Chương 29
Hơn một trăm tù mới được bổ sung cho trại 1, được gài
vào năm đội. Đội 5 có lẽ được gài nhiều nhất, vì từ B1 đến B5, B nào
cũng thấy có người mới. Những dãy A, C, D và E ít hơn. Và như thế, xét
theo tâm lý thông thường, những anh chàng bị gài một cách lẻ loi vào các
đội khác chắc phải buồn và cô độc lắm! Nhưng dù ở đội nào, 8 giờ sáng
tất cả lại được gặp nhau trên hội trường. Hội trường ở đây quả không
"hùng vĩ" như hội trường bên Trảng Lớn, vì nó không do mồ hôi nước mắt
của bọn tù dựng lên; nó là một dãy nhà tiền chế - có thể là dãy nhà kho
trước kia - của Mỹ kiến tạo để lại.
Bọn quản giáo ở đây trông văn minh hơn bọn quản giáo ở Trảng
Lớn. Thằng nào quân phục cũng thẳng nếp và có quân hàm trên cổ đàng
hoàng. Tuy nhiên chúng có vẻ quan liêu và ác độc hơn. Cái cảm giác ấy
khiến người mới đến thấy rằng, sở dĩ chúng quan liêu hơn chính vì thái
độ quá khúm núm của các trại viên nơi đây; và ác độc hơn có lẽ vì trại
này là trại nhốt toàn công an cảnh sát của chế độ cũ, một đối tượng mà
chúng đã phải đặt thành vè:
Quân nhân công chức thì tha, Công an cảnh sát lóc da bêu đầu!
Tất cả lại được gặp nhau trên hội trường. Những người cũ trước
khi đi lao động có xầm xì rằng số mới tới còn được biên chế nữa chứ chưa
ổn định tại trại này. Tin đồn dù sao cũng làm anh em rêm mình. Nó mà
phân tán mỏng thêm nữa chắc buồn lắm!
Khi mọi người lên tới hội trường đã có sẵn một lô quản giáo trên
đó. Các đội trưởng, trong đó có đội trưởng Chúc, đều tỏ ra rất bận rộn
với lũ tù mới. Chúc luôn miệng hét: Anh ngồi đây. Anh kia, ngồi yên chỗ
đó.
Trên hệ thống loa của hội trường giọng một tên cai tù đã nổi lên: Thôi nhé, ổn định đi nhé! Các anh ổn định chỗ ngồi xong chưa?
Bên dưới chỉ có những tiếng "thưa rồi" của các đội trưởng. Nghe
đáp, tên cán bộ cũng với cái giọng thì thì mà mà như trăm ngàn thằng cán
bộ khác của tân chế độ, bắt đầu lên lớp.
-... Thế thì nà hôm nay tôi nhân ranh quản ráo đại riện khung
trại 1, hân hoan chào mừng các anh mới từ Trảng Nớn biên chế về đây để
tiếp tục học tập cải tạo.
Bên dưới nhìn lên giờ Vĩnh mới nhận ra hắn bị liệt mất một tay,
tay trái. Vì liệt một tay nên người hắn đứng không thẳng, lúc nào cũng
như có khuynh hướng sắp đổ sang một bên.
Bên trên sân khấu, ba hoa một hồi tên quản giáo thụt lùi vài
bước tới trước một tấm bảng đen được dựng trên giá đàng hoàng. Hắn giơ
tay kéo tấm vải xanh sang một bên, để lộ tấm carbon trắng viết chữ đỏ
thật đẹp. Bên dưới bọn tù mới đến đều nghĩ bụng: Chà! Ở đây "văn minh
văn hóa" thật! Công này cũng do mấy ông cải tạo viên đẻ ra đây thôi.
Tên quản giáo sau khi mở tấm vải ra, hắn kéo máy vi âm lại gần, rồi chỉ từng chữ trên tấm carbon và nói lớn.
- Bản nội quy của trại ta, hắn nói, gồm 4 mục chính: Ăn ở, học
tập, lao động và đấu tranh sai trái. Tôi sẽ lần lượt đi vào các điểm của
từng mục.
