Tuesday, December 20, 2022

66- Đại học Máu: Trại Hàm Tân 9/78-2/80 – Chương 66

Có lẽ chỉ Vĩnh và một vài người khác có đủ dữ kiện đoán biết rằng, lần vượt ngục hồi tháng Năm của Tân Dân và Dũng có hẹn hò trước với nhau. Cuộc vượt ngục ấy đã thất bại thê thảm bằng kết quả Tân Dân bị bắn chết. Dân đã làm đúng như lời anh từng nói với Vĩnh: Sẽ có lần tôi chạy thử xem tôi và đạn AK cái nào nhanh hơn cái nào! Riêng Dũng của đội 17 bị bắt ngay chiều hôm ấy, bắt tại dòng suối! Khi đội trưởng Lễ phát hiện ra Dũng vắng mặt, Dũng đang còn ngậm một cái ống tre và lẩn trốn dưới đáy một vực nước sâu. Việc ngậm ống sậy hay ống tre để nằm trốn dưới nước chỉ xảy ra một cách an toàn và dễ dàng trên phim ảnh, còn thực tế khác hẳn! Chỉ ít phút sau khi đội 17 rời địa điểm trở về trại, bọn an ninh hiện trường đã lùng kiếm và bắt gặp Dũng trồi đầu lên thở…


Dũng bị đánh đập thê thảm và bị nhốt cachot tính đến nay đã non hai tháng trời. Trong non hai tháng vừa qua, trừ những người đang nằm cachot là không có gì thay đổi, còn bên ngoài thì khác; thêm hai cuộc trốn trại khác đã xảy ra, trốn ngay từ trong trại trốn ra vào những giờ khắc tinh sương, khi các cửa phòng vừa được mở cho tù ra ngoài đánh răng xúc miệng. Hai cuộc trốn trại này đều thoát cả, và đó là lý do ban chỉ huy trại mở một chiến dịch lớn nhằm dựng lại tất cả hệ thống hàng rào trong trại, đồng thời hạn chế tối đa việc được thong thả đi lại của bọn tù.

Từ trước, cứ mỗi hai dãy nhà lại được vây quanh bằng những cọc tre khô trồng đan mắt cáo vào nhau. Hiện nay, tất cả những cọc tre khô ấy đều đã được thay thế bằng hàng rào thép gai đan thật dày trên những cọc sắt vững chắc. Việc đi lại ngoài sân trại sau những giờ lao động về đã bị cấm hoàn toàn. Mọi sinh hoạt đi lại chỉ có thể xảy ra trong phạm vi hàng rào nhỏ của mỗi khu. Đặc biệt hơn, riêng khu 1 và khu 2, hàng rào thép gai còn được đan dày hơn và việc di chuyển còn ngặt nghèo hơn. Đối với tất cả các khu khác, dù không còn được đi lại ngoài sân chính của trại, nhưng trước giờ tập họp đi lao động, họ được phép đi xuống bệnh xá khai bệnh tỉ như có bệnh. Còn khu 1 và 2 tuyệt đối không được cái ân huệ đó. Trước khi tập họp đi lao động, buổi sáng và buổi trưa, ban y tế (cũng là tù với nhau và được cầm đầu bởi một anh y tá gốc hồi chánh) sẽ xuống tận từng khu khám bệnh cho người khai bệnh. Thường thì chúng khám lấy lệ và bắt đi lao động hết theo lệnh ngầm của Ban Giám Thị, trừ những trường hợp đau liệt hai năm rõ mười.

Vì đâu có sự gắt gao đặc biệt này? Thật giản dị! Chính khu 1 và khu 2 là những nơi xuất phát ra mọi cuộc trốn trại. Những đội nổi tiếng nhất đương thời là đội 17, 45, 13, 25… Đây là những đội mà Ban Giám Thị thường tuyên bố thẳng thừng chỉ gồm những kẻ phản động nhất… Vì những lý do trên, cho dù trong non hai tháng qua đã có một cuộc chuyển đổi nhân sự giữa các đội với nhau, các đội nói bên trên nhân sự vẫn hầu như không có gì thay đổi; nếu có thay đổi chăng là đổi đội 17 từ nhà 5 sang nhà 4, đội 45 từ nhà 2 sang nhà 3 hoặc đội 25 từ nhà 3 sang nhà 5… Sự thay đổi này dù chẳng có gì lớn lao hay mới lạ, nhưng ít nhất cũng giúp Vĩnh biết được một vài người mà ở ngoài đời chưa chắc gì Vĩnh đã có dịp làm quen.

Chẳng hạn làm sao trước kia Vĩnh biết được ông cụ Hoàng Kim Quy là tay nghiện thuốc phiện nặng? Và mỗi lần hút thuốc lào, ông ấy đã phải sửa soạn đến mười phút đồng hồ? Nhất là, sau một lần được thăm, trong cái tình lối xóm nằm gần nhau, Vĩnh biếu ông cụ một khúc cơm nắm với mấy miếng giò kho; con người từng là một tỉ phú tăm tiếng đã thốt lên một câu nói mà có lẽ suốt đời Vĩnh khó quên.

– Cám ơn ông. Bây giờ tôi mới thấy Vũ Trọng Phụng nói đúng, đúng lắm: Sống trên đời không còn gì sướng hơn là được ăn cơm!

