Mùa nắng đến, mà cao điểm vẫn luôn luôn là tháng Tư, bọn tù bắt đầu
lè lưỡi cả đám! Nước suối gần như khô cạn, chỉ còn lại những vũng nước
tù lớn nhỏ không đều và biến thành vũng bùn tức thì khi có một người nào
đó nhảy xuống. Những vũng nước như thế bị lũ tù khai thác triệt để.
Tinh sương đội anh nuôi đã phải dậy sớm ra suối quẩy nước về cho công
tác nấu ăn. Trong ngày, các đội rau xanh nằm xa hạ lưu con suối (chỗ có
nhiều nước) phải ghé quẩy nước lên tưới rau. Chiều về cả ngàn tù nhảy
xuống gạn từng lon guigoz lấy cái rửa mặt và rửa chân tay.
Với điều kiện thiếu nước dùng như thế; trại Hàm Tân liên tiếp tháng vừa
qua còn phải nhận thêm gần 500 tù từ các nơi đổ về. Họ gồm nhiều loại và
từ nhiều nơi khác nhau. Loại đầu tiên là các phục quốc quân mà một
trong những lãnh tụ từng bị sa cơ thất thế ở Rừng Lá trước đây, bị đem
về nhốt Chí Hòa và giờ được chuyển tiếp về Hàm Tân là cha Nguyện, một
linh mục 31 tuổi. Loại thứ hai gồm thêm một loạt các viên chức hành
chánh và các vị chức sắc của giáo hội Hòa Hảo từ miền Tây chuyển lên.
Loại thứ ba gồm hình sự và tù vượt biên bị bắt trở lại. Loại thứ tư là
thành phần tư sản mại bản. Ông vua kẽm gai tức tỉ phú Hoàng Kim Quy, ông
Khai Trí… bị chuyển về Hàm Tân cũng vào đợt này. Ngoài ra, trong số mới
lên còn có một số tù trại Suối Máu. Vĩnh đã nhận ra một người bạn là
anh thợ rèn Mai Mạnh Liêu.
Hiện tại, phân trại A Hàm Tân với tổng số tù lên tới 2.000 được chia thành 50 đội. Tất cả những dãy nhà trống trước đây giờ đã chật hết.
Riêng về công tác lao động hiện nay phân trại A có những công tác chính như sau:
1. Tiếp tục công trình xây dựng những dãy nhà tù đang dang dở.
2. Xây thêm hệ thống nhà ăn nhà ở cho cán bộ trại.
3. Tiếp tục khai quang sâu về hướng Tây Bắc của trại để lấy diện tích trồng lạc (đậu phọng).
Ba công tác chính này, theo như một buổi lên lớp để quán triệt tầm quan trọng của nó, tên giám thị trưởng trại đã tiết lộ rằng “đây là những công tác được trên quy hoạch và khoán cho trại ta phải thực hiện xong trong vòng 12 tháng. Những báo cáo thành quả sẽ được chính đồng chí Đào Lưỡng kiểm tra từng quý một…”.
Vì bị trên đốc thúc, bọn giám thị và quản giáo trại Hàm Tân đã tích cực sử dụng một số lượng tù tối đa cho ba công tác xây dựng và sản xuất nói trên. Trại Hàm Tân hiện nay đang biến thành một nông trường và công trường tập thể có lẽ “nhộn nhịp” nhất nước.
Đội 17 hiện đang nằm trong thành phần các đội làm khổ dịch bên nông trường trồng lạc. Đạo quân khổ dịch này gồm mười hai đội. Chín đội phụ trách việc khai quang lên luống và ba đội còn lại lo việc tách, phơi và gieo lạc. Để cho công bình, mấy công tác này được các đội xoay vòng. Tuần trước đội 17 đã lên luống, tuần này, do vòng xoay, được làm công tác tách, phơi và gieo tương đối nhàn hạ.
