Tên quản giáo Cư lồng lộn khắp chốn. Không ai được ngồi nghỉ lấy một
phút. Buổi sáng tổ A.3 đã bị hắn bắt quỳ cả tổ giữa trời giữa đất hơn
một tiếng đồng hồ vì cái tội phè! Nói phè thì quá đáng, mà nói không phè
thì cũng không phải. Thực ra thì tổ A.3 đã sáng tạo ra một lối lao động
mới, ấy là làm việc gối đầu. Cứ bán tổ này làm thì bán tổ kia ngừng tay
nghỉ. Lề lối lao động này bọn quản giáo rất ghét, tuy nhiên nếu tổ đoàn
kết với nhau thì vẫn bao che cho nhau được. Thoạt đầu tổ trưởng Quách
Tứ rất ái ngại với sáng kiến lao động này của anh em. Dần dần thấy có
thúc hối mấy anh em cũng phè ra, anh đành phải chấp nhận một thực tế và
lên tiếng chính thức đề nghị: Cả tổ, trừ khi nào thấy tên quản giáo xuất
hiện, có thể thay phiên nhau cuốc cho đỡ mệt. Nhưng điều quan trọng là
lúc nào cũng phải có người cuốc cầm chừng. Miễn sao khi hết giờ lao động
chỉ tiêu phải đạt được hoặc cũng phải đạt một tám một mười.
Sáng nay tổ trác, tên quản giáo nấp trong bụi rậm và thấy tất cả mọi sinh hoạt lao động của tổ A.3.
Hắn đột ngột xuất hiện sau một gò mối lớn và hét.
– Mấy thằng phản động kia! Chúng mày lao động như thế à? Thằng hút thuốc, thằng đứng tán nhảm, thằng chui vào bụi ngồi tránh nắng… Tập họp lại!
Quách Tứ rầu rĩ hô anh em tập họp trình diện quản giáo. Mười thằng tù, theo lệnh quản giáo, xếp hàng ngang như một đội banh sầu thảm. Thằng quản giáo mặt đằng đằng sát khí. Hắn khởi sự chửi rủa. Toàn một bọn gian trá, xanh vỏ đỏ lòng, nín thở qua sông! Tao đã nấp trong bụi nhìn thấy chúng mày múa rối như thế nào rồi. Chúng mày nhấc cái cuốc lên thì con cò đậu, hạ cái cuốc xuống thì con mối xông. Tao bảo thật với chúng mày, ngoài việc lao động như thế có mà ăn cứt, ngày về của chúng mày còn có thể bị kéo dài đến vô tận. Tao đã lên lớp chúng mày nhiều lần rồi. Cách mạng không có tình trạng lơ lửng con củ c… Một, chúng mày học tập lao động cho tốt để có ngày mà trở về. Hai, bánh xe lịch sử sẽ nghiền nát chúng mày trong này mất thôi!
Nói đến sùi bọt mép mà thấy nét mặt của mười thằng “ngụy” vẫn trơ thổ địa ra, thằng quản giáo cáu quá, hét. Tao phạt chúng mày quỳ 2 tiếng. Quỳ xuống!
Bọn tù chỉ liếc nhìn nhau. Chẳng ai chịu quỳ. Thằng quản giáo đâu có chịu thua. Hắn móc súng bắn đến đùng một phát. Để hắn giận chơi tới súng rồi cũng hơi phiền, nghĩ thế tổ trưởng Quách Tứ bèn quỳ ngay xuống để… làm gương! Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Cả đám lần lượt êm ái quỳ theo. Thằng quản giáo Cư đứng chửi rủa thêm một lúc nữa mới chịu bỏ đi. Đợi hắn đi khuất khỏi những dàn mướp rậm rạp nơi khu canh tác gần đó, tổ A.3. mới đồng lòng ngồi bệt xuống đất với nhau.
– ĐM nó! Kể từ cái thời để chỏm đi học đến nay, hơn 30 năm rồi tao mới bị quỳ trở lại. Lê Văn Trợ lên tiếng chửi đổng.
Với máu võ biền trong người, Đặng Xuân Bính như chịu cái nhục không thấu, mắt hắn cứ long lên sòng sọc. Vĩnh an ủi bạn.
