Monday, December 19, 2022

15 - Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh - Trại Trảng Lớn 7/75-7/76 – Chương 15

Lệnh chuyển trại lần thứ hai ban ra khi tù cải tạo vừa bước sang ngày thứ hai của cuộc học tập thảo luận về nội dung Cách mạng của hai cuốn phim mới được thưởng thức. Lần chuyển trại này khác hơn lần trước ở chỗ trước khi chuyển trại, bọn quản giáo chơi một màn xét đồ tập thể.

Buổi sáng trước khi tập họp để bước vào thảo luận như ngày hôm trước, các khối trưởng tự dưng được lệnh lên hội ý với khung. Mười lăm phút sau, theo sau các khối trưởng là bọn quản giáo và vệ binh có súng ống đầy đủ ập vào các khối.

Tên quản giáo Cư của khối 2 với khuôn mặt lạnh lùng cố hữu đứng ngay cửa ra vào. Hắn nói lớn.

– Theo Trên quy định hôm nay cho khối ngưng thảo luận. Mọi người khẩn trương thu thập tất cả đồ đạc cá nhân đem ra trước sân khối. Anh khối trưởng và các anh tổ trưởng sẽ chia vùng để các tổ viên có chỗ bày biện cho cuộc kiểm tra đột xuất.

Nói xong tên Cư bước ra ngoài. Hai đầu phòng có hai thằng vệ binh đứng canh gác và dò xét bọn tù thật cẩn thận. Mọi người đều muốn bàn chuyện với nhau nhưng kẹt bốn con mắt của hai thằng vệ binh, thành thử họ chỉ lặng lẽ thu xếp đồ đạc cá nhân và đưa đôi mắt nhìn nhau. Trong 119 người không thiếu những người mất bình tĩnh trông thấy. Có anh hoảng hốt không biết dấu quyển nhật ký bé tí của mình vào đâu. Có anh không biết đấu mũi bayonet đi lao động lượm được vào chỗ nào… Toàn là đồ “quốc cấm” cả! Mà nếu không dấu hoặc thủ tiêu kịp thời, bị chúng tìm ra hậu quả không sao lường được.

Đính bỗng thầm thì bên tai Vĩnh.

– Kẹt quá, quyển Kinh Thánh của tao giờ dấu đâu đây?

Vĩnh cũng đang băn khoăn về cỗ Tràng Hạt của mình. Đây là một cỗ Tràng Hạt bằng bạc, đựng trong một cái hộp lục lăng nhỏ xíu cũng bằng bạc, ngoài nắp hộp có khắc nổi hình tòa thánh Vatican. Cỗ Tràng Hạt này là vật lưu niệm của người anh cả trước ngày anh đi nộp mình theo dạng cấp tá. Câu nói của tên thủ trưởng lần lên lớp vừa rồi vẫn còn văng vẳng bên tai Vĩnh: Xã hội ta tự do, trong đó có cả tự do tôn giáo. Nhưng sự tự do ấy chỉ dành cho những công dân lương thiện bên ngoài xã hội. Các anh hiện tại chưa có quyền công dân, đang học tập cải tạo, các anh chưa được hưởng quyền tự do ấy. Trước nhất, các anh chỉ có một quyền duy nhất là quyền sống để học tập tốt, lao động tốt. Trong trại cải tạo không chấp nhận mọi hình thức duy tâm, có nghĩa là cấm chỉ việc đọc kinh đọc hạt. Mọi sự tụ tập có tính chất tôn giáo tuyệt đối bị ngăn cấm. Ai vi phạm sẽ bị nghiêm trị. Anh nào lỡ đem theo mình sách kinh hoặc những hình tượng mê tín dị đoan phải đem nộp cho trại cùng với những vàng bạc quý kim. Cũng nói thêm, xã hội ta trừ hai nghề làm đĩ và ăn cướp, mọi nghề khác đều được cho phép hành nghề nếu có đăng ký và đóng thuế cho nhà nước, kể cả việc hành nghề tôn giáo. Tuy nhiên như đã nói, trong trại cải tạo không chấp nhận bất cứ một sự hành nghề nào, kể cả hành nghề tôn giáo, do đó Cách mạng cũng yêu cầu các anh Cha các anh Sư phải chấm dứt hành nghề tôn giáo bất hợp pháp trong trại tức thì. Ai vi phạm coi như ngoan cường chống lại Cách mạng, mà đến bây giờ còn chống lại Cách mạng thì…

Vĩnh vừa xếp quần áo chăn mền vào cái bao cát lớn của mình, vừa thầm thì đủ cho Đính nghe.