Hoặc giả làm gì Vĩnh có dịp tìm ra được cái định đề cho riêng mình: Sướng và khổ cho một con người hoàn toàn tùy thuộc vào lề lối sống của con người đó! Định đề ấy nẩy sinh khi Vĩnh đã nhìn thấy tận mắt ông dân biểu triệu phú Trần Quý Phong trúng đòn “Thiên Địa Đồng Thọ” của một thằng du đãng, chỉ vì ông không chịu hòa mình với đám đông, nhất là không hiểu ra cái ý nghĩa tuyệt vời của sự chia xẻ. Ông Phong đã từ chối vài thìa muối hay đường gì đó với thằng tù hình sự nằm bên cạnh khi nó xin ông. Thế là, cứ mỗi khi nằm nhìn lên đầu chỗ nằm, thấy những bao quà đồ sộ của ông Phong, thằng du đãng đâm ức và đâm thù ông. Và mối thù của một thằng có máu giang hồ một khi lên tới cao điểm, thì nhất định nó sẽ “chén sành đổi chén kiểu xem thằng nào thiệt cho biết!”. Thằng du đãng đã dàn cảnh một cuộc trốn trại và cố tình để cho giám thị bắt lại. Khi cung khai, nó đã nói rằng nó được ông cựu dân biểu “ngụy” cung cấp phương tiện đồ ăn thức uống và thuốc men tiền bạc để… trốn trại! Số ông Phong đâm ra vất vả và sau đó ông bị đưa đi mất!

Hoặc giả đặc biệt hơn, Vĩnh còn được nằm gần cả một nhân vật mà chỉ ít tháng trước đó hắn ngồi ở một vị trí cao của giai cấp mới, một giai cấp mà cả nước đang thù hận nhưng chưa có cách nào lật đổ xuống được, giai cấp lãnh đạo và cán bộ cộng sản! Vâng, nhờ chuyển đổi qua lại, Vĩnh được nằm gần một người tên Lân. Vài tháng về trước, Lân đã ngồi ghế tương đương với ghế giám đốc thương cảng Đà Nẵng trước kia, một chức vụ tiền không là tiền! Thề rối, không hiểu ăn không đồng chia không đủ ra sao đó, Lân bị gài và bị bắt tại chỗ tội tham ô cửa quyền. Bao nhiêu năm theo đảng, những bằng cấp tốt nghiệp ở Nga, ở Ba Lan, ở Tiệp Khắc về bỗng chốc biến thành mây khói. Lân vô tù và theo hắn nói, vốn liếng duy nhất còn lại là bộ quần áo trên người với cặp kính cận trên mắt. Cả phòng không ai chơi với “thằng chó đẻ” cả. Không đóng đinh vào tai nó thì thôi chứ lại chơi bời với nó à!? Vĩnh đâu phải mình đồng da sắt gì mà dám đi ngược lại cuộc tẩy chay tập thể của cả phòng. Nhưng nhiều lúc anh thấy Lân ngồi một mình trong bóng tối nhai mấy hạt ngô, lòng Vĩnh lại dấy lên mối thương cảm. Hắn cũng là con người thôi. Và hiện nay rõ ràng hắn đang là một con người khổ hơn bọn Vĩnh. Khổ từ tinh thần đến vất chất. Tinh thần thì cô đơn, sợ hãi. Vật chất thì thiếu thốn như một kẻ thiếu thốn nhất trong tù, vì hắn không có vợ con cha mẹ nào thăm nuôi cả. Nỗi thăng trầm của bọn Vĩnh dù sao cũng lâu rồi, vết thương tương đối đóng vẩy rồi; nỗi thăng trầm của tay này còn mới quá, vết thương lòng của hắn còn tung tóe máu… Nghĩ thế, có đôi lần Vĩnh bắt chuyện với ý nghĩ vui vui trong đầu: Ít nhất mình cũng giúp cho hắn một dịp để khỏi quên đi tiếng nói êm ái của loài người! Nhờ vậy, Vĩnh được nghe, tận tai nghe lời tâm sự chân thành nhất của một cán bộ trung kiên cộng sản từ ngày miền Nam rơi vào tay chúng đến nay.

– Anh Vĩnh à! Nói thật với anh, đến nay cá nhân tôi có thể khẳng định rằng từ ngày tiến chiếm miền Nam, điều tôi sợ nhất không còn là đảng, là kỷ luật đảng; mà, điều tôi sợ nhất là Nhân Dân Miền Nam!

Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất của Vĩnh trong tháng Bảy, tháng sinh nhật của anh, là, một lần nữa tái ngộ người bạn thật tốt của anh từ thời Suối Máu là Mai Mạnh Liêu. Cùng một vài người khác, Liêu được lôi khỏi đội 48 và được sáp nhập vào đội 13 ở cùng nhà 4 với Vĩnh. Nơi đây và ở thời điểm này, Liêu đã kể cho Vĩnh nghe một câu chuyện quan trọng xảy ra ở Suối Máu vào dịp lễ Giáng Sinh cuối năm 1978, nghĩa là chỉ sau khi Vĩnh rời Suối Máu lên Hàm Tân được ba tháng.

*

Vụ nổi loạn tại trại tù Suối Máu đã được nhiều anh em tù cải tạo của cả năm K nhen nhúm phối hợp tổ chức từ tháng Mười năm 1978. Vì những điều kiện sinh hoạt khác nhau tại mỗi K, cuộc nổi loạn đã không thể thống nhất hoàn toàn về mặt tổ chức, tuy nhiên về nhiều điểm khác như nguyên nhân, lề lối làm việc… để tiến tới cuộc nổi loạn mà cao điểm của nó là vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1978, thì giống nhau.