– Đừng buồn mày ơi. Nếu mày muốn có một ngày nào vồ lại được chúng nó thì mày ráng chịu nhục. Trừ khi mày muốn làm anh hùng của một giây, một phút hoặc dài lắm là một tuần ở trong cái trại này…
Bính không nói lời nào. Tự dưng anh đứng lên và cuốc hùng hục, cuốc hăng say như bất cứ một tay lao động tiên tiến nào của cái xã hội khốn khổ này.
Vĩnh không tìm ra cái chân lý cuốc cho vơi hận thù như của Bính. Anh ngồi nghĩ ngợi lan man. Cuộc đời thật quả là một giấc mộng. Mới ngày nào mà giờ đây ra thân tù tội! Vĩnh nhìn quanh một vùng đất bao la vây quanh chỗ mình. Xã hội xã hội chủ nghĩa đang xuất hiện dưới mắt anh là một hiện trường lao động, trong đó con người phải quần quật với đủ mọi thứ khổ dịch. Những tiếng động, những lời tranh cãi của bọn tù, những lời chửi bới của cai tù… vang lên chung quanh tạo thành một thế giới xa lạ mà anh biết sẽ chẳng bao giờ anh hòa nhập được với nó. Thốt nhiên một tiếng hát khe khẽ vẳng lại. Vĩnh lắng tai nghe. Tay nào hát hay quá. Giọng hát thật khẽ, thật êm như chỉ đủ để rủ Vĩnh trở về với dĩ vãng… Mẹ già ở đất phù sa, đói no (là no) ai biết, rách lành ai có hay?… Đó là bài hát của phù thủy Phạm Duy từng có thời làm anh rơi lệ. Ôi những bà mẹ phù sa, ngày nay các con của mẹ – những người mà mẹ gọi là đã học xong chiến lược giữ xóm làng – đã đi tù hết bởi những người mà mẹ gọi là giải phóng, nhưng với tấm lòng hiền như cam quýt của mẹ, một thời mẹ cũng thương cũng che chở như con của mẹ, giờ đây đã lộ hình ngạ quỷ, đang bắt giam cả dân tộc của mẹ, chả hiểu mẹ có còn thấy thương chúng nữa không!? Mẹ phù sa ơi, bây giờ mẹ ở đâu? Những anh giải phóng mẹ thương dấu dưới gầm giường năm xưa có trở mặt bắt giam cả mẹ hay không? Có chụp lên đầu mẹ cái tội danh không phân biệt bạn và thù hay không? Có xỉ vả mẹ vì cái lòng không hận thù, chỉ có tình thương yêu vô bờ bến của mẹ hay không?
Sự hồi tưởng đưa Vĩnh đi tới nhiều nơi của dĩ vãng.
Có thực mình thua Cộng sản không? Tại sao lại xảy ra một cuộc tháo chạy lạ thường dường ấy? Đã bao lần Vĩnh nghĩ tới hai chữ gia đình. Vĩnh khẽ lắc đầu như không muốn nghĩ tiếp, không muốn sự lý luận của mình dẫn tới việc kết tội hai chữ thiêng liêng này. Thế nhưng cũng như bao lần trước, Vĩnh không tránh khỏi một kết luận rằng: Ngoài những nguyên nhân xa là sự tương nhượng của các cường quốc có dính líu đến cuộc chiến tranh Việt Nam, nguyên nhân gần đem đến sự sụp đổ nhanh như một tòa nhà trên vùng động đất của miền Nam chính là vì hai chữ gia đình!
