Trong sự xuyên tạc ấy, tuy nhiên, có một điều đau đớn nhất đó là việc
kẻ thù lại nói khá đúng về bọn lãnh tụ cá mập, bọn chính khách hoạt
đầu, bọn tướng lãnh đê hèn chưa đánh đã bỏ chạy. Chúng nói thế nào về
bọn lãnh tụ cá mập? – Là bọn ăn cắp, bọn lưu manh, bọn huyênh hoang, bọn
lì lợm, bọn vô lương tâm. Chúng nói thế nào về bọn chính khách hoạt
đầu? – Là bọn Việt gian, bọn tưởng bở lập lờ thỏa hiệp, bọn trí thức
bằng cấp ngập tới răng nhưng đụng trận thực tế ngu hơn con bò. Chúng nói
thế nào về bọn tướng lãnh chưa đánh đã bỏ chạy? – Là bọn cướp có môn
bài, hiếp dâm có giấy phép; bọn mà tư cách và danh dự của một quân nhân
còn thua cả một anh tân binh quân dịch!
Hỡi ơi, điểm này kẻ thù đã nói gần như y chang, cãi thế nào được!?
Nhưng điều mà kẻ thù đã nói về những người ở lại để chiến đấu, để còn nước còn tát, để không tự hổ với lòng mình rằng mình là thằng chỉ huy bỏ rơi đơn vị, bỏ rơi em út chạy lấy thân; thì kẻ thù đã xuyên tạc như thế nào? Chúng đã đề quyết rằng họ là những người liều thân giữ của, tiếc vợ năm vợ bảy, bọn ếch ngồi đáy giếng vì trình độ chưa… đọc nổi chữ in!
Chao ôi là cay đắng!
Cái thủa ban đầu, với sự tự tôn mặc cảm, việc trả thù coi vậy mà còn nhẹ tay. Nhưng thời gian trôi qua, ôi thời gian, tên chỉ điểm đốn mạt nhất, đã tố giác với chúng con người thật với giá trị thật của bọn sa cơ thất thế! Và khi biết rằng sự thật không phải bọn “ngụy” là bọn có trình độ không đọc nổi chữ in như lời Đảng tuyên truyền xuyên tạc nhiều chục năm, mà khác, khác xa như thế nhiều lắm, khác đến độ đời thằng cai tù có sống thêm mấy kiếp nữa cũng chẳng thể đuổi bắt kịp những giá trị sống mà bọn tù đã được sở hữu; sự tự tôn mặc cảm từ đó dần dần chuyển hóa thành sự tự ti mặc cảm. Bọn tù bắt đầu khốn nạn thật sự trước cái mặc cảm mới này của bọn cai tù!…
Khi các trại cải tạo với tình hình đã tương đối ổn định và đi vào nề nếp nói theo ngôn ngữ của các cai tù, thì chúng cũng bắt đầu được đi phép Sài Gòn hoặc những thành phố lớn lân cận để biết ra rằng cái nón cối và đôi dép râu quả là một chướng ngại ghê gớm trong việc ăn mày tình cảm của người dân miền Nam. Đây là những lần đầu tiên trong đời, nhiều kẻ biết được mùi tủ kính của các cửa hiệu, hoặc được dịp đếm mỏi cổ những tầng nhà cao ốc, được biết mùi “cà phê cái nồi ngồi trên cái cốc”, được dịp lùng mua cho bằng được một cái đồng hồ Seiko “có cửa sổ, không người lái, có đèn nháy và chạy cả năm”, được há hốc những cái mồm răng vẩu nhìn người đẹp thành thị miền Nam thướt tha yêu kiều, dù bây giờ họ có vẻ hơi lười biếng cười đùa, nhưng ô kìa! họ biết lái cả “ô-tô con” và “xe bình bịch” nữa chứ!
