Tất cả chỉ vì … chuyển trại.
Lệnh chuyển trại ban ra quá gấp rút và thình lình. Một cuộc khám đồ
quy mô tại các trại được thực hiện trong cùng một buổi sáng đầu tháng
Bảy. Bọn quản giáo vệ binh thẳng tay vứt bỏ cái gia sản góp nhặt của bọn
tù. Lon cóng, dao kéo, búa kìm… những thứ mà mười thằng tù thì hết chín
thằng đều thu nhập để đầy trong những sắc cá nhân hầu có chút phương
tiện xử dụng trong đời sống hàng ngày. Vĩnh chẳng có gì để phải lo âu
hay bực dọc. Gia sản của anh, nếu có, chỉ là những pô ảnh tuyệt vời mà
anh đã chụp được, nhưng chụp được bằng óc và tích trữ nó trong tim. Chỉ
có thần chết mới tịch thu được những món đó. Nhưng ông thầy xuất Nguyễn
Thành Đính thì khác. Ông ta vẫn bận rộn với những món đồ quốc cấm của
ông như những lần kiểm tra khám đồ trước đó. Một lần nữa, Đính lại hốt
hoảng tìm cách dấu đi quyển Kinh Thánh, cỗ tràng hạt và tượng Thánh Giá
nhỏ xíu.
Vừa thu đồ đem bày ngoài sân Vĩnh vừa quan sát chung quanh. Anh thừa
biết cũng có lắm tay đang bối rối tìm cách thủ tiêu những trang nhật ký,
những bài văn bài thơ của họ viết trong những lúc không lấy gì làm
“kính yêu” Bác và Đảng cho lắm. Sau màn khám đồ là màn tập trung tất cả
các dụng cụ sản xuất lại để kiểm kê. Nói chung mọi “tài sản” của nhà
nước đều phải đúc kết lại phẩm lượng và báo cáo đầy đủ cho quản giáo
khối. Riêng bếp núc nồi niêu xoong chảo được lệnh để nguyên như cũ.
Ngày 13 tháng 7 năm 1976, hầu như tất cả các tù cải tạo ở Trảng Lớn đều được lệnh “cơ động” tại trại, có nghĩa là nghỉ lao động, hành trang sắp sẵn và ngồi chờ lệnh tối hậu của khung xem mình sẽ phải làm gì. Vào quãng 10 giờ sáng thì quản giáo Cư đem danh sách những người được chuyển trại xuống khối. Ai cũng hồi hộp chờ đợi. Sau khi khối trưởng Trai đọc danh sách Vĩnh thấy mình có tên. Gần hai mươi phần trăm người của khối hai ra đi và dĩ nhiên chẳng ai biết sẽ đi về đâu! Thả ư? Không thể được. Vì danh sách ra đi toàn những thứ Nhảy Dù, Biệt Động, Thủy Quân Lục Chiến, 101, Lôi Hổ, Biệt Cách Dù, An Ninh Tình Báo, Chiến Tranh Chính Trị… Toàn những thứ dữ!
Thế mình có dữ không nhỉ? Vĩnh lẩn thẩn tự hỏi rồi tự trả lời. Không, mình hiền khô đấy chứ! Nhưng hiền khô tại sao lại được vinh dự nằm chung với danh sách những người hùng của chế độ cũ? Rồi đây chúng sẽ đưa mình đi đâu? Rừng thiêng nước độc? Phú Quốc hay Côn Sơn? Lào Kay hay Việt Bắc? Có thánh thần biết được!
