chưa? Mấy cái răng tuần rồi anh em báo cáo đã hành anh lăn lộn cả đêm giờ hết chưa?… Đấy, nó chỉ hỏi thế thôi!
Câu trả lời thành thật của anh A dĩ nhiên nó có vẻ “thế nào ấy!” đối với hai anh B và C. Làm gì có chuyện kêu lên làm việc liên tiếp mấy ngày chỉ để hỏi những chuyện ấm ớ như vậy!?
Dấu hỏi cứ thế to dần cho đến một hai tuần sau đùng một cái anh B có tên nằm nhà để lên làm việc với cán bộ giám thị.
Tên giám thị trực sẽ không hỏi anh B những câu hỏi giống như đã hỏi anh A. Ngay thái độ cũng có khác. Hắn sẽ giữ một bộ mặt lạnh tanh từ lúc anh B bước vào văn phòng. Hắn ra lệnh ngắn gọn.
– Ngồi xuống ghế kia!
Phải năm bảy phút sau hắn mới từ tốn khép cái xấp giấy trước mặt và trở về với người đối diện. Hắn lừ mắt.
– Anh biết tại sao hôm nay cán bộ gọi anh lên làm việc không?
Anh B hơi ngơ ngác.
– Thưa không!
– Có chắc không biết không?
– Chắc cán bộ!
– Tuần trước anh lấy quyền gì để hạch hỏi anh A, để tìm hiểu việc làm của anh ấy đã làm với cách mạng?
– …..!?
– Tôi được báo cáo rất đầy đủ về anh. Không phải anh A báo cáo anh đâu…
Tên giám thị hơi ỡm ờ, tiếp. Mặc dù anh A cũng có tiết lộ một đôi điều đặc biệt về anh nhưng còn nhiều thiếu xót vào bao che lắm, chẳng hạn anh ấy chỉ nói chung chung rằng mùa nắng vừa rồi mấy anh đã đánh cắp của trại ít ra cũng phải mươi cân lạc giống, thường thu hoạch linh tinh rau xanh của khu canh tác, hay thêu dệt những chuyện phản động bôi nhọ cách mạng… Còn nhiều chuyện khác quan trọng hơn mà anh A đã dấu không nói nhưng cách mạng đã biết hết…
Nói một hơi những khuyết điểm mà chính bản thân anh B tự biết mình chưa hề phạm vào, hoặc có phạm vào thì cũng chỉ hai thằng bạn thân thiết biết tới mà thôi; tên giám thị chìa ra cho người tù một tờ giấy và một cây bút chì. Hắn ra lệnh. Lại bàn góc nhà kia làm tự kiểm đi.
Nói xong tên giám thị bước ra ngoài và đóng cửa lại.
Tối hôm đó ba người bạn ngồi ăn và lạnh lùng với nhau ra mặt. Anh B uất anh A. Anh A đặt nhẹ một cái dấu hỏi vào anh B y hệt như kỳ trước anh B đã đặt cho mình. Còn anh C thì hoàn toàn yên lặng cố nhai cho hết bát ngô.
Đôi ba ngày sau đó, chẳng đợi tới lượt anh C được kêu làm việc, ba anh đã mỗi người một góc ngồi nhai ngô và tai hại hơn, họ khởi sự hồi ức tất cả những gì từng tâm sự với nhau trước đó để có nhiều lý do hơn cho việc sợ hãi lẫn nhau!
Đội 17 ít nhất đã có một nhóm ăn tan rã như vậy. Đó là nhóm ăn của Hòa, Dũng, Danh và Tuyến. Bốn chàng tù nhân trẻ tuổi, độc thân, đàn dịch giỏi và rất thương nhau nhưng dính đòn độc của Ban Giám Thị trại Hàm Tân đã rã ra từng mảnh!
Nhưng dù bị kêu bốn ngày liên tiếp, nhóm ăn của Vĩnh vẫn không bị một tí lấn cấn nội bộ nào. Anh Huy và Ý đều là những tay có sạn trong đầu. Dương, Điểu và Cường cũng không vừa gì. Cứ mỗi chiều đi lao động về, sau khi ăn, cả bọn lại quây quần bên cái điếu để bàn về những việc Vĩnh thuật lại cho nghe. Bữa đầu chúng hỏi Vĩnh có biết gì về mấy ông cha không? Anh Nguyện thế nào? Anh Bộ và anh Tương? Còn anh Thục đã xuất nhưng có lấy vợ không? Anh nghĩ thế nào và anh có ghi nhận được tập thể bàn tán gì về vụ mấy cha ấy được cách mạng chuyển đi chỗ khác không? (*). Anh có biết gì về sự dính líu giữa anh Nguyện với đám thổ phỉ xâm nhật trại ta hồi tháng Sáu không?