Vâng, bọn cán binh Việt cộng từ rừng rú được trực tiếp đưa vào làm cai tù trong các trại giam cũng trong rừng rú, sau những lần đi phép đã bắt đầu được nhìn thấy một phần sự thật về miền Nam, về con người Tự Do ở miền Nam. Trong cái đầu dày đặc đêm tối của sự cuồng tín ấy, liệu chúng có nảy ra tí so sánh nào giữa thực thể của hai miền Nam Bắc không? Có khởi sự nghi ngờ về những lời tuyên truyền nhồi sọ xuyên tạc miền Nam kéo dài mấy chục năm trời từ bọn lãnh tụ của chúng hay không? – Có thánh mà biết được, khi cửa mồm của chúng đã biến thành một cái máy nói dối tự động dù bất cứ ở đâu với bất cứ ai về bất cứ một vấn đề gì.
Ngoài Bắc ư? Cái gì cũng có, cũng to, cũng tốt cả!
– Có TV không?
– Ồ, có chứ! Chạy đầy đường
– Có máy lạnh không?
– Gắn đầy công viên!
– Có cà rem không?
– Ồ, thu hoạch ăn không hết phải đem phơi khô xuất khẩu!
Nếu viết hết ra những câu đối thoại trong một cuộc hạnh ngộ nào đó giữa hai người thuộc hai chế độ Quốc Cộng ở Việt Nam vào giai đoạn sau 30 tháng 4 năm 1975 có thể lên tới hàng chục nghìn. Và nếu như những mẩu đối thoại ấy được cắt riêng ra, được đem dịch sang một thứ tiếng khác cho người ngoại quốc đọc hẳn họ sẽ điên lên mà kết luận rằng thằng dịch giả này là một thằng bố láo, hoặc đó là những mẩu đối thoại mà kẻ trả lời chắc chắn điếc một trăm phần trăm!
Tự ti mặc cảm, một hậu quả tất yếu và phổ quát cho những kẻ có lồng ngực giam hãm một quả tim lạc hậu hèn kém, được che dấu bởi một bộ mặt Cách mạng tiên tiến. Cộng sản, dù là Cộng sản Tây Cộng sản ta, Cộng sản Nga Cộng sản Tàu; hãy mổ ngực chúng ra mà xem, quả tim triệu thằng như một.
Chúng không mặc cảm sao được khi mà chúng đã biết quá rõ mình cầm bằng thua địch thủ mọi mặt dẫu nay địch thủ đã sa cơ thất thế, không do yếu kém mà do nhiều nguyên ủy sâu xa không phải là chúng không biết.
Một trang nhật ký có lẽ bị xé vội vã và dùng lầm chỗ của tay thượng úy trại trưởng L4T3 đã bị bọn tù đi dọn cầu tiêu trên ban chỉ huy nhặt được. Trang nhật ký viết: “… Ba mươi năm theo Đảng, Đảng đã trang bị cho tôi những gì? Phải chăng chỉ có một kiến thức thua cả một thằng lính ngụy, một đời sống kinh tế không bằng một anh phu xe trong xã hội đối phương…!?”
Chỉ hai mươi bốn tiếng sau đó nội dung và tác giả của trang nhật ký được lan truyền rộng rãi khắp trại. Bọn cán bộ trại điên đầu. Và kẻ điên đầu nhất có lẽ là tên thủ trưởng. Chúng lồng lộn truy tìm tác giả của cái tin “xuyên tạc” ấy. Tìm mãi không ra, biện pháp duy nhất là… trừng trị tập thể. Chúng ra tay quần thảo bọn tù gần chết với những công tác lao động khổ sai, với những lời mạt sát thậm tệ. Để trả đũa, bọn tù không còn vũ khí nào khác hơn là sự châm biếm. Giai đoạn này sản sinh vô số chuyện châm biếm sự ngu dốt của cai tù do tù sáng tác. Vẻ huyênh hoang của bọn cai tù Cộng sản ngày đêm bị những bầy ong vô hình châm chích túi bụi. Chúng bắt đầu rút vào thế thủ nhưng bầy ong châm biếm của bọn tù vẫn gia tăng.
Châm biếm càng gia tăng thì sự thù hận của những kẻ tự ti mặc cảm càng dâng cao.