– Mày còn cái bao cát nhỏ nào không?

– Còn.

– Đưa tao.

Đính đưa cho Vĩnh một bao cát. Vĩnh cầm lấy. Anh kín đáo để ý hai tên vệ binh và để ý cả thằng Ba Tô nữa. Khi biết chắc an toàn, Vĩnh nói với Đính. Đưa quyển Thánh Kinh đây.

– Làm gì vậy?

– Thì cứ đưa đây.

Đính kín đáo trao quyển Thánh Kinh cho Vĩnh. Vĩnh nhắc. Tao nhớ mày còn cây Thánh Giá nữa?

Đính gật đầu.

– Mày không nhắc tao quên mất.

Một lúc sau trong cái bao cát đã đựng đủ những món quốc cấm mà Vĩnh và Đính tàng trữ bấy lâu nay. Sau thêm một lần quan sát chung quanh, Vĩnh đẩy cái bao qua kẽ hở nơi đầu chỗ nằm. Nó đã rớt vào và nằm yên ổn giữa đống thùng tưới nước đặt dưới mái hiên bên ngoài sân. Xong công tác, Vĩnh nói khẽ.

– Thế là tạm yên.

Đính thều thào.

– Thế cũng hay, nhưng…

Đính chưa nói dứt câu thì khối trưởng Trai đã lên tiếng.

– Trước khi đem đồ ra bày ngoài sân, tôi lập lại lời quản giáo lần chót: Bất cứ ai còn lưu giữ những món gì thuộc về vũ khí, chất nổ, thuốc độc, đồ bén nhọn hoặc những hình tượng mê tín dị đoan như tượng bụt, tượng phật, hình thập giá… phải đem nộp cho các anh vệ binh ngay lúc này. Ai ngoan cố giữ trong tư trang hoặc trong mình, nếu bị phát hiện sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm với Trên.

Khối trưởng Trai chợt lớn giọng hơn một chút: Sao? Còn ai trong khối ta giữ những thứ đó trong người không?

Chẳng ai trả lời. Và hình như khối trưởng Trai cũng thừa biết chẳng có ma nào trả lời cho câu hỏi bắt đắc dĩ của mình, thành thử anh tiếp luôn. Bây giờ các tổ trưởng hướng dẫn anh em đem đồ ra trước sân của khối. Các anh trải chiếu và bày tất cả mọi thứ ra để quản giáo kiểm tra trong phạm vi được chỉ định cho mình.

Mọi người bắt đầu lục đục vác đồ ra sân.

Buổi sáng nắng đẹp. Căn cứ Trảng Lớn giờ đây đã thật sự có mùi đồng áng. Đây là một tổng hợp của mùi phân người, mùi nước tiểu, mùi bùn từ các ao rau quanh trại, mùi gà qué của bọn hậu cần trại nuôi thả chạy từng bầy, mùi củi mục, mùi hôi hám từ những căn bếp tỏa ra… Bây giờ đây tù các khối đang trải đồ cá nhân ra sân cho Cách mạng kiểm tra, không khí lại có thêm những mùi chua chua, mùi ẩm mốc của những bộ quần áo rách như tổ đỉa, mùi sét rỉ của lon cóng, mùi nước điếu đổ dính trên một cái màn…

Vĩnh thầm nghĩ không biết bao giờ thì sẽ có mùi của những xác chết vì bệnh dịch nơi đây!

Nửa tiếng đồng hồ sau thì tất cả mọi người đã trải chiếu và bày mọi thứ của mình có trên mặt đất. Tiền hậu tả hữu mỗi người cách nhau 4 sải tay. Vĩnh cũng trải tấm mền rách của mình trước mặt. Anh lôi ra khỏi cái bao vải lớn đầu tiên là cái màn, thứ đến hai cái quần đùi, rồi một cái áo thung, một quần dài, một sơ mi, một cái bát, một đôi đũa. Chiếc điếu cầy đã để sẵn dưới chân từ đầu. Đó là tất cả tài sản hiện tại của Vĩnh.

Tên Cư cùng với hai tên vệ binh có khối trưởng khối phó đi theo, xét kỹ càng tư trang của từng người.

Tới lượt Vĩnh, tên quản giáo hỏi.

– Có thế này thôi à?

– Vâng, tôi không có gì thêm nữa!

Hắn ngó vào người Vĩnh, hất hàm bảo khối trưởng Trai.

– Khám người anh này coi.

Khối trưởng Trai miễn cưỡng khom xuống vuốt từ chân vuốt lên đến nách. Thấy không phát hiện được gì, tên quản giáo đích thân cầm cái màn của Vĩnh lên rũ rũ vài cái. Cũng không có gì. Hắn chợt nhìn xuống cái điếu, hỏi khơi khơi. Có nhét chất nổ trong điếu không đấy?

