Cứ hai người một, người trước người sau khênh một cái ki trên chất một trọng lượng đá xanh nặng không dưới bảy tám chục ký.
Vĩnh và anh Huy bắt cặp đi với nhau. Đoạn đường dài hơn hai cây số
dưới trời nắng cháy da cháy thịt, hai người lầm lũi nối gót những người
khác băng qua những địa thế khác nhau, vượt qua con suối, vượt qua vuông
sân lát gạch, đổ đá thành đống nơi công trường đang xây cất dở dang.
Mỗi ngày, chuyển đá theo lối con thoi, Vĩnh tính thầm mỗi người phải
khênh nặng một đoạn đường tổng cộng hai mươi cây số và chuyển được trên
hai tạ đá xanh. Công việc này quả quá nặng so với hai bát ngô “Vỏ Nguyên
Giáp”, khẩu phần hàng ngày của mỗi người. Do công việc quá nặng, ngay
đội trưởng Mai Văn Lễ, vừa trẻ vừa khỏe vừa to con đến thế mà cũng xọp
hẳn người xuống.
Vĩnh thì khỏi nói. Anh chỉ còn da bọc xương. Hàng ngày nín thở lấy hết
sức đi dưới sức trì nặng nề của ki đá, Vĩnh cố hướng đầu óc mình đến một
cái gì có màu xanh của hy vọng. Nhưng rồi không thể! Những cơn khát
cháy cổ làm Vĩnh muốn lả người đi. Anh Huy cũng chẳng hơn gì. Mới mấy
tháng trước anh còn là một người trung niên khỏe mạnh, giờ trông hóm hém
như một ông già. Thế nhưng có lẽ anh Huy không mệt mỏi bằng Vĩnh. Anh
có hai thói quen trong lúc lao động nặng. Có khi anh lầm lỳ như một hòn
đá, vừa đi vừa lẩm bẩm như đang đọc kinh cầu nguyện; bằng không, anh hớn
hở nói lên những ước ao của mình. Những khi Vĩnh muốn ngất đi vì mệt,
muốn vứt mẹ nó ki đá xuống và ngồi bệt bên vệ đường cho nó khỏe, thì anh
Huy vẫn hăng hái cất bước, miệng huyên thuyên nói.
– Ông biết giờ này tôi ước ao điều gì nhất không?
– …..!
– Tôi ước ao một chai 33 ướp thật lạnh. Tôi sẽ cầm thật chặt nó trong tay để nghe hơi lạnh chuyền dần lên tới xương bả vai. Sau đó, tôi mở nút và ngửa cổ đổ nó vào họng. Đổ một hơi không ngừng nghỉ…
Mặc anh Huy lẩm bẩm vừa đi vừa cầu nguyện hoặc vừa đi vừa ước ao chai bia, Vĩnh vẫn cố gắng đeo theo những hình ảnh nẩy ra trong đầu. Hình ảnh sau cùng đã kết nên một ý nhạc mới. Vĩnh dặn lòng sẽ viết một bài nhạc, hoặc ít ra một bài thơ ghi nhận về cơn khát ghê gớm trong thời gian khuân đá cho công trường xây cất ở trại tù Hàm Tân này…
Quản giáo Phú có lẽ cũng thông cảm phần nào cho nổi cực khổ của bọn tù dưới tay. Hắn có vẻ tương đối thả nổi cho đội 17 trong giờ nghỉ giải lao được lâu hơn các đội khác dăm bảy phút. Những khi ngồi lẩn khuất trong đám đông, dưới bóng mát của một cái nhà lô, Vĩnh hay ngó ra ngoài khu xây cất. Đám tù được sử dụng vào nghề mộc, nghề hồ coi vậy chứ không lấy gì làm khỏe. Họ leo trèo, họ trộn hồ, họ chuyển gạch, họ xây, họ cưa, họ xẻ… họ cũng vất vả trăm đường dưới sự đốc công của bọn giám thị trại.
