Những tấm vỉ sắt do Mỹ ráp bằng máy để làm sân bay, giờ đây lũ tù
phải cùng nhau dùng sức của hai tay không để tháo gỡ nó ra. Tháo làm sao
đây? Trong lúc bọn tù vã mồ hôi với những tấm vĩ sắt nặng nề thì tên
quản giáo vẫn luôn miệng đay nghiến. Các anh gắn đựoc thì các anh phải
tháo được! Thiết lập phi trường cho máy bay bắn phá nhân dân thì tài
lắm, đến khi phải tháo nó ra thì viện dẫn đủ thứ khó khăn. Liệu nó có
khó hơn việc Cách mạng đánh tan thực dân Pháp, đánh tan quân phiệt Nhật,
đánh tan đế quốc Mỹ và ngụy quân ngụy quyền hay không?
Tên quản giáo đang miên man đay nghiến bỗng dưng hắn ngừng lại, rồi thốt hét lớn.
– Thằng kia, mày làm cái gì vậy?
– Dạ tôi đái.
– Mày đứng đái giữa trời giữa đất thế à?
– Thưa tôi mót quá. Ở đây đâu thấy cây cối gì!
Mặc dù cũng biết giữa phi trường bát ngát những lớp vỉ sắt làm sao tìm ra được bụi rậm, nhưng sự đái không đúng lúc của một thằng tù khiến tên quản giáo vẫn thấy mình bị xúc phạm. Hắn hằn học hỏi.
– Mày tên gì?
– Phạm Điểu.
Tên quản giáo như nổi điên lên vì lối trả lời cộc lốc của một tên “ngụy”.
– Phạm Điểu hay Phạm Đểu? Hắn thét. Mày có biết lễ phép quân cách là gì không?
Ngoài dự đoán của tất cả mọi người kể cả tên quản giáo, trung úy Phạm Điểu, anh chàng người Quảng Nam cao không quá thước rưỡi, người từng ngang ngạnh nói câu “đến bây giờ còn chỗ nào trên đất nước này mà không đáng đái lên”, đã trả lời một câu đáng ghi vào quân sử.
– Tôi là quân nhân của quân đội Sài Gòn, làm sao tôi biết được quân cách của “quân đội nhân dân anh hùng”!
Câu trả lời ấy đã biến Phạm Điểu thành người nằm connex đầu tiên của trại L4T1.
Người bị đánh đập và trói dẫn đi thì mặc người. Bánh xe lịch sử vẫn lăn và khối 10 vẫn phải tháo, gỡ, lay, xeo, bưng, khuân những tấm vĩ sắt nặng nề bằng hai bàn tay rướm máu để dọn đường cho bánh xe lịch sử ấy còn lăn tới, và không biết đến ngày nào nó mới lăn tòm xuống sông?!
Tổ A.3, nhân số cũng 10 người như tất cả các tổ khác, bỗng nhiên được lệnh ngừng tay.
– Chuyện gì nữa đây? Tổ trưởng Quách Tứ với giọng Bình Định khe khẽ than thở:
– Tăng cường đào giếng trên tiểu đoàn cho các quan quản giáo có nước tắm chắc! Đặng Xuân Bính thở dài.
– ĐM nó! Làm chuyện gì làm luôn một chuyện. Kéo tới kéo lui mệt quá trời!
Lệ Văn Trợ, với cái tính bộc trực của một người miền Nam, cáu quá cất tiếng chửi thề. Vì anh chửi thề nhiều quá, nên thoạt đầu anh em gọi anh là Ba Trợ, dần dần đổi thành Ba Trợn.
Nguyễn Văn, người vẫn thường khoe với cả tổ rằng mình là một cây bút của báo… Tuổi Ngọc, lại có bố thoát ly đi làm Cách mạng từ khi anh ta còn trong bụng mẹ, “người” hiện đã về thành và thế nào cũng bảo lãnh cho anh ra sớm, vội cất tiếng chen vào.
– Ông Ba Trợn, ông giữ mồm giữ mép chút đi!
Lê Văn Trợ nghe Nguyễn Văn nhắc nhở đâm nổi cáu.
– ĐM mày ỷ con Cách mạng hả? Đi báo cáo đi.