Câu trả lời của Vĩnh dĩ nhiên là “không biết”.
Và Vĩnh cũng chẳng gặp một phiền hà nào vì sự không biết của mình.
Ngày thứ hai đề tài được thay đổi. Tên giám thị trực tự dưng hỏi về vụ trốn trại của một người tên Trác, cựu đại úy và theo một vài anh em khác được biết, anh ta từng là người chồng thứ hai của cô ca sỹ Khánh Ly. Vì anh ta nằm khác đội khác nhà nên Vĩnh chưa một lần gặp mặt, nhưng nhốt ở Hàm Tân mà vượt ngục thoát được thì đã xứng đáng nổi danh và xứng đáng để cho mọi người phải biết tới rồi. Nhân sửa soạn ăn mừng lễ 2 tháng 9, bọn giám thị cho một số tù ra sửa sang lại cái sân đá banh nằm bên góc trái của ban chỉ huy trại, chạy dài theo con lộ dẫn ra khu thăm nuôi. Không biết bằng cách nào, Trác và hai người bạn nữa đã lẩn được vào rừng khoai mì bát ngát cạnh đấy và biến mất dạng trước sự canh phòng thật cẩn mật của bọn công an canh gác…
Câu trả lời của Vĩnh dĩ nhiên cũng chỉ có thể là “tôi không biết!”.
Lần này Vĩnh cũng chẳng hề hấn gì và được cho trở về phòng nằm nghỉ.
Sang ngày thứ ba tên giám thị trực là một tên mới, do đó đề tài cũng mới luôn. Đề tài mới của hắn là, hai ngày qua anh ngoan cố, hôm nay là ngày cuối cùng, anh phải thú nhận cách đây bốn đêm anh đã thoát ra ngoài phòng bằng cách nào? Ai tiếp sức? Và tại sao anh lại trở vào mà không trốn luôn?
Vĩnh bàng hoàng như không tin ở lỗ tai mình. Làm gì có chuyện mình bẻ song sắt trốn ra ngoài!? Trước đây ở nhà 5, cả nửa tiểu đội anh em gốc Hòa Hảo hợp lực bẻ song trốn đi còn bị bắt lại toàn bộ và giờ sắp biến thành những bộ xương khô trong dãy cachot; cái thân đang ho lao gần chết này bẻ chấn song làm sao nổi! Hay là mình mắc bệnh mộng du mà mình không hề hay biết?
Sự lúng túng của Vĩnh vẫn không làm cho tên giám thị có vẻ giận dữ. Hắn cà kê dê ngỗng tỏ ý tiếc giùm cho quá trình phấn đấu học tập cải tạo của Vĩnh, nào là quản giáo Phú rất khen ngợi Vĩnh một phạm nhân có tư cách, nào là một người từng cầm bút phản động nhưng dù sao cũng còn nhiều khả năng để phục vụ cách mạng khi được thả về… Rồi để kết luận, hắn vẫn không thoát khỏi mấy câu hỏi đã hỏi. Tại sao trốn? Trốn đi đâu? Gặp ai? Làm gì? Liên hệ gì với bọn thảo khấu từng mò về ăn cắp khoai? Tại sao đổi ý giữa chừng? Đã thoát ra ngoài bằng cách nào? Trổ nóc cầu tiêu? Cưa chấn song? Tại sao cán bộ tìm không ra dấu vết?
Vĩnh cứ như người từ trên trời rơi xuống. Sau cùng, tên giám thị lầm lỳ trao cho Vĩnh một tờ giấy và một cây bút. Trước khi rời phòng, hắn nói.
– Thôi được, nếu khai mà ngượng mồm khai không được thì cứ viết hết ra trên giấy rồi nộp cho tôi.
Suốt ngày thứ ba Vĩnh chỉ viết được một hàng chữ duy nhất để nộp cho tên giám thị: Tôi cam đoan không hiểu và không biết một mảy may nào về những việc cán bộ đã nói với tôi!