– Dạ tôi đâu giữ chất nổ làm gì!

Tên quản giáo cười cười và cầm cái điếu lên ngắm nghía.

– Cũng khéo tay đấy nhỉ!

Vĩnh tính nói đây không phải là sản phẩm thủ công do anh sản xuất mà do một người khác làm cho, nhưng nghĩ sao anh lại thôi. Anh chỉ đứng yên ngó xuống mớ tài sản của mình. Quyền tư hữu ngày nay dưới chế độ Cộng sản chỉ có thế: Một vài manh quần áo rách rưới thua cả một thằng ăn mày dưới chế độ “tư sản phản động”! Thốt nhiên Vĩnh chua chát nghĩ. Không biết ta còn giữ được mảnh quần đùi này trên thân thể mấy ngày nữa!?

Cuộc kiểm tra tư trang diễn ra gần hết buổi sáng. Đến buổi chiều thì lệnh chuyển trại thật sự được ban ra. Bạn bè lại có dịp chạy tìm nhau náo loạn. Họ bàn tán, nhắn gửi, hỏi han, dặn dò nhau đủ thứ chuyện.

Có một điểm phải khi sống với Cộng sản mới biết được, ấy là trong vấn đề bảo mật, chúng ăn đứt người quốc gia. Chúng tích cực bảo mật từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ nhất. Khi tên quản giáo được lệnh trên thông báo cho tù là sửa soạn để chuyển trại thì chính bản thân thằng quản giáo cũng chỉ biết tới đó thôi, ngoài ra hắn cũng chẳng biết tù sẽ đi đâu và bao giờ đi. Đã kinh nghiệm về sự bảo mật của hệ thống bọn cai tù, đám cải tạo chẳng còn mấy ai thắc mắc sẽ đi đâu và bao giờ đi nữa! Thay vào đó là một sự mệt mỏi nặng nề tinh thần, kể cả những tay từng hân hoan khai báo trong bản tự khai mình là… con em liệt sỹ Cách mạng. Sống dưới đời tù tội của chế độ Cộng sản mới thấy rằng quả thân phận con người chẳng hơn gì một nhánh rong. Lâu lâu xảy ra một lần chuyển trại chẳng khác nào một đợt sóng lớn bất ngờ, kéo thân phận những nhánh rong trôi xa bờ hơn, biền biệt hơn về một góc bể chân trời nào đó mà ngày quy hồi cố hương càng thêm vô vọng…

Khi chiều xuống Vĩnh đi vòng ra sau nhà lượm lại cái bao cát trong đựng những món quốc cấm. Kế Vĩnh đi một vòng tìm gặp bạn bè. Trời chập choạng anh trở về phòng. Ngày mai đi? Ngày mốt đi? Đi đâu? Những câu hỏi không muốn hỏi nhưng nó vẫn quay mòng mòng trong đầu mọi người. Vĩnh cố nằm yên không suy nghĩ. Anh nhìn quanh, bạn bè cùng phòng nằm ngổn ngang như những đống củi khô. Không khí hôi hám và chật chội như một cái chuồng heo. Thế nhưng chẳng mấy ai tỏ ra suy tư. Họ vẫn mê mệt bên những câu chuyện Tam Quốc, chuyện chưởng. Vĩnh nhìn vào một góc nhà. Hình như chỗ hấp dẫn và có đông người nghe nhất hiện nay là chỗ nằm của ông già Hòa. Ngoài nghề hỏa đầu vụ trong quân đội, trước kia ông còn là chủ một quán nhậu. Bò lúc lắc, cua rang muối, lẩu lươn, canh chua cá bông lau, bào ngư xào cải bẹ xanh cho đến rắn xào hành, chuột khìa nước dừa, chim Ốc Cao chiên dòn, đuông tẩm bột chiên bơ, ốc len xào dừa… không tối nào ông không cho anh em cả phòng nằm nhậu hàm thụ.