Hơn một tiếng đồng hồ ê a, tên quản giáo liệt một tay đi hết 38
điểm trong bản nội quy. Nội dung của nó cũng chẳng khác gì bản nội quy ở
Trảng Lớn. Ăn ở thì phải vệ sinh có văn minh văn hóa. Học tập phải
thành khẩn nghiêm túc. Lao động phải tích cực, đảm bảo đạt chỉ tiêu, đạt
chất lượng, đúng kỹ thuật và kỷ luật, luôn phấn đấu nâng cao năng suất.
Đấu tranh sai trái phải thẳng thắn, không bao che, không kiêng nể...
Kết thúc buổi lên lớp luôn luôn là một bài hát. Một tên đội
trưởng nhảy lên sân khấu bắt nhịp một bài hát. Không may cho hắn, bài
hát này bọn tù từ Trảng Lớn lên chưa ai được nghe bao giờ. Hắn hoảng hốt
bắt bài khác. Cũng lạ tai nốt! Mãi đến bài thứ ba bên dưới mới chấm dứt
tình trạng ngậm tăm. Mọi người lục đục hát theo. Đó là bài Giải Phóng
Miền Nam, một bài hát của Huỳnh Minh Siêng mà nhiều người nói rằng đó là
tên thứ hai của Lưu Hữu Phước.
Lúc theo các bạn bước ra sân Vĩnh mới có dịp quan sát tất cả sự
vật chung quanh trại 1. Đúng như nhận xét lúc khuya của anh, nơi đây tổ
chức doanh trại có vẻ quy mô hơn Trảng Lớn nhiều. Những đống gỗ thông,
những cột điện gỗ ngâm dầu đen xì, những tấm tôn xếp thành từng chồng...
cho thấy trại đang nằm trong một kế hoạch kiến thiết mới. Qua một lớp
rào đơn chạy suốt từ đầu sân này tới đầu sân tận cùng của trại, bị cắt
đứt bởi một cái hào lớn, Vĩnh thấy có nhiều người đứng lơ mơ bên vùng
đất bên kia hàng rào. Bên đó cũng có những dãy nhà như bên này, cũng có
những miệng giếng rộng bên trên treo hàng loạt ròng rọc.
Bính chợt đập vào vai Vĩnh.
- Thằng Sanh kìa!
Vĩnh nhìn qua hàng rào thấy Sanh đang đứng một mình nhìn trời nhìn đất có vẻ buồn lắm. Vĩnh phát kêu hơi lớn tiếng.
- Sanh.
Sanh quay phắt lại. Nó ngó chung quanh rồi tiến tới gần hàng rào, hỏi Vĩnh.
- Tụi mày được ở bên đó hết hả?
- Ừ. Mày trại mấy?
- Trại 2. Có mình tao với thằng Vinh thôi. Thằng Vinh tổ 10 ấy. Buồn đéo chịu được Vĩnh ơi!
- Chứ bên này vui à? Cho biết tình hình sinh hoạt bên đó được không?
- Hắc ám lắm.
- Học nội quy chưa?
- Chưa. Giờ nó cho đi tắm rửa. Chiều lên lớp. Bên mày sao?
- Vừa ở hội trường ra. Bên đó mày có nghe tin đồn là sẽ có biên chế nữa không?
- Cái gì?
- Mày có nghe nói sẽ có chuyển trại nữa không?
- À, có. Mà không. Tao chỉ nghe nói còn nhiều đợt Trảng Lớn đưa về đây nữa.
Thấy có nhiều tay cũ cứ đứng trố mắt nhìn những kẻ mới đến tự do "liên hệ linh tinh", Bính vội kéo tay Vĩnh và nói lớn với Sanh.
- Giữ liên lạc với tụi tao nghe mày. Cũng chỗ này, chiều chiều...
Nói đoạn cả hai bước theo những người khác trở về phòng.