Từ sáng sớm, ngay khi rời cổng trại, các đội tách lạc đã tiến sang những dãy kho hậu cần trại. Họ khênh những bao lạc giống còn cả vỏ ra những vị trí quy định ngồi tách. Để tránh việc ăn vụng làm thất thoát “của cải vật chất xã hội chủ nghĩa”, những đội tách lạc được chia làm thành từng tổ và cứ vài tổ lại có một công an vệ binh đi tới đi lui kiểm soát. Khi số lượng lạc đã đủ chỉ tiêu, tổ tách lạc đem đổ ra sân gạch phía sau bộ chỉ huy phơi. Nắng tháng Tư chỉ cần hai nắng là hột lạc đã quắt queo và đủ điều kiện cho vào kho trở lại, chờ những luống mới được khai quang và được cán bộ kiểm tra chấp nhận đủ điều kiện để gieo trồng.
Vĩnh thăng trầm chung với các bạn trong những chuỗi ngày trồng lạc này. Càng ngày Vĩnh càng hiểu tại sao hơn hai mươi năm miệng tuyên truyền inh ỏi, tay dí súng vào lưng người, bọn lãnh tụ miền Bắc vẫn không tài nào lôi được một nửa đất nước phía trên ra khỏi cảnh cơ hàn.
Chỉ nội cái việc tổ bóc lạc nơi mà Vĩnh làm việc sáng nay thôi, cũng đã cho thấy mỗi người có khả năng đẻ ra nhiều cách đánh cắp hoặc ăn vụng lạc giống của “nhà nước cộng sản”!. Điển hình là anh Huy, người bạn già thân mến của Vĩnh. Anh Huy không bao giờ chủ trương đánh cắp để đem lạc về trại. Điều này nguy hiểm vì trước khi về được tới phòng, mọi người phải trải qua ít ra cũng ba lần khám xét. Anh chủ trương ăn tại chỗ, ăn càng nhiều càng tốt vì theo anh “lạc là thực phẩm tốt nhất trần gian vì nó gồm đủ cả ba chất đạm béo và đường!”.
Có lần Vĩnh khẽ đùa anh.
– Người ta bảo ăn lạc sống nhiều sẽ bị hôi nách!
Anh cười bảo nhỏ vào tai Vĩnh.
– Cả thế giới này cộng sản đã làm hôi nách gần phân nửa. Hôi nách thêm một người nữa không chết ai!
Nói rồi anh lại tiếp tục bóc lạc với đôi mắt luôn luôn nhìn ngang liếc dọc. Vì cả tổ mười người chẳng ai mà không tìm cách ăn vụng, do đó chẳng ai thèm để ý tới ai. Họ bóc lạc rồi ném hột vào cái rá để kế bên. Anh Huy cũng làm như vậy. Nhưng khi cảm thấy an toàn, anh Huy thò tay xuống rá lạc bốc lên một nắm cho vào mồm.
Đó mới là ăn lạc tại chỗ. Nhiều người khác lại có những cách đem lạc về trại mới tài. Trong lúc bọn công an sơ hở, họ dồn lạc vào một cái bao nylon đem theo. Vào giờ giải lao, họ sẽ đem ra giấu một nơi đã được hẹn hò trước với một người bạn lao động ở một “bộ môn” khác, thí dụ lao động trong đội mộc chẳng hạn. Anh bạn này dĩ nhiên khi về trại sẽ không bị khám xét như những người đang công tác trong những đội trồng lạc. Khi “tan sở”, anh bạn đi qua chỗ hẹn sẽ hiên ngang bê nó về nhà mà không một giám thị nào khám phá ra được. Lối trộm lạc này có lẽ là cách làm tiêu hao lớn nhất đối với kho lạc giống của bọn giám thị trại.
Từ ngày làm công tác trồng lạc đến nay, không thiếu anh bị bắt quả tang, bị đánh gãy răng, trào máu họng tại chỗ, cũng có anh nằm cachot cả tháng vì tội danh phá hoại sản xuất; nhưng dù thế nào, việc thất thoạt lạc giống vẫn không tài nào tránh khỏi. Số lượng lạc giống mỗi ngày bị tống vào và được tích trữ trong những cái bụng đói meo không phải là nhỏ. Nói tóm, từ khi hạt lạc còn nằm trong vỏ cho đến khi được đem ra gieo, số lượng lạc bị tù ăn sống nuốt tươi có thể lên tới hai phần mười, chưa kể khi tồn kho, một số lượng lớn khác bị ngay các cán bộ hậu cần đánh cắp đem bán ra ngoài cho dân chúng quanh vùng dùng làm hạt giống cho riêng họ.