Đêm đã về khuya. Bọn vệ binh đã bắt đầu lầm lũi đi tới đi lui ngoài sân. Thỉnh thoảng những tiếng thét bắt tắt đèn tắt nến, bắt đi ngủ của chúng lại vang lên đâu đó. Khối 2 vẫn còn người rầm rì kể chuyện. Vĩnh nằm ngó ra ngoài hiên. Trời như đang chuyển mưa. Gió về đêm lành lạnh. Trong cơn mơ màng tự dưng Vĩnh thấy mình vừa lạc về một cõi nào xa xưa lắm. Cái cảnh chập chờn tranh tối tranh sáng ngoài kia, ẩn hiện trong tiếng ì ộp của cóc nhái khiến thêm một lần trong đời Vĩnh nhìn lại toàn bộ quang cảnh tản cư của thời thơ ấu.. Trên con đường từ Thanh Hóa ra Điền Hộ, có đoạn anh được đi Ca-nô với người anh cả. Trên những cánh đồng đêm mênh mông dưới cơn mưa chuyển. Những thằng bù nhìn chập chờn như ma trơi. Cậu bé tám chín tuổi sợ tê dại mà không biết than thở cùng ai… Bây giờ, trong một phút mơ màng, Vĩnh cũng đang mang cái sợ y hệt nhiều chục năm về trước. Một thằng bù nhìn phất phơ dưới trời chuyển mưa tại sao lại đứng ngay đầu giường anh thế này? Vĩnh kéo cái chăn trùn kín lên đầu. Tiếng người vẫn thầm thì cho Vĩnh dần dần tỉnh lại. Anh lại ngước lên kẽ hở đầu giường nhìn ra hàng hiên chuyển mưa đen tối. Bóng người chập chờn bên ngoài đã biến đâu mất. Thốt nhiên chẳng riêng Vĩnh mà cả phòng bừng tỉnh dậy.

– Tắt đèn! Tắt đèn đi ngủ!

Một thằng vệ binh xuất hiện ngay cửa phòng. Nó chiếu ánh mắt rực lửa về phía ông già Hòa. Anh già kia! Nó nói. Tôi cấm anh tuyên truyền những món ăn phản động.Tôi khẳng định với tất cả các anh những món ăn ấy là những món ăn hoang đường và không bao giờ có thật trên thế gian này!

*

Tất cả những lời giã từ, chúc tụng đâm ra vô nghĩa trong lần chuyển trại kỳ này. Không ai phải chia tay ai vì toàn bộ trại L4T3 được đưa sang một địa điểm mới, và địa điểm ấy không quá xa xôi. Nó nằm ngay bên kia đường đối diện với khu trại cũ và đối lưng với trại L4T2.

Trại mới cũng như những trại khác, gồm những căn nhà gỗ cũ kỹ sắp xụm xuống vì mối mọt. Sang tới nơi tù cải tạo phải đổ công sức ra tu chỉnh tức thì mới có thể dùng làm nơi che mưa trú nắng được. Cũng như những lần trước, những công tác sửa nhà, sửa cửa, đắp bếp, đào giếng, làm cầu tiêu, dựng thêm sườn nhà, đắp nền, đan tranh, tu sửa khu gia cư của ban chỉ huy… lại được khung lập thành kế hoạch cho tù thực hiện.

Đầu tắt mặt tối nửa tháng trời cho đến khi những cái giếng sau cùng được hoàn tất, một công tác mới nặng nhọc hơn, quy mô hơn nhưng gây nhiều phấn khởi cho bọn tù hơn bắt đầu được thực hiện, ấy là công tác dựng hội trường. Theo lời bọn quản giáo lên lớp cho biết, không riêng L4T3 mà tất cả các trại cải tạo trên toàn quốc đều được lệnh Trên đồng loạt dựng hội trường. Hội trường này sẽ là hội trường chính thức của từng trại. Nó sẽ được dùng làm nơi học tập chính trị trong một tương lai sắp đến. Yêu cầu của Trên là hội trường phải thật to, thật bề thế để xứng đáng cho chiến dịch học tập chính trị phát động trên cả nước, một khâu then chốt trước khi cho những cải tạo tiến bộ trở về đoàn tụ gia đình.

Mô hình hội trường cho các trại gần như là một mô hình chung từ F đưa xuống. Nó sẽ là một tòa nhà 3 gian, có chính điện và hai chái hai bên. Sức chứa của hội trường phải đủ cho 800 đến 1000 chỗ ngồi. Các cột điện gỗ của Mỹ sẽ được trưng dụng làm cột và kèo. Mái lộp tôn. Vách lợp vỉ sắt PSP…

Công tác dựng hội trường khởi sự vào quãng cuối tháng 9 năm 75. Hơn một tháng sau hội trường đi vào giai đoạn kết thúc. Trong lúc các khối khác phải lên phi trường tháo gỡ thêm một số vỉ sắt về đóng vách, cắt và đập dẹp các vỏ đạn đồng 105 ly dùng trang trí vách hội trường… thì khối 2 chịu trách nhiệm trang trí sân khấu và đào ao lấy đất đắp nền hội trường. Riêng tổ A.3 đảm trách công tác thu nhặt các bao cát quanh căn cứ về tháo chỉ, giặt sạch và khâu lại với nhau để trang trí trần hội trường cũng như làm cánh gà cho sân khấu.