Đội trưởng Chúc đã đợi mọi người trước vuông sân của B1. Vĩnh
đứng nhìn quanh. Ở đây tranh thủ trồng cây nhớ Bác ghê thật! Trước mỗi
dãy nhà đều có những giàn bầu giàn mướp leo xanh rờn. Đứng nơi đây, Vĩnh
có thể quan sát khá rõ ràng con lộ chạy bên hông B1. Đúng con lộ ấy,
đêm hôm qua đám Vĩnh được xe Molotova thả xuống. Như vậy cổng trại 1 sẽ
nằm phía sau những dãy nhà kế tiếp của đội 5 này. Lề phía bên kia của
con lộ là một dãy hào sâu. Bên ngoài dãy hào sâu đó là những cuộn
concertina thả chằng chịt chạy mút lên tới các trại kế tiếp mà Vĩnh nghĩ
đó là các trại 2, 3, 4... Nhìn những luống rau muống trồng gần hàng rào
mới ghê hồn. Đất ở đây xấu quá, tệ hơn cả đất ở căn cứ Trảng Lớn. Đất
trồng rau mà lởm chởm toàn đá ong đỏ au được đập vụn. Tuy nhiên những
cọng rau muống vẫn mập ú. Nó mập chẳng nhờ đất mà nhờ tù ở đây áp dụng
đúng bài học: Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống! Phân được chơi tối
đa. Trên những luống rau Vĩnh thấy phân rác trộn phân người được rải lền
khên. Ruồi bâu trên những luống rau như rải đậu đen... Nhớ tới cái mùa
kiết lỵ năm trước ở Trảng Lớn Vĩnh không khỏi rùng mình.
Đội trưởng Chúc cho mọi người tập họp. Vì trong bụng đã hơi gờm cái đám tù mới đến, thành thử hắn chỉ vắn tắt.
- Theo Trên, sáng nay cho các anh nghỉ ngơi tắm rửa và làm vệ
sinh cá nhân. Tôi chỉ yêu cầu các anh triệt để chấp hành nội quy. Anh
nào liên hệ linh tinh bị ghi nhận hay bị quản giáo bắt gặp hoàn toàn tự
chịu trách nhiệm. Riêng các anh tổ trưởng các tổ mới lập theo tôi xuống
bếp. Tôi sẽ hướng dẫn cách thức lãnh cơm nước cho anh em...
Chúc chỉ nói vài điều như vậy rồi cho tan hàng. Vĩnh trở về
phòng. Dù thật buồn ngủ nhưng hôm nay vẫn là một ngày thoải mái trong
đời cải tạo, ấy là không phải đi lao động và được thong dong tắm rửa
ngay buổi sáng. Một lúc sau cả bọn kéo nhau ra giếng tắm. Tổ mới người
mới, gầu và dây đều chưa có nhưng biết mượn ai bây giờ? Vĩnh lại chạy
trở về phòng. Mỗi phòng đều có một người trực nhà. Người trực ở phòng
Vĩnh là một ông già. Tên ông ta là Tấn. Ông già lắm, tuổi cũng phải xấp
xỉ sáu mươi. Từ sáng sớm Vĩnh đã thấy ông có nhiều thiện cảm với đám mới
đến. Chưa có dịp để nghe ông nói, nhưng nhìn ánh mắt và sự dặn dò thân
mật của ông với đám Vĩnh, Vĩnh nghĩ rằng ông ta sẽ rất sẵn sàng giúp đỡ
những chuyện lặt vặt cần thiết lúc này.
- Bác Tấn!
- Gì đấy ông?
- Bác có gầu múc nước không?
Ông Tấn hơi ngẫm nghĩ.
- Tôi chỉ có một cái gầu nhỏ xíu múc nước lau nhà. Gầu lớn...
Ông hơi lưỡng lự. Thôi được, ông tiếp. Để tôi mượn tạm của mấy tổ đi lao
động. Các ông dùng xong để lại chỗ cũ. Ở đây họ khó chịu lắm. Mượn mà
không hỏi sinh chuyện tức thì!
Nói đoạn ông Tấn bước ra sau nhà. Vĩnh lẽo đẽo bước theo. Ông
dẫn Vĩnh đến cái bếp nhỏ của phòng dựng sát hàng rào phía sau. Vĩnh kinh
ngạc. A! Ở đây đỡ quá, có chế độ "bếp mẹ bếp con"1 nữa chứ! Nghĩ thế Vĩnh lên tiếng hỏi ngay.
- Ở đây họ cho mình nấu nướng linh tinh hả bác?
Ông Tấn lúi húi tìm một cái gầu gò bằng tôn xếp ngăn nắp bên hông bếp.
- Bếp cơm của cả trại là dãy nhà tôn dưới kia các ông biết rồi.