Vĩnh ngồi dựa lưng vào túi hành trang trong một góc nhà. Anh chẳng buồn nhìn những xao động chung quanh. Lòng Vĩnh hiện đang mang tâm trạng y hệt của một cậu học sinh đệ thất, bãi trường với nguyên sự xúc động phải xa bạn xa bè. Vĩnh ngồi nhớ lại thằng Điểu người Quảng Nam ngang tàng ương ngạnh (và có lẽ cũng là người Quảng duy nhất thù ghét sự… cãi nhau). Thằng Tiến thông minh dí dỏm. Thằng Hóa lù đù nhưng thâm ra phết. Thằng Kim bị thịt lúc nào cũng toa toa moa moa và trông lếch tha lếch thếch. Thằng Ứng ít nói nhưng rất tha thiết một ngày về. Bác sỹ Tuyên với câu than bất tử trên môi “điên cha nó cả người!”. Bác sỹ Đỉnh với vóc dáng nhanh nhẹn của một anh thầu khoán hơn là của một y sỹ. Thằng Bính đái xuống giếng ăn của quản giáo… Rồi ông già Chuân nghiến răng và keo kiệt từng điếu thuốc. “Chị Hào” thút thít khóc như con gái. Ông Thiệu mù chữ. Thằng Dự người thì lùn mà trình độ nói dóc thì cao, dám nhận trách nhiệm trước tập thể để làm những việc mà nó không bao giờ biết làm… Trong trí hồi tưởng của Vĩnh cũng nổi lên những hình ảnh cái chết quằn quại của Đặng Đình Tùng vì 16 viên Chloroquine để phản đối sự nhục mạ của tên quản giáo khối, cái chết tan nát của Nguyễn Xuân Dung, cái chết thê thảm của Phương, của nhiều người khác nữa mà Vĩnh chẳng thể nhớ tên. Xa hơn là hình ảnh Ngô Nghĩa bên L2, người tử tội nhưng mãi cho đến lúc bị lôi ra bãi bắn và bị bịt mắt mới biết mình bị xử bắn!…
Trong cuộn phim quay ngược qua trí nhớ Vĩnh, lạ một điều là những hình ảnh ác độc, bẩn thỉu, đê tiện của bọn cai tù lẫn bọn chó săn tự nguyện cứ dính vào nhau như những tấm phim hư và anh không còn nhìn thấy nó quá rõ rệt. Dù sao, mỗi đời người vẫn có hai nơi để nhớ nhất: Nơi người ta sinh ra và nơi người ta chịu đựng khổ nhục. Trong những con người của hoàn cảnh khổ nhục kéo dài 13 tháng nơi đây, Nguyễn Thành Đính là người ghi đậm nét nhất trong lòng Vĩnh…
… Đính ơi, đêm ấy tao ngủ ngon lắm. Bao giờ tao quên được giấc ngủ khi mày đưa xà bông Dial cho tao tắm, đưa thuốc muỗi cho tao bôi trị ghẻ? Và làm sao tao quên được cái tình bạn kỳ lạ ở mày? Quả thực chỉ có thần chết mới làm tao quên được những săn sóc của mày. Cái đùi gà còn dính lông. Miếng lòng heo bùi béo. Những miếng vỏ cây Đại già.. Tao còn nhớ rõ lắm Đính ạ. Tao còn nhớ rõ hình ảnh mày lúc mày bước vào nộp mạng nơi sân trường Lê Quang Định với dáng người tầm thước, khỏe mạnh, trầm tĩnh và tay xách valise. Ôi, có lẽ một triệu tù nhân Việt Nam vào giai đoạn ấy chỉ có mày là người duy nhất xách valise vào tù. Tao là người đầu tiên phát chửi xéo mày khi mày nhập vào tổ ăn 10 người trong đó có tao: Mẹ kiếp! Đi tù mà như đi du lịch.
Nhưng ngay đêm đó tao đã là bạn của mày và mày đã là bạn của tao. Chúng ta nằm trên hai cái ghế băng kê gần lan can nhìn sang phía lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt đang chìm trong mưa. Ta đã nói với nhau những gì đêm đó? Lúc ấy bên chúng ta không còn vợ, còn con, còn đàn em dại nữa. Cái mặt nạ lạnh tanh, chịu đựng một cách bình tĩnh mà gần hai tháng qua chúng ta phải đóng kịch trong địa vị làm chồng, làm cha, làm anh để trấn an những người thân trong gia đình bây giờ đã rơi xuống. Còn đợi gì nữa mà không để cho hai giòng lệ vong quốc rơi rụng cho nhẹ nhỏm tâm hồn?
Đính ơi, mày có công nhận là tao đánh hơi tài không? Nghe cái giọng Bùi Chu mộc mạc chân chất của mày, nhìn sự ngăn nắp khi mày mở valise lấy ra cái điếu cày nhỏ xíu, sửa lại cho ngay ngắn cây thánh giá tí ti gắn nơi một góc nắp valise, tao dọ dẫm phán ngay.
– Xưa tu ở đâu?
Mày thật như đếm.
– Dòng Đồng Công Thủ Đức.
– Ồ! Tao có học nội trú ở đó gần hai niên khóa hồi mới vào Nam. Nhưng sao mày xuất?
– Vì lòng tao không đủ rộng để làm cha tất cả. Tao chỉ có thể làm cha một vợ ba con thôi!
– Ra thế.