Tháng 11 hội trường hoàn tất một cách mỹ mãn. Những lời hứa thả của bọn quản giáo sau đợt học tập chính trị tới đây bắt đầu được tung ra. Thế nhưng sự lạc quan trong anh em chưa được nồng nhiệt cho lắm khi mối lo âu đã trùm phủ trên mọi người: Bệnh ghẻ bắt đầu hoành hành!

Gần nửa năm đói ăn và lao động nặng, mùa lạnh lại kéo tới sớm hơn và khủng khiếp chưa từng thấy ở miền Nam khiến tù cải tạo cực kỳ khốn khổ. Người ta rỉ tai rằng chính bọn cán ngố đã đem theo cái đói lẫn cái lạnh từ miền Bắc vào! Đói lạnh đã lột hết những màu da bóng bẩy trên các khuôn mặt, bóc dần đi những thớ thịt ở vai ở ngực ở mông ở chân. Miệng người lúc này hầu như mọc thêm răng khiến người ta thưa thốt chậm chạp và có người đã bắt đầu không muốn nói gì nữa cả. Thay vào đó, suốt ngày suốt đêm người ta chỉ muốn có gì để nhai. Khi đi lao động khổ sai, những đôi mắt như hai tên lính mệt mỏi mai phục trong hai hố mắt sâu, thường khi sáng lên lúc chúng phát hiện được một con cóc, một con nhái, một con thằn lằn, một con cào cào, một con ốc sên hoặc ngay cả một con sâu củi… Thành ngữ “bất cứ sinh vật nào ngọ nguậy được trên mặt đất đều ăn được cả!” ra đời từ lúc này.

Trong tình trạng như thế tù cải tạo đã trở thành một bầy cừu trước sự hoành hành của con sư tử ghẻ!

Sinh ra và lớn lên trong thế giới tự do, hầu như mọi người chỉ biết bệnh ghẻ qua lý thuyết. Ngoài những ông tu bíp thì chắc chắn đa số đã quên phứt mất cái bài học từng được học trong môn khoa học thường thức từ buổi ấu thời về bệnh ghẻ. Nhiều lắm thì người ta cũng chỉ nhớ đại khái rằng: bệnh ghẻ là bệnh chúa lây, do con cái ghẻ truyền bệnh từ người này sang người khác. Con cái ghẻ là một con rất ư nghịch ngợm. Nó độc tìm những chỗ để hành nghề mà khi con người giơ tay gãi nó, sẽ tạo nên những động tác có khả năng công xúc tu sỉ. Ngày hôm nay nhờ Bác nhờ Đảng, người miền Nam tự do được nếm mùi ghẻ. Thật là oan nếu người ta nghĩ rằng lũ tù cải tạo sỡ dĩ bị ghẻ chỉ vì xa vợ lười tắm rửa mà phát ghẻ. Không, không phải như thế. Dịch ghẻ năm 75 đã không tha cả ông bà, cha mẹ, vợ con và cả lũ… em vợ vốn đẹp như tiên nga đang sống ngoài vòng rào trại cải tạo nữa.

Nói tóm là ghẻ cả miền Nam!

Tỷ như Samson, Hercules, Joshua hay Hạng Võ có sống lại để làm quần quật như trâu, rồi tiếp thu vào thân xác một thứ thực phẩm chó chê dê lạy của chế độ ẩm thực lao tù nơi đây, là mỗi bữa hai bát cơm gạo mục, lâu lâu được phát bồi dưỡng hai con khô cá chuồn – thứ cá xưa kia người miền Nam chỉ dùng xay ra làm thực phẩm gia súc và chính nó cũng là một trong những tác giả của sự ngứa! – Thì lấy đâu ra kháng tố cho cơ thể mà không ghẻ!?

Khi mùa lạnh thực sự ập đến Trảng Lớn, cùng một lượt với cái tin nay mai sẽ học tập 6 bài chính trị, và cả cái tin anh chàng thiếu úy Mạnh – người tự tử bằng lựu đạn lân tinh 5 tháng về trước – đã chết trên bệnh xá trung đoàn; thì con cái ghẻ bắt đầu hoành hành dữ dội. Bọn tù thuốc men không có. Hàng đống bác sỹ quân y ở tù cũng bó tay và ghẻ như ai. Ghẻ ở tay, ghẻ ở chân, ghẻ ở mồm, ghẻ ở mắt, ghẻ ở lưng, ghẻ ở bụng, ghẻ ở nách, ghẻ ở háng… Biết bao anh hùng hảo hán xông pha hòn tên mũi đạn không sao, một ngày sa cơ thất thế bị con cái ghẻ hạ sát thê thảm!