Việc chỉ có thế mà hai người đâm ra to tiếng. Anh em phải can ngay ra. Vừa lúc đó tên quản giáo trờ tới.
– Này, tổ A.3 hả?
– Dạ.
– Tổ trưởng đâu?
– Có tôi.
– Đủ 10 người không?
– Dạ đủ.
Tên quản giáo lấy giấy bút ghi gì đó rồi lại nhét giấy bút vào túi. Hắn ngoắc một tay vệ binh đứng gần lại.
– Đồng chí dẫn 10 anh này về ban chỉ huy, bàn giao hậu cần trách nhiệm và xử dụng, đúng 5 giờ trả về trại.
Tên vệ binh lườm lườm bọn tù một cái rồi hách dịch hất hàm.
– Đi!
Ra lệnh xong hắn trí mũi súng vào tổ A.3, hất hất mũi súng về phía trước có ý bảo mọi người đi tới. Hắn lầm lũi đi theo sau khi đám Vĩnh đã bắt đầu cất bước..
Tổ A.3 đi trở lại con đường cái trong căn cứ. Hai bên lề đường đâu cũng có tù lao động. Chỗ thì cuốc đất, chỗ thì phát quang, chỗ thì lượm lặt và gom lại những súng đạn sét rỉ vứt khắp cùng, chỗ thì đang dùng sức người phá các nền nhà Mỹ…
– Vĩnh! Vĩnh!
Một tiếng la lớn cất lên trong đám tù đang khuân đạn từ một căn nhà đổ nát chất ra lề đường. Tiếng la bỗng im bặt khi có tiếng lên đạn và tiếng chửi thề độc địa của một thằng vệ binh nào đó. Vĩnh vừa bước đi vừa ngoái nhìn đám người bên vệ đường. Anh nhận ra trong đám người ấy có một người hao hao giống người anh họ của vợ mình. Anh Giong. Có lẽ anh ấy đã nhận ra Vĩnh và mừng quá lên tiếng gọi. Tổ A.3 quẹo phải ở một ngã tư. Vĩnh vừa đi vừa lo không rõ tiếp theo tiếng chửi thề của thằng vệ binh, anh Giong có mềm xương không vì sự vi phạm nội quy, tìm cách liên hệ linh tinh với các cải tạo viên của các trại khác?
Tổ A.3 được dẫn về ban chỉ huy tiểu đoàn 1. Sau khi tổ trưởng tập họp điểm danh, tên vệ binh bàn giao lại cho một tên khác.
Đây là lần đầu tiên tổ A.3 được bước vào ban chỉ huy tiểu đoàn. Nó gồm 5 dãy nhà lợp lá nền đất nằm song song với nhau. Dĩ nhiên những dãy nhà này cũng mới được bọn tù đổ công sức dựng lên theo đúng mode thời đại Hồ Chí Minh. Dãy nằm trong cùng thuộc khu vực hậu cần trại. Đàng sau nhà hậu cần là bếp tập thể. Một cái giếng cũng do tù mới đào nằm ngay sau bếp. Hiện tại tổ A.3 đang đứng trước dãy nhà hậu cần. Tên hậu cần ra tiếp nhận tổ A.3 có vóc dáng mập mạp khác thường. Thật đúng là giàu nhà kho no nhà bếp! Hắn mặc áo trận màu cứt ngựa mang quân hàm chuẩn úy tử tế nhưng bên dưới lại chơi một cái quần đùi may bằng cờ… của chúng ta!
Đặng Xuân Bính bỗng rít khẽ qua hai hàm răng.
– Tao mà có dịp vồ lại được mày thì tao sẽ đổ chì vào lỗ đít mày.
– Cứ kiên nhẫn, còn hưởng nhiều trò nhục hơn nữa ông ơi! Lê Văn Sanh, con cóc của tổ chợt nghiến răng.
Tiếng xầm xì trong hàng chấm dứt khi tên chuẩn úy hậu cần bỗng cất tiếng hô “nghiêm!”. Tuy nhiên chưa ai kịp nghiêm thì hắn đã xổ vội một tiếng “nghỉ!”.
