Hơn nửa tháng học chính trị đã sắp chấm dứt. Bài thứ 6 với nhan đề Chính
Sách Cải Tạo Toát Lên Tính Ưu Việt Của Đảng Ta đã bước vào giai đoạn
thu hoạch. Theo tin đồn, tất cả những tay “sừng sỏ” trong trại sẽ được
chỉ định lên phát biểu lần cuối trên hội trường trong chương trình gọi
là Sơ Kết Thành Quả 6 Bài với chủ đề Tại Sao Anh Chống Cộng, Qua Học Tập
Tư Tưởng Anh Biến Chuyển Ra Sao?… Ai sẽ bị lôi lên phát biểu? Chưa ai
biết được! Và cũng chẳng ai buồn nghĩ tới. Mùa Noel sắp đến đầu óc mọi
người không có chỗ trống cho những chuyện như vậy.
Chao ôi cuộc đời có nhiều cái nhảm, nhưng mất nước là điều nhảm nhất. Từng cọng cỏ lá rau, từng lâu đài dinh thự, từng ánh mắt bé thơ đến tiếng cười bô lão, từng thói quen cá biệt đến cổ tục lâu đời thốt nhiên tất cả trở thành một giấc mộng xa xôi! Nếu mọi việc vẫn bình thường, Vĩnh nghĩ, thì giờ đây hẳn anh cũng như mọi người ngoài chuyện nước chuyện non còn phải lăng xăng nhiều chuyện khác nữa để lo cho gia đình hưởng thêm một lễ Noel. Nào gửi thư gửi thiếp, biếu quà biếu cáp; từ họ nội sang họ ngoại, từ bạn xa đến bạn gần. Bây giờ và biết đến bao giờ còn được hưởng cái không khí đầm ấm ấy nữa!?
Đêm nay bọn Vĩnh chiếm một góc hội trường ngồi tán gẫu. Đặng Thế Tiến đem tới một lon than lớn hơn mọi bữa để khai thác tí hơi ấm của lửa. Hắn dùng một que củi nhỏ vừa khều vừa thổi cho than hồng lên. Cả bọn thay nhau hút mớ lá cà chua do Nguyễn Thành Đính đặc chế thành thuốc lào, được trộn chung với nhúm thuốc rê do Tiến đem lại. Mọi người ngồi kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện vui buồn của những mùa Noel về trước. Dĩ nhiên câu chuyện của Tiến có nhiều vị Noel hơn vì hắn sinh sống học hành ở Đà Lạt. Kể xong một câu chuyện ma Tiến ngước nhìn qua cửa sổ hội trường lên bầu trời thưa thớt sao. Hắn than thở.
– Mẹ Tự Do ơi sao mẹ lại ác nghiệt thế? Mẹ chẳng khác nào bà mẹ ghẻ chia đôi bầy con của mẹ thành những con Tấm con Cám…
Giọng Hóa chợt chen vào.
– Thôi đừng cải lương nữa mày ơi. Mày hãy kể chuyện “đánh rắm không thối không là lính” và “đái không mạnh không là lính” nghe sướng hơn. Triết lý vụn nghe mệt quá!
Đính không chịu.
– Nó than thở cũng có lý đấy chứ. Mẹ kiếp đều là một kiếp người mà nửa trái đất bên kia, nơi những xứ Anh Pháp Đức Mỹ con người đang chán chê cảnh phanh ngưu tể dương trên trái đất, và hè nhau đi chinh phục các hành tinh xa xôi. Nửa trái đất bên này có những người Ấn Độ suốt đời chỉ mong một tuần được tắm một lần vì hạn hán quanh năm, có những người Tàu suốt ngày làm trong xưởng len nhưng đến khi chết cũng chưa đạt được ý nguyện là có được một cái áo len. Và chúng ta nữa, Đính ngừng lại một thoáng như để suy nghĩ. Phải ví von như thế nào đây nhỉ?
Vĩnh cười.
– Tao giúp mày: Một loại chó không có đến cả… cứt chó mà ăn!
Mọi người phá lên cười khoái trá với câu ví von của Vĩnh.
Giọng Kim nhừa nhựa đề nghị.