Thù hận càng dâng cao thì chúng càng siết chặt hơn mọi thứ. Và sau cùng, nghệ thuật siết tuyệt vời nhất của Cộng sản vẫn là: Ông cho chúng mày đói xem chúng mày còn châm biếm được nữa hay không?
Kể từ sau đợt học tập chính trị vào cuối năm 1975 thì tù cải tạo tại trại L4T3 thực sự bắt đầu lê lết vì đói. Theo lý thuyết mỗi người có trực tiếp tham gia lao động được hưởng mỗi ngày 500 grs gạo. Ai bệnh ăn cháo. Tuy nhiên, trên thực tế mỗi bữa mỗi người chỉ được phát trên dưới hai bát cơm nhỏ nấu bằng loại gạo đã chôn dấu nhiều năm trong các mật khu giờ đã mục mọt gần hết. Khẩu phần có thể được phát kèm thêm dăm ba cọng rau muống, hoặc miếng bí ngô luộc bằng hai đốt ngón tay, hoặc miếng củ cải luộc, thêm tí nước muối đen như nước cống. Chất béo và chất ngọt tuyệt nhiên đã bị cắt hẳn ngay từ tháng thứ hai.
Trong khi bọn cán binh Cộng sản bắt đầu đạt được giấc mộng lớn của chúng là có thằng đã có xe đạp cỡi chơi, có đồng hồ đeo tay, có tí kính râm đeo mắt trông y như một lũ thầy bói; thì cũng là lúc lũ tù cải tạo bắt đầu phù thũng và kiết lỵ.
Ôi thật là một hỏa ngục trần gian! Một khối 120 người kiết lỵ hết 50 người. Với 70 người còn lại thì hết 40 người phù thũng. Kiết lỵ bò trên đất. Phù thũng cõng kiết lỵ. Kiết lỵ làm bậy luôn trên lưng phù thũng. Phù lủng lây kiết lỵ. Một khối 120 người giờ đây hết 90 người vừa phù thũng vừa kiết lỵ. Hai mươi người còn lại đều thấp thỏm chờ con ma kiết lỵ hỏi thăm bất cứ lúc nào. Riêng 10 thằng chưa được kể tới chính là những thằng may mắn nhất vì đã được Cách mạng cho… chôn có hòm!
Dù bệnh tật, nhưng nếu chưa da bọc xương, chưa đến độ ruồi bâu không thèm đuổi thì vẫn phải thi công lao động như thường. Nằm lỳ ở nhà ư? Đâu có dễ như vậy! Vả lại chưa chết thì thôi, ai lại nỡ để bạn bè suốt ngày lao động quần quật, đêm về lại phải theo lệnh quản giáo đốt đèn lên để phân tích, mổ xẻ, đấu tranh giúp đỡ mình, bắt mình phải khắc phục những khuyết điểm chai lười lao động còn tồn tại, buộc mình phải đề ra phương hướng mới, phải phấn đấu học tập lao động để sớm trở nên người công dân lương thiện… Cái đức tính “gan lì ỳ ẩu”, nói cho cùng, khó mà thi thố nổi trong trại tù cải tạo của Cộng sản.
Nói chung chưa chết thì vẫn phải tham gia lao động. Người khỏe thì đi phát quang, đi phá nền nhà, đi đào ao đào giếng, đi xây dựng các doanh trại cho bộ đội, đi khuân đạn… Người yếu bệnh thì đấy, cả một phi trường bao la đấy, cứ việc ngồi một chỗ, tay cầm đục tay cầm búa để đục xuyên qua những lớp nhựa cứng, tạo những lỗ đủ sâu đủ rộng cho một gốc bí ngô. Chỉ tiêu cho người bệnh đào đất trồng bí ngô theo quy hoạch của trung đoàn không nhiều lắm, hai mươi lỗ mỗi ngày và ngồi dưới trời nắng Tây Ninh từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa rồi từ 1 giờ trưa đến 6 giờ chiều. Có nhiều khi ngồi luôn từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều nếu làm việc thông tầm…
Trong khi đi lao động như thế, bọn tù từ mạnh đến yếu đã đi với phong thái thế nào? – Một con mắt thì rình rập xem có con cóc con nhái nào không, con mắt kia thì dáo dác lo tìm mớ cỏ mực, cỏ hôi, cỏ cứt lợn hoặc vú sữa đất đem về sắc cho nhau uống chữa bệnh kiết lỵ.