Ý bỗng vỗ vai Vĩnh và chỉ ra đám người đang trộn hồ, nói.
– Me xừ mập mập kia kìa, ông thấy không? Nghe nói hình như hắn là con trai ông Lương Trọng Tường đấy. Là đại úy.
Vĩnh mệt mỏi.
– Ông Lương Trọng Tường cũng chết chứ nói gì đến con trai ông Lương Trọng Tường!
Ý moi trên lỗ tai xuống một bi thuốc, chia cho Vĩnh một nửa, nói.
– Ai chả biết thế, nhưng nghe thằng Thương nó bảo tay ấy rành vùng này lắm. Tôi tính lân la hỏi thăm xem sao.
Vĩnh hoàn toàn không có ý kiến gì về vụ này. Anh xoay ngang kiếm cái điếu hút nhờ bi thuốc của Ý vừa trao cho. Hút xong Vĩnh lại ngồi nhìn quanh quất với một cái đầu trống rỗng không ngờ.
Anh chợt nghe lõm được một câu chuyện thật lý thú do đám người đội hình sự cùng hành nghề khiêng đá như đội 17, đang kể cho nhau nghe. Một giọng nói.
– … nhưng chỉ có vậy mà đập nguyên cái chai xì dầu lên đầu nó thì hơi nặng. Nằm cachot kỳ này cầu cả tháng…
Một giọng khác.
– Thế cũng đáng. Thằng ấy cà chớn lắm, chuyên môn chọc ghẹo người khác. Thằng Hùng tính lại cọc!
Thì ra câu chuyện mấy người ấy kể cho nhau nghe như thế này. Bên nhà 1, nơi ngủ nghê của đám Trật Tự và một số hình sự, chiều hôm qua đã xảy ra một vụ đánh lộn giữa hai người chơi rất thân với nhau. Việc đánh nhau được mô tả là nặng vì có đổ máu. Nguyên do cũng vì một sự đùa giỡn không đúng chỗ của một người. Hai người ban nãy, một người có gia đình còn một người “con bà phước”. Nhưng dù điều kiện sống có khác nhau, họ vẫn chơi thân với nhau. Anh có gia đình thường nhận được thư nhà, và mỗi lần mở thư đọc, thằng bạn hay đùa giỡn của anh lại xà đến chọc ghẹo.
– Thư con vợ già hả? Có gì dâm dâm đọc nghe chơi mày!
Chiều hôm qua người có gia đình lại nhận được thư. Anh chui vào chỗ nằm mở thư ra đọc. Đọc một lúc mặt anh tái lại, kế đó ngồi thừ ra như một xác chết. Người bạn của anh ta, như mọi lần, lại xà đến chọc ghẹo bằng câu nói quen thuộc.
– Thư con vợ già hả? Có gì dâm dâm đọc nghe chơi mày!
Lần này thì câu chọc ghẹo thân mật ấy được trả lời bằng một cái chai xì dầu phang thẳng cánh lên đầu. Anh bạn chọc ghẹo lăn đùng chết giấc! Còn người đánh thì bị trật tự lôi lên giám thị, sau đó bị tống cổ vào cachot tức thì.
Tai nạn xảy ra thực ra là một cái vận không may cho cả hai người từng chơi thân với nhau. Anh chọc ghẹo bạn nào biết rằng bạn mình hôm nay đâu phải đang đọc những lá thư của vợ hay của mèo, mà anh ta đang đọc thư Mẹ; ác hơn, trong lá thư ấy mẹ anh lại báo tin cho anh biết rằng, con vợ anh ở nhà nó đã mua để dành cho anh cùng một lượt đến mấy cái sừng tê giác!