1. Nguyên nhân:
a. Tháng Mười biến động:

Tháng Mười năm 78 là tháng khởi sự của nhiều biến động về các mặt chính trị, quân sự và xã hội bên ngoài – có thể những biến động này đã có từ nhiều tháng trước, như các vụ lộn xộn vùng biên giới Việt Miên và Hoa-Việt; hoặc những tin đồn có nhiều tác động trực tiếp đến thân phận những tù nhân, chẳng hạn tin đồn quốc tế đang đánh những đòn rất nặng nề về mặt nhân quyền ở Việt Nam đến độ nhiều nước Tây phương đã cúp hoàn toàn viện trợ nhân đạo cho Hà Nội; hoặc vụ đánh tư sản mại bản và Hoa Kiều – nhưng cho dù những biến động ấy đã hay mới xảy ra, điểm nóng của chúng vẫn khởi sự vào tháng Mười năm 78 đối với tù cải tạo Suối Máu. Điểm nóng ấy khiến nhiều anh em tù không còn muốn ngồi yên bó tay…

b. Năm 78 được coi như chấm dứt một hạn kỳ ba năm cải tạo:

Phải nói thực rằng, trong tất cả các thành phần sỹ quan quân đội và viên chức chính quyền ra trình diện các trung tâm tập trung cải tạo của cộng sản vào năm 75, có những người đã biết đặt một dấu hỏi thật lớn về cái chính sách gọi là “khoan hồng tập trung cải tạo mười ngày cho cấp úy và ba mươi ngày cho cấp tá tướng”. Nhưng vì cái thế cá nằm trốc thớt, họ đành “cũng liều nhắm mắt đưa chân, để xem con tạo xoay vần đến đâu”. Nhưng ở mặt khác, cũng phải thú nhận rằng một số đông, đông lắm, đã bị lừa hoàn toàn. Và sau khi vào rọ rồi, người biết đặt dấu hỏi hay người bị lừa đều có cùng một thân phận như nhau và nẩy sinh ra một ý nghĩ như nhau: Thôi lỡ rồi! Giờ ráng nín thở qua sông. Chấp nhận một thời gian lao tù rồi khi về tính sau. Và thời gian ấy, dựa trên những lời nói úp mở của bọn quản giáo, trên những tin đồn triền miên quấy nhiễu, đã tự động biến thành một bản án dài tối đa là ba năm! Hầu như ai cũng nghĩ như thế, đặc biệt ở thành phần sỹ quan trẻ tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm lắm về thủ đoạn của cộng sản. Rồi thì ba năm đã qua, ba năm “nín thở qua sông” vẫn chưa thấy bờ bến đâu, tù cải tạo bắt đầu ngộp và ngộp thật. Họ muốn ngóc đầu lên thở một hơi dài cho dù hậu quả muốn đến đâu thì đến.

c. Thay đổi chế độ cai tù:

Nhờ lươn lẹo (và lươn lẹo một cách khá thành công!) chế độ quân nhân đã khiến tù cải tạo lúc nào cũng có ảo tưởng mình chưa hẳn là tù. Chuyện một sớm mai thức dậy bỗng dưng được gọi thả không phải là chuyện không thể xảy ra. Đùng một cái, vào tháng Mười chế độ quân quản chấm dứt. Các “cải tạo viên” được bàn giao cho công an – những cai tù chuyên nghiệp của chế độ – quản lý. Sau khi bàn giao, công an thẳng thừng tuyên bố “từ đây các anh là can phạm, là tù nhân của chế độ. Dưới chế độ quản lý của công an nhân dân, các anh sẽ khởi sự một mốc mới trong phấn đấu học tập lao động. Và mỗi mốc có một lượng thời gian là ba năm!”.

Ba nguyên nhân trên có thể là ba nguyên nhân chính dẫn tới biến cố Suối Máu.

2. Thành phần lãnh đạo và tham dự tích cực trong biến cố Suối Máu:

Hầu hết đều thuộc thành phần sỹ quan trẻ có cấp bậc từ chuẩn úy lên tới trung úy. Đại úy và cấp tá cũng có nhưng rất ít.

*

Câu chuyện xảy ra khởi từ một người tên Ngô Phước Việt, một sỹ quan trẻ tuổi, mập mạp, vốn được biệt phái làm nghề sửa quân xa cho ban chỉ huy K.5; Việt bị một ăng ten báo cáo về tội ăn cắp dầu xăng cho anh em dùng bật lửa và bị bắt nhốt connex. Sau khi quân quản bàn giao trại Suối Máu lại cho công an, Việt được thả ra khỏi connex. Về tới K.5, việc đầu tiên Việt cho một số anh em bạn trẻ tuổi biết ai là kẻ đã đi báo cáo anh.

Sự kiện này lại trùng hợp với việc một số anh em lên làm tạp dịch trên ban chỉ huy, đã nhặt được nhiều bản báo cáo của bọn ăng ten nằm trong những đống rác do bọn quân quản xé bỏ lại. Sở dĩ có việc này cũng vì bọn quân quản không ưa gì bọn công an; khi ra đi, chúng đã không bàn giao lại hệ thống ăng ten mà chúng đã thiết lập được từ trước trong các K. Giấy trắng mực đen được đưa về K. Những kẻ phản bội vô phương chối cãi. Tên ăng ten đầu tiên bị hỏi tội là tên đã báo cáo Việt. Rồi như vết dầu loang, anh em K.5 mở luôn chiến dịch đánh ăng ten. Chỉ nội một tuần lễ vào cuối tháng Mười năm 78 đã có đến trên hai mươi ăng ten ở K.5 bị ăn đòn tập thể. Cũng nên biết rằng, hành động đánh ăng ten lúc này chỉ mới là hành động đột phá và chưa hề được chỉ đạo bởi một tổ chức rõ rệt.

