Chương 60
Mỗi
đội đều có một cái kho nhỏ chứa cuốc leng xẻng nằm ngay phía sau khu
đan tre. Mỗi sáng sau khi rời cổng trại, những đội làm nhiệm vụ đào xới
hoặc đắp đường đắp đê phải đến kho nhận đồ nghề, cũng như chiều về tổ
trực đều phải kiểm kê và đem nộp về kho cho đầy đủ. Mọi hư hỏng phải báo
cáo để được đội sáng chế và bảo quản dụng cụ sản xuất sửa chữa kịp
thời. Nhưng gần đây, những "dụng cụ sản xuất" cứ từ từ không cánh mà
bay. Đội 17 có 40 người lao động mà dần dần chỉ còn độ nửa số người được
trang bị cuốc xẻng. Công tác do đó ngày mỗi chậm lại đến độ Ban Giám
Thị trại phải lưu ý. Bọn quản giáo các đội chả hiểu vì cớ gì, dù được
đội trưởng báo cáo rất thường xuyên nhưng chúng vẫn lờ đi, coi như sự
thất thoát nằm ngoài trách nhiệm của chúng.
Riêng bọn tù các đội càng thấy vui khi sự thất
thoát đồ nghề ngày càng nhiều. Không cuốc xẻng để hai tay được nghỉ ngơi
một cách hợp pháp không sướng hơn hay sao? Suốt ngày, vừa dựa dẫm cho
qua chuyện vừa nghe anh Huy nhai nhải hát một bài ca cách mạng bằng lời
ca mới. "Cây cuốc cong thì cầu mong cây cuốc gãy. Cây cuốc gãy thì ta
thảy nó vô lò..." mà đâm vui. Hơn thế, vì đói lại rảnh rang, anh Huy
khởi sự bắt chước nhiều anh em khác lùng bắt cắc kè, kỳ nhông, cào cào,
châu chấu nướng ăn tại chỗ. Dù cũng đói lê lết như các bạn nhưng Vĩnh
vẫn không cách gì ăn được những thứ ấy. Cứ nhìn hình ảnh Dũng nhảy dù
ngồi ăn rắn thằn thằn Vĩnh đã muốn phát lợm. Hắn chụp được một con thằn
lằn có chửa ném ngay vào đống lửa. Con rắn sau vài cái giẫy giụa bắt đầu
bốc mùi khét và như nở lớn ra. Dũng vội cầm lên. Hắn phành bụng con rắn
và ghé mồm vào mút cái chụt. Cả một bộ đồ lòng lẫn cái thai rắn chui
luôn vào bụng Dũng. Ăn xong bộ đồ lòng, Dũng ngả người tựa lưng vào một
thế đất cao, chậm rãi lột da và ăn luôn phần thịt rắn còn lại vốn đã
cháy nham nhở. Bên cạnh đấy anh Huy và những ông bạn phàm ăn khác ngồi
nhai rau ráu những con cào cào nướng cháy. Gần đây, cũng có lúc Nguyễn
Tú Cường len lỏi ra chỗ mấy thân buông đổ nát gần ao cạnh tranh với Tầm -
kẻ giờ đây cả đội đều ghét bởi cái tật để quản giáo chửi hoài chuyện đi
kiếm ăn linh tinh - để tìm nấm. Cũng có chiều Cường đem về cả túi nấm
và đem luộc. Tuy nhiên mớ nấm ấy chỉ có Cường, anh Huy và Dương ăn với
nhau. Vĩnh, Điểu và Ý tuyệt nhiên không đụng đũa. Hình ảnh những anh
chàng chết vì nấm độc, ngũ khếu đều xuất huyết, nằm la hét cào cấu và
giẫy giụa cho đến chết, không cách gì phai mờ được trong óc Vĩnh.
Thế nên, dù hiện nay thiếu đồ nghề lao động, Vĩnh
vẫn không thể nào có được những giờ phút "thần tiên" như anh Huy hay như
vài người bạn khác. Vĩnh đứng làm việc cầm chừng, hoặc chạy xe cải
tiến, hoặc đứng nghe Lợi nghe Tuyến kể chuyện, hoặc suy nghĩ nhớ nhung
vẩn vơ. Tất cả những hình ảnh của ngày qua một lần nữa trôi qua óc Vĩnh,
nhiều cái thật rõ nét, nhiều cái lại mập mờ như những tấm phim hư...