Giờ giải lao chấm dứt, các đội trưởng nhanh chóng đứng lên và thúc anh em trở lại lao động. Vĩnh lại cầm ki lên và bước theo anh Huy sau khi nhấp nhấp thêm một miếng nước. Đi bên cạnh Vĩnh và anh Huy lúc này là ông đội phó Nguyễn Văn Thuận. Ông Thuân đi cặp với Hòa “nhảy dù” vì hai người có chiều cao tương đương nhau. Lúc này ông tương đối không còn bị anh em cô lập nữa. Dĩ vãng ông đã làm gì ở trại này không còn ai để ý tới. Trước mắt, ông đang là một người mệt mỏi, mệt cả thể xác và tinh thần, điều ấy đủ để Vĩnh xích lại gần ông và chuyện trò thân mật. Và có lẽ, nếu không chủ quan, Vĩnh có thể nói rằng cả đội 17 chỉ có Vĩnh là người mà ông Thuận tỏ ra “quý” cũng như sẵn sàng đưa chuyện văn chương chữ nghĩa ra luận với nhau trong những lúc nhàn rỗi, hoặc ngay cả những lúc lao động để hy vọng làm ngắn lại khoảng thời gian dài cực nhọc. Đây cũng là dịp cho Vĩnh tìm hiểu thêm về nhân vật này, về cả những điều thường ngày ông ghi ghi chép chép. Ông mong sau này, khi mà điều kiện cho phép, ông sẽ lại soạn sách giáo khoa, nhưng là một bộ sách giáo khoa được viết bằng một ý thức mới, làm sao để tạo ra những thế hệ nhiều thiên tài hơn nhân tài và nô tài. Ông cũng nói với Vĩnh, theo ông, tài trên đời có ba hạng. Hạng nhất là thiên tài, gồm những người có óc sáng tạo, có đảm lược và khí phách, thí dụ những nhà giải phóng đích thực, những văn nhân thi sỹ đích thực, các khoa học gia, các nhà kinh tế chính trị; hạng nhì là nhân tài, chẳng hạn thành phần sinh ra chỉ để đi làm thầy giáo cô giáo, làm ông quan tòa, ông bác sỹ; hạng thấp nhất theo ông là hạng nô tài, loại cũng có học cao hiểu rộng nhưng tài chỉ đến đi làm cố vấn, thầy dùi cho thiên hạ, hoặc cũng có quyền cao chức trọng nhưng tài chỉ đi làm tay sai cho ngoại bang (Loại này thì cả hai miền Nam Bắc trong suốt cuộc chiến tranh gọi là Quốc-Cộng vừa qua có quá nhiều!).
Thường trong lúc đi khuân đá, nghe ông Thuận luận về cuộc đời, một phần nào Vĩnh cũng thấy quên đi gánh nặng trên tay và đường dài dưới chân. Nhưng anh Huy thì khác. Rõ ràng đến hôm nay anh vẫn có vẻ thủ thế tối đa với ông Thuận. Đặc biệt hôm nay, để trả lời cho một câu mỉa mai xa xôi của anh Huy dành cho ông, ông Thuận đã luận rằng: Các ông có biết luật Cái Bang không nhỉ? Một tên ăn mày một khi được bầu lên hàng trưởng lão, để hợp thức hóa, hắn phải đi qua một hàng ăn mày dàn chào bằng đờm dãi nhổ trên người… Nói tới đây ông Thuận nhìn anh Huy, tiếp. Ông Huy cũng đồng ý với tôi sau 30 tháng Tư, nội thành phần bị đi học tập cải tạo thôi, xét rộng rãi ra chỉ quãng năm mươi phần trăm đáng sống và đáng hy vọng… sau này thôi, ông đồng ý không? Anh Huy chỉ cười cười mà không trả lời. Ông Thuận tiếp. Ông không trả lời nhưng tôi biết một phần nào ông cũng nghĩ như thế. Cái số lượng thối nát và đê tiện lớn lắm, có cách triệt tiêu đi được tôi cũng không ngần ngại gì mà không triệt tiêu…