Gần đây trại họ cho mỗi nhà được dựng một cái bếp nhỏ để cải tạo hâm đồ
ăn thức uống hoặc nấu những món gia đình gửi vào. Tuy nhiên cũng nhiêu
khê lắm. Đe dẹp hoài. Trực nhà phải lo vệ sinh cái bếp con này còn hơn
lo chỗ nằm của mình. Họ đi kiểm tra thấy dơ một tí là đe dẹp. Mà dẹp bếp
là lỗi của trực nhà. Anh em nó lôi ra trước tập thể đấu tố có mà... bỏ
xác! Vĩnh không chú ý lắm đến lời ta thán của ông Tấn. Anh tò mò.
- Nhà gửi vào đồ khô thì cần gì nấu nướng?
- Nhưng nếu không có bếp con lấy gì luộc khoai!? Ở đây bộ chỉ huy họ bán khoai cho cải tạo.
- À ra thế!...
Vĩnh tính nói thêm một cái gì nhưng lại thôi. Dù sao có bếp cũng lợi rồi.
Ông Tấn lựa một cái gầu và một sợi dây tốt nhất đưa cho Vĩnh, dặn dò.
- Dùng xong ông nhớ móc vào chỗ cũ, dây tháo ra, cuộn lại và móc trên đinh cho khô. Đừng quăng bừa ra đó họ về họ chửi tôi chết!
Vĩnh cám ơn và cầm cái gầu bước đi. Anh nhìn cái gầu mà hết hồn.
Nó không phải là một cái gầu, mà là một cái thùng gò bằng tôn có dung
tích ít ra cũng gấp đôi cái thùng dầu hỏa hiệu con gà. Thứ này có đại
lực sĩ cũng không kéo nổi. Vĩnh ngoái lại hỏi.
- Gầu lớn quá làm sao múc bác?
- À, cũng dặn ông. Ở đây cái gì cũng chơi tập thể, kể cả kéo
nước. Gầu này phải tối thiểu ba tay xúm lại mới kéo nổi. Ông cứ móc dây
vào ròng rọc mà kéo. Trai trẻ như các ông hai người cũng thừa sức...
Nghe nói "trai trẻ như các ông" mà Vĩnh buồn cười. Tuổi anh mới
ba mươi nhưng những trận đau thập tử nhất sinh của năm qua đã biến anh
thành một cái xác biết đi, trông còn thê thảm hơn ông Tấn, một ông lão
lục tuần. Nghĩ thế nhưng Vĩnh chẳng nói gì. Anh cầm cái gầu và thong thả
bước về phía giếng nước. Tiếng bác Tấn bỗng hỏi với theo. Trông ông
quen lắm. Hồi xưa ở đâu?
Vĩnh đứng lại.
- Ở đâu là sao bác?
- À, nhà cửa ấy. Gia đình ở đâu?
- Tôi ở khu Ông Tạ. Còn bác?
- Tôi à? Tôi cũng ở gần đấy đấy. Ở cư xá sĩ quan Chí Hòa.
Vĩnh hơi ngẫm nghĩ.
- Bác già quá rồi, sao vào đây?
Ông Tấn nhìn quanh một vòng. Khi biết rõ không có ai khác, ông thều thào.
- Cả họ nhà tôi đi cải tạo ông ạ! Tôi là cựu thiếu úy Bảo An
Đoàn, giải ngũ gần hai chục năm rồi. Hai thằng con lớn của tôi một thằng
trung tá một thằng thiếu tá. Trong đám cháu nội ngoại của tôi cũng có
ba thằng cấp úy. Bị gom trọn ổ!
Vĩnh không biết nói sao, chỉ cười buồn.
- Bác già mà kiểu cách và giọng nói còn nhiều nhà binh tính lắm.
Thôi thì cũng ráng cải tạo cho vui. Thế nào bác cũng về sớm hơn tụi
này. Đừng lo gì bác ạ.
Ông Tấn gật gù rồi quay vào trong nhà, quay trở lại với nhiệm vụ
cây chổi của ông ta. Vĩnh xách gầu ra giếng. Đám ngoài đó đã có kẻ mượn
được gầu múc nước rồi. Nhiều tay đang bu lấy một sợi dây kéo một gàu
nước to tướng. Vĩnh đứng nhìn. Cái hoạt cảnh này khiến anh nhớ đến những
phim La Mã, có những kẻ nô lệ xếp từng hàng dài, mệt mỏi bấu lấy một
sợi dây thừng to để kéo những vật nặng lên một đỉnh cao nào đó...
Bính chạy lại cầm sợi dây tiếp Vĩnh. Nó nắm một đầu dây buộc vào
khúc cây đóng ngang chiếc thùng. Loay hoay mãi nó buộc không xong. Vĩnh
ngứa mắt.