Tại sao mình không tìm cách mua chuộc bọn công an quản giáo nhỉ? Trại
này, như Đặng Xuân Hùng tiết lộ, trước đây đã có hai lần tù móc ngoặc và
mua chuộc được cán bộ quản giáo. Bọn quản giáo đã cung cấp đồng phục
công an cho tù, rồi dẫn tù đi đường tắt trốn khỏi trại; sau đó, hai tên
quản giáo cũng đào ngũ luôn. Chuyện này đã gây chấn động lớn trong giới
công an đến độ tên thượng tá Đào Lưỡng, kẻ chỉ huy tổng quát các trại tù
Chí Hòa, Suối Máu, Hàm Tân và Tống Lê Chân (sau này coi luôn một số
trại ngoài miền Trung) phải cho nhân viên thân tín xuống điều tra nhưng
không hề tìm ra manh mối. Ban Giám Thị trại hầu như đều bị phạt dây
chuyền vì đã không quản lý tốt lẫn nhau, nhất là để cho hai tên đồng bọn
đào ngũ đem theo cả súng cá nhân... Nhung mua chuộc chúng bằng cách
nào? Vàng ư? Đào đâu ra vàng? Tên quản giáo hiện thời của đội 17 không
còn là tên Thường nữa. Thằng ấy đã đi phép về Bắc và nghe nói sẽ đi luôn
đến đơn vị mới. Quản giáo hiện thời của đội 17 là một anh chàng mập mạp
tên là Phú. Hầu như cả buổi lao động Phú ngồi lỳ trong nhà lo đọc
chưởng. Tay này phải nói là một tay mê đọc sách. Bọn Vĩnh không hiểu
trình độ văn hóa của hắn tới đâu, nhưng thấy hắn mê đọc sách đến độ lơi
là cả việc kiểm soát tù lao động, cũng thấy có cảm tình với hắn. Không
hiểu hắn có đọc tiểu sử tù hay không, bỗng một ngày quản giáo Phú gọi
Vĩnh vào nhà lô hỏi han chuyện trên trời dưới đất, sau cùng hỏi đến
chuyện sách báo miền Nam. Thấy Phú ăn nói tương đối biết điều, Vĩnh bấm
bụng đi một tràng tuyên truyền. Phú ngồi nghe say mê ra mặt. Hồi lâu,
Phú hỏi.
- Vậy tủ sách cá nhân của anh chắc cũng phải trăm quyển?
Vĩnh cười.
- Nói thật với cán bộ, sách của tôi trước khi cách
mạng cho phường đội vào tận nhà tịch thu, ít ra cũng phải ngàn quyển, đủ
loại.
- Tịch thu hết?
- Vâng, tịch thu hết!
Quản giáo Phú có vẻ tiếc rẻ. Sau cùng, hắn thở dài và an ủi Vĩnh một câu.
- Thôi anh cũng cứ lấy làm vui đi. Số sách ấy chẳng mất đâu. Để nhân dân làm chủ tập thể cũng tốt thôi...
Chẳng hiểu sao Vĩnh không cầm lòng được, anh nói toạc ra luôn.
- Cán bộ không biết đấy thôi! Nếu mà được nhân dân
làm chủ tôi đã chẳng lấy làm tiếc; đàng này, đám thanh niên thiếu nữ ở
phường đội đưa mấy xe ba gác đến tận nhà tôi, tự động gỡ hết các sách
trên kệ xuống và vứt vào một đống như cái núi giữa nhà. Sách rách bươm
hết. Sau đó họ hốt từng đống quăng lên xe ba gác như quăng đồ rác rưới.
Đi dọc đường đồng bào trong xóm chạy theo xin xỏ. Họ quăng đại cho mỗi
người ít cuốn để xe đỡ nặng. Tôi biết chắc đồng bào khu tôi ở chẳng ai
tiếc gì những quyển sách ấy mà giữ gìn. Buổi giao thời thiếu củi lửa, họ
xin mà nhóm bếp đấy thôi!
Từ đó, quản giáo Phú càng tỏ ra có cảm tình đặc
biệt với Vĩnh. Hắn hay gọi Vĩnh đến nói chuyện cho qua những giờ lao
động. Quả tình trong thâm tâm, Vĩnh rất ngại phải ngồi nói chuyện tay
đôi với bất cứ thằng cộng sản nào trong hoàn cảnh này. Trong lao tù,
phải nói rằng không có gì dễ gây ngộ nhận cho anh em bằng việc cứ thường
xuyên phải tiếp xúc với cai tù. Chẳng hiểu có lần nào Vĩnh tỏ một thái
độ khó chịu hay không, mà Phú có lần nói.