Đính ơi, tao chúa ghét những tay tu xuất. Tao không dám vơ đũa cả nắm, nhưng tao có thể cả quyết chín mươi chín phần trăm những tay tu xuất đếch thế nào là bạn tao được. Cái gàn dở ấm ớ nửa đời nửa đạo của họ tao chịu không nổi! Không ngờ một phần trăm còn sót lại lại chính là mày.
Mười ba tháng đồng cam cộng khổ.
Rồi giòng đời lại sắp chia rẽ chúng ta.
Mày là trung úy truyền tin, dù gì cũng là thứ “nhẹ tội” với chúng nó, nên có lẽ vì vậy mày được (?) ở lại. Tao thứ dữ, dù chính tao đang tự hỏi chả hiểu sao tao có dữ thật không, chỉ biết mình sắp bị (?) lôi đi cùng đợt với đủ mặt anh hùng hảo hán, với cả những bác tài xế, chú thợ sơn, anh lơ xe hiền khô nhưng chỉ kẹt vì cái tội rất ư là mập mờ: CIA.
Một cái đập mạnh vào vai làm Vĩnh choàng tỉnh. Bác sỹ Đỉnh xà xuống bên cạnh Vĩnh. Anh ta nhếch mép khoe hàm răng hơi mất trật tự, cười vui vẻ.
– Gì mà ngồi buồn thế ông? Biên chế loanh quanh đây thôi.
Vĩnh gãi cằm.
– Nội phải xa các ông cũng đủ làm tôi buồn rồi.
Đỉnh nhấc cái điếu cày lên miệng kéo chơi.
– Mới ngày nào ông tập cho tôi hút thuốc lào dưới bếp, say tí nữa đâm cha nó đầu vào bếp. Tụi nó chụp tôi không kịp giờ này chắc đã thành Cẩm Nhung rồi. Bây giờ hút rành như một anh nông dân chính hiệu lại không có nổi bi thuốc đãi nhau khi chia tay.
Vĩnh không trả lời được gì. Bác sỹ Đỉnh ngẫm nghĩ một thoáng, sau cùng anh ta nói nhỏ: Tại sao lại không hy vọng chúng nó thả các ông trong đợt này nhỉ?
– Thả cái con khỉ! Nó đã nói chuyển trại ông không nghe sao?
– Thì ông cứ giả thử như vậy đi. Đỉnh nói đoạn thò tay vào túi quần lôi ra một mẩu giấy nhỏ, anh tiếp. Này Vĩnh, nói thực tôi quý ông nhất khối. Sau này mà gặp lại ông chắc thú lắm. Cứ giả thử trời thương, chúng đem các ông về thả ở căn cứ Sóng Thần lấy tiếng chơi với quốc tế, ông chịu khó mò sang quận 8 bảo cho vợ tôi biết tôi đang ở đây. Vợ tôi tên là Trang, cũng dân trường nhạc đấy. Ông cất cái địa chỉ của tôi vào đáy sắc nhá!
Mặc dù thấy sự lạc quan của Đỉnh hơi tếu, nhưng để vui lòng bạn, Vĩnh cũng cầm lấy mảnh địa chỉ nhét vào túi áo.
Đỉnh vừa lui gót thì một lô anh em cùng tổ kéo đến. Tổ A.3 có ba người ra đi kỳ này: Vĩnh, Sanh và Bính. Nhớ ngày nào Vĩnh còn là người bị anh em ghét nhất trong tổ do cái tật hay chửi xéo của anh. Ở giai đoạn đầu không bực sao được khi ban ngày đi lao động quần quật, chỉ vì một hạt muối, một lưng cơm, chỉ vì hơn kém nhau một thước đất cuốc, một gốc cây trồng; đêm về anh em đưa nhau ra mổ xẻ, đấu tranh, phê bình, kiểm thảo như thù hận nhau từ mấy kiếp. Lắm lúc họ còn đốt đèn lên để đấu tố nhau, để vạch áo cho kẻ thù xem lưng nhau! Những chuyện như thế đã khiến Bính đập lộn với Trợ và suýt tí nữa thằng Hải ăn của Vĩnh một xẻng bay lỗ tai vì nó đấu Vĩnh ngay giữa hiện trường lao động: … Anh chưa tiến bộ. Anh cố ý chai lười lao động. Đang lao động thì anh đi ỉa. Ỉa gì đến nửa tiếng đồng hồ? Anh chỉ kiếm cớ chui vào bụi ngồi tránh nắng thôi. Thử hỏi cả nước mỗi người đi lao động đều ăn gian của nhà nước nửa tiếng đồng hồ như anh, nhân lên thì đất nước này thiệt thòi bao nhiêu thế kỷ để phát triển?…