Lâm thế đường cùng, bọn tù bắt đầu tìm cách chế thuốc. Vỉệt Nam vào giai đoạn này bỗng dưng biến thành một xứ sở có nhiều dược sư nhất thế giới. Đi lao động vớ được bất cứ loại củ cành lá hoa gì họ cũng tha về nấu tắm, nấu thành cao để bôi. Đã có rất nhiều đấng dược sư bất đắc dĩ chết vì chính thuốc của mình sáng chế. Nhiều người lớn tuổi cho biết vỏ tràm đem nấu tắm cũng hết ghẻ, nhưng rừng Trảng Lớn không có tràm! Dần dần người ta bước sang lãnh vực hóa chất. Một số đi lao động tìm được chất nổ TNT và thuốc đạn đem về bôi, tuy nhiên kết quả thật kinh khủng khi những vết ghẻ lở đã không chỉ lở hơn mà còn sưng phồng lên như bị phỏng nước. Chỉ có một thứ sau cùng khả dĩ trị được bệnh ghẻ một khi còn nhẹ, ấy là thuốc bôi muỗi. Đây là một khám phá bất ngờ mà không rõ ai là tác giả. Thuốc bôi muỗi trong các căn cứ Mỹ xưa kia còn sót lại nơi các bụi rậm, nơi những nền nhà xi măng đã bị rêu phong tuế nguyệt phủ trùm, bỗng nhiên biến thành một phương thuốc trị ghẻ quý giá mà không tên tù nào không muốn có trong tay.

Vĩnh cũng ghẻ thê thảm như ai. Hơn một tháng anh mất ăn mất ngủ vì bị ghẻ hành. Một buổi chiều Nguyễn Thành Đính đi lao động về và đưa cho Vĩnh một chai thuốc bôi muỗi. Hắn nói.

– Bôi đi, bảo đảm đêm nay ngủ ngon.

Vĩnh cầm lấy cái ve nylon có màu cứt ngựa bên trong đựng thuốc bôi muỗi từ tay Đính, đùa giỡn.

– Nhỡ bôi xong nó sưng to như cái điếu cầy lủng lẳng hai quả bưởi như thằng em cột chèo của mày thì sao?

Đính cũng chẳng vừa.

– Thì tao sẽ thương vợ mày như thương vợ tao, thương con mày như con lối xóm…

Nói đùa xong chẳng đợi cho Vĩnh đáp lễ, Đính thò tay vào cái valise đặt trên đầu chỗ nằm moi ra một cục xà bông mới toanh trao cho Vĩnh. Hắn nói. Dial thứ thiệt đấy. Tao thủ từ hồi nhập trại, tính hôm về tắm tẩy trần một bữa; nhưng bây giờ ngày về xa quá người ơi… Mày ra tắm một lần cho đã ngứa đi, xong gói cục xà bông lại trả tao. Phải lau mình thật khô trước khi bôi thuốc muỗi nó mới “phê”…

Đêm hôm ấy quả nhiên Vĩnh được ngủ một giấc li bì.

Tuy nhiên thuốc muỗi chỉ có công hiệu làm giảm ngứa nhất thời cho những người mới bị hoặc bị nhẹ. Cũng có người khỏi hẳn như trường hợp của Vĩnh nhưng chẳng phải ai cũng may mắn như thế.

Trong khi bị ghẻ, hầu như ai cũng thèm ngọt. Cái thèm da diết không diễn tả nổi. Nhiều lúc Vĩnh nghĩ đến chuyện hết ghẻ của mình chẳng do thuốc muỗi mà do một đêm kia được ăn một miếng kẹo. Đêm ấy, Ngô Văn Tuyên lén lút và trịnh trọng gọi Vĩnh rời khỏi chỗ nằm. Vĩnh bước theo anh tới căn bếp tối đen. Tuyên chợt đứng sát vào Vĩnh và dúi cho Vĩnh một gói giấy nhỏ đủ lọt trong lòng bàn tay.

– Dấu đi, kẹo đậu phọng đấy!

Tuyên thì thầm. Quả thực lúc ấy Vĩnh choáng váng khi nghe thấy chữ kẹo. Trước khi bỏ đi, Tuyên còn dặn khẽ. Đừng cho ai biết cả nhé. Lỡ ra chúng cùm tôi đấy…

Vĩnh muốn nuốt ngay miếng kẹo nhưng cũng thầm thì hỏi một câu.