Nghe ông Thuận luận, Vĩnh lại nhớ có lần ông đã nói với riêng Vĩnh. Biến cố 30 tháng Tư chưa hẳn là không may cho tiền đồ đất nước. Nhờ biến cố này, cái lớp vỏ lở lói của miền Nam đã tự nhiên được hớt quăng bỏ sang Anh sang Pháp sang Mỹ. Tôi không dám nói một trăm thằng di tản bỏ chạy đều là hạng tồi tệ cả. Nhưng rồi ông xem, Anh Pháp Mỹ vân vân sẽ khốn nạn với bọn đó. Chúng nó sẽ đem cái lối sống giành giựt, quấy hôi bôi nhọ, đạp lên nhau mà sống, nham nhở bẩn thỉu, bè phái sang các nước đó và sống như thế cho đến ngày chúng nó chui xuống mồ. Nhưng thôi kệ chúng nó. Các nước tự do đã đón cái lớp vỏ lở lói ấy thì ráng mà chịu. Nhưng chúng ta, những người ở lại, chúng ta bắt đầu phải có cái nhìn đúng đắn về cái khối quốc gia của mình. Liệu những thằng ở lại có đáng sống hết không? Có đáng tin cẩn cho một công cuộc trọng đại ở tương lai không? Riêng tôi nghĩ là không. Vậy thì muốn làm đại sự phải có sự thanh lọc hàng ngũ ngay từ khởi thủy. Nói thì nói vậy. Người như ông như tôi làm sao cầm dao giết người được. Nhưng có thằng nào nó làm giùm công việc ấy tôi cũng chẳng từ…
Quả thực nghe ông Thuân lý luận Vĩnh thấy cũng hay, nhưng không khỏi không lạnh mình. Anh nghĩ là buồn quá, phẫn quá ông nói chơi cho vui thôi. Riêng anh Huy chỉ cười khẩy. Hố sâu giữa hai người đã sâu lại càng sâu thêm. Rồi thì để tránh chuyện hai anh già có thể đôi co, Vĩnh đẩy mạnh cái ki thúc anh Huy nhanh chân vượt qua mặt mấy cặp đi phía trước.
Ông Thuận bỗng trở thành một vết hằn trong trí nhớ Vĩnh. Ông ta là một nhà giáo? Hay một nhà chính trị? Hay một tay có tài quỷ biện? Hình như ông là tất cả những thứ đó. Ông cũng còn là người từng nói nhiều cho Vĩnh nghe về nhóm Duy Dân, về cả nhóm Hàn Thuyên của cụ Nguyễn Đức Quỳnh… Dù sao, Vĩnh biết chắc một điều, Vĩnh chưa rút ra được một ưu điểm nổi bật nào nơi ông Thuận để mà học hỏi. Ông ta tỏ ra quý Vĩnh, Vĩnh quý lại…
Khi chuyến khuân đá lần thứ tư trong ngày sắp về tới đích, có nghĩa là đám Vĩnh sắp sửa vượt qua cây cầu bắc ngang con suối, thì có nhiều loạt đạn từ sâu trong rừng buông vẳng ra. Tiếng đạn xa lắm, tuồng như được bắn mãi bên vùng phân trại A. Cả bọn hơi ngơ ngác tí đỉnh về loạt đạn nổ, nhưng rồi ít phút sau đó, tất cả lại trở về với thực tế, lầm lũi đi hết đoạn đường khổ nạn.
Giọng một người lên tiếng vu vơ.
– Mấy giờ rồi không biết?
Không ai trả lời. Vĩnh nhìn mặt trời và ước lượng giờ này cũng phải ba giờ chiều. Còn lâu mới hết một ngày lao lực.