Nếu năm 1954 cũng vì hai chữ gia đình, bảo vệ cho gia đình được toàn vẹn, người miền Bắc đã di cư xuống miền Nam, lập thành một chiến tuyến chống lại chủ nghĩa tam vô của Cộng sản một cách hữu hiệu; thì cũng vì hai chữ gia đình, 21 năm sau người quốc gia đã thua về tay Cộng sản. Đánh làm sao được khi mà thê tróc tử phược!? Đánh làm sao được khi mà người quốc gia hoàn toàn khác Cộng sản ở chỗ Cộng sản chỉ có mục đích duy nhất phục vụ Đảng và coi Đảng như là một cứu cánh tối hậu cho ý nghĩa của cuộc nhân sinh. Đảng còn, còn tất cả. Đảng mất, mất tất cả. Còn người quốc gia thì từ anh binh nhì lên đến ông đại tướng, từ anh xích lô lên đến ông tổng thống, ai cũng có khuynh hướng đầu tư tất cả vốn liếng đời mình vào gia đình, vào bầy con… Với cái ý niệm huyết tộc trên hết, lâu ngày chầy tháng ý niệm này đã tiêu thực mất cả ý niệm về tổ quốc và tôn giáo (mà ít ai ngờ tới!). Nói tóm, gia đình đối với người quốc gia Việt Nam trước năm 1975 đã thực sự trở thành một cứu cánh sau cùng. Cứu cánh ấy mất là mất tất cả. Thế nên trong lúc biến, hầu hết chỉ lo làm sao bảo vệ được toàn vẹn gia đình, dù bảo vệ một cách tiêu cực nhất ấy là đem gia đình bỏ chạy!…
Phạm Công xưa nhận lệnh vua ra trận, nách đeo hai con thơ, theo sau lại có quan tài vợ. Tướng giặc động lòng thương cảm tự cắt đầu mình trao tặng cho Phạm Công về nộp triều đình chứng tỏ một chiến thắng. Tướng giặc ngày nay, bọn CSVN làm gì có trái tim ấy! Thế là tan nát tất cả…
Chao ôi tình cảm gia đình thiêng liêng lắm, nhưng đớn đau thay, chẳng ai ngờ được rằng có lúc chính cái tình cảm ấy đã hủy diệt đi sự sống của cả một dân tộc!
– Nó đến, quỳ lên!
Tiếng báo động hốt hoảng của tổ trưởng Quách Tứ làm mọi người quỳ phắt lên.
Vĩnh nghe trong người đau nhói. Nhưng anh biết nó không còn là cái đau của tủi nhục nữa mà là cái đau của sinh lý. Mấy ngày nay Vĩnh biết bệnh sạn thận bắt đầu trở lại hành hạ anh. Triệu chứng thốn buốt nơi bộ phận sinh dục về đêm làm anh mất ngủ bơ phờ. Ta sẽ không quỳ mà ta sẽ nằm xem nó đến đâu. Nghĩ xong Vĩnh lăn cù ra nằm trên mặt đất. Anh co rút người lại như một con tôm. Cơn đau bỗng nhiên dồn dập kéo đến, nhanh và táo bạo không ngờ. Vĩnh cắn răng không rên la. Rên la trước mặt quân thù là điều tối kỵ. Đau quá! Nơi lưng Vĩnh giờ đây như đang bị một con ác quỷ dùng những chiếc móng sắc xé toạc ra.
Anh em trong tổ bất kể thằng Cư vừa bước tới, họ nhào đến nâng Vĩnh dậy.
– Thằng Vĩnh nó làm sao thế này?
Cơn đau làm ù tai nhưng Vĩnh vẫn nhận ra giọng của Lê Văn Sanh hốt hoảng cất lên. Tiếp tiếng la của Sanh là giọng thằng quản giáo Cư.
– Chúng mày đóng kịch gì đấy?
Giọng Quách Tứ.
– Báo cáo anh anh Vĩnh bị ốm nặng mấy ngày nay.
– Ốm gì? Đừng giả vờ giả vịt!
Bọn tù chả biết nói sao đành trố mắt đứng nhìn. Thằng quản giáo bước tới gần Vĩnh. Hắn vẫn đứng thẳng lưng, hỏi. Anh kia, đau cái gì?
– ….. !
– Anh nghe tôi không? Đau cái gì?
– Tôi bị sạn thận.
– Sạn thận là cái gì?
– …..!
Thấy Vĩnh làm biếng trả lời, Quách Tứ lên tiếng cắt nghĩa.
– Thưa anh ấy bị đái ra những vật cứng như viên sạn. Đau lắm…
Thằng quản giáo như hiểu ra. Hắn lên giọng.
– Cái ấy người ta gọi là sỏi bọng đái. Hiểu chưa? Gọi là sỏi bọng đái. Sỏi bọng đái mà nói là sạn thận thì ai mà hiểu được. Hắn lại ngó xuống Vĩnh, hỏi. Bị lâu chưa?
– Tôi đau từ mấy năm về trước.
– Thế ngụy nó không chữa cho anh à?
– Có chữa nhưng không dứt. Lâu lâu nó lại tái phát.