– Đào đâu ra thế?

– Tụi vệ binh nó bán lén sau dãy cầu tiêu, nhưng đừng mò ra nữa, bể rồi.

– Sao vậy?

– Anh em không kỹ ùa ra ào ào. Bây giờ tụi quản giáo nó đang ôm súng nằm phục ngoài đó…

Đúng ra chuyện này Vĩnh cũng đã biết từ lâu. Giáo giang Trương Thanh Long buôn qua bán lại cũng bằng ngả này. Tuy nhiên chuyện bán buôn qua lại đã chấm dứt từ lâu lắm từ dạo còn bên trại cũ. Không dè hôm nay lại tái diễn… Vĩnh cầm miếng kẹo của Tuyên cho trở về chỗ Đính nằm. Không có Đính ở đó. Vĩnh chui vào chỗ mình, dấu miếng kẹo dưới đống mền và lại chui ra ngoài ngồi nơi hàng ba đợi Đính. Anh lan man nhớ đến chuyện Đính đi mua kẹo của vệ binh hồi bên trại cũ…

Thỉnh thoảng vào ban đêm, bên ngoài hàng rào nơi những chỗ tối tăm như sau các dãy cầu tiêu, sau những đống cuốc xẻng, sau những lớp gỗ hoặc tôn phế thải xếp từng đống… cũng có một vài chú vệ binh tập tễnh học chuyện bán buôn để hy vọng có tí mùi tư sản. Một hai lần đầu việc bán buôn đã diễn ra giữa tù và vệ binh rất nghiêm túc. Dần dà, dựa vào tình trạng khẩn trương trong cái thế mua lén bán lậu, bọn vệ binh bắt đầu áp dụng thủ đoạn ma bùn đểu cáng.

Nửa đêm Đính trỗi dậy (sau khi đã có sự sắp xếp và làm một vòng quyên tiền anh em). Đính bước ra khỏi phòng, miệng hô lớn với quỷ thần mông lung một câu theo nội quy quy định: Báo cáo anh vệ binh tôi xin phép đi ỉa. Hô hoán xong, Đính tà tà đi xuống phía dãy nhà ỉa (*).

Thực tế Đính chẳng đi cầu tiêu mà là đi cầu âu xem có tay vệ binh nào lơ vơ lờ vờ bán hàng bên ngoài hàng rào hay không.

Một tiếng hỏi chợt khe khẽ cất lên dưới đường mương bên ngoài hàng rào, lẫn lộn với tiếng lau lách xào xạc. Đính làm bộ sợ hãi khựng lại thả lời dọ dẫm.

– Ai đấy?

– Vệ binh đây. Có mua gì thì nẹ nẹ nên không thằng quản ráo nó ra thì nôi thôi nắm!

– Nhiêu?

– Đường hả?

– Ừ.

– 400 một cân (*)

– Có kẹo không?

– Có. Kẹo nạc. Một phong 10 miếng giá 200.

Có tiếng sột soạt đếm tiền.

– Cho 1 ký đường và 3 miếng kẹo nạc.

– Cái gì? Ký là cái gì?

– À, một cân ấy mà.

– Được, nhưng kẹo nạc không bán nẻ. Một gói 10 miếng 200 mua không?

– Không đủ tiền. Vậy mua đường thôi.

Kẻ nhận tiền người nhận đường nhanh như chớp rồi mạnh ai nấy biến.

Đính trở về phòng dấu ký đường thật kỹ rồi lần lượt đi báo tin mừng cho anh em. Tốt, cứ từ tù để ngày mai tính…

Đêm hôm ấy dĩ nhiên cơn xúc động rất khó lắng xuống vì sự may mắn đã cho mấy thằng tù nghiễm nhiên làm chủ cả một ký đường. Đính nhón ra một cục để thay mặt các ban, ngồi trong mùng vái bốn phương tám hướng tạ ơn quỷ thần. Rồi anh thay quỷ thần mà… thượng hưởng.

Cuộc đời của Đính hẳn đã có thừa ấm ức. Nhưng giữa cái ấm ức lúc thấy rõ thầy Mẫu cắn gấu áo nâu của mấy anh sư Cộng đến nỗi bị lừa vào thế rước voi dầy mồ, so với cái đau khổ ấm ức mình bị Cộng sản lừa đêm nay, thì cái cường độ ấm ức ấy chắc cũng chẳng kém nhau bao nhiêu.

Đính đã thay mặt bạn bè nhai nát trong miệng một cục đất sét…!