- Tôi thấy anh là người yếu nhất đội. Lại đang ho
ra máu. Ban y tế nơi đây lại không có chỗ nằm cho người bệnh lao... Thôi
thì ráng khắc phục vậy. Nói rồi Phú tươi cười. Để giúp đỡ riêng anh,
tôi cho phép anh lao động tùy sức... Khỏe thì làm, yếu thì nghỉ.
Thế rồi chả hiểu sao, sau một lúc suy nghĩ, Phú
nhìn Vĩnh, tiếp. Tôi hiểu các anh bất mãn nhiều với chế độ! Nhưng tôi
cũng nói để anh nghe, những điều họ đang làm hiện nay là đang phá nát
giấc mơ của bác (!?). Tôi bảo thật đấy. Giai đoạn này đúng ra cách mạng
đâu có cần chuyên chính triệt để như thế này nữa!...
Dù có kinh ngạc trước lời tâm sự ngang xương của
thằng cộng sản, Vĩnh cần thấy thương ngược cho tên quản giáo. Số nó u
tối thì đến chết vẫn u tối! Đến ngày nay nó vẫn tưởng bác Hồ của nó ghê
gớm lắm, nhân đạo lắm, tài ba lắm! Nó đâu có biết rằng già Hồ mà còn
sống, chưa chắc gì đất nước này đã có trại tù Hàm Tân mà là cái nghĩa
địa Hàm Tân không chừng!
Từ buổi đó, Phú cũng không kêu Vĩnh nói chuyện khơi khơi nữa.
Đang thơ thẩn cuốc đất và nhớ lại những ngày qua,
Vĩnh bỗng giật mình vì một tiếng gọi lớn từ con đường chạy giữa những
lũy tre và giòng suối.
- Anh Hà Thúc Sinh!
Vĩnh ngó ra con đường. Anh nhận ra người gọi mình
là Tân Dân. Dân đang đứng thở dốc bên một gánh rau rất nặng. Bên cạnh
Dân còn có một người bạn nữa cũng đứng thở dốc như Dân.
Vĩnh bước vài bước tới gần hàng rào tre, nói nhỏ.
- Làm gì đứng đây?
Dân vui vẻ.
- Sang khu A gánh rau về cho bếp bên đó anh! Anh khỏe không!
Vĩnh gật đầu.
Tân Dân mới biên chế sang khu B chừng ba tuần nay.
Trước Dân ở cùng nhà với Vĩnh. Dân chơi thân với Thương và Dũng. Thực
ra, hồi mới dời vào nhà 5 chính Dân là người nhận ra Vĩnh. Rồi nhờ đôi
ba câu chuyện. Dân kể lại một cách nồng nhiệt sau đó, Vĩnh mới biết rằng
đã có lần anh và Dân gặp nhau nơi cái quán cà phê cơm tấm đối diện với
tòa soạn báo Sóng Thần... Bẵng đi tám chín năm sau, Vĩnh và Dân lại gặp
nhau trong tù. Dân vẫn trẻ và... lùn như xưa, duy có gầy đi thật nhiều.
Quả tình Vĩnh không đi sâu lắm vào đời từ của Dân trong thời gian hai
người ở cùng nhà, nhưng qua lời kể, Vĩnh biết sơ qua tiểu sử của Dân có
vợ một con và nhà cửa ở Vũng Tàu. Dân bị bắt theo diện phục quốc, từng
bị giam ở Chí Hòa trước khi chuyển về đây. Dù sao đám ba tay trẻ ăn
chung với nhau là Thương, Dũng và Dân là một cái gì đáng lưu ý cho mọi
người. Ba người đều trầm tĩnh và ít nói trước tuổi. Ngồi ăn cơm với nhau
và ít khi thấy họ mở miệng cười đùa hay chuyện trò thân mật như những
đám khác. Ngoài Dũng và Thương đã có thành tích trốn trại, còn Dân thì
chưa thử lửa lần nào. Tuy nhiên, Vĩnh đoán biết thế nào cũng có ngày Dân
vượt ngục. Điều ước ao thầm của Vĩnh là đừng bao giờ Dân vượt ngục theo
cái kiểu điên rồ mà Dân từng hỏi ý Vĩnh trong một lần tắm dưới suối.