Như được dịp, quản giáo Cư làm luôn một bài tố khổ nền y khoa lạc hậu của Mỹ ngụy. Bọn tù lại bành lỗ tai tiếp thu bài học mới. Lên lớp đã đời, hắn lại quay hỏi Vĩnh.
– Thấy đỡ chưa?
– Chưa!
– Thôi được, tôi cho phép anh nằm đây nghỉ. Các anh kia tiếp tục lao động. Tôi nói lại, các anh mà lao động lếu láo nữa là tôi sẽ cất hết vào connex. Tổ trưởng đâu?
– Dạ tôi đây.
– Anh đi theo tôi.
Tổ phó Khoa thay tổ trưởng điều động cả tổ làm tiếp công tác khai quật những lớp đá ong được nén trên mặt đất căn cứ Trảng Lớn có độ dày đến 40 phân. Vĩnh cố ngồi dậy. Anh tìm một bụi rậm trên một gò mối chui vào ngồi tránh nắng. Nơi đây, Vĩnh có thể thả mắt quan sát một vùng rộng rãi.
Những tiếng đục đẽo, những tiếng lăn rầm rầm của các thùng phuy, tiếng hò hét chỉ huy, tiếng rên la của những người chẳng may bị kẹp tay, bị đạp đinh, đạp gai vang rền khắp nơi. Cảnh tượng nô lệ của thời La Mã xa xưa đang tái diễn nơi đây. Những tên nô lệ thời mới – Vĩnh và các chiến hữu của Vĩnh – nếu không có một cuộc tự cứu vĩ đại xảy ra thì chắc chắn sẽ rục xương trong kiếp nô lệ này. Nhưng tự cứu bằng cách nào bây giờ? Hình ảnh Spartacus và những chiến hữu nô lệ của ông xanh mét trên thập giá lại hiện lên rõ mồn một trong trí tưởng của Vĩnh…
Một tiếng la thật lớn bỗng cất lên phía sau lưng Vĩnh.
– Có ai trong bụi đi ra nghe. Cuốc vô đầu ráng chịu!
Vĩnh hô to.
– Ê, có bệnh nhân ngồi tránh nắng trong này nghe mấy cha!
– Bệnh thật hay bệnh giả? Tôi là bác sỹ đây.
Vĩnh nhận ra giọng Ngô Văn Tuyên. Anh bỏ ra khỏi bụi rậm. Phía bên kia bụi rậm tổ A.4 đã dàn hàng ngang, người nào người nấy cuốc trên tay đang sửa soạn “hạ sát” cái gò mối đầy những cây cỏ hôi để làm tròn chỉ tiêu của buổi sáng.
Thấy Vĩnh, Tuyên hỏi. Sao vậy?
– Sạn thận ông ơi.
– Rồng thiêng mới có ngọc. Ông cũng có ngọc trong người, lên bàn thờ đến nơi rồi đấy!
Vĩnh không cười trước câu pha trò của bác sỹ Tuyên. Anh ngồi nhìn những nhát cuốc của anh em tổ A.4. Khi những nhát cuốc hạ dần những bụi cỏ hôi, để lộ ra bên cạnh một gò mối lớn là một cái nền nhà Mỹ loại nhỏ (có thể xưa kia nó là một cái nền nhà tắm?) thì Vĩnh lại phải đứng lên lùi sâu hơn vào những bụi rậm sau lưng. Một con cút đất vụt chạy trốn qua mặt Vĩnh. Những con cắc ké đủ màu chạy loạn để tránh nạn. Đôi ba con chim sâu hốt hoảng rời tổ vụt bay về phía ruộng khoai mì xa xa. Vĩnh buồn bã ngồi nhìn cái nền nhà Mỹ, hồn chìm sâu trong một hồi tưởng thương đau. Họ đến đây làm gì nhỉ? Vĩnh thầm nghĩ. Họ đến đùng đùng như một cơn bão rồi lại ra đi nhanh như một cơn lốc, để lại cho miền Nam một di sản đầy những thương đau…
Tổ trưởng tổ A.4 có dáng đi lạch bạch như con vịt bầu chợt cất giọng la lớn.
– Mình trúng mối rồi!