Trong lúc ấy ở tại trại, tổ anh nuôi điên lên trước lũ chiến hữu phù thũng. Mặt đứa nào đứa nấy trông như những quả dưa bở chín rục, chân tay bụ bẫm cứ như những cái xác chết trôi 3 ngày, đang xếp hàng dài trước bếp đợi xin chút nước vo gạo về uống với hy vọng mong manh tí chất cám có thể cứu nổi căn bệnh phù trầm kha. Nhìn đám phù thũng xếp hàng xin nước vo gạo làm nhiều người lớn tuổi nhớ đến lũ ốm đói 45 xếp hàng trước các nhà chung chờ nắm cơm phát chẩn!
Chính sách để cho phù thũng kiết lỵ đòi nợ máu giùm cho nhân dân đã được xét lại khi trực trùng Amibe bắt đầu ghé hỏi thăm luôn bọn cán binh Việt Cộng. Chúng bắt đầu buộc phải phát thuốc cho tù khi đã có vài thằng bộ đội lây bệnh của tù về bên kia thế giới đi tìm thăm Bác. Ông Tuyên, tù nhân bác sỹ, người được bọn quân y tiểu đoàn giao trọng trách bảo vệ sức khỏe cho anh em, mỗi buổi sáng lên phòng phát thuốc tiểu đoàn đem về vài chục viên Granidan và một ly cối thuốc nước B1 không biết được chế bằng chất gì mà vàng đục như nước tiểu. Tù nhân kiêm bệnh nhân từng khối, trước giờ xuất quân đi lao động, xếp hàng dài để được bác sỹ Tuyên đặt vào miệng một viên Granidan nếu kiết lỵ được nhấp chút B1 nếu phù thũng. Từ xa ngó tới, nhìn vẻ kính cẩn thành khẩn của người phát thuốc lẫn người nhận thuốc, người ta có thể tưởng lầm đó là quang cảnh một lễ Misa ngoài trời, và vị linh mục đang cho những con chiên ngoan đạo chịu Mình và Máu thánh chúa!
Tuy nhiên một viên Granidan và vài giọt B1 làm sao trị nổi chứng bệnh kiết lỵ và phù thũng lúc nó đã trở thành trầm kha!?
Hình như Cộng sản chỉ có một hành động công bằng duy nhất và không nặng tính giai cấp cho lắm (đương nhiên phải trừ giai cấp lãnh đạo và cán bộ ra!), đó là sự mai táng có tính cách dập vùi cho xong chuyện đối với tù và cả bọn vệ binh coi tù. Thân xác sẽ được trở về với cát bụi nơi một bìa rừng hay một cánh đồng hoang nào đó và thân nhân sẽ không bao giờ được thông báo. Vợ sẽ suốt đời chờ chồng. Mẹ sẽ suốt đời chờ con. Anh sẽ suốt đời chờ em. Khốn khổ thay cho những người còn sống ấy. Họ cứ mỏi mòn chờ mà đâu biết rằng sự chờ đợi của họ là một việc làm vô ích nhất trong những việc vô ích ở trần gian!
Thuốc của Bác của Đảng coi như đổ sông đổ biển. Bọn đầu não Việt cộng chắc hẳn đã được báo cáo rất kỹ cái việc lợi bất cập hại khi để mặc cho trực trùng Amibe hành hạ bọn tù. Thế là một chính sách mới ra đời: Chính sách gửi quà.
Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa giàu mạnh muôn năm đã phải gián tiếp cầu cứu gia đình bọn “ngụy” gửi thuốc vào chữa cho thân nhân của họ, để tránh cho chúng khỏi bị chết lây. Chính sách gửi quà của chúng dĩ nhiên cũng được mang một chiêu bài thật đẹp đẽ như mọi chiêu bài khác: Để thể hiện sự khoan hồng nhân đạo của Cách mạng, Cách mạng cho phép gia đình các cải tạo viên gửi đến thân nhân đang học tập cải tạo mỗi người 3 kgs quà và thuốc men…
Tuy nhiên, chính sách gửi quà ra đời cũng không giản dị vào ngon ơ cho bọn tù! Trước khi được gửi thư về gia đình để báo tin được phép gửi quà, bọn tù phải trải qua nhiều tai kiếp. Tai kiếp đầu tiên là phải trải qua một thời gian học tập thảo luận gù lưng những nội quy quy định cho việc viết thư báo tin về nhà. Sau đó còn phải làm bài thu hoạch và làm những bản cam kết…
Bốn ngày trời học tập trôi qua, rốt cuộc cũng chỉ xoay quanh mấy điểm:
1. Quà không được gửi quá 3 kgs.
2. Thư viết về phải nói những gì có lợi cho Cách mạng, cho gia đình và cho bản thân. Đặc biệt phải ngắn gọn trong vòng một trang để quản giáo không mất quá nhiều thì giờ cho việc đọc kiểm duyệt.
3. Tuyệt đối không được viết tiếng nước ngoài, không được tiết lộ địa điểm đang học tập, không được kêu ca, không được dùng các ám hiệu dưới bất cứ hình thức nào. Tên các loại thuốc tây phải phiên âm sang tiếng Việt để sự kiểm duyệt của quản giáo được dễ dàng.
Những ngày kế tiếp, bọn tù bò lê ra để tập viết những bức thư kêu cứu gửi về gia đình bằng ngôn ngữ của Cách mạng. Ngoài bìa thư, nơi địa chỉ người gửi chỉ được ghi vỏn vẹn một bí số “Hòm thư L4T3”.
Khi thư được thu nộp lên quản giáo rồi thì tai kiếp kế tiếp cũng bắt đầu xảy ra cho tất cả các khối! Dù thế nào, những người có kinh nghiệm về xã hội Cộng sản đều có thể đồng ý với nhau về một điểm, rằng chốn lao tù trong xã hội Cộng sản là một môi trường lý tưởng nhất cho sự phát triển cùng cực mọi bản năng thấp kém của con người. Trong điều kiện sống bị o ép tối đa về tất cả các mặt, bọn cán bộ của chế độ đã biết khai thác và xử dụng một lưng cơm, một chén cháo, cao hơn một chút nữa là một lời hứa được… nhận nhiều hơn 3 kgs quà… như một tuyệt chiêu để lũ tù tự động ra tay sát hại lẫn nhau.
L4T3, khối 2, lại một lần nữa khốn khổ về hệ thống ăng-ten của thằng Ba Tô! Mỗi ngày đi lao động về, nó mắc cái võng nằm ngay hông phòng, nơi có thể quan sát được cả phòng ngủ lẫn nhà bếp và nhiều xó xỉnh khác nữa thuộc phạm vi khối 2. Không một lời nói, một hành động khác thường nào của người trong phòng mà quản giáo Cư không được phúc trình đầy đủ. Dĩ nhiên chưa ai nhìn thấy hậu quả của những người bị báo cáo, nhưng có một điều chắc chắn thư của họ sẽ không được đem ra ngoài bưu điện Tây Ninh, mà được dùng làm đóm hoặc giấy chùi đít cho lũ vệ binh trên tiểu đoàn!