Rồi thì ngày thứ tư đến. Tên phó giám thị trại người gốc Quảng Nam lần này làm việc với Vĩnh. Bộ mặt đen đúa nghèo khổ của hắn pha trộn cái lạnh tanh của một kẻ từng giết nhiều người và nhiều người cũng muốn giết hắn, làm Vĩnh hơi chột dạ. Tên phó giám thị sau một lúc tổng kết lại tất cả những câu hỏi, những vấn đề mà mấy thằng giám thị trước đó đã đặt ra cho Vĩnh, hắn kết luận.
– Cách mạng luôn luôn muốn các anh cải tạo tốt để về sớm được đoàn tụ gia đình, đưa tài sức ra mà phục vụ đất nước. Đấy, anh cứ thấy anh Hùng và một số anh em khác đấy (**), cải tạo tốt, khai báo tốt, phấn đấu tốt, lao động tốt, học tập tốt là về thôi! Cái gương trước mặt như vậy tại sao anh cứ tiếp tục ngoan cố làm gì? Tính lấy trứng chọi đá hay sao? Những gì anh làm trong ngày đầu tuần cách mạng đã biết hết. Liên tiếp bốn ngày Ban Giám Thị cho gọi anh lên làm việc là để thử lòng thành khẩn của anh thôi. Không ngờ anh ngoan cố ngoan cường đến thế!
Nói tới đây, tên phó giám thị bỗng cầm lên khỏi mặt bàn và chìa ra trước mặt Vĩnh một tấm ảnh. Tấm ảnh đã bị nước làm phồng lên một góc và rỗ mặt như bị mốc. Dù thế, Vĩnh vẫn nhận ngay ra tấm ảnh chụp vợ anh và ba thằng con nhỏ. Quang cảnh chụp là cái bùng binh nằm ngay trước rạp chiếu bóng Rex.
Nhăn mặt một chút và Vĩnh nhớ ra ngay. Đây chính là một trong những tấm ảnh anh để trong quyển vở bị mất cùng lượt với cái túi thực phẩm khô lúc Vĩnh sửa soạn rời bệnh xá Suối Máu trở về K.5. Thôi rồi! Vĩnh than thầm trong bụng. Thế này là một trong mấy anh chàng ngồi nơi cổng K.4 hồi đó đã đỡ nhẹ cái túi của Vĩnh, và anh chàng đó cũng là một trong những người được đem lên Hàm Tân cùng đợt với Vĩnh hồi tháng 9 năm 78. Chẳng hiểu vì lý do gì đến ngày hôm nay anh ta mới kiểm lại và quăng tấm ảnh ra một chỗ nào đó mà bọn giám thị lượm được. Rồi bằng vào đấy, chúng nghi ngờ Vĩnh đã trốn trại, đã để rơi một tấm ảnh trước khi đổi ý trở về!
Vĩnh liếc nhanh những hàng chữ đã bị nhòe phía sau tấm ảnh. Nét chữ quen thuộc của vợ anh hiện lên trước mặt. “Gửi anh tấm ảnh mẹ con em chụp trước rạp Rex dịp Tết Con Dê. Hà Khoa Nguyên Trung. Gửi Phạm Vĩnh. K.5 trại Suối Máu.”.
Vĩnh hơi nhăn mặt. Chính vì cái lối đề địa chỉ hơi lẩm cẩm của vợ mà bọn giám thị đã truy ra một cách thật dễ dàng anh là chủ tấm ảnh ấy. Thật đúng là họa vô đơn chí! Nghĩ thế những Vĩnh vẫn lấy bình tĩnh và chậm rãi giải thích.
– Báo cáo cán bộ, đây đúng là tấm ảnh chụp vợ con tôi. Tôi đã đánh mất nó từ hồi còn ở trại Tân Hiệp Suối Máu.
Tên phó giám thị chỉ cười. Hắn thu lại tấm ảnh và khoan thai nhét nó vào chồng hồ sơ trước mặt, nghiêm giọng nói.