Tuy nhiên, việc muốn dọn dẹp sạch đống rác ăng ten đã đòi hỏi nhiều điều kiện, mà điều kiện tiên quyết là phải đoàn kết và có tổ chức. Đoàn kết để thống nhất lề lối làm việc và có tổ chức để hữu hiệu hóa công tác diệt trừ ăng ten cũng như tự kiểm soát hàng ngũ của chính mình. Do động lực này, những nhóm gọi là Nhóm Dù, Nhóm TQLC, nhóm Không Quân, Nhóm Hải Quân… khởi sự ra đời. Tình trạng này kéo dài đến đầu tháng Mười Hai thì những nhân vật vận động sự kết hợp giữa năm K tương đối đi đến thành công. Các hàng rào ngăn cách giữa các K được tù tự động tháo gỡ để các K có thể thông thương qua lại khi cần thiết. Đầu tiên K.5 mở rào qua lại với K.1. Tiếp đó K.4 mở rào liên lạc với K.5. Riêng K.2 và K.3 anh em đa số lớn tuổi và cấp bậc thường từ đại úy trở lên, do đó họ có nhiều trì lực và việc khai mở hàng rào có vẻ tiến rất chậm. Vào trung tuần tháng Mười Hai, K.1, K.3, K.4 và K.5 coi như đã hoàn toàn thông thương với nhau. Riêng K.2 thì chưa, chỉ mới có những lỗ nhỏ đủ cho một số anh em chui qua đi họp hoặc có việc cần gặp những anh em bên các K bạn.

Nhưng dù điều kiện có khác nhau tí chút, một số anh em trẻ vẫn đứng ra nhận sứ mệnh bắt liên lạc và tổ chức một cơ cấu lãnh đạo chung cho cả năm K. Sau nhiều lần gặp gỡ và bàn thảo, những nhân vật hoạt động ấy đồng ý thành lập ở mỗi K một Ban Đại Diện K với cơ cấu tổ chức như sau:

– Trưởng Đại Diện K.
– Phó Đại Diện K.
– Ban An Ninh Trật Tự: Có nhiệm vụ theo dõi tình hình trong ngày, báo động kịp thời đến các nhà, các đội sự xuất hiện đáng nghi ngờ của bọn Bò Vàng ( công an giám thị).

– Ban An Ninh Hành Động: Gồm những người có võ nghệ khá. Ban này hoạt động bí mật, có nhiệm vụ theo dõi, phá vỡ tổ chức và trừng trị kịp thời bọn ăng ten lúc chúng tìm cách báo cáo những tin tức trong trại ra ngoài cho bọn cai tù.

– Ban Tuyên Huấn: Thực hiện những buổi “Văn Nghệ Vàng” cho cả trại thưởng thức. Thông tin và truyền đạt những bản tin sinh hoạt hoặc những huấn thị của ban đại diện K đến tận các phòng các đội.

– Ban Y Tế: Phụ trách việc băng bó, an ủi và kêu gọi sự hồi tâm của những ăng ten bị anh em khám phá và trừng trị.

Rồi cũng qua nhiều lần gặp gỡ và hội thảo, đại diện các K đưa ra một quyết định khởi sự “kiếm chuyện” với cai tù. Và việc đầu tiên là các K sẽ đồng loạt công khai tổ chức mừng lễ Giáng Sinh năm 1978.

Các hang đá được thực hiện. Anh em công giáo ở các K đều đổ sang K.3 để được cha Thông và cha Thiên giải tội tập thể.

Vào nửa đêm Giáng Sinh, K.1 khởi sự hành lễ ngay khu lò bánh mì. Đang trong lúc hành lễ thì tên Lưu, giám thị trưởng K.1 chạy vào cùng với một tiểu đội công an trang bị đầy đủ súng ống. Chúng nổ súng vây bắt nhưng chỉ bắt được ba người gồm đại úy Hoàng (KQ), thiếu úy Bé (ANQ Đ) và một trung úy có hỗn danh Luca (TK/BH).

Bắt được ba người chúng giải ngay lên khung, sau đó đem nhốt connex. Vì biến cố này, tất cả các K đồng loạt báo động và người nổi tiếng kẻng báo động đầu tiên là trung úy Phạm Ngọc Đông (HQ) của K.5. Đại diện các K lập tức gặp nhau để tìm biện pháp đối phó với tình hình. Trong giai đoạn này, mặc dù các K đều đã có ban đại diện, nhưng hoạt động mạnh nhất và có tổ chức rõ ràng nhất vẫn chỉ là K.4 và K.5.

Những nhân vật hoạt động tích cực nhất của K.4 gồm: Thiếu úy Lê Hùng (PB), thiếu úy Nguyễn Sỹ Chí (TĐ/ĐPQ/QĐ3), thiếu úy Nguyễn Ngọc Khang (TG), thiếu úy Phạm Văn Thế (TG), thiếu úy Nguyễn Văn Hóa (TK/ ĐT), thiếu úy Đặng Thế Tiến (BLHQS/VL).

Và của K.5 gồm: Trung úy Phạm Ngọc Đông (HQ), thiếu tá Hứa Trịnh Tùng (BK), thiếu úy Lê Hoàng Ân ( Phủ TT), thiếu úy Đỗ Văn Trình (SĐ5), thiếu úy Lê Văn Minh (ĐPQ), đại úy Lê Ngọc Dung (KQ).

Hai K trên với từng đó nhân vật tích cực hoạt động, đã khéo léo lôi được hầu hết mọi người trong K lên hội trường biểu tình ngồi, và đưa ra yêu sách đòi thả những anh em vừa bị bắt giữ. Họ đã lên trước anh em trình bày vấn đề, đại ý.

– Ban chỉ huy trại đã vi hiến khi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng đã được quy định rõ ràng trong hiến pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Để tỏ thái độ, yêu cầu tất cả các anh em đoàn kết lại, biểu tình ngồi, chấp nhận tuyệt thực cho đến khi nào khung thả hết các bạn của chúng ta ra khỏi connex.

Hào khí lan nhanh như ánh bình minh. Để đáp ứng lời kêu gọi đưa ra từ các ban đại diện K.4 và K.5, tất cả các K còn lại cũng lần lượt đi vào hàng ngũ và tham dự cuộc biểu tình ngồi. Những tiếng vỗ tay liên tiếp vang dội cả một vùng. Rồi thì tiếp theo đó, hơn 4.000 tù của trại Suối Máu đồng loạt cất tiếng hát theo K.4, khi thiếu úy Nguyễn Văn Hóa bắt nhịp cho anh em hát bài Đêm Đông.