Khi đội 17 đổ loạt đá lần thứ tư vào nơi quy định thì bỗng nhiên quản giáo Phú cho nghỉ. Đội trưởng Lễ và đội phó Thuận nhận lệnh dẫn anh em ra ngồi dọc theo bên hông xưởng mộc có nhiều bóng mát. Một lúc sau nữa, Vĩnh và các bạn nhận thấy rằng không riêng đội 17 mà tất cả các đội khênh đá đều được lệnh nghỉ. Không cần biết vì sao được nghỉ, bọn Vĩnh tìm cách chạy vào xưởng mộc xin xỏ những thanh củi vụn và ngồi bó lại từng bó. Đời tù chứ củi vẫn cần như thường. Chiều về ai cũng phải tranh thủ nấu nướng tí đỉnh, thiếu củi là cả một vấn đề. Trung lúc đang thi nhau lượm lặt củi vụn của trại mộc thì quản giáo Phú lại xuất hiện. Hắn ngó đồng hồ tay, ngẫm nghĩ tí chút rồi bảo đội trưởng Lễ cho tập họp. Đội 17 tập họp thật nhanh, vì ai cũng biết quản giáo Phú có nhiều cái cao hứng bất ngờ. Nhiều lúc vui vui chuyện gì, tù vừa lao động được hai tiếng hắn đã cho tập họp và dẫn đi tắm. Sau khi tập họp, mọi người biết rằng hôm nay quản giáo Phú lại cũng cao hứng và sẽ dẫn cả đội đi tắm thật xa, không phải thượng nguồn mà xuống mãi hạ nguồn, nghĩa là dưới cả khu canh tác rau xanh, nơi có những vực sâu và nước đầy quanh năm. Trên con đường đi xuống hạ nguồn con suối, trước nhiều cặp mắt thèm thuồng của anh em các đội khác, đội 17 bước những bước thật nhanh và thật vui. Ai cũng có cảm giác sung sướng là hôm nay sẽ được tắm một trận thả giàn, bù cho những ngày “tắm búng” vừa qua dưới mấy vũng nước bùn nơi chân cầu.
Đoàn người đi theo con đường dọc bờ suối. Những cây tre được cắm từ mùa mưa vừa rồi, dùng để ngăn cách khu trại đang ở với khu công trường xây cất giờ đã xanh um và khó mà chui lọt qua được. Nhìn những lớp hàng rào thiên nhiên này, Vĩnh mới nhận ra cái lợi hại của lối phòng thủ mà Việt Cộng áp dụng. Thực chẳng có loại hàng rào thép gai nào bền vũng cho bằng những lớp tre gai kia!
Vượt qua khu nhà tù đang xây cất là tới khu ao rau bát ngát, nơi mà đội đã tham dự và đổ bao công sức để hoàn thành từ dạo mới đến. Đây đó những gốc buông bị đốn ngã đã mục rữa dưới nắng mưa. Những lớp nấm lâu ngày không ai thu nhặt mọc trắng theo những bẹ buông. Vĩnh bỗng nhìn quanh tìm Lê Văn Tầm.
Vượt qua khu ao là tới khu rau xanh. Nơi đây có đến ba đội phụ trách. Rau xanh đủ loại mọc xanh ngát một vùng. Nhưng tù làm gì được ăn những thứ rau tươi ngon ấy!
Khi xuống gần hạ nguồn con suối. Vĩnh đã nhận ra khu nghĩa trang bên kia bìa rừng với những ụ đất nằm ngổn ngang chẳng ai biết được đó là những phần mộ hay gò mối. Rồi thì cái guồng nước bằng gỗ do tù thiết lập để dẫn nước lên khu canh tác đã hiện ra. Không khí nơi đây bỗng mát hẳn. Tiếng nước suối ồ ồ chảy làm ai cũng thấy khoan khoái. Những bước chân như bước nhanh hơn. Khi đội tiến đến chỗ nước sâu nhất, quản giáo Phú cho phép dừng chân để sửa soạn tắm.