Vĩnh chẳng hiểu vì đâu sau này tự dưng anh em đâm ra quý Vĩnh, quý một cách đặc biệt. Anh đoán có lẽ vì anh liên miên đau ốm, đau thật chứ không phải đau giả như anh em nghi ngờ buổi ban đầu. Thứ nữa, anh là người duy nhất trong trại bị bọn an ninh kêu lên kêu xuống vì vụ viết lách ngày xưa…
Bây giờ thì những người cùng tổ đang vây lấy Vĩnh. Vĩnh hiểu họ đang ái ngại thật nhiều cho tương lai của anh. Qua cái danh sách của những người ra đi, không nói ra nhưng họ vẫn tin rằng Vĩnh sẽ phải đi về một nơi tối tăm hơn, đày đọa hơn, ngày về nếu có cũng xa xôi hơn và nhất là với riêng Vĩnh, một kẻ đau ốm kinh niên, ngày về coi mòi khó mà có được. Cùng với những lời khuyên, họ trấn an, họ dấm dúi cho Vĩnh một ít muối, một cục đường, tí thuốc rê. Đặc biệt hơn, Quách Tứ tặng cho Vĩnh cái áo treillis mà anh rút thăm trúng hồi Trung thu. Anh nói: Đừng lo lắng nhiều quá đau ốm thì khổ. Biết đâu nhờ yếu đuối ông lại được về trước bọn tôi. Mai sau nếu tôi gặp lại ông Quách Tấn chú tôi, tôi sẽ nói với ông ấy rằng có ông ở bên cạnh tôi hơn một năm ở Trảng Lớn này…
Vĩnh không tránh khỏi ngậm ngùi trước tình chiến hữu của các bạn. Cả một đoạn đường dài đã đi qua, giờ ngồi nhìn lại mới cho anh thấy rằng trừ vài thằng cốt thú đội lốt người, kỳ dư chẳng ai “tiến bộ” cả, chẳng ai có thể bỏ anh em mà chạy theo Cộng sản cả. Có chăng tất cả chỉ mang thân phận của những kẻ gặp cơn đại hồng thủy, chẳng còn ai cứu nổi ai; và vì thế, họ phải mạnh ai nấy bơi để tự cứu lấy mình. Có người bơi đúng cách, có người bơi sai cách. Có người còn giữ được chút sáng suốt, cố gắng bơi mà không níu lấy ai. Cũng có người thiếu tự tin, yếu bóng vía níu quàng níu xiên lấy những người khác trong cơn hoảng hốt, mà không hề biết rằng làm như thế chỉ có bầy kên kên đang bay trên đầu là đắc chí, vì ở cuối ghềnh kia, nó chắc chắn sắp được rỉa rói thêm một xác chết nữa…
Bốn giờ chiều những hồi kẻng đinh tai nhức óc từ các trại thuộc trung đoàn 4 dưới bí số L4 đưa nhau rền vang. Đến lúc này Vĩnh mới chợt nhớ ra những tiếng kẻng, nhớ ra để nỗi hãi hùng trong lòng lan nhanh như bóng chiều tà. Trời ơi! Anh không ngờ mình đã đi hết một đoàn đường Núi Sọ thời mới dài cả 13 tháng trời dưới sự giục giã của những tiếng kẻng. Mỗi ngày đời sống của lũ tân nô lệ thời đại Hồ Chí Minh bị chi phối bằng 13 tiếng kẻng: Kẻng báo thức, kẻng tập họp đi lao động, kẻng xuất cổng trại, kẻng dứt lao động buổi sáng, kẻng ăn trưa, kẻng nghỉ trưa, kẻng hết giờ nghỉ trưa, kẻng tập họp đi lao động buổi chiều, kẻng dứt lao động buổi chiều, kẻng cơm chiều, kẻng tắt lửa bếp, kẻng tập họp điểm danh họp khối buổi tối và kẻng ngủ. Ngoài 13 tiếng kẻng cố định ấy, đôi khi còn nhiều tiếng kẻng bất thường khác thường làm cho mọi người đứng tim hơn như kẻng báo động có người trốn trại, đặc biệt tiếng kẻng như chiều nay, tiếng kẻng như đưa tiễn những linh hồn ở tầng đầu địa ngục xuống tầng thứ hai, sâu hơn, nóng hơn và xa xôi trần gian hơn.