Với riêng Vĩnh, thế sự thăng trầm lúc này coi như bỏ ngoài tai. Chẳng còn gì làm Vĩnh phải bận tâm hay sợ hãi. Đúng hơn, Vĩnh đang biến thành một thứ mà ai cũng sợ hãi, kể cả thằng Ba Tô với mấy thằng râu ria ẩn mặt của nó. Anh đang giữ chức quán quân về bệnh tật của khối 2 nói riêng và có thể của cả L4T3 nói chung. Ngoài bệnh bao tử vốn là chỗ cố tri, bệnh ghẻ không trầm trọng như nhiều người khác nhưng phù thũng và kiết lỵ thì vô địch, chưa kể thêm bệnh sạn thận hành hạ chết ngất nhiều phen. Niềm hy vọng của Vĩnh hiện nay là mong ngóng chiều chiều bạn bè đi lao động về kiếm giùm cho mớ lá hoa cành củ bậy bạ sắc uống. Nguyễn Thành Đính đi lao động trên trung đoàn cậy được một miếng vỏ cay hoa Đại già đem về cho Vĩnh sắc uống chữa bệnh sạn thận. Nước vỏ Đại đắng không thua bồ hòn. Uống vào ruột gan tê dại. Anh em ai cũng khuyên thuốc đắng dã tật, nhưng uống năm lần bảy lượt đái ra máu vẫn hoàn đái ra máu! Sau một cơn đau thừa sống thiếu chết Vĩnh mới tiểu ra được một viên sạn to bằng nửa hạt ngô thì bắt đầu dính kiết lỵ!
Kinh nghiệm trong tù cho thấy những người bị kiết lỵ càng về sau càng nặng. Và những anh to con lại là những anh bị con Amibe vật nhanh và thê thảm hơn ai hết. Điển hình là một tay cận vệ của tổng thống Thiệu bên khối 3. Hắn to và đẹp trai như Nguyễn Công Án, sức lao dộng bằng ba và sức ăn phải bằng năm người thường; thế nhưng chỉ hai ngày kiết lỵ, con ma Amibe vật chết tươi không cách gì cứu nổi. Hoặc giả anh chàng Phan Lâm cũng bên khối 3. Hắn có sức nặng ít lắm cũng phải 80 kgs. Hơn nửa năm tù có hao hụt thì giờ này cũng phải còn 70 kgs. Lâm bị kiết lỵ và cũng chỉ hai ngày sau hắn nhão ra như một cái mền rách. Vĩnh không thể nào quên được hình ảnh vài người bạn, trong đó có Nguyễn Đình Tạc với vóc dáng chẳng thua Phan Lâm là bao nhiêu, xúm lại xốc Lâm lên và khênh ra cầu tiêu. Xong việc lại khênh Lâm về. Cứ thế đi rồi về, về rồi đi cho đến lúc chẳng còn ai khênh nổi nữa và để mặc cho Lâm ngồi suốt ngày trên một cái thùng đạn kê ngoài hiên nhà…
Vĩnh không to con như Phan Lâm, không cốt-xì-tô như cận vệ của ông Thiệu nhưng như thế không có nghĩa là không khốn nạn thê thảm trước con ma cà rồng kiết lỵ. Chao ôi! mỗi ngày chạy ra cầu khoảng bốn chục lần; chạy riết để sau cùng không còn chạy nổi nữa và anh em phải mắc cho Vĩnh một cái võng ngoài vườn bên cạnh vài tay kiết lỵ trầm kha khác. Nằm trên võng ngó trời ngó đất qua những nhánh cây, Vĩnh không nghĩ tới cái chết cũng không nghĩ tới gia đình, chẳng tủi thân tủi phận mà cũng chẳng thèm uất hận như thủa ban đầu; Vĩnh nằm nghĩ tới những đề tài đang viết, viết trong óc và học thuộc lòng trong tim. Mỗi ngày hai bữa Nguyễn Thành Đính nhận giùm phần cháo đem ra cho Vĩnh. Anh không muốn ăn. Một phần sự tiêu chảy khủng khiếp đã làm mọi cơ phận trong người tê dại, kể cả bao tử, cơ quan chính đẻ ra cái đói; một phần Ngô Văn Tuyên suốt ngày bắt Vĩnh uống những lon nước sắc bằng cỏ hôi vừa tanh vừa lợm, lắm khi anh còn bắt Vĩnh ăn cả bã với hy vọng món thuốc dân tộc kiểu bác Hồ này có thể cứu Vĩnh khỏi thần chết. Hai bát cháo có tí muối trắng, do đó, cao lắm chỉ đổ được vào miệng Vĩnh vài thìa để làm vốn cho sự tiêu chảy triền miên.