Giòng suối hạ nguồn bỗng ầm ầm như có địa chấn. Lũ tù trần truồng thay nhau nhào lặn và vẫy vùng cho thỏa những ngày qua. Hôm nay thì Vĩnh phải vui chung với cái vui của mọi người. Nhưng rồi chỉ một lát, có nhiều người bỏ ngay cái vui tắm rửa khi họ phát hiện ra trên bờ suối có những bụi Càng Cua hấp dẫn. Một số đông tức khắc bỏ con suối và bò lên hái rau. Nơi đây rất gần bìa rừng. Dù thông cảm cách mấy, quản giáo Phú và hai công an vệ binh đi theo vẫn phải cảnh giác tối đa. Thấy có nhiều người leo lên bờ suối bên kia hái rau, quản giáo Phú kêu đội trưởng Lễ ra lệnh cho họ phải quay trở lại. Nhưng lệnh thì lệnh, chỉ một lát sau đó bọn tù ốm đói lại bò lên bờ suối và chạy tứ tán tìm hái rau với hy vọng chiều về sẽ có một bữa rau sống thật đạt chất lượng.
Vì bệnh phổi, Vĩnh không chịu được cái lạnh buổi chiều ngâm mình lâu dưới suối. Anh lên bờ sớm nhất và mặc quần áo tìm chỗ có nắng ngồi… run. Dãy núi, nơi bắn đá và là nguồn cung cấp đá cho công trường xây cất của trại như nhìn thấy ngay trước mặt. Câu thơ nhen nhúm trong đầu từ trưa lại nổi lên trong trí nhớ Vĩnh. Anh nhẩm lại cho thuộc lòng.
… Gánh đá đôi vai người
Ngày đi rồi ngày tới
Chất mãi cho thêm dầy
Ngục thất nhốt ta thôi…
Buổi tắm suối khá đặc biệt chấm dứt khi những đội canh tác đã thấp thoáng tập họp đội hình trên con đường đất ngoằn ngoèo chạy dọc bờ suối. Đội 17 được lệnh lên bờ sửa soạn tập họp điểm danh. Như mọi ngày, đội trưởng Lễ nhanh chóng mặc quần áo trước nhiều người và quay lại kêu gọi anh em.
Người sau cùng đã đứng vào hàng. Lễ bắt đầu đi dọc đội hình hàng hai và đếm. Quản giáo Phú chậm chạp và lơ đãng thả bước trên con đường đất hướng về phía trại. Hai tên vệ binh cũng lơ đãng đứng ôm súng nhìn trời nhìn đất. Đội trưởng Lễ đếm một lần từ hàng đầu đến hàng cuối. Đếm thêm lần nữa. Anh nhăn mặt, ngó dáo dác rồi lại đếm thêm một lần nữa. Đội phó Thuận nhận ra sớm nhất nét mặt hơi đổi khác của đội trưởng Lễ. Ông lên tiếng hỏi.
– Gì thế?
Lễ vẫn yên lặng và bắt đầu đi dọc đội hình đếm lần thứ năm. Sự bình tĩnh của Lễ biến ngay sau khi anh đã kiên nhẫn đếm hết lần thứ năm. Anh thốt kêu lên như một người thình lình bị bắn trúng một phát đạn vào bả vai.
– Chết mẹ rồi!
Cả đội bắt đầu tin rằng đã có một kẻ chơi trò Bướm Vượt Ngục. Chẳng hiểu sao Vĩnh ngó ngang dọc tìm ngay Ý và Huy. Anh thở phào, một cái thở phào khó định nghĩa. Mấy người bạn của anh vẫn còn nguyên cả đấy và họ cũng đang ngó dáo dác như anh.
Đội trưởng Lễ thốt quay xuống bờ suối, hỏi lớn. Còn ai dưới đó không? Lên điểm danh ngay!
Đến lúc này thì mọi người đều đã tự tìm ra được người vắng mặt là ai. Đó là Dũng, Dũng nhỏ, Dũng hình sự và là bạn của Thương của Tân Dân.
Đội trưởng Lễ cũng mau chóng tin rằng Dũng đã trốn trại. Anh vừa chạy lui về hướng quản giáo Phú, miệng vừa gọi inh ỏi.
– Dũng! Dũng! Tập họp! Tập họp!