– Lâu quá không nghe nhạc vàng, đề nghị ông Vĩnh hát chơi vài bài.
Tiến nói.
– Mẹ bố chúng nó, thế nào là nhạc vàng thế nào là nhạc đỏ nhỉ?
Hóa cười.
– Thì Cách mạng đã định nghĩa rồi. Nhạc vàng là sản phẩm của bọn nhạc sỹ nô lệ, sáng tác nhằm mục đích phục vụ cho giai cấp tư sản phản động mua vui đồng thời làm suy yếu đi ý chí tranh đấu của quần chúng. Nhạc vàng có từ thời Hán Sở tranh hùng hay Tam Quốc Chí gì đó…
Tiếng Đính.
– Lại phịa rồi!
– Thế chứ làm sao bây giờ? Đùng đùng chúng nó tràn vào phân ra nào là nhạc vàng nào là nhạc Cách mạng, nào là nhạc tiến bộ nào là nhạc phản động…
Kim có vẻ cáu.
– Các ông hay cãi nhau toàn chuyện gì đâu đâu. Tôi đề nghị mình hát với nhau khe khẽ vài bài cu cũ nghe chơi.
– Thì mày hát trước đi!
– Hát gì bây giờ?
– Vậy mà còn đề nghị hát với hò!
Vĩnh không muốn những câu nói ngang làm mất vui nhau. Anh lên tiếng.
– Thôi được, mấy ông vừa nghe vừa canh chừng chung quanh giùm tôi. Tôi sẽ hát cho mấy ông nghe một hai bài do tôi sáng tác. Nó không phải là nhạc vàng. Cũng không phải nhạc đỏ. Nó sẽ là nhạc…
– Màu tím hoa sim?
– Hơi nhạt! Nhưng sẽ là màu tím bầm. Chịu?
Giọng Tiến không tin tưởng lắm.
– Mày làm thơ ngâm thơ còn có lý, chứ nói thật tao nhợn Boléro và Tango Habanera lắm rồi!
Vĩnh không lý tới giọng châm chọc của Tiến. Lâu nay anh đã ngấm ngầm soạn nhạc. Anh nhỏ nhẹ nói với các bạn.
– Tôi chưa thể nói nhạc tôi thế nào. Cả nước đã có ai nghe bao giờ đâu. Nhưng các ông phải nhớ các ông là những người đầu tiên được nghe nhạc thằng này. Mai kia mốt nọ giả dụ tôi có chết rũ tù mà các ông thoát được, xin hãy cố nhớ lấy mà rao truyền giùm tôi. Linh hồn tôi chắc cũng ấm áp lắm…
Anh em thấy Vĩnh nói với giọng nghiêm trọng, im hết. VĨnh tiếp. Tôi quan niệm rằng ở tù không có nghĩa là tiêu phí đi một khoảng thời gian cuộc đời mà không thu lợi về cho mình được cái gì.
Tiến lại khẽ diễu.
– Có nghĩa là thằng Vĩnh đang tính chuyện “giấy bút tôi ai cướp đem đi, tôi sẽ dùng dao khắc thơ trên đá” đấy.
Hóa nổi cáu.
– Mẹ bố mày sao cứ phá ngang!
Vĩnh chen vào.
– Kệ nó. Bây giờ tôi hát. Ai muốn nghe thì nghe. Điều quan trọng là vừa nghe vừa để ý giùm tôi xem có thằng chó săn nào rình rập hay không.
Kim sôi nổi.
– Đồng ý. Này mấy ông vừa nghe vừa để ý giùm. Nằm connex cả đám thì buồn lắm.
Vĩnh không nói thêm lời nào nữa. Anh dậm chân xuống đất giữ nhịp và bắt đầu hát khẽ.
Đêm thế giới đang dồn một lần,
Trên đất nước tôi gọi Việt Nam…
Đính vội cắt ngang.
– Mày phải giới thiệu trước đi chứ. Mày hát nhạc gì. Noel? Hay Tết? Tựa đề là gì? Mày hát khơi khơi hơi thiếu nghiêm túc!
Vĩnh lại phải chiều bạn.