Về phía anh em lên luống gieo hạt cũng thế. Họ có trăm phương ngàn kế để nếu không ăn cắp được lạc thì cũng có cách phá hoại; miễn sao vốn của chúng xuất ra phải tốn gấp năm gấp bảy dự tính họ mới hả dạ!
Hiện nay, những đội gieo hạt đã bắt đầu chịu thua trong việc ăn lạc. Bọn cán bộ trại, để bảo quản hạt giống, đã được trung ương chỉ thị cho ngâm lạc vào dầu hôi trước khi phát ra cho tù khai thác trồng tỉa. Để trả đũa, bọn tù chỉ còn cách phá hoại bằng việc quăng hạt giống xuống suối hoặc “lạm gieo”, có nghĩa là mỗi lỗ đáng ra chỉ bỏ hai tới ba hạt giống, họ bốc cả nắm quăng xuống và lấp đất lại.
Hành động dại dột này chiều nay đã khiến một đội trồng lạc dính búa nặng nề. Một tên cán bộ có lẽ từ trung ương xuống thanh tra, đã bới và lôi lên một mớ lạc giống từ một lỗ trên luống. Hắn đưa mớ lạc ra trước mặt mấy tên giám thị gộc của trại. Tai họa thế là ầm ầm xảy ra cho cùng một lúc mười hai đội trồng lạc. Tất cả được lệnh tập họp tức khắc. Rồi chuyện gì đến phải đến. Nguyên một tổ dính líu đến mấy cái luống có những lỗ lạm gieo bị kết tội phá hoại sản xuất, bị dẫn giải về thẳng khu cachot. Số còn lại bị lên lớp tại chỗ bài học thế nào là cần kiệm liêm chính và thế nào là mình vì mọi người mọi người vì mình.
Để kết thúc bài học, tên cán bộ nói.
– Không phải trên không biết tới những bản năng thấp kém của con người, ấy là làm mà không được hưởng thì không làm, hoặc làm nhưng với tinh thần phá hoại. Tôi nói để các anh nghe, các anh nhìn vấn đề phát triển đất nước như thế là nhìn chưa xa hơn lỗ mũi. Tại sao các anh không nghĩ rằng nếu ta tích cực gieo trồng và thu hoạch tốt vụ lạc năm nay, ta có thể đổi được lạc lấy gạo từ các vùng khác, và bữa ăn của chính các anh sẽ được cải thiện? Các anh mà trồng lạc với tinh thần như vậy sẽ cả đời ăn sắn cùng ngô thôi!