Trong khi ấy, ban đại diện K.1 bắc loa yêu cầu khung phải thả ngay các “cải tạo viên” ra khỏi connex và trả họ về trại trong tình trạng lành lặn an toàn.

Bọn giám thị các K, đặc biệt K.4, có vẻ kinh ngạc trước hiện tượng xảy ra. Chúng phản ứng rất chậm dù có điều động đến sáu chiến xa đến án ngữ tại các vị trí quan trọng của trại. Ba chiếc nằm trước K.4 và ba chiếc nằm ngay góc K.3 chỗ đi thẳng xuống bệnh xá. Ngoài ra, chúng còn điều động thêm ba đại đội công an từ Biên Hòa xuống. Công an cơ hữu dàn đội hình phía ngoài hàng rào các K. Chúng còn bố trí một thượng liên nhắm vào khu hàng rào ngăn giữa K.4 và K.5, đồng thời ở các K khác đều có đại liên từ ngoài chỉa vào. Để cầm chân những anh già luôn luôn muốn đào ngũ khỏi hội trường, và cũng để anh em lên tinh thần, các Ban Tuyên Huấn liên tục bắt nhịp các bài hùng ca do anh em tù từng soạn ra và những bài ca Giáng Sinh để mọi người cùng hát. Họ đang phát huy tối đa câu châm ngôn của chính “cách mạng” đã “giáo dục” họ: Tiếng hát át tiếng… bom!

Rồi thì giờ phản công của bọn cai tù Suối Máu cũng phải đến. Với sáu công an hộ tống, tên giám thị trưởng K.4 Trần Hằng tiến đến sát hàng rào và yêu cầu tù bên trong giải tán, bằng không, hắn sẽ cho lệnh nổ súng. Bên trong tù không đáp ứng lời kêu gọi. Họ vẫn tiếp tục hát. Sau ba lần yêu cầu, Trần Hằng cho lệnh nổ súng thẳng vào hội trường K.4. Ngay loạt đạn đầu đã làm bị thương bốn người, một người được nhận diện là thiếu úy Nguyễn Ngọc Hải (TG).

Dược sỹ Bằng, trưởng ban y tế và Nguyễn Sỹ Chí (có nghề châm cứu) phụ trách băng bó cho các nạn nhân.

Sau những loạt súng đầu K.4 vẫn tiếp tục ngồi hát. Bọn giám thị bên ngoài quay lưng bỏ đi. Đại diện các K tức khắc liên lạc và gặp nhau thảo luận. Có hai trường hợp được đặt ra. Một là, nếu chúng không tiếp tục nổ súng thì tương đối dễ giải quyết. Hai là, nếu chúng tiếp tục nhả đạn vào hội trường thì phải làm sao?

Các ban đại diện đồng ý bằng một giải pháp chung: Vậy thì cùng vượt rào ra ngoài và nếu có chết trên hàng rào sẽ có nghĩa lý hơn.

Quyết định được đưa ra và các nhân vật hoạt động tích cực của các K, đặc biệt K.4 và K.5 sửa soạn ngay những thanh gỗ lớn bắc qua hàng rào và đồ nghề phá rào.

Mặc dù đại diện các K.1 và K.3 rất xuất sắc, chẳng hạn đại úy Trần Đình Ngọc (Dù), đại úy Hoàng (KQ), thiếu úy Nguyễn Văn Thịnh (TQLC) của K.1; trung úy Phạm Đắc Hiện của K.3… đều là những người rất hăng hái tích cực, nhưng vị trí các K này nằm vào chính giữa trại Suối Máu, nên họ không thể điều động anh em làm những công tác sửa soạn vượt rào ra ngoài như anh em bên K.4 và K.5.

Dù sao các K đều có một điểm giống nhau, là họ có tổ chức những đội xung phong quyết tử gồm toàn những người trẻ để ăn thua đủ nếu bọn giám thị tràn vào với ý đồ tàn sát tập thể.

Trong khi chưa thể biết bọn chỉ huy các K đang tính toán chuyện gì, anh em vẫn tiếp tục ngồi hát trên hội trường và chờ đợi biến cố xảy ra.

Quãng một giờ sáng một chiếc xe Jeep xuất hiện trước K.1. Tù bên trong nhận diện được người ngồi ghế trưởng xa là thượng tá Đào Lưỡng. Đào Lưỡng sau khi quan sát một vòng quanh các K, hắn bỏ đi và không bao lâu sau đó, ba người của K.1 từng bị bắt giam được trả về trại.

K.1 tức thì gửi liên lạc viên đi cám ơn các K đã tiếp tay trong cuộc đấu tranh này. Anh em được giải tán để về nghỉ ngơi. Tinh thần mọi người đều lên rất cao vì họ biết chắc họ là những người tù đầu tiên ở miền Nam đã bắt bọn cai tù cộng sản nhượng bộ trước sự đoàn kết của họ.

Sáng ngày kế tiếp, 26 tháng 12 năm 1978, đại diện các K sang K.1 để họp và thiết lập một ủy ban điều hành chung cho các K. Ủy ban này lấy tên là Ủy Ban Liên K Bảo Vệ Danh Dự Các Sỹ Quan QLVNCH. Theo quyết định của phiên họp, các K vẫn duy trì Ban Đại Diện riêng; và chỉ phối hợp hoạt động dưới danh nghĩa Ủy Ban Liên K khi cần thiết mà thôi. Đại úy y sỹ Lê Văn Lẫm (Dù) được bầu làm chủ tịch Ủy Ban.