Trúng mối ở đây là trúng phải một cái nền nhà đúc bằng xi măng đá xanh. Điều ấy có nghĩa là tổ A.4 ngày mai đây phải bằng mọi cách phá cho xong cái nền nhà ấy để biến nơi đây thành những ao rau muống theo đúng quy hoạch của trại.
Tổ A.4 giờ đây gần như đã nhập chung với tổ A.3. Thêm người thêm chuyện. Vĩnh thấy trong người đã khá hơn. Anh cũng cầm một cái cuốc đứng lên, chống cuốc nói chuyện với các bạn.
Bác sỹ Tuyên khẽ cằn nhằn.
– Cái me-xừ Tuấn hôm qua nhảm quá.
– Thẳng nhỏ điên khùng ấy chấp mà làm gì.
– Nhưng nó lập luận đâu có điên chút nào. Tự dưng nó lôi me-xừ Đỉnh vào cuộc, rồi lôi cả tôi nữa! Khi sáng thằng quản giáo nói hỏi tôi.
– Hỏi sao?
– Nó hỏi chắc hồi xưa tù binh Cách mạng lọt vào tay các anh, các anh đem vào trường y khoa làm vật thử nghiệm phải không? Nghe nó hỏi mà mình muốn điên cha nó cả người!
– Việc quái gì phải điên!
– Ông coi, nó nghi ngờ, nó ngâm tôm hồ sơ mình không cứu xét có mà rũ tù!
Vĩnh yên lặng, vì thấy mình không được hào hứng với lời than thở của Tuyên. Tiếng ông già Chuân ở mút đầu tổ A.4 đang nói chuyện với Ba Trợ.
– Ông coi, nó là thằng chó đểu. Tôi có ân oán gì với nó đâu. Chỉ vì mấy điếu thuốc lào mà nó thù tôi. Tôi mang bệnh nghiến răng từ cha sinh mẹ đẻ, thế mà nó cũng đem tôi ra chụp mũ…
Vĩnh chợt nhớ lại ngày hôm qua mà buồn cười. Ông già Chuân cũng là một nạn nhân của Tuấn chuột. Nó dzũa Ba Tô đã đời, đến lượt ông Chuân đọc bản tự khai nó cũng không tha. Nó bổ túc cho phần tự khai của ông Chuân bằng ý kiến: Anh Chuân khai như thế là chưa thành khẩn và chưa hết. Tôi nhận thấy anh đã dấu diếm và không khai về sự nghiến răng hàng đêm của anh. Cả phòng gần 120 người, chỉ có mỗi mình anh là nghiến răng trèo trẹo ban đêm. Tôi không cho đó là bệnh, mà là hậu quả của một quá trình ý thức. Ban ngày chắc anh căm thù Cách mạng ghê lắm dồn nén nói không được, nên ban đêm anh nằm nghiến răng đến độ cả phòng ngủ không nổi!
Lời phát biểu của Tuấn khiến cả khối phải nén cười. Tên Thịnh hình như hiểu biết, hắn đã phải chận lại lời phát biểu quái quỷ của Tuấn và nói.
– Không, cái này thì anh Tuấn có thể phát biểu sai đấy. Tôi biết có bệnh nghiến răng…
Tên quản giáo và Quách Tứ đã trở lại. Sau khi đứng hò hét một lúc hắn lại bỏ đi. Quách Tứ không đợi anh em hỏi vội lên tiếng.
– Không hiểu lý do gì quản giáo lại lôi tôi lên khung hỏi về Trần Trọng Minh.
Giọng Ba Trợ.
– Nó hỏi gì?
– Thì đại khái nhận xét thế nào về Minh? Hồi xưa ở không quân có chơi với nhau không? Minh lái loại máy bay gì? Trước đây chiến đấu ra sao? Cấp bậc có phải là trung úy hay là trung tá? Có bao nhiêu Anh Dũng Bội Tinh?…
– Rồi ông trả lời sao?
– Dĩ nhiên tôi đâu biết gì mà trả lời. Nó lái khu trục, tôi lái trực thăng; nội sự khác biệt này cũng đã không có dịp mà quen biết nhau rồi.
– Thế sao làm việc lâu thế?
Quách Tứ có vẻ giận trước câu hỏi hơi thiếu tế nhị của Đặng Xuân Bính. Anh không nói thêm gì nữa, chỉ kêu gọi anh em cầm cuốc làm việc trở lại.
No comments:
Post a Comment