Bài học cũ rích ấy bị nhai đi nhai lại cả tiếng đồng hồ. Vĩnh lẳng lặng đứng ngó trời ngó đất. Bên kia bờ suối, cách nông trường lạc không quá hai trăm thước là nông trường bắp. Những đội thu hoạch bắp đang được nghỉ giải lao. Họ nằm ngồi ngổn ngang khắp mọi nơi. Đây đó những cái bếp kê bằng dăm ba hòn đá dùng nấu nước cho tù lao động uống, nhả những cụm khói nhạt lên bầu trời hực lửa tháng Tư. Vĩnh không muốn để ý tới trời tới đất, mà chỉ để ý đến đám bạn tù bên đó. Họ thật sung sướng. Giờ nghỉ ngơi, người nào cũng cầm trên tay cả bó thân bắp tươi và rúc đầu vào bếp nướng. Vĩnh từng có lần được đi thu hoạch bắp tươi như vậy. Dẫu rằng không được ăn bắp tươi nhưng những thân cây bắp thì tự do. Sau khi thu hoạch hết bắp và khuân ra nơi quy định cho hậu cần, bọn tù được tự do thu hoạch thân cây bắp. Đem những thân cây này nướng trên ngọn lửa rồi ngồi nhai với nhau thú vị vô cùng. Phải nói nó thơm và ngọt không thua gì món mía hấp của người miền Nam hay bán ngoài phố vào những đêm Sài Gòn lạnh. Giờ đây những người bạn bên đó đang được hưởng cái thú nhai thân cây bắp nướng, trong lúc Vĩnh và các bạn bên này bờ suối đang bành lỗ tai nghe chửi. Ngay lúc ấy một ý nghĩ khôi hài không rõ rệt nẩy ra trong đầu Vĩnh và nếu không cầm giữ kịp thời, chắc Vĩnh đã phát cười to tiếng…
Bài học đạo đức cách mạng chấm dứt cùng với những tiếng kẻng tập trung điểm danh vang lên từ các gian nhà lô. Một số đội đã bị cấm tắm. Và suối cũng làm gì có nước mà tắm! Riêng đội 17 được quản giáo Phú lầm lỳ dẫn theo con đường nhỏ chạy bên hông trại mộc lên thượng nguồn con suối. Anh em thấy vậy ai cũng mừng. Giờ này, quả chỉ đi lên thượng nguồn hoặc mò xuống hạ nguồn may ra mới có tí nước trong để mà tắm. Nhưng ít khi nào quản giáo Phú dẫn lên tới đó trừ những ngày hắn thấy vui vui chuyện gì trong lòng. Vừa bị tổ trác cả đám, chả nhẽ quản giáo Phú lại thấy vui? Nhưng rõ ràng hắn đang dẫn đội 17 lên thượng nguồn con suối…
Trên con đường từ suối trở về địa điểm tập trung điểm danh trước khi nhập trại, Vĩnh may mắn hết sức gặp lại được người bạn cũ từ Suối Máu lên. Mấy ngày nay Vĩnh biết anh ta đã được chuyển lên đây nhưng chưa làm sao có dịp trò chuyện. Người bạn này là Mai Mạnh Liêu. Hiện Liêu đang nằm trong đội 48, đội có nhiều anh em cũng mới được chuyển từ miền Tây lên.
Gặp nhau cả hai đều mừng hú. Trong đời tù Hàm Tân, chỉ có một thời gian và địa điểm chỗ điểm danh nhập trại sau một ngày lao động là giúp bọn tù được liên hệ với nhau dễ nhất. Dẫu rằng bọn Trật Tự thường chạy tới chạy lui kiểm soát, nhưng cũng khó mà bắt được. Lúc đội 48 và đội 17 cùng đến địa điểm tập họp và anh em đã kiếm chỗ ngồi nghỉ chân, Vĩnh nháy Liêu lết sang ngồi cạnh nhau gần những đống gạch to tướng, xếp phía trước dãy nhà ngủ của mấy ả công an.
Liêu gặp Vĩnh cũng mừng lắm. Vẫn vóc dáng to lớn trẻ trung, vẫn mái tóc bạc hơi sớm, hắn đập vai Vĩnh cười cười.
– Mừng quá! Thế là mày chưa chết!
Vĩnh nhìn quanh một vòng, hỏi vào vấn đề ngay.
– Từ Suối Máu lên hả? Đông không?
– Có khoảng ba mươi thằng đợt này thôi.
– Anh em dưới đó ra sao?
Liêu nhăn mặt, khoa tay.
– Chuyện dài chuyện dài. Sẽ nói hết cho mày nghe sau.
Nói đoạn Liêu nhìn quanh. Quang cảnh nơi đây có lẽ còn lạ mặt lắm với hắn. Vĩnh lại hỏi.
– Chắc lạ lắm hả? Đến đây là nếm mùi công an nhân dân rồi…
Liêu không nhìn Vĩnh mà nhìn vào dãy nhà tranh gần ngay đống gạch, nơi có vài đồng chí gái công an đi ra đi vào. Vĩnh giải thích. Mấy con đượi ấy là nữ công an cán bộ cả đấy. Lạ lắm hả?