– Thôi được, tao giới thiệu vậy. Tao không soạn nhạc Noel. Nhạc ấy đã có nhiều anh tu xuất làm rồi. Tao cũng không soạn nhạc Tết vì Xuân Ca của Phạm Duy và Ly Rượu Mừng của Phạm Đình Chương đã đi vào nhạc sử. Tao soạn Tù Ca được không?
Cả đám yên lặng. Tiếng Hóa thì thầm.
– Hay đấy mày. Thực tế lắm…
Kim lên giọng nóng nảy.
– Chúng mày ý kiến nhiều quá. Để yên cho thằng chả hát đã. Phen lê tính sau.
Nhiều giọng chen vào.
– Đồng ý đồng ý…
Vĩnh lại bắt đầu phải có đôi lời phi lộ.
– Đây là bài Đêm Việt Nam. Bài này trích trong tập Rau Răm Ở Lại…
Giọng Tiến chen vào, nửa kinh ngạc, nửa nghi ngờ.
– Mày tính làm hàng loạt kia à? Rau Răm Ở Lại là cái gì?
Giọng Hóa đã thật sự cáu.
– Mẹ bố cái thằng Tiến này, sao mày ngu thế? Gió đưa bông cải về trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay mà mày cũng không biết nữa sao?
Vĩnh gạt đi.
– Đã hát cho nghe lại còn gây gỗ. Ông đi đái đi ngủ bây giờ.
Kim xuề xòa.
– Thôi thôi làm tiếp đi.
Vĩnh gật đầu.
– Vậy tôi hát các ông nghe bài mở màn chơi Bác và Đảng của tôi. Đồng ý?
Nói đoạn Vĩnh cất tiếng hát.
Đêm thế giới đang dồn một lần
Trên đất nước tôi gọi Việt Nam
Đêm bát ngát những khu trại giam
Đời thênh thang thu hẹp dần dần
Đêm em bé lên mười cùm gần
Anh chiến sỹ gốc Biệt Động Quân
Đêm thiếu nữ áo đơn tạm thu
Ngồi kề vai gái giang hồ lo
Đêm đấu tố và thủ tiêu
Đêm săn bắt cho đầy chỉ tiêu
Người chết nhanh
Người phát điên
Đêm cáo chung Tự Do Nhân Quyền
Đêm nhức buốt phang bằng chày vồ
Vang tiếng thét sau cùng: Tự Do!
Đêm có tiếng súng sau trại giam
Người tù binh chết bên bìa rừng
Đêm thế giới đang dồn một lần
Trên miếng đất đã thừa lầm than
Đêm trút xuống hố sâu diệt vong
Là Việt Nam nước tôi buồn tênh…
Mãi một lúc sau Vĩnh mới nhận được một lời tán thưởng thật khẽ của Tiến.
– Trời ơi sướng quá!
Tiến vừa nói xong anh em mới nhao nhao lên.
– Làm lại, làm lại đi!
– Trời ơi, quái chiêu!
– Thằng này không ngờ có quái chiêu!
Vĩnh vội khoa tay nói như đe dọa.
– Tụi mày không im mồm tao sẽ đi đái đi ngủ tức khắc.
Tất cả vội im lặng. Đính thì thào.
– Tao nghe sướng lắm Vĩnh ạ. Nhưng mày phải cẩn thận. Mẹ kiếp lạng quạng không bao giờ có ngày về đấy con ơi!
Nghe bạn dặn dò quả thực Vĩnh cũng rét. Anh nói vu vơ.
– Ở đây chỉ có trời, có đất và có tụi mày. Nếu ngày mai tao vào connex thì dĩ nhiên chỉ có một trong ba thứ tao vừa kể hại tao.
Giọng Hóa nóng nảy.
– Mẹ kiếp, thà mày gọi tụi tao là chó ăn cứt cho xong!
Vĩnh cười như để thay lời tạ lỗi. Anh nói nhanh.
– Thôi để tao hát cho tụi mày nghe thêm một bài nữa, chịu không?
Anh em đều nhao nhao.
– Hát lại bài Đêm Việt Nam cái đã! Tao muốn nghe đôi ba lần. Đêm nay chui vào mùng tao học cho nhớ luôn.
Vĩnh cười.
