Non một tuần lễ đã qua, một trong những sự rầu rĩ nhất của mọi người
là lượng thuốc lá dự trữ đã thực sự cạn. Riêng Vĩnh, Vĩnh đã hết sạch từ
hai hôm nay. Ngoài những giờ lao động tạp dịch, buổi trưa Vĩnh hay mò
vào giang sơn của Đính; một phần vì hắn dễ thương, một phần vì hắn có
thuốc lào. Có thể nói Vĩnh là một người trẻ tuổi nhập tịch làng thuốc
lào trong tù nhanh và dễ dàng nhất trong non một triệu tù nhân ngày nay!
Thật là khổ sở khi ăn cơm xong, lại là thứ cơm hẩm Việt cộng mà không có
một tí khói cho đỡ tanh miệng! Lần đầu tiên tập tễnh hút thuốc lá Vĩnh
say đến độ mửa nguyên một phần cơm rau ra ngoài. Dần dần quen đi, anh đã
biết ếm khói, biết làm thế nào để được lên thiên đàng sau khi hạ cái
điếu cầy xuống. Chơi với Nguyễn Thành Đính, chả bao lâu Vĩnh còn được
học hàm thụ phương pháp trồng thuốc lào, biết sử dụng phân diêm phân lợn
ra sao để thuốc lào say, êm, không khói ngang mà tăng khói dọc. Nói
chung chỉ ở tù non một tuần lễ, các quan thuộc chế độ cũ hầu như ai cũng
phải gia nhập làng thuốc lào. Riêng Vĩnh, đến bây giờ chỉ cần nhìn qua
màu thuốc, nhìn qua sợi thuốc anh đã có thể biết ngay đó là loại thuốc
rin hay rổm (*).
Trưa nay, sau khi kéo một hơi thuốc lào, Vĩnh đặt điếu vào chỗ cũ và mơ màng nhìn Đính đang ngồi trước một giải băng dài được khâu dính vào nhau bằng nhiều bao cát. Đính đang pha sơn để kẻ chữ.
– Kẻ chữ màu đỏ hả?
– Họ đưa sơn gì mình kẻ sơn đó.
– Liệu sơn có ăn trên bao cát không?
– Ăn chứ!
Vĩnh cúi xuống cầm lên mảnh giấy ghi các câu khẩu hiệu. Anh đọc qua một lượt và thấy câu nào cũng muốn phát ói!
1. Chủ nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng!
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.
3. Đảng Lao Động Việt Nam quang vinh muôn năm!
4. Đảng Lao Động Việt Nam là người tổ chức và lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ cứu nước!
5. Học tập lao động là thước đo lòng yêu nước của mọi người!
Vĩnh bỏ tờ giấy xuống, hỏi.
– Năm khẩu hiệu này ông tính kẻ trong bao lâu?
– Khẩu hiệu mẹ gì mà dài quá! Nhanh lắm cũng phải hai ngày mới xong.
Vĩnh đứng lên, giỡn.
– Ông Đính ơi ông làm không công mà ông cũng không biết nữa sao, hả… trời?
Đính giật mình.
– Cái gì mà giữa trưa la lớn vậy? Tụi nó đang ngủ.
– Kệ cha tụi nó. Ông tính làm hai ngày thật hả?
– Chứ sao bây giờ?
Vĩnh tính nói me-sừ Kim bên khối 12 hay 13 gì đó cũng từng ấy khẩu hiệu nhưng anh ta dự trù tới nửa tháng. Tuy nhiên, nghĩ sao Vĩnh lại không nói. Anh đứng lên khom người chui ra ngoài sân, vừa lúc đó khối trưởng Trai từ ngoài chui vào. Vĩnh ngồi luôn xuống đống gạch rợp bóng râm của một cây trứng cá cạnh hiên nhà. Anh lắng nghe những lời đối thoại vẳng ra từ chỗ Đính.
– Ông Đính ơi!
– Gì nữa đây?
– Thêm mấy khẩu hiệu nữa này.
– Sao lắm thế?
– Tôi làm sao được! Ở trên họ đưa xuống các khối bắt thực hiện gấp.
Giọng Đính càu nhàu.
– Đúng là chế độ khẩu hiệu.
Giọng Trai hoảng hốt.
– Ông nói sao nghe ghê quá ông ơi! Bớt bớt lại giùm không kẹt cả đám.
Vĩnh không nghe thấy Đính nói gì thêm. Một thoáng Trai chui ra. Ngồi nhìn nắng một lúc Vĩnh lại chui vào với Đính.
– Thêm nữa hả?
Giọng Đính ngao ngán.