Liêu lắc đầu.
– Lạ gì! Mày tưởng Suối Máu còn quân quản à? Cũng đổi sang chế độ công an từ tháng Mười năm rồi.
Một lô những đội hình khác lại nối đuôi nhau từ phía suối tiến về địa điểm tập họp. Hầu hết những người ấy Vĩnh đều đã nhẵn mặt vì ngày nào cũng thấy nhau nơi địa điểm này. Kìa cái đội 18 toàn những tay già, thế nào cũng tiến đến chiếm chỗ ngồi cạnh hàng rào để có nơi tựa lưng. Vĩnh nhận ra một lô khuôn mặt cả cũ lẫn mới. Từ ông Lê Sáng Vovinam, ông nhà báo già Lam Giang, ông bác sỹ “cầu Thị Nghè”… đến những người mới tới nhưng thiên hạ biết đến ngay vì tiếng tăm ngày cũ của họ, chẳng hạn ông Khai Trí, nhất là ông cựu tỉ phú Hoàng Kim Quy. Ông Khai Trí tóc và bộ râu quai nón của ông đã bạc phơ. Ông Hoàng Kim Quy đi lao động luôn luôn đem theo cái bình nhựa loại bốn lít đựng nước uống. Trên cái bình không hiểu ông kiếm đâu ra tí sơn, đã kẻ nguyệch ngoạc một hàng chữ: Hoàng Kim Quy, 78 tuổi…
Sau đội 18 là đội 23 lâm sản. Cái đội này luôn luôn dẫn đầu bằng một anh chàng có chiều cao vượt hẳn mọi người một cái đầu. Và trên đường về, mỗi người luôn luôn có vài cái măng đeo ngang hông hoặc vắt ngang vai. Thường thường đi sau là đội canh tác có ông nhạc sỹ Nhật Bằng làm đội trưởng. Đội nay gánh gồng nhiều nhất. Thường họ gánh thẳng về trại những cái thùng chứa phân để lấy phân cho ngày kế tiếp. Chẳng ai nói ra nhưng Vĩnh và các bạn thừa biết trong những cái thùng đựng phân ấy thế nào cũng có kẻ giấu một quả bầu, một quả bí hoặc vài quả đậu bắp… Điều này hơi dơ bẩn một tí nhưng nó là một cách duy nhất để thoát qua được sự kiểm soát của Ban Trật Tự hoặc giám thị trực…
Liêu ngồi nhìn quang cảnh này mà không nói một câu gì.
Vĩnh đành hỏi.
– Lạ lắm hả?
– Lạ gì! Đâu thì cũng thế. Có điều ở đây tao thấy nhiều nhân vật nổi tiếng quá.
– Mày thương họ?
Liêu cười.
– Thương mẹ gì! Có điều tao thấy ở đây có nhiều điều kiện để giúp người ta dễ trở thành một triết nhân. Như hiện tại tao đang nằm giữa hai người, người bên phải tao là triệu phú kiêm chủ phòng trà Đêm Màu Hồng, kiêm dân biểu Trần Quý Phong; người bên trái tao là một thằng hình sự loại đâm cha chém chú. Thế nhưng tao chỉ có thể xin được mấy hạt muối từ thằng hình sự!
Vĩnh thấy giờ điểm danh nhập trại đã bắt đầu cho những đội hình đứng phía bên trên, anh vội vàng đứng lên và cắt lời bạn.
– Mày đã được viết thư về gia đình chưa?
– Rồi. Có thể cuối tháng này tao được thăm.
– Tao muốn hỏi mày nhiều chuyện về bạn bè ở Suối Máu lắm… Mày hiện làm công tác gì?
– Công tác gì là sao?
– Thì lao động ấy mà.
– À! Tao đang đập đá. Đội tao đập đá cung cấp cho công trường xây nhà tù.
Ngẫm nghĩ tí chút rồi Liêu đứng lên. Trước khi chạy nhanh về đội hình của hắn, hắn nói nhỏ.