- Đưa đây!
- Dây to quá tao buộc còn sợ sút, tay mày như cái se điếu thế kia...
Vĩnh cười.
- Nút dây là một kỹ thuật của Hướng Đạo và Hải Quân. Tao gồm đủ
hai cái đó. Đâu cứ phải người chiếm giải nhì kéo tay như mày mới buộc
chặt được nút dây.
Bính cười cười rồi trao đầu dây cho Vĩnh, nói vu vơ.
- Công nhận thằng Đính nó khỏe thật. Roi roi mà sao gân tay nó
cứng quá! Giờ này chắc tụi nó đinh minh bọn mình đang nằm đảo hay một
chỗ nào đó trong dãy Trường Sơn...
Vĩnh vừa buộc dây, vừa hỏi.
- Mày có biết tại sao tụi nó đưa bọn mình về ngay Biên Hòa này không?
- Con nít nó cũng biết. Cỡ tao nó đem vào Trường Sơn khác nào
thả cọp về rừng về rú. Tao sợ rồi đây chúng còn cất kỹ mình vào khám Chí
Hòa nữa không chừng! Mẹ kiếp, nằm trong đó coi như gặm một mối căm hờn
trong cũi sắt!
Vĩnh đã buộc xong một đầu dây vào thùng. Anh đứng lên cầm đầu
dây kia xỏ vào một trong những chiếc ròng rọc treo bên trên miệng giếng.
Giữa những tiếng kéo nước và xối nước ầm ầm, anh nói khẽ như để cho
chính mình nghe.
- Nơi đây tháp cánh cũng khó bay thoát! Và nếu như Mỹ có giở lại
cái trò Sơn Tây thì một sư đoàn không quân chưa chắc vào nổi!...
Cái gầu vừa được thả xuống thì một đám khác ùa vào ké. Những
thùng nước cứ thế thay nhau kéo lên và lũ tù cứ ào ào tắm gội. Vĩnh vừa
tắm vừa ngó quanh. Anh không thấy Tiến và Hóa đâu cả, chỉ có ông xã xệ
Phạm Kim đang lúi húi như tìm một cái gì ngoài bờ mương. Bỗng nhiên Bính
chỉ tay ra ngoài hàng rào.
- Tụi nó lao động về kìa!
Vĩnh dõi mắt nhìn theo. Từ xa, lẩn khuất sau những bụi cỏ lau,
cỏ cứt lợn cao quá đầu người, sau những gò mối đã hóa đá ong, Vĩnh thấy
từng đoàn người xếp hàng ngay ngắn đang tiến về phía trại. Theo sau
những đoàn người ấy dĩ nhiên có vệ binh vác súng hộ tống và quản giáo đi
kèm. Vĩnh thấy lòng mình chẳng buồn cũng chẳng vui. Anh chỉ thắc mắc
không hiểu sau những bụi rậm khuất mắt kia là đâu. Những nông trường bát
ngát? Hay những nền nhà Mỹ? Hay những bãi mìn đầy cỏ hoang và sình lầy
chạy dọc theo vòng đai phi trường Biên Hòa?
Nắng giờ này đã thấy gắt. Nắng Biên Hòa chẳng thua gì Trảng Lớn.
Đứng xối nước ào ào mà còn thấy nóng. Bỗng dưng Vĩnh lại nhớ đến thân
phận của những người cùng chuyển trại về đây, nhưng họ đã không được
bước lên xe thoải mái như anh và nhiều người khác, mà là bước lên những
chiếc xe đặc biệt có xích sắt nơi chân và còng nơi tay. Những người ấy
là Tỷ và Non, xa hơn tí nữa là Nguyễn Ngọc Trụ của trại L4T1. Còn bao
nhiêu người như thế nữa? Vĩnh không thể biết rõ vì anh cũng chỉ là một
thằng tù dưới chế độ Cộng sản, có nghĩa là nhiều chuyện xảy ra ngay khối
đội bên cạnh mà vẫn không hề có dịp hay biết! Tin tức về những người
khác trại, ngay cả khác khối khác đội cũng chỉ có thể biết được nhờ ở
một sự may mắn tình cờ. Dù sao trước khi rời Trảng Lớn Vĩnh cũng đã được
nhìn thấy nhiều người, trong đó có Tỷ và Non, bị cùm chân tay dẫn lên
những chuyến xe đặc biệt; những người bạn ấy bây giờ ở đâu? Đang nằm
trong một connex? Hay đang bị tra khảo nơi một phòng an ninh nào đó của
những khu trại mới?