– Thêm ba khẩu hiệu đại ý dạy dỗ chúng mình phải yêu thương nhau!
– Buồn cười nhỉ!
Đính ngồi xuống góc hầm cầm cái điếu lên. Hắn nói.
– Chẳng buồn cười đâu. Tính tôi hay suy diễn. Để tôi suy diễn cái khẩu hiệu mới đưa xuống cho ông nghe. Khẩu hiệu nói rằng: Các cải tạo viên phải thương yêu nhau, tích cực giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong học tập! Rõ là lũ chó đểu.
Quả Vĩnh chưa kịp hiểu câu khẩu hiệu ấy đểu ở chỗ nào. Vĩnh chỉ ngạc nhiên thấy Đính nổi nóng hơi khác ngày thường. Vĩnh biết tính Đính rất điềm đạm. Vĩnh hỏi.
– Đểu chỗ nào!
– Câu này phải chia ra hai vế. Vế thứ nhất là câu “các cải tạo viên phải thương yêu nhau!”. A, đừng tưởng nó thương gì mình đấy nhé. Nó chỉ muốn nói xa xôi cho mình biết rằng mình sẽ ở đây mịt mù, sẽ đếm lịch dài dài.
– Sao vậy?
– Ô hay, chứ bộ ông không biết câu “thú vật ở với nhau lâu ngày thì quyến luyến nhau, còn con người ở với nhau lâu ngày nhất định sẽ cắn xé nhau” hay sao? Đấy, vế này tiềm ẩn cái ý nghĩa ấy đấy.
Vĩnh tính hỏi còn vế thứ hai ra sao thì Đính đã tiếp ngay. Vế thứ hai mới độc. Nó bảo “tích cực giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong học tập!” ông có hiểu ra sao không?
– …. ?
– Là phải theo dõi nhau, phải tích cực đấu tranh sai trái, một cái rắm lớn rắm nhỏ của nhau cũng không được phép bỏ qua, phải đem nhau lên bàn mổ, tố giác nhau tận tình để được… về sớm!
Đính làm một hồi với vẻ bực tức. Hắn kéo một hơi thuốc lào và trước khi chui ra khỏi cái nhà hầm, hắn nói. Chúng mình sẽ phải đi một Đoạn-Đường Thương Khó dài hơn của Chúa, vác nặng hơn Chúa và thê thảm hơn nữa ở chỗ không được vác tà tà, không có người nâng hộ, mà vừa vác vừa phải chạy đua với nhau, bon chen kèn cựa cho đến lúc chết!
Rồi thì cả hai chui ra khỏi căn nhà hầm. Buổi trưa nắng gắt. Trong các phòng mọi người ngủ mê mệt. Vĩnh không biết đi đâu, không biết làm gì trong khoảng thời gian trống vắng này. Anh mò ra ngồi dưới bóng mát của một cây điệp lớn – nơi đây, mỗi chiều đi lao động về, một số đông tụ lại và biến gốc cây điệp thành trung tâm họp báo. Tất cả các tin tức, tất cả mọi bình luận suy diễn đều xuất phát từ gốc cây điệp này. Nhưng giờ đây gốc điệp vắng tanh vì mọi người đang ngủ. Họ ngủ lấy sức cho những giờ lao động ban chiều.
Vĩnh ngồi xuống gốc cây và ngó lên tàn cây rợp bóng mát. Một con rắn lục bụng to như có chửa quằn quại bò trên một nhánh cây. Lẫn trong tiếng chíu chít của bầy sẻ có con chim lạ vừa cất lên một tiếng gáy cô đơn. Sự hồi tưởng bất chợt trở về làm lòng Vĩnh tái tê. Chao ôi, đây là mộng hay thực? Ta đang ở đâu đây? Vì đâu nên nông nỗi này?
Cuộc đời trước mắt Vĩnh thốt nhiên biên thành một mớ bòng bong và anh thấy mình đang sa vào không phương thoát khỏi. Vĩnh bỗng thương nhớ lũ con của anh vô cùng. Vĩnh chợt hiểu một trong những đau đớn quằn quại nhất của anh khởi từ điểm này. Cứ tưởng tượng một ngày nào đó bầy con anh sẽ lớn lên, chẳng cần chúng phải căm thù, mà chỉ cần chúng nhìn anh bằng những cặp mắt hờ hững tuồng như nhìn một kẻ đã một lần đi lạc ra ngoài con đường của lịch sử, đã phạm những tội ác mà chúng cho là không thể tưởng tượng nổi – kết quả của một đường lối tuyên truyền nhồi sọ dựng đứng và ác độc của Cộng Sản – thì anh không rõ tâm hồn anh lúc ấy sẽ ra sao?!