– À, cái đó mới nguy hiểm đấy cha nội. Cha nằm mơ cha hát rống lên thì có mà bỏ mẹ cả đám. Nói vậy chứ tụi mình còn ở với nhau dài dài. Sẽ thuộc hết. Bây giờ tao hát một bài nửa. Bài này nhan đề là Trại Biến Hình.
Nói đoạn Vĩnh tằng hắng lấy giọng. Sẵn sàng nghe phát đạn thứ hai bắn vào đầu Bác chưa? Vĩnh lên tiếng hỏi. Anh em hình như vẫn muốn nghe lại bài thứ nhất. Vĩnh lờ đi. Anh bắt đầu hát.
Đêm hôm qua
Có một người tuổi 30
Chợt thức giấc ngó quanh bạn bè
Nằm xếp lớp như đống củi khô
Chàng nằm nghe đất réo gọi
Thịt xương máu đã có mùi hôi
Chàng nằm nghe kiếp con người
Tựa hoa trái ung thối mà thôi
Một quyền uy điên cuồng
Một tội danh hoang đường
Thành vực sâu giữa hồn
Lồng lộng gió cuốn…
Đêm hôm qua
Có một người tuổi 30
Chợt thức giấc ngó quanh bạn bè
Nằm xếp lớp như đống củi khô
Chàng nằm nghe những nhân tài
Chợt thu bé trong những hạt cơm
Chàng nằm nghe giấc mộng người
Thèm miếng sắn hơn những mùa Xuân
Thời bình minh lay động
Thời hoàng hôn lan dần
Người hùng xưa khoanh tròn
Ngủ giấc rêu rong…
Ở nơi đây thế giới hẹp dần
Cho mây ngập ngừng chim cũng cùng đường
Nền văn minh đang đi vào hoàng hôn quên lãng
Ở nơi đây Chúa cũng ngậm ngùi
Khi xưa đặt người lên trên mọi loài
Lửa Sodome đã nghe chừng vừa bén đâu đây
Đêm hôm qua
Có một người tuổi 30
Chợt thức giấc ngó quanh bạn bè
Bật tiếng khóc không giống một ai
Chàng nằm nghe trên môi người
Vừa nhen nhúm tiếng nói lạ tai
Chàng nằm nghe trên thân người
Làn da mới ai đó vừa thay
Một vầng trăng chiếu vào
Một bầy hoang thú nằm
Chẳng còn ai thấy chàng
Ngoài mớ lông xanh…
Vĩnh hát xong câu hát cuối cùng là khoa tay nói ngay.
– No comment nghe chưa! Thằng nào có thuốc cho tao một điếu là đủ rồi.
Không một ai lưu tâm đến lời yêu cầu của Vĩnh. Trời bên ngoài càng về khuya càng lạnh. Nhưng không ai ta thán. Vĩnh ngước mắt nhìn bầu trời bên ngoài khung cửa rồi nhìn về phía cổng trại tối đen. Bỗng một tên vệ binh đeo súng đi tới đi lui. Vĩnh cảm thấy mình khó nói trong cái không khí im lặng của bạn bè. Anh lập lại. Cho tao một điếu thuốc bằng không tao về ngủ!
Giọng Hóa nổi lên.
– Đạp qua xác tao rồi mày mới được về ngủ.
Câu nói ấy như khơi mào cho một chuỗi lời bàn… Lý Phật Sơn sau đó. Thực lòng Vĩnh không muốn có cái cảnh này. Đây là một điều cực kỳ nguy hiểm. Ý anh chỉ muốn làm bạn bè đỡ căng thẳng với nửa tháng bị nhồi sọ vừa qua, đồng thời cũng tự làm cho cái nồi súp-de của mình được xả ra chút ít. Anh nói như năn nỉ.
– Tụi mày còn muốn tao hát cho nghe thì đừng phen lê nhiều quá. Tụi mày sẽ phạm tội vùi dập một… mầm non mới nhú.
Tiếng Đính lại thì thào.
– ĐM tao nghe sướng quá Vĩnh ơi!
Vĩnh cười giả lả.
– Thì đứa nào còn cho tao bi thuốc đi!