Ông Tấn bỗng xuất hiện với cây chổi còn cầm trên tay. Ông nhìn Vĩnh nói lớn.
- Họ lao động về rồi. Ông trả cái thùng về chỗ cũ giùm đi không sinh chuyện kẹt cho tôi lắm!
Vĩnh vội vã kéo thùng tháo dây và xách thùng trả về chỗ cũ. Mười
phút sau những đoàn tù đi lao động đã trở về tới con lộ. Đám Vĩnh bước
ra đầu hồi của nhà B1 đứng nhìn. Ai cũng mong mình nhận diện ra một
người quen. Đám tù lao động về trông bê bết và mệt mỏi. Có lẽ họ đã trải
qua một buổi sáng "vinh quang" cật lực! Thùng, cuốc, leng, xẻng, dây,
gậy... Tất cả tạo thành một đoàn quân hỗn độn, rã rời. Tiếp theo là
những tiếng hô hoán điểm danh, tiếng báo cáo nhân số, tiếng hăm dọa,
tiếng chửi rủa... Rồi thì các đội hình tù xếp hàng dài tít cũng lần lượt
tan ra, không khác nào những kẻ nô lệ thốt nhiên được buông khỏi một
chuỗi xiềng xích vô hình. Họ lầm lũi, xiêu vẹo tìm lối trở về phòng!
Vĩnh quay trở lại B2. Đứng nghĩ ngợi vu vơ dưới giàn mướp xanh
rờn, có những quả mướp đã già quắt queo chen lẫn những quả mướp căng dài
đương độ nhưng không ai hái - đúng hơn không ai dám hái dù cho chính
tay họ vun xới trồng lên - Vĩnh nhìn xuống căn nhà tôn tiền chế dùng làm
nhà bếp và nơi phát cơm. Lạ nhỉ! Tụi quản giáo ở đây hời hợt thật. Bọn
tù mới đến giờ này cũng chưa biết quản giáo đội mình là ai. Chả nhẽ
chúng nó trao quyền cho đội trưởng lớn đến độ hoàn toàn thay mặt chúng
khống chế bọn tù hay sao?
Đang nghỉ ngợi thì Kim từ cửa sau vòng ra đập vào vai Vĩnh.
- Moa vừa gặp một tay lao động về. Lũy trông giống hệt tay trung úy hay tường thuật đá banh trên vô tuyến truyền hình trước đây.
Vĩnh ngao ngán.
- Tưởng gì lạ chứ hắn hiện diện nơi đây là một cần thiết hiển
nhiên. Thân mình đây chẳng đang là một trái banh hay sao? Đời đá lên đá
xuống cũng cần có sự hiện diện của một tay tường thuật nhà nghề lắm chứ!
Những tiếng khua bát khua đũa ầm ĩ chợt vang lên đây đó làm Vĩnh
thấy đói cồn cào. Vĩnh chợt thấy vui vui. Anh hồi tưởng lại những cảm
giác phải chịu sự điều độ thời thơ ấu học trong một trường nội trú. Giờ
cơm nào cũng thấy vui khi người ta đói. Từ trong phòng B2 nổi lên những
tiếng thúc hối người trực phòng xuống bếp nhận cơm.
Đây là giờ bận bịu của bác Tấn. Phần cơm của trên 50 người thực
tế không phải là nhẹ. Bác chỉ là người trực chính. Những người trực phụ
trong ngày, có nhiệm vụ theo bác xuống bếp nhận và khuân phần cơm rau về
cho cả phòng, thường ít khi hiện diện đủ để theo bác xuống bếp nhận
phần ăn. Họ là những người mới đi lao động về, do đó cũng cần tắm rửa
như ai trước bữa ăn.Thường thường bác lại phải đứng giữa phòng kêu gọi
sự tình nguyện thêm của một vài anh đã tắm rửa xong.