Rút ưu khuyết điểm về biến cố đêm Giáng Sinh, các K thấy rằng điều tiên quyết là phải củng cố nội bộ và cải thiện lề lối làm việc, có thế mới mong đạt được nhiều kết quả hơn đối với những bước sơ khởi mà Ủy Ban đã đưa ra.

– Chứng tỏ cho kẻ thù thấy tù cải tạo là một tập thể có trật tự, có chỉ huy.

– Tù cải tạo sẽ không yên lặng hoàn toàn như trước nữa, mà họ sẽ tích cực lên tiếng đòi hỏi những quyền lợi chính đáng khi cần thiết.

Để đạt được bước đầu, Ban Đại Diện các K đặt ra những chức vụ mới. Những chức vụ này sẽ điều hành các tập thể đội trong bóng tối. Thí dụ bên cạnh chức đội trưởng được bọn giám thị chỉ định, có một đội trưởng hoạt động trong bóng tối do Ban Đại Diện chỉ định. Điển hình K.4 có mười sáu nhà và bốn đội thì Ban Đại Diện K cũng có ngay mười sáu chức vụ đại diện nhà và bốn chức vụ đại diện đội.

Những người từ trước đã ra mặt hành động nay được rút vào bóng tối vì vấn đề an ninh cá nhân. Đợt lãnh đạo mới hoàn toàn bí mật và không ai biết mặt. Những nhân vật trong bóng tối này khởi sự làm những việc đầu tiên như:

– Hủy bỏ tất cả các huy hiệu, quốc hiệu, các khẩu hiệu của cộng sản giăng mắc từ trước bên trong các K. Có những K đã lôi cả thủ cấp Hồ Chí Minh, vốn được đặt thờ trên hội trường, ra để ngoài cầu tiêu công cộng và nơi ấy đã có sẵn một bảng kẻ chữ rất trang trọng: Lăng chủ tịch HCM vĩ đại!

– Tổ chức chiến dịch Bài Trừ Văn Hóa Đỏ. Tất cả các sách báo của cộng sản đều được Ban An Ninh Hành Động thu lại và đem đốt.

– Thực hiện hàng đêm Giờ Phát Thanh tại các nhà. Ban Tuyên Huấn phụ trách công việc này. Để thực hiện nó, hàng đêm, Ban Tuyên Huấn cử một người bịt mặt đến từng nhà để đọc nhật lệnh và các chỉ thị chung cho ngày mai. Họ cũng thông báo những chuyện đã xảy ra trong ngày như đã phát hiện được bao nhiêu ăng ten, trừng trị ai, phạt treo ai… Những người trong nhà còn được nghe tin tức về những biến động bên ngoài xã hội và cả tin tức thế giới, chẳng hạn cô ca sỹ phản chiến Joan Baez đã hồi tâm như thế nào, thực trạng Việt Nam ngày nay, Trung cộng đã dàn bao nhiêu quân dọc theo biên giới Hoa-Việt, nhà nước cộng sản Hà Nội đã túa đi tứ phương tám hướng ăn mày viện trợ của thế giới tự do… (những tin tức này, thực may, đã được một anh thiếu tá không quân tên Nam – một chuyên viên sửa radio cho ban chỉ huy K.4 – thường xuyên bắt được làn sóng BBC và VOA cung cấp).

Ngoài ra Ban Tuyên Huấn còn nhắc nhở anh em phải cư xử với nhau như những sỹ quan cư xử với sỹ quan. Phải giữ tư cách và đừng bao giờ cư xử với nhau như những tù nhân cư xử với tù nhân.

Thường khi nhà trưởng tắt đèn để đón đại diện Ban Tuyên Huấn đến đọc nhật lệnh mỗi tối, người bịt mặt thường trước tiên đọc lớn câu tâm nguyện: Các bạn hãy luôn luôn nhớ các bạn là những sỹ quan, và các bạn hãy đối xử với nhau như các bạn đang đòi hỏi kẻ thù phải đối xử với các bạn…

– Chiêu hồi ăng ten. Mặc dù những ăng ten nổi tiếng của Suối Máu đều bị trừng trị đến trọng thương vào thủa ban đầu như Nguyễn Ngọc Đảnh (K.5), Huỳnh Văn Bé (K.1), Nguyễn Bắc Hải (K.4)… nhưng trong cái sôi nổi lúc ban đầu ấy, cũng có một số người đã ăn đòn oan. Rút kinh nghiệm, các Ban Đại Diện K khởi sự kêu gọi sự tự giác của các ăng ten trở về với anh em, hơn là để anh em thẳng tay trừng trị. Riêng những người bị đánh đập đều được y tế băng bó và cho thuốc men đầy đủ, sau đó Ban Đại Diện cho mời đến nói chuyện phải trái. Đa số những ăng ten đều tỏ ra hối hận, thí dụ Nguyễn Bắc Hải, kẻ sau khi hồi tâm đã phát biểu rằng: Kể từ lần tôi bị anh em trừng trị cái tội phản bội, tôi thấy bỗng dưng yên tâm lạ thường. Tôi biết chắc anh em không nỡ xuống tay giết tôi, chỉ tìm cách cảnh tỉnh tôi mà thôi…

– Thực hiện những đêm văn nghệ liên trại. Từ đêm Giáng Sinh 78 đến Tết ta năm 79, bằng vào một đề nghị được thông qua bởi một phiên họp giữa K.1, K.4 và K.5, các K này đã lần lượt thực hiện những đêm văn nghệ dưới tên Văn Nghệ Cho Quê Hương, công khai hát những bài Chính Huấn cũ cũng như một số bài do anh em sáng tác trong tù.