Quản giáo Phú và hai tên vệ binh đã nghe biết tự sự. Chúng phóng tới phía đội 17 hỏi nhanh vài tiếng với mọi người rồi phóng chạy hết xuống suối. Được nửa đường, nghĩ sao quản giáo Phú lại chạy lui về phía đội trưởng Lễ, hỏi lớn.
– Khi nãy có thấy nó tắm không?
Lễ vội đáp.
– Báo cáo cán bộ có. Chính tôi thấy anh ấy nhặt rau càng cua nữa. Không biết có chết đuối không!?
Hai tên công an vệ binh vác súng chạy dọc bờ suối để lùng bắt kẻ mà chúng tin rằng đã trốn trại. Riêng Phú đã lấy lại bình tĩnh. Hắn thở dài.
– Chết đuối cái gì! Trốn mất rồi chứ chết đuối cái gì! Quản lý nhau mà như thế kỳ này cấm cả đội tắm một tháng cho biết tay!
Nói rồi Phú rút K.54 bên hông bắn lên trời ba phát. Bắn xong, Phú gọi lớn về phía hai tên vệ binh. Đồng chí Tịnh đồng chí Phẩm ơi! Thôi dẫn đội về. Để các đồng chí an ninh hiện trường làm việc của họ!
Rồi thì đội 17 được lệnh cất bước trở về trại. Trong hàng, đủ thứ giả thiết được đặt ra để thầm thì với nhau. Vĩnh liếc nhìn Thương. Nó vẫn bơ đi như không có chuyện gì xảy ra. Vĩnh thầm phục thằng nhỏ can đảm. Chả bù cho Vĩnh. Hồi Dương Ý Huy trốn ở An Dưỡng, anh mất bình tĩnh rõ ràng. Vĩnh bỗng thấy ngượng cho sự hèn nhát của chính mình. Rồi Vĩnh lại nghĩ tới Dũng. Nó trốn đi đâu? Bằng cách nào? Sao nó liều thế? Chả ai thấy Dũng sửa soạn một cái gì! Không đem theo thực phẩm, quần áo, thuốc men làm sao băng rừng nổi? Thằng ấy quá tam ba bận, thế nào lần này nó cũng thoát!
Vĩnh cố gắng không tham dự những lời bàn chung quanh. Anh chỉ cầu sao cho Dũng nó thoát. Nó là một trong những thằng nhỏ dễ thương nhất mà Vĩnh từng gặp trong tù. Lại can đảm nữa. Đảo mắt một vòng về hậu cảnh rừng rú của trại Hàm Tân trước khi đội hình bắt vào con đường mòn để xuyên qua những gian nhà tranh, nơi làm việc của các đội đan tre, Vĩnh vẫn không tránh khỏi cái linh tính kỳ cục, theo đó kỳ này Dũng vẫn chưa thoát được!
Những tiếng súng vang lên trong bìa rừng. Chẳng riêng Vĩnh mà chắc nhiều người khác đều cảm thấy như cơn đau tim thình lình bộc phát. Buổi chiều đổ xuống thật nhanh. Những tiếng súng vẫn nổ nhưng thưa thớt dần.
Vĩnh và các bạn về tới cổng trại và lại ngồi nối vào những hàng người đã ngồi từ trước, chờ điểm danh cho nhập trại. Những tiếng thăm hỏi của các đội khác đều hướng cả vào đội 17. Thốt nhiên tim Vĩnh như ngừng đập hẳn khi một người nói với một người khác.
– Vậy là hôm nay phân trại A và phân trại B đều có thằng tếch. Thằng bên phân trại B bị bắn chết rồi. Không rõ thằng bên này có may mắn hơn không!?
Một giọng khác.
– Nghe nói thằng nào cũng thứ dữ cả. Thằng bên kia nghe đâu từng là phóng viên của một tờ báo lớn ở Sài Gòn thủa trước…
No comments:
Post a Comment