Vĩnh cố gắng hăng hái đứng dậy. Quách Tứ cầm giúp cái tay nải của Vĩnh bước ra cửa với nhiều người khác. Khối trưởng Trai và các bạn đều lần lượt bắt tay Vĩnh và những người sắp ra đi. Bác sỹ Tuyên đứng một góc nhà mắt rưng rưng. Vĩnh đi thẳng ra chỗ tập họp ngoài sân. Anh nhận ra phía trước các khối bạn cũng đều diễn ra cái cảnh nhốn nháo và bùi ngùi như nhau. Bây giờ Vĩnh mới sực nhớ đến những người bạn thân thiết ở các khối khác. Chà! Mình bậy quá. Khi nãy không chạy đi một vòng xem ai đi ai ở và chia tay những thằng ở lại cho phải lẽ… Giờ đã tập họp mất rồi, có muốn cũng chẳng kịp nữa!
Vừa tập họp xong thì một đoàn xe Molotova đã ầm ầm tiến vào cổng trại. Bọn quản giáo và bọn vệ binh súng ống tua tủa chạy về các khối. Mười phút sau những người ra đi tuần tự bước về phía những chiếc xe đã được chỉ định. Vĩnh nhìn sang phía khối 4 và anh thấy Đặng Thế Tiến cũng tay xách nách mang như mình. Không rõ Hóa và Tạc ra sao…
Nguyễn Tất Ứng từ phía khối 1 phóng về phía Vĩnh, đi theo hắn là Bùi Công Kiện của khối 3. Ứng chỉ đứng nhìn Vĩnh bùi ngùi. Tên bạn trẻ đồng quân chủng Bùi Công Kiện nhảy tới ôm lấy Vĩnh. Nó nói.
– Xin Chúa và Mẹ Maria phù trợ ông cách riêng. Nó nghẹn ngào. Hãy tin có ngày mình gặp lại. Nói đoạn nó bỏ Vĩnh ra và lầm lũi đi thẳng.
Ứng tần ngần tìm lời.
– Nếu giả như mày được thả, về hôn thằng Nguyên cho tao một cái… Mày muốn nói gì với tao không?
Vĩnh ngó bạn cười cười.
– Mày cứ làm tao như là Zarathustra không bằng ấy!
Sức bình tĩnh của hai đứa có lẻ chỉ đến đó thôi. Cả hai ôm lấy nhau rồi buông nhau ra lập tức. Ứng không nói thêm một lời nào. Hắn bước đi thật nhanh như chạy trốn.
Lúc Vĩnh trèo lên xe, một chút nữa anh ngã ngửa vì có người níu lấy cái túi đeo trên vai anh. Vĩnh vội nhảy ngược xuống khỏi tấm bửng xe. Anh ngoái lại. Đính đang đứng sát người anh. Đôi mắt nó cũng đỏ hoe. Nó không nói không rằng, dúi một bịch khá lớn vào cái túi đeo của Vĩnh. Nó nói vội trong sự ồn ào chung quanh.
– Đi bình an! Xin Chúa quan phòng mày cách riêng.
Nói đoạn Đính lùi vào đám đông đứng hai bên tiễn đoàn người ra đi đang lần lượt leo lên xe.
Trên những nẻo đường đêm, ngồi trong lòng chiếc Molotova chật như nêm cối, mặc cho anh em bàn tán đủ chuyện, Vĩnh chỉ muốn làm sao ngủ được một giấc. Anh sực nhớ đến cái bịch mà Đính đã nhét vào túi của mình. Vĩnh loay hoay tìm một thế ngồi cho vững vàng và thoải mái. Anh chậm rãi moi cái bịch ra. Trong cái bịch được gói cẩn thận bằng giấy dầu, anh thấy Đính gửi theo cho anh một gói muối hột và một gói ớt khô. Vĩnh buồn buồn nghĩ bụng. Chắc lại toáy của kho hậu cần đây! Tội nghiệp, một ông thầy xuất ngoan đạo chỉ vì thương bạn đã phạm điều răm thứ 7 của Chúa! Khi xem bịch muối, Vĩnh chợt chú ý đến một cái hộp nhỏ gò bằng tôn thật xinh xắn. Anh cầm cái hộp lên ngắm nghía rồi mở ra xem. Cây Thánh Giá bé tí quen thuộc của Đính nằm yên trong hộp, chèn chung quanh cây Thánh Giá là năm đồng bạc mới…
Hòn đá lòng Vĩnh cứ thế ứa lệ suốt một đêm dài…
No comments:
Post a Comment