Liệu lúc mình tắm lên, tụi nó đang sơ hở, mình có thể phóng chạy vào bìa
rừng đàng kia không anh? Nghe Dân hỏi Vĩnh tưởng hắn đùa. Anh ước lượng
khoảng cách từ rừng buông tới bờ suối, đáp. Đạn AK nhất định nhanh hơn
đôi chân cậu!
Nghe Vĩnh nói, Tân Dân bỗng đăm chiêu và nói một câu thật nghiêm chỉnh.
- Sẽ có lần tôi thử xem cái nào nhanh hơn cái nào...
Sau đó Dân được chuyển sang phân khu B. Thỉnh
thoảng có lúc nằm nhớ tới Dân, nhớ tới tính tình của hắn và lời hắn nói,
Vĩnh không khỏi e ngại sẽ có ngày Dân chạy đua thử với độ nhanh của đạn
AK như hắn từng nói...
Giờ lại gặp Dân chỗ này. Hai người nhìn nhau chẳng
biết nói gì hơn. Dân và người bạn gánh rau đã ngồi bệt xuống lề đường.
Hình như họ chờ những người bạn khác từ phía sau. Vĩnh hỏi.
- Lấy rau từ đội nào vậy?
- Rau đội văn nghệ đó anh!
- Có gặp anh Nhật Bằng không?
Sở dĩ Vĩnh hỏi thế vì Vĩnh biết đội trưởng đội văn
nghệ kiêm canh tác rau xanh là nhạc sỹ Nhật Bằng. Hồi mới về đây, Vĩnh
có gặp anh ta một hai lần nhưng lâu nay không có dịp gặp lại. Vĩnh cũng
biết Nhật Bằng không ở tù theo diện trình diện cải tạo (dù anh là sỹ
quan cấp úy làm việc lâu năm cho đài phát thanh của cục tâm lý chiến).
Chẳng rõ vì lý do gì, theo lời anh kể, bọn công an thành đã Sài Gòn
xuống tận Biên Hòa bắt anh tại nhà. Về trại Hàm Tân, bọn giám thị đưa
anh vào đội văn nghệ và anh giữ chức đội trưởng đội này, dưới tay có một
ông tiến sỹ âm nhạc từng tốt nghiệp tại Nga, đã trốn qua tây phương và
chiêu hồi VNCH từ giữa thập niên 60.
Dân đã chui qua bụi tre, ngồi tụt vào một thế đất thấp ngay trước mặt Vĩnh. Hắn nói.
- Ngồi đại đây nói chuyện anh. Lâu nay có tin gì lạ không? Thằng Thương thằng Dũng có lao động gần đây không?
Vĩnh chỉ tay về phía những người tù đang đẩy xe cải tiến, nói.
- Hai thằng khỉ nó đang chạy xe cải tiến đầu ấy. Bên phân khu B lúc này ra sao?
- Cũng vậy thôi anh. Đang trong tình trạng dựng thêm nhiều dãy nhà ở nữa. Cũng tốt thôi! Nhưng nổi lửa đốt nó được thì tốt hơn!
Ngay lúc ấy Vĩnh phải chấm dứt câu chuyện. Đội phó Mai Văn Lễ đã tiến lại gần Vĩnh. Hắn nói khẽ.
- Vệ binh nhìn anh từ nãy đến giờ. Anh coi chừng họ cùm anh vì tội liên hệ linh tinh đấy.
Nghe một người lên tiếng báo động, Dân vội vàng
chui qua hàng rào ra đường và thúc người bạn đồng hành quang gánh lên
vai. Hắn chỉ giơ cao cái nón lá rách bươm lên ngoắc chào Vĩnh rồi cùng
người bạn gánh gánh rau bỏ đi. Theo lời yêu cầu khéo của đội phó, Vĩnh
quay trở lại chỗ có đông anh em đang cuốc xới những thế đất cao quá đầu
người.