– Thế lày nhá. Hắn bắt đầu nói. Chiều nay thì nà trên cắt công tác các đồng chí đến phục vụ hậu cần tiểu đoàn. Tôi đại diện hậu cần trại lồng nhiệt chào mừng các đồng chí. Trước nạ sau quen, phải không? Bác rậy công tác nào cũng vinh quang như nhau, vậy thì nà chiều nay các đồng chí công tác với tôi, tôi sẽ chỉ đạo các đồng chí những khu vực cần phải rải phóng.
Đây rõ ràng là một trong những tên cán binh đang còn trong tình trạng… mất dậy, hoặc chưa thuộc bài về cách xưng hô với lũ tù “ngụy”, hoặc cái lưỡi của hắn đã cứng lại không còn thuốc gì chữa nổi nữa; cho nên hắn cứ thơ thới hân hoan xưng hô đồng chí đồng rận với lũ tù một cách tự nhiên như người… Hà Lội (*). Hắn chợt quay sang hỏi Quách Tứ. Đồng chí nà tổ trưởng hả?
Quách Tứ khó chịu như bị kiến cắn nhưng anh cũng gật đầu. Tên hậu cần lại tiếp. Chào mừng đồng chí được Đảng tín nhiệm giao công tác tổ trưởng. Không cần để ý đến nét mặt của người được chào mừng xanh đỏ vàng đen như thế nào, tên cán bộ hậu cần diễn giảng luôn một lèo về những vinh quang và quyền lợi của chức vụ tổ trưởng. Hắn nói. Tôi bảo thật các đồng chí. Đồng chí… Hắn chợt quay sang hỏi Quách Tứ. À mà đồng chí tên gì nhỉ?
– Tôi là Tứ.
– À đồng chí Tứ. Đồng chí phải biết rằng đồng chí rõ nà may mắn nắm đấy. Tôi í à!? Tôi phục vụ Đảng tính đến nay nà 15 năm, noanh quanh đi gần hết các D của F (**) này cấm đươc cái chức tổ trưởng. Mười lăm năm tự thủ nấy hai vai trò vừa thầy vừa thợ, chỉ huy toàn những tạ muối, tạ ngô, tạ khoai, tạ gạo. Bạn bè với nũ nợn, nũ gà. Đồng chí mới bước vào học tập đã nắm ngay tổ trưởng, may nắm đấy. Đồng chí cố mà nàm cho tốt công tác Trên giao phó. Đừng nàm rì sai trái. Mất không bao giờ nấy nại được.
Đột nhiên hắn ngưng nói vì hắn vừa phát hiện ra mấy cái áo bộ đội khác đang áp sau cánh cửa của nhà hậu cần. Ngẫm nghĩ một chút hắn tiếp. Lói thế đủ rồi. Các đồng chí bộ đội đang chờ ta. Bây giờ tôi triển khai công tác nhá. Vậy thì nà ta có 10 người phải không? À, mà đồng chí tổ phó đâu?
– Có tôi.
Anh chàng Khoa cũng người xứ Quảng, trung úy quân nhu nhưng lại từng có dịp sang Mã Lai tu nghiệp nghề… săn bắt “Cách mạng” trong rừng, nhanh nhẩu lên tiếng. Trong tổ Khoa không được anh em ưa cho lắm vì tính tình bộc lộ sự keo kiệt quá đáng ngay từ thủa ban đầu. Do vậy, vừa lên tiếng là Khoa đã bị ông Ba Trợn kê nhẹ một câu: Thích nhá, sửa soạn được chào mừng đấy!
Khoa nghe thấy nhưng anh cứ lờ đi. Tên cán bộ hậu cần kêu anh bước ra khỏi hàng.
– Có tổ trưởng nại có cả tổ phó, vậy ta chia tổ nàm 2 bán tổ, các anh nhất trí không? Một bán tổ sẽ do tổ trưởng đảm trách, bán tổ còn nại sẽ do tổ phó kiểm tra.
Sau khi tổ A.3 được chia làm 2 bán tổ, tên cán bộ có vẻ hài lòng ra mặt. Hắn nói. Tốt thôi! Giờ tôi chia công tác cho các đồng chí, nhá. Nói tới đây hắn chợt quay vào trong nhà gọi lớn. Đồng chí Toản! Đồng chí Toản đâu?
Sau tiếng gọi, từ trong nhà một tên bộ đội khác vai đeo AK.47 bước ra. Nó mặc áo thung và bên dưới cũng chơi một cái quần đùi may bằng cờ quốc gia.