Vĩnh đập mạnh vào trán đôi ba lần. Ôi thôi, ta mắc kẹt thật rồi! Ý nghĩ tự sát một lần nữa lại lởn vởn qua óc Vĩnh. Chưa bao giờ anh thấy anh bị xâu xé như lúc này. Ý chí thì muốn biến anh thành một chứng nhân của lịch sử; trong lúc trái tim anh lại thúc giục anh ra đi, thúc giục anh rời bỏ cõi này càng sớm càng tốt để chữ Tự Do mãi mãi còn được đậm màu. Một cái đinh hay một cái lưỡi lam… Vĩnh lại lắc đầu thật mạnh. Thốt nhiên Vĩnh nổi giận đùng đùng, nổi giận mà không biết vì sao mình nổi giận. Anh chộp một hòn đá ném mạnh lên cành cây có bầy chim đậu.
– Thằng kia, mày ném ai thế?
Vĩnh giật mình nhớ ra thực tế, nhớ ra rằng bên ngoài hàng rào gần đó có một vọng gác. Hòn đá anh ném đã rơi trúng vọng gác đó. Vĩnh giả vờ như không nghe thấy và chậm rãi đứng lên khỏi gốc điệp. Anh rảo bước về phía các dãy trại.
– Thằng kia, đứng lại!
Tiếng thét lần này lớn hơn và có kèm theo tiếng đạn lên nòng. Chẳng dại gì ngoái mặt lại để bị nhận diện, Vĩnh nhủ lòng và vùng chạy thật nhanh về phía nhà bếp khối 12, đâm sang bếp khối 11, đi vòng khối 11 và bọc về cửa sau khối 10. Vĩnh về chỗ nằm, cởi chiếc áo xanh nhét vào sắc và lôi chiếc áo nâu ra mặc. Vĩnh tính trỗi dậy mò ra ngoài nhưng hai thằng vệ binh có súng trên tay đã xuất hiện phía trước vuông sân khối 10. Dáng dấp của chúng cho thấy chúng đang lùng bắt một người.
Nằm yên tại chỗ, Vĩnh dặn lòng tự hậu phải kiểm soát kỹ các hành động của mình. Lỡ lọt tay kẻ thù không nên để thiệt mạng vì những lý do lãng nhách; nhất là kẻ thù của anh, một thứ kẻ thù mà giáo chủ của chúng, Lênin, từng dạy rằng: Chỉ cần một ý nghĩ thương xót bọn phản động thôi, thì người vô sản coi như đã phạm một trọng tội khó tha thứ!
Vĩnh ngó quanh phòng, hóa ra đâu phải tất cả đều ngủ. Nằm chen chúc đây đó vẫn có nhiều người vắt tay trên trán, đôi mắt họ gắn chặt ở một điểm nào đó trên trần nhà đầy mạng nhện.
Nằm bên trái Vĩnh là anh chàng bác sỹ Ngô Văn Tuyên, bên phải là trung úy Biệt Động khóa 25 võ bị Đặng Xuân Bính. Nằm sát nhau trong khu vực tổ A.3 với Vĩnh còn có trung úy Hải quân Lê Văn Trợ, trung úy Hải quân Nguyễn Văn, trung úy phi công Lê Văn Sanh, trung úy phi công Quách Tứ, thiếu úy phân chi khu trưởng Nguyễn Văn Hải, trung úy ban trận liệt / P.2 / TTM Nguyễn Văn Lộc, trung úy quân nhu Lê Văn Khoa, trung úy giảng viên Anh ngữ trường SNQĐ/TTM Trần Văn Nguyên…
Xa xa chút nữa về phía trái thuộc tổ A.4 có ông già Chuân thiếu úy trợ y, người có bệnh nghiến răng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử của những người mang bệnh nghiến răng. Xa hơn tí nữa là ông Thiệu, tài xế biệt phái của cục Trung Ương Tình Báo – một Moritz kiểu mới trong giờ thứ 25 của Việt Nam…
Thốt nhiên Vĩnh nghĩ, những khuôn mặt này rồi sẽ gắn chặt với ta trong bao lâu nữa? Cho dù có cùng hoàn cảnh nhưng liệu họ có cùng một nỗi day dứt đớn đau?
Ông già Chuân sau những giờ lao động về lôi mấy bánh thuốc lào đem theo, viên từng bi bán cho anh em bằng những giá cắt cổ 10 đồng 5 bi, mỗi bi nhét không đầy cái nõ điếu. Ông Thiệu, dù là tài xế biệt phái cho cục Trung Ương Tình Báo nhưng lại là người mù chữ. Ông chỉ biết đọc mà không biết viết… Thế thì cái đau đớn mất nước của ông Chuân liệu có thống buốt bằng cái đau đớn của cựu đại đội trưởng Biệt Động Đặng Xuân Bính hay không? Và của ông Thiệu có giống của Ngô Văn Tuyên – một người chắc hẳn đã quá rõ thân phận của một Zivago như thế nào trong xã hội Cộng Sản?