Nhưng rồi Vĩnh chẳng cuốc thêm được mấy lát nữa thì
kẻng tập họp đã nổi lên. Khắp nơi, như những xác chết vùng sống dậy,
bọn tù đều nhanh chóng thu đồ nghề và kéo đến vị trí tập họp. Một ngày
kết thúc đem đến niềm vui khó tả cho bọn tù khổ sai vô hạn định như bọn
Vĩnh. Cũng như mọi ngày, trừ khi có một hiện tượng vi phạm nội quy trong
lao động quá rõ ràng đến độ quản giáo Phú không thể tránh khỏi chuyện
lên lớp, đội 17 thường là đội được dẫn ra suối tắm trước nhất. Quả thực
niềm vui nơi đây chỉ xảy ra khi một ngày sắp tàn. Vùng vẫy dưới suối
mươi mười lăm phút, cái mệt nhọc tích tụ trong ngày như trôi hết theo
giòng nước. Rồi kế đó trở về trại, nhận phần ăn, có gì thì xúm lại nấu
nướng với nhau một chút trước khi bị dồn hết vào chuồng. Đêm đến, chỗ
đàn địch, chỗ cờ tướng, chỗ domino, chỗ kể chuyện kiếm hiệp...
Vĩnh đứng tắm dưới suối và như mọi ngày, anh ngó
quang cảnh với mọi biến chuyển đang xảy ra chung quanh. Dù đã bao lần cố
gắng, chả hiểu sao Vĩnh không tài nào tham dự hay chia xẻ được tí niềm
vui vào một cuối ngày của anh em. Lòng Vĩnh cứ trơ ra như đá. Có lúc anh
Huy, với bản tính hay đùa giỡn, lặn từ xa đến nắm chân Vĩnh kéo mạnh
đến hụt hơi uống nước, Vĩnh vẫn không thể nào bắt được cái đà đùa giỡn
với các bạn. Nghĩ tới lúc về phòng, ngồi nhai bo bo với những cọng rau
muống già cỗi Vĩnh còn buồn hơn và thốt phát rùng mình. Những cọng rau
muống! Thật kinh khủng! Vĩnh chợt nhớ tới những buổi sáng, đám tù trực
lấy phân nhào đến các dãy cầu tiêu giành giật từng thùng phân để đổ vào
thùng của tổ mình. Những thùng phân ấy đầy ắp những hạt bo bo to gần
bằng hạt ngô, vẫn căng mọng, vẫn óng ánh màu vàng, an toàn trong lớp mày
dày như nylon dù nó đã trải qua một quá trình tiêu hóa trong bụng dạ
con người.
Những thùng phân bo bo ấy được cung cấp cho các đội
rau xanh lấy bón ao rau; nói bón cho đẹp đẽ, thực ra các đội rau xanh
đem rải lền khên xuống các ao rau và dù mưa nắng dập vùi cả tuần, hạt bo
bo vẫn chưa có dấu hiệu nào tiêu tán. Khi cơn mưa làm cho các ao rau
muống dâng nước lên, các hạt bo bo nổi lềnh bềnh và bám vào lá, vào thân
cây rau muống.
Mỗi ngày, đội rau xanh thu hoạch rau muống từ các
ao rau về cung cấp cho đội anh nuôi. Với không quá năm người được cắt cử
việc nhặt, rửa và luộc rau để cung cấp cho 1.600 khẩu phần; có ba đầu
sáu tay năm người ấy cũng không thể nào chấp hành công tác một cách vệ
sinh đầy đủ được. Từ chỗ thiếu vệ sinh vì phải làm thật nhanh cho kịp
giờ ấy, mỗi chiều, khi tổ trực xuống bếp nhận khẩu phần về phát lại cho
anh em, Vĩnh và các bạn ngồi trong bóng chiều nhá nhem lọt qua chấn song
của phòng giam khóa kín, chậm rãi nhai chén bo bo với những cọng rau
muống cũng dính những hạt bo bo như thế; tuy nhiên Vĩnh thừa biết những
hạt bo bo ấy đã từng bị trải qua nhiều lần tiêu hóa!
Dù sao chuyện ăn chưa đáng buồn bằng chuyện ngủ nơi
đây! Trảng Lớn và An Dưỡng dù sao còn được nằm trên nền xi măng của "Mỹ
ngụy" để lại! Suối Máu dù có phải trở về với truyền thống dân tộc kiểu
Hồ Chí Minh, nghĩa là nằm đất, nhưng cuộc đời coi vậy mà đỡ thê thảm.
Ngày nay sống dưới chế độ văn minh văn hóa kiểu công an, cuộc đời bọn tù
bước vào một bước ngoặt vĩ đại, ấy là ban đêm không chỉ phải đánh vật
với cơn buồn, mà còn phải đánh vật với ba kẻ thù khác nữa: Muỗi, chuột
và rệp!