Đám Vĩnh cùng ngó tên bộ đội mới bước ra. Trông thấy nó rồi không thể nào gọi nó là một tên lính được. Bộ mặt non choẹt nhất định chỉ vừa thoát khỏi cái tuổi thò lò mũi xanh đôi ba năm. Trên đầu nó đội lệch một cái mũ lưỡi trai bẩn và nhầu như một cái giẻ lau xe. Mặc dù cũng giòng họ vẩu nhưng nhờ bộ mặt còn non sữa nên trông đỡ quỷ quái. Bù lại, nó có đôi mắt nhìn tù thật ác; đôi mắt như kết tụ sự thành công của một đường lối tuyên truyền nhồi sọ ác độc của Cộng sản về một đối phương “uống máu nhân dân không biết tanh!”
Nó bước ra sân lên tiếng một cách mất dạy không ngờ.
– Giao thằng nào thì giao nẹ nẹ nên. Dẫn mấy thằng tù đi hốt cứt chứ đi đâu mà nên nớp rông rài quá!
Tên cán bộ hậu cần vẫn bình thản nói với đám tù.
– Đồng chí Toản sẽ phụ trách chỉ đạo bán tổ A do anh Tứ nàm bán tổ trưởng. Anh tổ phó dẫn 4 người còn nại theo tôi.
Vĩnh lẽo đẽo đi theo bán tổ A. Tên bộ đội vừa dẫn đường vừa chửi trời chửi đất, sau cùng nó dẫn 5 người đến dãy cầu tiêu phía sau tiểu đoàn, lên lớp một lúc rồi kết luận.
– Chúng mày nhớ dọn cho sạch không ông bắt chúng mày ăn!
Nói đoạn, thằng bộ đội vác súng kiếm bóng mát ngồi.
Quách Tứ vì trách nhiệm vội vã lên tiếng giục anh em, còn anh em thì thằng nào cũng đứng nghệt mặt ra, không biết làm sao với hai tay không múc cho hết hai cái hầm phân đầy dòi và giấy lộn.
– Ông hỏi nó xem có xẻng có thùng gì không? Ba Trợ lên tiếng thúc Quách Tứ. Quách Tứ cũng đang tính như vậy, nhưng vì thấy bộ mặt thằng nhóc hắc ám quá anh còn ngần ngại. Sau cùng Tứ đánh bạo đi về phía tên bộ đội.
– Báo cáo anh, xin anh cho chúng tôi mượn đồ nghề.
Tên bộ đội đã thủ thế từ lúc thấy Quách Tứ bước đến. Nghe Tứ hỏi, nó đổ quạu.
– Đồ nghề nà cái rì?
– Dạ xẻng hay cái thùng gì cũng được.
Tên bộ đội vùng vằng đứng lên.
– ĐM xẻng thùng thì nói xẻng thùng, nói đồ nghề! Cứ như là đồ nghề súng đạn để cho chúng mày đi bắn phá nhân rân không bằng!
Quách Tứ đứng nuốt hận. Mọi người cũng nuốt hận. Vĩnh bỗng bắt giọng ngâm khe khẽ.
Chim quyên uống nước vũng trâu
Phượng hoàng gà đá, diều hâu sẻ đùa!
– Ông ghi câu đó cho tôi nhé. Đặng Xuân Bính chợt lên tiếng bên tai Vĩnh.
– Ghi cho ai chứ ghi cho ông thì không dám.
– Sao thế?
– Nghe thấy tên ông tôi đã rét rồi.
– Sao lại rét? À, hay sợ tôi bà con với Đặng Xuân Khu?
– Đúng thế!
Bính bỗng ngó trời ngó đất rồi cười.
– Ông nghi cũng có lý. Chẳng dấu gì ông, ông nội của Đặng Xuân Khu ngày xưa là tá điền trung thành của ông cố nội tôi. Lão họ gì đó tôi cũng không nhớ nữa. Tôi chỉ nghe kể rằng ông cố nội tôi thương ông nội của Đặng Xuân Khu lắm lắm, thương đến độ cho cải họ nhập vào họ tôi ở làng Hành Thiện. Và ông cố nội tôi đặt cho ông nội Đặng Xuân Khu một cái tên mới là Đặng Xuân Đít…
Vĩnh không nhịn được cười trước khuôn mặt diễu lạnh tanh của bạn mình.