– Anh Vĩnh! Đã bốn ngày làm việc với anh, đã hết lời hết lẽ nhưng anh vẫn tiếp tục ngoan cố. Thôi được, đừng tưởng chúng tôi sẽ triển khai biện pháp mạnh tay với anh lúc này. Tình hình chưa đến độ căng như thế. Chúng tôi vẫn cho anh về trại sinh hoạt bình thường, nhưng, nhấn mạnh một điều để cho anh nhớ, cách mạng luôn luôn khoan hồng với những kẻ có tội biết thành tâm hối cải. Chúng tôi biết anh có tội nhưng vì một điều kiện khách quan nào đó, chưa thể thú tội ngay bây giờ. Chúng tôi tạm gác và chờ một dịp nào đó anh sẽ tự giác khai hết những điều cách mạng muốn anh khai. Giờ trước khi cho anh trở về trại, tôi nhấn mạnh thêm một điều nữa, việc nghiên cứu hồ sơ thả anh trong dịp tới đây, Tết dân tộc chẳng hạn, sẽ được đình chỉ hoàn toàn. Và nữa, tấm ảnh này sẽ không được hoàn trả cho anh. Nói cách khác, anh chỉ làm chủ lại nó khi nào anh tự giác khai báo những điều cách mạng đã cho anh biết bốn ngày qua…
Vĩnh trở lại phòng vào lúc ba rưỡi chiều. Nhiều lúc nghĩ lại sự việc, Vĩnh không sao nén được câu chửi thề. ĐM. chúng nó! Chỉ có tấm ảnh lượm được mà chúng nó quần mình tới bốn ngày trời! Dù sao sau bốn ngày bị hạch hỏi và được trả về phòng an toàn, Vĩnh không khỏi nghĩ tới chuyện phải kiếm một cái gì ăn khao tạ trời tạ đất. Nhưng có gì để ăn khao bây giờ!?
Thời gian vào những lúc ba bốn giờ chiều thường rất vắng lặng. Ở nhà chỉ có một hai người bệnh nặng và đôi ba người được thăm nuôi trở về. Vĩnh nằm ngó quanh với không một ý nghĩ nào rõ rệt trong đầu. Đây là một thói quen mỗi khi nhàn rỗi của Vĩnh. Tuy nhiên, có một sự kiện chiều nay vừa xảy ra bên chỗ đối diện làm Vĩnh phải chú ý. Người điên Trương Hồng được thăm. Anh ta mới từ hội trường quang gánh về phòng. Trông anh ăn mặc thật tươm tất (có lẽ anh đã diện lên người bộ quần áo xộp nhất!). Như mọi người, Hồng cũng khênh mọi thứ đặt lên sạp chỗ anh nằm (Gần đây do sự chuyển đổi qua lại, Hồng không còn nằm cạnh mà nằm bên sạp đối diện với chỗ của Vĩnh). Hồng ngồi lôi ra khỏi bao khỏi bị mọi thứ anh có. Tất cả được bày trên sạp. Những nắm cơm trắng phau anh bỏ bừa trên sạp dính cát dính đất, những quả cam lăn đến tận cuối phòng anh cũng chẳng quan tâm. Hồng cứ loay hoay lôi mọi thứ ra. Khi những món cuối cùng đã được bày biện trước mắt, Hồng khởi sự bỏ cái này vào lon gô rồi lại đổ ra, nhét cái nọ vào bị rồi nghĩ sao lại đổ ra sạp. Nồi thịt kho san qua xẻ lại rồi rốt cuộc lại cũng đổ hết vào nồi. Cơm dính cát, xôi dính đất… Nằm nhìn, Vĩnh áy náy muốn bò qua giúp anh ta một tay hoặc ít lắm cũng lên tiếng khuyên anh một điều nhưng Vĩnh không dám. Vĩnh biết chắc người điên Trương Hồng thù hận bất cứ ai xía vào chuyện riêng tư của anh ta.
Một lát sau, khi mấy người được thăm nuôi khác đã nhóm xong bếp sau nhà và sửa soạn hâm lại những món ăn của họ, thì Hồng cũng lẳng lặng đứng dậy. Anh cầm nồi thịt kho lên ngửi rồi nhăn mặt. Kế anh thu nhặt những nắm cơm bỏ hết vào cái vung, đi thẳng vào dãy cầu tiêu cuối phòng…
Vĩnh đứng lên lôi cái sắc để trên kệ xuống lục tìm mấy viên thuốc ho. Bây giờ đây Vĩnh mới khám phá ra cái sắc của anh đã bị người khác lục tung. Thuốc men và quần áo xếp rất lộn xộn. Kiểm soát lại, Vĩnh không thấy mất một cái gì. Ai lục sắc mình? Dù thân, bạn bè anh nhất định không bao giờ làm điều này. Còn những kẻ nhám tay muốn kiếm chác thì nhất định hắn phải hỏi thăm những bao bị của đám tư sản mại bản không thiếu trong nhà này. Không ai dại gì đi lục cái túi tí teo thế này! Vĩnh chợt hiểu ra anh đã bị giám thị và trật tự phối hợp khám đồ rất kỹ trong lúc anh vắng mặt mà vì vô tình, Vĩnh không hề hay biết.