Muỗi thì tương đối trị được khi bọn tù có mùng.
Chuột cũng trị được khi cả phòng không thiếu người thèm thịt. Riêng rệp
thì chịu thua! Chịu thua hoàn toàn! Rệp đã, trên thực tế, biến thành cơn
ác mộng của bọn tù trại Hàm Tân!
Nơi đây nằm sạp hai tầng. Sạp được làm bằng gỗ giác
(tức lớp gỗ vỏ được đội mộc của trại thải ra). Vì lâu ngày, gỗ giác
thấm mồ hôi của tù, cộng với không khí ẩm thấp của rừng buông, gỗ giác
bắt đầu sinh rệp. Đã nhiều chủ nhật, bọn tù tự phát động phong trào diệt
rệp, bằng cách nấu nước sôi đem đổ vào những kẽ ván. Bọn giám thị trại
cũng có lần cung cấp cho tù một ít bột DDT để dùng vào công tác diệt
rệp; tuy nhiên, sau những lần dội nước sôi hoặc rắc bột DDT, không hiểu
có phải làm như thế là tăng thêm độ nóng cần thiết cho hàng tỉ cái trứng
rệp nở ra hay không, mà rệp trong các phòng sinh sản còn dữ dội hơn
trước thập phần. Trước giờ ngủ, một trăm hai mươi người của mỗi dãy
phòng đều giở chăn chiếu mùng mền ra bắt rệp. Suốt ngày đi lao động,
phòng yên lặng và rệp tha hồ rúc vào những chăn những chiếu nằm mai phục
sẵn. Khi bọn tù mở ra, rệp bị giết hàng loạt. Có đêm, chỉ nội một cái
màn, Vĩnh bắt và giết chừng bốn mươi con rệp. Sáng ngủ dậy, vừa mở mắt
ra, trên đỉnh màn rệp đã bám đen như rải đậu. Có khác chăng là những con
rệp buổi sáng to hơn, đen hơn vì trong bụng chúng đều đã có chứa một
lượng máu người!
Rệp! Nỗi sợ rùng mình, cơn ác mộng khôn nguôi của
tù trại Hàm Tân, một thứ kẻ thù lỳ lợn, dai dẳng và hút máu mủ con người
bạo tàn không thua gì kẻ thù cộng sản. Có thể nói rệp là một thứ ký
sinh trùng có nhiều điểm giống cộng sản nhất, và người ta chỉ thực sự
diệt được nó khi có can đảm đốt hết, đốt sạch tất cả để rồi sẽ chấp nhận
làm lại tất cả.
Với hai cái ăn và ngủ nơi đây cũng làm cho người ta thấy cuộc đời "kém vui" rồi, đùa giỡn tươi cười thế nào được nữa!?
Tắm xong, Vĩnh leo lên bờ mặc quần áo và ngồi đợi
anh em. Đội trưởng Hùng bỗng xà tới chỗ Vĩnh ngồi, kể lể đôi ba câu
chuyện. Anh ta lôi cái điếu cầy đặt bên hông ra và bật lửa kéo một điếu.
Vĩnh cũng kéo ké một hơi. Hùng lùng bùng than thở mấy chuyện xảy ra
trong đội, nào là Lê Văn Tầm mất tư cách quá, nào là đám Hòa Danh Tuyến
lúc này đêm nào cũng hòa tấu nhạc vàng, nào là trong nay mai Hùng có thể
sẽ được sang đội khác để được sinh hoạt hợp với tuổi tác của anh ta
hơn... Trong những câu chuyện kể lan man của Hùng, có một câu chuyện
Vĩnh lưu ý nhất. Khi trưa, Ban Giám Thị trại có bắt giữ mấy người dân từ
ngoài quốc lộ mò vào đào xới ăn cắp khoai mì. Tệ hại hơn, những cuốc
xẻng mấy người dân này sử dụng đều được nhận diện là cuốc xẻng của trại
từng bị đánh cắp. Nghe nói qua lời khai của những người bị bắt, có một
số cán bộ trại bị liên lụy vì chính họ đã ăn cắp dụng cụ sản xuất của
trại, bán rẻ cho nhân dân bên ngoài lấy tiền bỏ túi...
No comments:
Post a Comment