Quách Tứ đã kéo từ trong kho hậu cần ra một cái thùng đại liên trống và hai cái xẻng. Anh nói lớn.
– Có đồ nghề rồi đây mấy cha. Các cha thay phiên nhau múc đổ ra ao rau ngoài xa kia. Tôi, anh Bính và anh Vĩnh múc. Anh Hải anh Trợ ra ao ngồi lượm giấy bỏ riêng ra một đống tìm cách đốt cho sạch.
Thế là một màn múc cứt và chuyển cứt ra ao. Đây là màn mở tay nên ai cũng vụng về. Cái gì vụng về không sao, chứ hốt cứt mà vụng về thì chỉ 15 phút sau mấy thằng tù đã biến thành mấy đống cứt biết đi; thêm 15 phút kế thì không còn ai thấy thằng bộ đội ngồi trong bóng mát đâu nữa. Không hiểu nó không chịu nổi cái mùi vinh quang đích thực của xã hội xã hội chủ nghĩa, hay là đã rúc vào nhà kho kiếm chác vài hạt lạc sống hoặc ít miếng khoai khô!?
Lịch sử là một chuỗi những biến cố không ngừng, ai cũng biết điều đó; và người ta còn biết rõ hơn nữa là lịch sử không bao giờ dành riêng cho ai cái khả năng tiên đoán chuẩn xác. Cách đây vài tháng thôi, ai đoán nổi hàng triệu người miền Nam đang bị Cộng sản dí súng vào lưng bắt hốt cứt cho chúng như thế này? Có thể có một số người đoán biết được miền Nam sẽ hoàn toàn sụp đổ, nhưng chắc chắn không ai đoán ra cái hiện trạng này. Có thể họ sẽ đoán ra cái hậu quả của sự sụp đổ ấy là Cộng sản phải khôn ngoan hơn, ứng dụng khéo léo cái chính sách hòa hợp hòa giải của chúng để từng bước xích hóa êm thắm cả một miền Nam thù hận. Cũng có thể bi quan hơn, họ đoán rằng miền Nam nhất định sẽ trở thành biển máu. Không ai đoán đúng được cái chiêu thức của Cộng sản, rằng chúng chẳng có hòa hợp hòa giải, cũng chẳng cần có biển máu; nhưng để triệt hạ những thành phần chống lại chúng, chúng có một biện pháp siêu quần hơn: Gom tất cả lại, dùng sự khổ sai trên thể xác, tủi nhục trong tâm hồn giết dần những đối tượng của chúng!
Sự tiên đoán chuẩn xác, do đó, rõ ràng đã không có cho những người của thế giới Tự Do, kể cả những máy tính điện tử tinh vi nhất của Ngũ Giác Đài…
– ĐM lại rơi cái đầu Bác nó xuống mất rồi!
Tiếng chửi thề bực bội của Bính lúc hắn làm rơi cái thùng múc phân xuống hầm cầu khiến Vĩnh giật mình.
– Thì tìm cách lấy nó lên. Ông chửi tôi nghe ghê quá! Tổ trưởng Tứ khẽ cự.
Vĩnh cảm thấy mệt mỏi. Cuộc chiến tới đây rất cần những người như Bính, nhưng nếu cứ cái tính khí ấy, hắn sẽ tiêu trước khi có dịp cầm súng trở lại. Lúc Quách Tứ chạy tìm một cọng kẽm làm móc, Vĩnh thủ thỉ với bạn.
– Bính à, dù thế nào mày cũng không nên quá tin những người chung quanh. Mày chửi hoảng kiểu đó có ngày mang đại họa.
Bính như hồi tâm, hắn nhún vai.
– Tao cũng ngại bọn chức sắc này kia kia nọ lắm, nhưng có lẽ chỉ khi chết rồi tao mới bỏ được cái máu húc Biệt Động của tao!
Vĩnh lặng thinh trước câu than thở của Bính. Anh nhìn người bạn khóa 25 võ bị rồi ngó lên mây nói vu vơ.
– Sống nhục khổ hơn chết! Nhưng khốn nạn thay, lịch sử chỉ thuộc về những kẻ còn sống, không thuộc về những người đã chết…
No comments:
Post a Comment