Tiếng kẻng làm sự suy nghĩ của Vĩnh bị gián đoạn. Trong phòng sự im vắng bị phá vỡ tức thì. Mọi người đều vội vã trỗi dậy, kẻ lục đục tìm mũ, người lấy bình nước… rồi nối đuôi nhau ra sân nắng tập họp.
Nắng Tây Ninh chang chang. Các khối đứng tập họp điểm danh ngay trước phòng của mình. Khối trưởng Trai sau khi hô hoán và báo cáo nhân số đi lao động cho quản giáo Cư đâu vào đấy, anh rút từ túi quần sau ra một quyển vở. Anh mở quyển vở, hướng về mọi người, đọc.
– Theo lệnh anh quản giáo, các anh sau đây ở lại nhà nhận công tác đột xuất. Nguyễn Văn Năm, Trần Văn Ích, Lê Thanh Nhàn, Bùi Lành, Trịnh…
– Sao anh phức tạp thế? Tên quản giáo Cư chợt nói chen vào bằng giọng bực bội. Sau không cắt nguyên một tổ cho nó dứt điểm mau lẹ?
– Dạ anh đã chỉ thị chỉ lấy 6 người có sức khỏe.
– Phức tạp! Hôm qua tổ nào trực?
– Dạ tổ A.5.
– Vậy hôm nay lấy tổ A.6. Tên quản giáo đảo đôi mắt cú vọ vào những người tập họp, hỏi khơi khơi. Nhân số còn bao nhiêu đi lao động?
– Thưa anh Đính ở nhà vẽ khẩu hiệu, anh Thuần anh Hiệp tiếp tục đào giếng, anh Cang anh Tâm và anh Ba Tô đắp bếp.
– Ba Tô là cái gì?
– Dạ thưa tên anh ấy là Tô, anh em quen gọi là Ba Tô.
– Ba Tô với bốn bát! Tên tuổi phải gọi cho đúng. Mai đây các anh đều có số cá nhân, không thể tùy tiện thêm đầu thêm đuôi như thế được. Nhớ chưa?
– Dạ.
– Còn những ai ở nhà nữa?
– Bác Chuân ở nhà đóng thùng thuốc tập thể cho khối.
Tên quản giáo chợt trợn trừng mắt ngó khối trưởng Trai.
– Đây là lần đầu và cũng là lần cuối, tôi quán triệt để các anh rõ và nắm cho vững cách xưng hô trong trại cải tạo. Nơi đây, cấm chỉ gọi nhau bằng chú chú bác bác. Các anh cùng có tội như nhau, cùng vào đây học tập cải tạo như nhau do đó bình đẳng, không ai là bác là chú của ai cả. Tất cả gọi nhau bằng anh, xưng tôi. Nghe rõ?
Không ai trả lời ngoài khối trưởng Trai nuốt hận dạ khẽ một tiếng. Tên quản giáo lườm nhanh mọi người một cái, mỉa mai. Vẫn chưa giải phóng được cái tác phong ngụy! Bác bác với chú chú. Công tác phục vụ hỗ tương cũng cám ơn cám iếc (*). Thốt nhiên hắn hỏi lớn. Còn ai ở nhà nữa không?
– Dạ còn tổ A.6 ở nhà nữa, vị chi tổng cộng 17 người.
Tên quản giáo khẽ lắc đầu.
– Khối có 120 người, 17 người ở nhà vị chi suýt soát mất đi 14% công trực tiếp lao động. Hơi nhiều!
Bọn tù đứng trong hàng đều giật mình như nhau. Một thằng cán binh Việt cộng rõ ràng i tờ rít mà sao khi tính toán công lao động nó lại tính nhẩm nhanh đến thế? Thảo nào dân miền Bắc 20 năm xưa hát câu áo anh rách vai quần tôi có hai miếng vá, 20 năm sau vẫn phải hát câu quần tôi có hai miếng vá áo anh rách vai…
Tên quản giáo hơi lẩm bẩm gì đó trong miệng, và trước khi ra lệnh cho khối trưởng Trai dẫn anh em tiến về phía phi trường trong căn cứ Trảng Lớn, hắn hỏi lớn. Anh Đính đâu?
– Có tôi.
– Lát nữa anh lên tiểu đoàn gặp chính trị viên!
No comments:
Post a Comment