Đêm văn nghệ đầu tiên tổ chức ở K.1 có anh em từ K.4 và K.5 sang tham dự. Với số khán giả tham dự lên tới quãng sáu trăm người. Không khí K.1 đã nổ tung với những bài hát “tự biên tự diễn” quen thuộc từ mấy năm trước đó, chẳng hạn bài Ta Sẽ Leo Lên Khỏi Vực Sâu, bài Im Lặng Là Đồng Lõa…

Con chim đầu đàn của văn nghệ liên K vẫn là Nguyễn Văn Hóa, anh chàng mập mạp, từng là ca trưởng một ca đoàn công giáo lớn tại Sài Gòn, cựu thiếu úy phân chi khu trưởng, có giọng hát to và khỏe như bò rống, hiên ngang đơn ca bài Ta Sẽ Leo Lên Khỏi Vực Sâu.

… Ta sẽ leo lên dù chết chết một lần
Ta sẽ leo lên để sống sống muôn năm
Ta sẽ leo lên như hoa mọc trên đá
Lúc trái tim chưa ngừng đập giữa ngực ta…

Hoặc giả.

… Khi chúng ta quay lưng im hơi
Khi chúng ta không buông nhiều lời
Bọn cộng nô, bọn gian ác
Khi chúng ta quên thân phận mình
Khi chúng ta không ai thật tình
Là kéo dài cuộc sống trăm ngàn điêu linh

Sự yên lặng là đồng lõa…

Hết K.1 đến phiên K.4. Và K.4 đã làm một cách long trọng hơn ngay trên hội trường của K. Có chào quốc kỳ đầu năm, có cờ vàng ba sọc đỏ treo đàng hoàng trên sân khấu, có phút tưởng niệm các chiến hữu đã bỏ mình vì tổ quốc và bỏ mình trong các trại giam cộng sản. Sáu mươi cây đàn guitar tự chế đã hòa tấu bài Quốc Ca và bài Chiêu Hồn Tử Sỹ. Mười sáu ông chức sắc nhà trưởng (của Ban Giám Thị trại cắt cử) được Ủy Ban Tổ Chức mời đứng vào vị trí danh dự. Sau giây phút mặc niệm những người đã khuất hầu như không ai mà không rơi lệ…

Nói tóm, những đêm văn nghệ này rõ ràng là những đêm văn nghệ có nội dung chống cộng công khai.

Cho dù ăng ten đã gần như dẹp sạch, nhưng như thế không có nghĩa là bọn giám thị không hề hay biết gì về nội tình các K. Đã nhiều lần chúng phát hiện và dẹp bỏ những tấm bảng đề hàng chữ Lăng Chủ Tịch HCM Vĩ Đại nơi các cầu tiêu. Nói chung là chúng biết hết những diễn tiến “phản động” trong trại, chưa ra tay chỉ vì chưa nắm được những người chủ chốt mà thôi.

Vào đầu tháng Hai năm 79, giờ hành động của bọn giám thị tại Suối Máu đã đến. Chúng khởi sự bằng một cuộc bắt bớ tập thể bên K.5 trước Tết Nguyên Đán vài ngày. Tai biến này xảy ra vì những bản báo cáo lên khung của Hoàng Mai Dõng, một ăng ten bị bỏ sót của K.5 hiện làm việc tại lò bánh mì của trại. Trong cuộc bắt bớ tập thể này, trọn bộ đầu não của K.5 bị bắt hết. Trịnh Tùng, Phạm Ngọc Đông, Đỗ Văn Trình, Lê Hoàng Ân, Lê Văn Minh và Lưu Văn (*).

Bên K.1 cũng bị bắt một số nhưng không rõ tên tuổi. K.2 và K.3 chưa bị đả động tới. K.4 nhờ diệt sạch ăng ten từ đợt trước Giáng Sinh, do đó bọn giám thị vẫn chưa tìm ra “bọn thủ phạm”, chỉ khủng bố tinh thần bằng cách cho công an vào trại, gặp tay nào không chào kính, mặt mũi có vẻ “gân guốc” là tóm nhốt dằn mặt. Ba người ở K.4 bị bắt trong đợt này là Hùng có hỗn danh Hùng Cống, Phạm Văn Lợi à Tạ Văn Hóa (**).

Do vụ bắt bớ tập thể, Tết Con Khỉ ở trại Suối Máu đã đến trong một bầu không khí buồn tênh như có đám ma. Đã thế, vừa sáng mùng 3 Tết bọn giám thị lại tràn vào các K để bắt đi một số nữa. Ca trưởng Nguyễn Văn Hóa cũng bị bắt đi vào dịp này. Những người còn lại, đặc biệt Ban Đại Diện K.4, đã tích cực tìm cách đối phó với tình hình. Công tác trước mắt phải làm là tìm cách yểm trợ vật chất và tinh thần cho anh em, những người mà họ đã biết giờ đây đang nằm trong những kiện sắt connex, nóng và tối như địa ngục rải rác bên ngoài các K.

Cuộc họp các đại diện còn lại của các K đã đưa tới một quyết định quan trọng. Mở cuộc lạc quyên quà cáp từ những anh em được gia đình thăm nuôi. Điều này chính các nhà trưởng phải đích thân thực hiện và trách nhiệm trực tiếp với Ban Đại Diện. Mặc khác, các nhà trưởng còn phải sắp xếp với đội anh nuôi – những người nấu ăn cho tập thể kiêm thêm nhiệm vụ đưa khẩu phần nuôi những người đang nằm trong connex – để tìm cách tiếp tế đều cho những người bạn lâm nạn. Ngay những anh nuôi này còn phải nhận thêm một nhiệm vụ phụ nhưng không kém quan trọng, ấy là làm cái cầu liên lạc giữa những người bị biệt giam và Ban Đại Diện. Mọi lời khai đều được bên ngoài chỉ đạo.