– Mày có biết vụ Suối Máu nổi loạn không? Bạn bè mình bị bắt tùm lum hết. Giờ sống chết chưa biết ra sao. Để có dịp tao kể cho mày nghe.
Nói rồi Liêu đứng lên chạy về phía đội 48 của hắn. Vĩnh cũng đứng lên trở về với đội 17. Cái tin vừa rồi của Liêu làm Vĩnh ngầy ngật cả người. Thốt nhiên anh nhớ tới một góc nhà thuộc dãy cách ly trên bệnh xá Suối Máu, nhớ tới khuôn mặt của một người bị rỗ hoa, khuôn mặt của Phạm Ngọc Đông, một người bạn Hải quân từng hỏi Vĩnh nơi bệnh xá rằng ở đây ông có quen thân với ai không? Bên K.30 như thế nào? Làm loạn nổi không?…
Những đội đầu tiên đã hàng hai bước vào cổng trại. Vĩnh từ từ tiến theo mọi người. Anh nghe thấy đủ thứ chuyện bàn tán. Thật lạ, chiều nào cũng thế, cứ đang ngồi với nhau chờ điểm danh nhập trại thì mọi người hầu như đều thừ ra như những xác chết, hoặc có chuyện trò cũng chỉ có tính chất riêng lẻ và lặng lẽ giữa hai ba người với nhau; nhưng cứ hễ bắt đầu điểm danh cho nhập trại, thì y như rằng cả ngàn cái miệng bắt đầu nhao nhao lên bàn đủ thứ chuyện với nhau. Họ làm như đây là những giây phút cuối còn nói được, vì khi bước qua cánh cổng kia không khác nào như người Do Thái bị đẩy vào phòng hơi ngạt; nơi đấy chỉ còn một tí thần trí quằn quại để đón lấy cái chết thầm câm, ngoài ra chẳng còn hơi sức đâu thị phi chuyện trần gian nữa! Trong những câu chuyện ấy, có những chuyện nói về tai họa của các đội trồng lạc trưa nay, có những chuyện về con suối cạn khô, có những lời than thở của kẻ đau răng không cách nào chữa trị, có những câu nguyền rủa bọn y tế làm khó làm dễ nhau…
Rồi thì đội 17 cũng lần lượt hai người một tiến vào cổng trại. Như các đội trồng lạc khác, đội 17 tiến hẳn sang cánh trái của sân trại và dừng lại so hàng chờ Trật Tự đến khám. Tất cả các lon gô đem theo uống nước đều bị mở nắp để sẵn dưới chân, áo mưa cũng bỏ nằm dưới đất. Vĩnh làm theo anh em như cái máy. Anh nhìn ra giữa sân, nơi ấy, ông trưởng ban trật tự Nguyễn Quốc Hùng đang đứng bất động như một bức tượng. Hai tay ông để ra sau đít và quan sát từng người tiến vào cổng trại. Thỉnh thoảng ông chỉ một anh tù, nạt.
– Gài cúc áo lại!
Hoặc.
– Tại sao lúc bước qua cổng không bỏ nón chào cán bộ?
Đội 17 đã được khám xét xong. Dĩ nhiên chẳng có ai bị phiền hà gì. Lạc giống có lấy thì cũng đã được cất yên trong bao tử, có đâu để cho Trật Tự khám xét lấy lại được!
Trên đường về phòng, Nguyễn Tú Cường reo khẽ bên tai Vĩnh và anh Huy như báo một tin chiến thắng.
– Tụi nó thua tôi rồi. Chúng ta sẽ có ít nhất một ký lạc sống để đâm với muối ăn khoai.
Nói đoạn Cường phóng chạy nhanh về phía nhà 2. Có lẽ hắn đã móc ngoặc được một tay nào đó làm bên đội mộc, và áp dụng chiến thuật “đem con bỏ chợ”, tức ăn cắp lạc giống bỏ vào nơi bí mật có hẹn hò trước. Người đội khác đi qua sẽ lấy đem về.
No comments:
Post a Comment