Lúc ấy Tiến mới sực nhớ ra. Nó nhìn quanh quất.
– Tao bỏ cả gói thuốc rê ra cho chúng mày hút mà, đâu rồi?
Sau cùng Vĩnh cũng hút được một hơi thuốc rê. Hút xong anh nói.
– Nếu tụi mày thấy việc tao làm hợp lý và đáng yểm trợ xin tụi mày cho tao ý kiến, nhưng sau này, chưa phải bây giờ.
Đính nhìn lên phía sân khấu tối đen, giọng mơ mộng.
– Ước gì cái sân khấu kia thuộc về mình, mày sẽ lên đó đứng hát cho mọi người nghe…
Vĩnh cười cắt giọng bạn, đùa.
– Xá gì cái chỗ này! Mày cứ tin đi, một ngày nào đó tao sẽ đứng trong nhà hát lớn Hà Nội hát cho chúng mày nghe. Như vậy mới hách chứ!
Tiến lúc này không châm chọc nữa. Nó cũng mơ mộng nhưng thực tế hơn.
– Vì một phép màu nào tụi mình thoát được đây chạy sang Mỹ, mày làm vài chương trình trên VOA hoặc BBC nhỉ. Cách mạng vất vả lắm chứ không chơi.
Vĩnh lại cười.
– Thì tao cũng mơ như vậy. Tuy nhiên nói rằng chúng nó vất vả cần phải xét lại. Tao cũng nghĩ mặt trận văn hóa quan trọng, nhưng với Cộng sản còn phải có cả súng bắn vỡ mặt nó ra mới xong chuyện.
Đính không chịu, nó phân tích.
– Mày nói vậy chứ tụi nó mới là bọn khiếp sợ những mũi tên văn hóa vào hạng bậc nhất. Bom trút lên đầu chưa chắc tụi nó đã sợ bằng một câu vè diễu cợt truyền khẩu trong dân gian. Tao chịu mày dùng nhạc chơi nó. Nhạc dễ lan truyền và thẩm thấu nhanh. Sách cũng quý nhưng không phải ở đâu cũng phổ biến được sách, và nó còn bị giới hạn nhiều mặt ở trình độ và môi trường độc giả, ấy là chưa nói ta đang phải sống dưới cái chế độ chó đẻ này.
Một ánh đèn pim chiếu phớt qua. Đính im bặt. Đôi ba tiếng chân chạy. Thêm đôi ba ánh đèn pin nữa. Cả đám thất kinh. Một giọng nói xa lạ cất lên ở phía hàng rào cuối hội trường: Đồng chí bọc cửa kia. Chúng nó ngồi trong đó từ 7 giờ tối…
Hóa cất giọng hốt hoảng báo động.
– Bỏ mẹ chạy đi! Chắc tụi nó theo dõi thấy mình ngồi đây bàn tán mấy tiếng đồng hồ nên lùng bắt mình đó!
Cả đám điếng hồn. Không ai bảo ai, mọi người đều phóng ra khỏi cửa chính hội trường và chạy tán loạn về phía các khối. Điếu đóm bỏ cả lại. Đính và Vĩnh cũng chạy về một hướng. Lẩn nhanh vào bóng tối dưới một hiên nhà, Đính thì thầm.
– Tao mất dép rồi.
Lúc ấy Vĩnh mới biết mình đã bỏ quên lại hội trường tấm chăn bao cát Đính cho. Cả hai rút về chỗ nằm. Vĩnh không còn thấy lạnh nhưng cũng nói.
– Tấm chăn mày cho tao bỏ quên lại rồi. Đêm nay chắc teo bu-di!
– Vậy qua nằm với tao, chịu chật một chút.
– Không được. Lão Chuân nghiến răng trèo trẹo bên tai có mà thức trắng đêm!
– Nếu vậy lấy thêm cái áo trấn thủ của tao mặc cho ấm.
Đính chui vào màn lục đưa cho Vĩnh cái áo trấn thủ may bằng bao cát của nó. Anh mặc vào người và chui vào chỗ nằm. Tiếng một người nào đó nói mớ vang lên: Miếng cháy ấy của tao! Miếng cháy ấy của tao!…
No comments:
Post a Comment