Vĩnh mới đến, chẳng nề hà gì mà không tình nguyện theo bác xuống
bếp tham quan một chuyến. Dù sao việc chia cơm chia rau ở đây khác xa
Trảng Lớn. Ở đây tập thể hóa mọi việc, kể cả việc kéo nước tắm; nhưng ăn
thì... cá thể! Điều ấy có nghĩa là tổ trực nhận cơm về phân phối lại
cho các tổ, các tổ sẽ phân đều cho các tổ viên và sau đó mạnh ai nấy
kiếm một chỗ ngồi ăn. Có anh cầm ca cơm ra một gốc cây ngồi nhai, có anh
về chỗ ngủ nằm nhai, cũng có từng nhóm hai ba người ngồi ăn với nhau
nơi một góc hè... Khi xuống tới bếp, Vĩnh đứng quan sát tổ chức của bếp.
Ở đây cũng khác Trảng Lớn. Tổ nấu bếp là một tổ thường trực do chính
đội trưởng bổ nhậm. Một khi đội trưởng quyền uy như ở đây, tổ anh nuôi
nghiễm nhiên biến thành những ông vua con. Họ chia gì lấy đó. Kêu ca bị
chụp mũ... phản động như chơi.
Đội B2 gồm năm mươi hai người nhận một máng cơm gồm mười thau và
hai phần lẻ. Thau cơm ở đây chỉ bằng hai phần ba thau ở Trảng Lớn. Nhìn
qua "chất lượng" đã đói trông thấy. Mỗi B còn được phát một thau rau
muống già cỗi và một đĩa nước muối pha nước màu giả làm nước mắm. Phần
cơm rau sau khi được khênh về đội, được cân đo chia chác tỉ mĩ, mỗi
người được hơn một bát cơm độn khoai (Trại An Dưỡng khởi sự việc ăn
độn), ít cọng rau muống và hai thìa nước muối.
Vĩnh cầm phần cơm rau đựng trong một cái lon guigoz ra ngồi dưới
giàn mướp. Vừa nhẩn nha nhai, Vĩnh vừa ngó sang phía tòa nhà xây cao và
rộng như một cái hăng-ga. Phía sau tòa nhà ấy là những cánh đồng khoai
mì bát ngát.
Một giọng nói chợt cất lên bên cạnh Vĩnh.
- Ở đây mọi thứ trông đều có vẻ khoa học hiện đại tiên tiến, chỉ trừ việc ăn là lạc hậu!
Vĩnh ngoái lại. Hóa đang ngồi xuống cạnh anh với một nụ cười
thật tươi trên môi, tuy nhiên tươi hơn phải nói là cái lạp xưởng đỏ au
nướng cháy cạnh đang nằm trên một cái nắp guigoz của Hóa.
- Đâu vậy?
- Anh bạn cò cho.
- Tốt nhỉ!
Hóa ngồi xuống, cầm cái lạp xưởng lên xé đôi. Hắn bỏ một nửa vào lon cơm độn của Vĩnh.
- Tao vừa nghe đồn đợt quà thứ tư gửi lên Trảng Lớn cho mình đã tới. Tụi nó có lẽ sẽ chuyển tiếp nay mai.
Vĩnh ậm ừ với chút băn khoăn. Đến thẳng trại còn thất lạc,
chuyển tiếp kiểu này lấy gì làm bảo đảm! Kỳ quà tới đây nếu có, Vĩnh
biết chắc anh sẽ có khá nhiều thuốc tây vì đã nói rõ với gia đình trong
một lá thư trước khi rời Trảng Lớn.
Đang chậm rãi tận hưởng tí cơm độn khoai với nửa cái lạp xưởng
Hóa cho, Vĩnh giật bắn mình vì một bàn tay thô bạo chụp mất miếng lạp
xưởng của anh. Tiến đang đứng lù lù trước mặt, tay cầm lon cơm, tay cầm
miếng lạp xưởng giơ lên miệng như dọa sẽ nuốt hết và cười hềnh hệch.
1 | Bếp
mẹ bếp con: Dưới chế độ quân quản chiều về tù cải tạo chưa bị nhốt vào
phòng, do đó đa số đều chế những cái bếp nho nhỏ đặt ngoài sân dùng nấu
nướng mấy thứ rau cỏ kiếm được khi đi lao động trong ngày để ăn cho no
thêm. Bọn cai tù dùng từ ngữ bếp mẹ bếp con để phân biệt bếp nấu cơm cho
cả trại và những cái bếp "cá thể" như vừa nói. (còn tiếp) |
No comments:
Post a Comment