Đêm hôm ấy anh và Đính nhâm nhi miếng kẹo lạc của Tuyên cho đến sáng với một lon guigoz nước lạnh. Và khi hồi kẻng 5 giờ báo thức, Vĩnh đã liếm trắng bóc cả năm đầu ngón tay sau khi Nguyễn Thành Đính đã điểm tâm luôn… miếng giấy gói kẹo.

Dù sao Vĩnh vẫn tin rằng chính nhờ miếng kẹo đêm ấy mà anh khỏi hẳn bệnh ghẻ. Vĩnh khỏi bệnh ghẻ trong lúc bạn bè đã và đang tìm đường sang bên kia thế giới vì con cái ghẻ – một sản phẩm độc quyền của nhà nước CSVN.

Buổi trưa khi đi lao động về, giờ cơm xong, nếu trên máy bay nhìn xuống, người ta lại có thể tưởng lầm bên dưới là một bãi biển toàn dân Playboy đang nằm khỏa thân phơi nắng. Nhưng nếu vì một lý do gì máy bay được hạ cánh thấp xuống, người ta mới thấy được tất cả cái thê thảm của bọn tù cải tạo phơi nắng giết cái ghẻ. Ôi một rừng người mà thân thể họ đã biến thái vì đói vì khổ nhục, giờ đây còn được trang điểm thêm những vết lở lói khắp cùng thì còn gì thê thảm bầm dập hơn nữa!?

Người của thế giới Tự Do làm sao mà tưởng tượng ra được cái cảnh một cựu sỹ quan Dù hào hùng giờ đây đã nhão ra vì bị ghẻ hành!? Anh ta nằm đó, bàn tay ghẻ đã làm cứng lại các gân tay đến độ không còn bưng nổi chén cơm lên miệng. Mặt mũi, mồm mép đầy những lớp ghẻ mủ xanh lè. Anh ta đang cố gắng chổng mông lên cho anh Thủy Quân Lục Chiến bạn – cũng ghẻ đầy mặt mũi, chân cẳng, bụng bịu – cầm một miếng giể chấm mấy cái thứ thuốc tự chế quái quỷ để bôi lên mông người bạn của mình.

Thấy người bạn Dù vẫn nằm yên, anh Thủy Quân Lục Chiến lên tiếng hỏi.

– Có thấy phê không?

– Chẳng thấy gì!

– Lạ nhỉ? Tao bôi tao và bôi mấy thằng khác nữa, thằng nào cũng giẫy nẩy vì xót.

– …..

– Lạ nhỉ?

– Có chó gì mà lạ. Thịt tao coi như vữa rồi.

Anh sỹ quan Dù buồn buồn trả lời. Anh TQLC thương bạn tìm cách trấn an.

– Không, chắc nhiều khi xót quá nó tê đi…

– Tê quái gì! Tao biết tao chứ.

Buổi trưa Trảng Lớn tháng này nắng thật yếu ớt ngược hẳn với mặt trời tháng Tư tháng Sáu. Dù nắng yếu ớt nhưng phơi một lúc da thịt người vẫn như choắt lại vì sự co thắt của lớp ghẻ mủ trên da thịt. Thỉnh thoảng một bầy chim lạ từ phía núi Bà Đen bay ngang kêu những tiếng dạc dài trong trưa nắng. Chẳng bao giờ chúng đáp xuống đây, tuồng như chúng biết rằng nếu không lây bệnh ghẻ thì cũng khó thoát tay những kẻ bị ghẻ – cái đói, cái thèm có thể chớp mắt dựng những xác người sắp chết kia dậy để vồ chúng bằng những động tác nhanh đến độ đôi cánh chúng cũng không kịp bốc bay lên.

Người lính Dù lại hỏi vu vơ. Mày còn bi thuốc nào không?

Anh TQLC khẽ lắc đầu.

– Mấy ngày nay tao hút lá Tầu Ô nóng muốn ho ra máu…

Anh Dù chắt lưỡi.

– Thèm quá! Nói rồi anh nhìn ra phía những cánh đồng lau bát ngát bên ngoài dãy ụ đất phòng thủ, than khẽ. Đời chúng ta chẳng lẽ đều kết thúc với một cái thèm hèn hạ thế này thôi sao!?

Anh TQLC vẫn tiếp tục bôi thuốc cho bạn. Anh Dù chợt ra hiệu cho bạn đừng bôi nữa. Anh chống tay quỳ lên và tìm thế ngồi xổm trên tấm bao cát trải dưới đất. Anh TQLC ngồi xuống với bạn. Anh nhìn cặp giò lở lói của mình và chẳng nói gì…

No comments:

Post a Comment