Những đội thuộc khu 2 đã lần lượt lao động về. Vĩnh rời chỗ nằm đi kiếm mấy thanh củi nhóm bếp. Ở đây có một thông lệ, hễ ăn cơm chung với nhau, vì một lý do nào được ở nhà, người ở nhà đương nhiên phải lo sào nấu sẵn một nồi mì hoặc nui, hoặc bất cứ cái gì nhóm ăn chung có được để mà nấu; người lao động về chỉ lo mỗi việc ăn khi cánh cửa phòng khóa lại sau giờ điểm danh. Vĩnh vội chạy vào cầu tiêu tìm mấy thanh củi Ý dấu trong đó. Anh vừa hoảng hốt vừa tiếc của nhìn thấy những nắm cơm trắng ngần ném vào một góc cầu tiêu dơ bẩn và hôi hám. Những miếng thịt kho đổ vãi nơi cái thùng tiểu. Vĩnh lắc đầu không hiểu tại sao Hồng lại đem đổ hết những món ăn hiếm hoi và ngon lành ấy vào cái nồi hôi thối này!?
Rồi thì trong lúc loay hoay nấu mì trên dãy bếp con không xa lắm với dãy cầu tiêu đầu phòng, Vĩnh nghe rõ giọng Lê Văn Tầm la lớn từ bên trong.
– Ý mèng ơi! Cơm thịt ai đem liệng uổng dzậy nè!?
Những người lao động về muộn thuờng rất vội vã khi họ muốn tranh thủ thời gian còn lại trước khi điểm danh để nấu nướng một cái gì. Trong số những người về muộn và vừa chạy ra ngồi bắc bếp nấu cạnh Vĩnh, Vĩnh thấy có cả Lê Văn Tầm, cựu đội trưởng đội 17. Tầm ngồi bên một bó củi. Trên bó củi ấy có một cái nồi. Quả thực Vĩnh không có đủ chữ để diễn tả cảm giác của mình lúc ấy ra sao, khi thấy trong cái nồi của Tầm có những nắm cơm, những miếng thịt kho mà Trương Hồng, người điên tịnh khẩu, đã ném vung vãi trong cầu tiêu!
Một góc sân đang ồn ào tiếng người nấu nướng bỗng im bặt. Vĩnh ngước lên nhìn vừa kịp lúc tên phó giám thị, kẻ vừa quần thảo Vĩnh cả buổi trưa, bước đến bên cạnh. Hắn tươi cười nhìn Vĩnh, tuồng như thể giữa Vĩnh và hắn chưa hề có chuyện gì gay go xảy ra. Hắn cất tiếng hỏi vu vơ.
– Nồi mì nui to nhỉ? A! Mà có tới sáu người ăn chung với nhau kia mà!
Vĩnh tảng lờ bằng cách cúi xuống thổi lửa. Tên phó giám thị hình như đã xoay sang hỏi chuyện Lê Văn Tầm ngồi cạnh Vĩnh. Giọng hắn vẫn đều đều. Gớm! Còn anh này cấu kết ăn chung với mấy người?
Tầm vội vàng trả lời.
– Báo cáo cán bộ tôi chỉ ăn một mình!
Tên giám thị cười hục hặc trong cổ.
– Có một mình thôi à? Thế là lại thiếu hữu ái rồi!
Muốn tránh phiền phức, Vĩnh khênh nồi mì vừa sôi tới đứng lên đi vào nhà. Trước khi cất bước, Vĩnh còn nghe thấy tên giám thị nói thêm với Tầm. Một lượt mà ăn đến sáu nắm cơm thịt kho thế này thì gấp ba lần cán bộ rồi đấy!
No comments:
Post a Comment