Về phía bọn giám thị, ngoài việc bắt bớ khủng bố, chúng còn mở nhiều buổi học tập đặc biệt dành cho những thành phần có nhiều triển vọng được thả trong tương lai. Mỗi K chúng lọc ra chừng hai mươi tới ba mươi người và đem hết sang K.5 “huấn luyện”. Anh em tù đã mỉa mai gọi khóa học tập đó là “Khóa Điệp Viên Okinawa”. Trong khóa học đặc biệt này, bọn giám thị thẳng thắng lên tiếng kêu gọi.

– Các anh là những thành phần phạm nhân nhẹ tội, có thân nhân là cách mạng, cải tạo có tiến bộ cụ thể và sẽ được nhà nước tha về đoàn tụ gia đình nay mai; nhưng, để hoàn tất thủ tục tha về, các anh phải làm một việc cần thiết sau cùng. Khai tên một người hoặc kể lại một sự kiện cụ thể trong vụ tổ chức bạo loạn đêm Giáng Sinh vừa qua. Các anh cứ viết vào giấy và nộp cho cán bộ quản giáo là đủ. Phải nhớ, thiếu mảnh giấy ấy cách mạng cũng chẳng giam các anh cả đời ở đây đâu, mà ngày về của các anh cùng lắm chỉ chậm lại thêm một mốc phấn đấu nữa mà thôi. Một mốc cũng không lâu gì, có ba năm…

Sau “khóa học tập đặc biệt” đầu tiên, K.1 thua nặng nề! Đợt đầu bị bắt bốn mươi người với toàn bộ ban đại diện. K.5 bị bắt thêm một số không rõ bao nhiêu. K.2 và K.3 cũng bị bắt một số nhưng không nhiều lắm. Chỉ K.4 nhờ tổ chức chặt chẽ, không ai bị bắt trong đợt này. Ban Đại Diện bên K.4 tồn tại là nhờ những người được kêu đi học “khóa đặc biệt” lại hầu hết là anh em ta. Còn những người không nằm trong tổ chức đại diện, được Ban Tuyên Huấn tích cực khuyên giải phải bình tĩnh, đừng mắc mưu cộng sản; mặc khác, Ban An Ninh Hành Động cũng bắn tiếng, kỳ này nếu ai tiết lộ, sẽ không đánh nữa mà sẽ giết thẳng tay.

Sau những đợt bắt bớ tập thể, Đào Lưỡng đã đến trại Suối Máu nói chuyện với tù nhưng cuộc nói chuyện bị tẩy chay và thất bại hoàn toàn. Không hiểu bằng cách nào và do ai, chỉ trước khi Đào Lưỡng đến chừng vài phút, trên mặt bàn chủ tọa trong hội trường K.5 đã nằm chình ình một đống phân người to tướng. Bọn giám thị tức lồng lên và phải thay bàn vào phút cuối.

*

Nằm nghe Mai Mạnh Liêu kể lại những chuyện đã xảy ra nơi trại Suối Máu, Vĩnh không khỏi ngậm ngùi. Một số đông là những người bạn cũ của Vĩnh, nếu không từng thân mật ăn uống, tâm sự với nhau nhiều tháng ngày như Đặng Thế Tiến, như Nguyễn Văn Hóa, như Tạ Văn Hóa… thì cũng là những người từng uống với nhau một miếng nước giữa nông trường nắng cháy, hoặc hút với nhau một điếu thuốc dưới ruộng sâu lạnh lùng.

Liêu còn cho biết.

– Khi tao được đưa lên đây, không khí dưới ấy còn sôi sục lắm. Thế nào rồi cũng còn nhiều thằng bị tóm nữa. Tao cũng nghe hình như thằng Đào Lưỡng bay mẹ nó mất chức rồi!

_______
Ghi Chú: Khi quyển sách này được viết đến những chương cuối thì tác giả may mắn tái liên lạc được với một người bạn tù ngày cũ, anh Đặng Thế Tiến. Anh Tiến vượt thoát khỏi VN năm 1983 và mới được định cư tại thành phố Aurora, tiểu bang Colorado năm 1984. Qua cuộc tiếp xúc, với tư cách một người trong cuộc và may mắn còn sống thoát được ra ngoài, anh Tiến xác nhận những sự kiện kể bên trên là đúng và đã cung cấp thêm cho tác giả một số sự kiện khác như sau về biến cố Suối Máu.

– Tháng Sáu năm 1979 Ban Đại Diện K.1 bị bắt toàn bộ.

– Giữa tháng Sáu 1979 anh Phạm Đắc Hiện đại diện K.3 cùng một số anh em khác bị bắt và bị tra tấn rất nặng. Vì sự tra tấn này, thêm hai người nữa bị khai ra như là hai liên lạc viên của K, đó là thiếu úy Giang Văn Hai và thiếu úy Nguyễn Quốc Bảo. Hai anh này đều là người của K.4, bị bắt, bị đánh chết đi sống lại nhiều lần.

– Tháng Bảy năm 1979 thêm hai người trong ban Đại Diện K.4 bị bắt đó là thiếu úy Đặng Thế Tiến và thiếu úy Nguyễn Ngọc Khang.

Tổng kết về cuộc nổi loạn Suối Máu dịp Giáng Sinh năm 1978 đến quãng tháng Mười Một năm 1979, bọn giám thị công an Suối Máu đã bắt biệt giam chừng 300 người. Con số bị tra khảo đến chết chưa ai nắm vững được. Sau này, nhờ chuyển trại qua lại, người ta được biết những nhân vật có dính líu xa gần đến biến cố trên đều bị đưa về giam ở các xà lim khám Chí Hòa. Có người chết vì bị tra tấn, có người bị đánh đến tàn tật, có người chết vì chịu không nổi chế độ biệt giam, cũng có nhiều người chịu nổi những cực hình và sau đó được đưa đi khổ sai ở các trại Hàm Tân, Tống Lê Chân, Khe Sanh…

No comments:

Post a Comment