Chiều chiều đôi lúc có một vài người bạn ghé thăm. Vĩnh không buồn trò chuyện. Cũng có một vài người thương Vĩnh, chạy đôn chạy đáo trao đổi đủ thứ để mong kiếm được cho Vĩnh ít viên thuốc đau bụng. Một buổi chiều Tuyên đem đến cho Vĩnh bốn viên Chloroquine – loại thuốc sốt rét cực mạnh của Mỹ – và khuyên Vĩnh uống.
Vĩnh thều thào.
– Thuốc sốt rét mà. Tôi có sốt rét đâu.
Tuyên buồn rầu.
– Tôi biết! Nhưng tôi đã quan sát thấy nhiều tay uống vài viên thôi mà kiết lỵ giảm hẳn…
– Vô lý quá!
– Đồng ý, nhưng làm sao được bây giờ! Có thể trong Chloroquine có một chất gì đó diệt được Amibe mà tôi không rõ. Có điều uống vừa thôi, uống quá lố nguy hiểm.
Như để cho Vĩnh vững tin hơn, Tuyên thêm. Tôi có check với xừ Nhuận và lũy cũng nói có thể trong Chloroquine có kháng chất đối với Amibe…
Nghe thấy Tuyên nhắc tới tên dược sỹ Nhuận, Vĩnh thấy trong lòng kém vui nhưng không nói ra. Anh không quá ghét Nhuận nhưng từ ngày nghe Nhuận đọc bản tự khai trước khối, đã gọi phụ mẫu như là một thứ chuyên nghề “bóc lột nhân dân”, khiến Vĩnh và một số anh em khác không muốn giao du với Nhuận nữa. Vĩnh lặng lẽ cầm lấy mấy viên thuốc từ tay Tuyên, ngẫm nghĩ giây lát rồi cho một viên vào miệng, chiêu với một ngụm nước cỏ hôi đựng trong cái long guigoz do Tuyên trao cho.
Thấy Vĩnh đã uống thuốc, Tuyên đứng lên. Anh ngó Vĩnh trấn an. Ông cứ yên tâm. Từ sáng đến giờ mới có hai mươi lần, như vậy là số lần đi cầu đã giảm xuống quá nửa so với mấy ngày qua. Tôi có thể bảo đảm với ông rằng ông sẽ là một trong những người được nhận quà đầu tiên. Émitine, Néomycine tới tay là bỏ bố lũ Amibe chứ khó gì đâu…
Vĩnh không bận tâm lắm đến câu trấn an của Tuyên. Anh kéo tấm vải đắp lên sát ngực, lắng nghe một người bạn nằm võng kế cận đang nặng nề tụt xuống khỏi võng. Ngô Văn Tuyên chạy lại tiếp hắn một tay. Tiếng mông người rơi cái phịch trên một thùng đạn dùng làm bô không còn nghe đau đớn, tiếp theo đó là tiếng của máu trong ruột sủi ra, giục giã, cồn cào, xót xa và nhanh gọn…
Tiếng anh bạn khẽ cất lên.
– Giúp tôi lên võng được rồi.
Tiếng Tuyên ngần ngại hỏi.
– Không chùi à?
Giọng người bạn chán nản trả lời.
– Sáu bảy chục lần một ngày thở không ra hơi, chùi làm gì nữa!
Vĩnh dần dần thiếp vào giấc ngủ. Dĩ vãng lại trôi qua đầu anh, rõ ràng và minh bạch… Các anh là bọn ngu dốt không đọc nổi chữ in… Thằng kia, mày cười Cách mạng cái gì?… Anh mới 30 tuổi mà sao ngụy nó cho anh in nhiều sách thế?… Uống đi, uống đi! Cỏ hôi và vú sữa đất là thuốc dân tộc. Cách mạng bao năm sống trong rừng rú đã toàn nhờ nó mà khỏi…
No comments:
Post a Comment